Vai trò Thánh Kinh trong giáo dục thiếu nhi
Thứ ba - 24/07/2012 10:54
Nội Quy Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam xác định:
Điều 3: CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ, đang tiếp tục cách kỳ diệu Mầu Nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh trong cuộc đời chúng ta, là Lý tưởng của Phong trào.
Điều 4: LỜI CHÚA trong Thánh Kinh là nền tảng và là chất liệu đặc biệt Phong trào dùng để giáo dục, thánh hóa và hướng dẫn giới trẻ trong hoạt động tông đồ cũng như xã hội.
Nhận Chúa Giêsu Thánh Thể là Lý Tưởng của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, nghĩa là mọi thành phần trong Phong trào đã chọn đích điểm để đạt tới chính là Chúa Giêsu Thánh Thể. Đạt tới Chúa Giêsu Thánh Thể ở mức hoàn hảo nhất là kết hợp, là nên một với Ngài trong sự Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và Làm Tông Đồ.
I. VAI TRÒ THÁNH KINH
Lời Chúa trong Thánh Kinh là Nền Tảng và là Chất Liệu Đặc Biệt…nghĩa là mọi thành phần trong Phong trào đã xác định con đường để theo nhằm đạt tới Chúa Giêsu Kitô, Lý Tưởng của Phong trào.
Con đường duy nhất dẫn tới Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa xác định trong ý định cứu rỗi của Ngài, và đã được Thiên Chúa cho diễn ra một các tiệm tiến ngay trong lịch sử nhân loại, lịch sử của một dân tộc, Dân Israel. Đó là Lịch Sử Cứu Độ.
Lịch Sử Cứu Độ bao gồm những Lời Thiên Chúa nói với con người ngang qua các tổ phụ, các ngôn sứ; Những việc Thiên Chúa làm cho con người và vì phần rỗi của con người, được truyền lại ngôn ngữ nhân loại và được chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, để chuẩn bị cho con người đón nhận Lời Sống Động của Thiên Chúa: Đức Giêsu Kitô. Đó là Thánh Kinh Cựu Ước. Thánh Kinh Cựu Ước trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai, con người là ai; đồng thời trình bày Thiên Chúa công bình, nhân hậu đối xử với loài người như thế nào…(HC.MK 15).
Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể “đã được sai đến với loài người”, “là Lời của Thiên Chúa” (Ga 3, 34) cùng với những việc Người làm, được ghi chép lại dưới sự Linh hứng của Chúa Thánh Thần vì phần rỗi của con người. Đó là Thánh Kinh Tân Ước. Qua bốn Phúc Âm, đã được các Thánh sử trung thành ghi lại những gì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, khi sống giữa loài người, đã làm và đã dạy vì phần rỗi đời đời của họ, cho tới ngày Người lên trời (Cv 1, 1-2). Các sách khác của Thánh Kinh Tân Ước là những lá thư và bút tích của các Tông Đồ hướng dẫn các tín hữu sống đạo, đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, theo ý định khôn ngoan của Thiên Chúa để:
- Chứng thực những gì đã được nói về Chúa Kitô,
- Trình bày giáo lý đích thực của Người ngày rõ ràng hơn,
- Rao truyền sức mạnh cứu độ của công trình thần linh của Chúa Kitô,
- và kể lại những bước đầu, sự phát triển kỳ diệu, cùng tiên báo sự kết thúc vinh hiển của Giáo Hội…. (HC.MK 20)
Thánh Kinh (46 cuốn Cựu Ước và 27 cuốn Tân Ước) là Lời Thiên Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, được Hội Thánh công nhận và truyền lại cho ta.
Lời Thiên Chúa Tạo thành vũ trụ (Ga 1,3) - Lời Thiên Chúa đã kéo Abraham ra đi để thành lập một dân tộc cho Chúa (St 12,2- 3) - Lời Thiên Chúa đã dẫn đưa và nuôi sống Dân trong sa mạc (Xh 4, 15-18) - Lời Thiên Chúa đã nuôi Dân trong suốt thời gian chờ đợi Đấng Cứu Thế, nhất là thời gian bị lưu đày và bách hại. (Dt 1,1-2)- Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc do Chúa Cha giao phó (Ga 5,36) - Lời Thiên Chúa đã, đang và sẽ mãi mãi ở cùng chúng ta, Lời ấy hướng dẫn và nuôi dưỡng Giáo Hội cho đến tận thế. (Mt 28, 20) - Lời Thiên Chúa phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người (Dt 4, 12) - Lời Thiên Chúa có khả năng gây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hóa (Cv 20, 32).
II. TRONG VIỆC GIÁO DỤC THIẾU NHI: - Ơn gọi của Kitô Hữu, của các em thiếu nhi và của chính chúng ta, là tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không thể tìm kiếm nơi nào khác ngoài Đức Giêsu Kitô
- Giả thiết rằng các Huynh Trưởng, Giáo Lý Viên là những người đã biết Chúa Kitô, nhiệm vụ chính yếu của chúng ta là giáo dục đức tin cho thiếu nhi. Chúng ta tin:
- Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa - Làm Người - đã chịu chết - đã sống lại - lên trời vinh hiển vì phần rỗi của loài người.
- Đức Giêsu Kitô, Đấng đã ban Thần Chân Lý là Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội để bảo đảm sự chân thật trong những điều Giáo Hội truyền đạt về Chúa Giêsu. - Muốn giúp các em yêu mến và sống kết hợp với Chúa Giêsu, cần chuẩn bị cho các em con đường học biết về Ngài (Vì không biết thì không mến!) bằng cách giúp các em làm quen và học Kinh Thánh một cách tiệm tiến. Nói khác đi, Thánh Kinh là đường dẫn tất cả chúng ta đến với Chúa Giêsu. Vai trò của Thánh Kinh trong việc giáo dục thiếu nhi là đây!.
- Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu. (Thánh Gieronimo). Như chúng ta đã biết, Thánh Kinh là một bộ sách gồm nhiều quyển, nhiều thể văn khác nhau, được diễn tả bằng ngôn ngữ và tâm thức của những người thuộc một nền văn hóa (cách nghĩ) cách xa chúng ta cả về không gian lẫn thời gian. Nên, hiểu Thánh Kinh đã khó, việc dạy Thánh Kinh cho các em còn khó khăn hơn.
- Huynh Trưởng, Giáo Lý Viên sẽ không dạy Thánh Kinh như những nhà chuyên môn nghiên cứu Thánh Kinh, bởi chính chúng ta không có khả năng ấy; và cũng không thể dạy các em theo cách ấy. Chúng ta sẽ dạy Thánh Kinh cho thiếu nhi bằng con tim, bằng lòng xác tín của mình, được thể hiện qua cách nhìn đời, cách phản ứng trong đời sống hơn bằng lý trí.
- Theo tinh thần Sách “Hướng Dẫn Đại Cương về Việc Dạy Giáo Lý” của Thánh Bộ Giáo Sĩ năm 1997, Trong tất cả các bài học Thánh Kinh, dù đã được tài liệu cắt nhỏ hoặc phân chia theo yêu cầu của khoa sư phạm, Huynh truởng hay Giáo Lý viên khi dạy, phải thông qua bài học đó, giúp các em hướng về Chúa Kitô. Những điều Giáo Lý muốn truyền đạt chính là Giáo Huấn Chúa Kitô, là Chân Lý mà Người thông truyền cho chúng ta. Chân Lý chính là Ngài. (xem Tài Liệu trên, trang 99) dẫn đưa họ đến trưởng thành, biết phán đoán sự việc trong ánh sáng đức tin.
- Về mặt tâm lý, để việc truyền đạt được sinh động, giúp các em vui học và dễ nhớ, khi dạy Thánh Kinh, Huynh Trưởng, Giáo Lý Viên có thể áp dụng Phương pháp khung cảnh Thánh Kinh của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Cụ thể là:
- Đối với Ấu Nhi: Tuổi mở ra những khả năng hoạt động rất quý báu. Dạy các em về Cuộc Đời Thơ Ấu của Chúa Giêsu với hoàn cảnh và những biến cố xảy đến với Ngài trong thời kỳ này; Giúp các em hiểu Chúa Giêsu càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan nhân đức… Đồng thời dạy các em sống theo gương Chúa Giêsu Thơ Ấu bằng những việc làm cụ thể trong đời sống hàng ngày trong gia đình, học đường, lớp Giáo Lý, Đoàn Thiếu Nhi… (Bé làm việc bé!)
- Đối với Thiếu Nhi: Dạy các em hiểu về Cuộc Đời Niên Thiếu (Ẩn Dật) của Chúa Giêsu với hoàn cảnh và biến cố xảy đến với Ngài trong thời kỳ này; Giúp các em hiểu Chúa Giêsu đã lớn lên và sống tuổi niên thiếu như thế nào. Dạy các em sống theo gương Chúa Giêsu Niên Thiếu bằng những việc làm cụ thể trong đời sống hằng ngày nơi gia đình, học đường, lớp Giáo Lý, đoàn Thiếu Nhi…sống lòng tín thác, xả kỷ, biết hợp tác vui tươi.
- Đối với Nghĩa Sĩ: Dạy các em về cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu với hoàn cảnh, những biến cố, nội dung sứ điệp và cách ứng xử của Ngài trên đường rao giảng; Giúp các em hiểu nội dung sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng; Dạy các em sống lời dạy của Chúa Giêsu, học cách vâng phục của Chúa Giêsu với Chúa Cha, tình thương của Chúa Giêsu đối với mọi người. Giáo dục tinh thần trách nhiệm trong Hội thánh, biết làm chứng cho đạo trong xã hội.
- Đối với ngành Hiệp sĩ: Thiên Chúa là tình yêu nguyên thủy và trọn vẹn. Bản chất tình yêu này là không giữ riêng một mình với Thiên Chúa mà Ngài muốn cho đi. Vì thế mục tiêu căn bản của cuộc sống con người là nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng hơn, cảm nghiệm tình yêu này sâu xa hơn và dấn thân phục vụ Ngài cách trung thành hơn theo gương mẫu Chú a Kitô.
Qua các dấu chỉ trong đời sống thường ngày con người được mời gọi để khám phá, nhận định, cộng tác và thể hiện ý Chúa muốn nơi chính mình. Nhờ đó con người có thể đáp trả và làm phát triển tình yêu mà Thiên Chúa hằng quan phòng qua thánh ý tốt lành của Ngài.
Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể đã chia sẻ chính sự sống mình để hòa giải và hiệp nhất con người nên một trong tình yêu Thiên Chúa. Do đó người Hiệp sĩ Thánh Thể được mời gọi theo chân Thầy mình để cộng tác dấn thân và dự phần vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
KẾT LUẬN:
Tóm lại Thánh Kinh là kho tàng chân lý mà Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể đã chọn và rút từ đó những chất liệu giáo dục để:
- Giáo dục thiếu nhi cả về phương diện siêu nhiên lẫn tự nhiên: Nhờ học Thánh Kinh, các em được trang bị những hành trang cần thiết để lớn lên và vào đời với đời sống sung mãn về đức tin, hoàn chỉnh về nhân bản; Nhờ việc học hỏi, tập sống Lời Chúa hằng ngày, các em có khả năng sẵn sàng ứng phó với cuộc đời nhiều cạm bẫy và cám dỗ.
- Nhờ hiệu quả của việc học hỏi và sống Lời Chúa, các em có khả năng chọn lựa các giá trị cuộc sống khi phải va chạm với xã hội ngày càng đa dạng và ngày càng bị tục hóa ngày nay.
- Nhờ học Thánh Kinh, đường dẫn tới Chúa Kitô, các em và cả chúng ta, không chỉ “biết Chúa” nhưng là tiếp cận, là đích thân đụng chạm tới Chúa, là tạo được mối tương quan riêng biệt, sống động giữa ta và Chúa bằng một “tần số” đặc biệt giữa Chúa và ta. Không ai có thể thay thế nhau trong mối tương quan này. (Ga 4,42)