Cách tổ chức thi đua - chiến dịch
Thứ ba - 24/07/2012 11:19
Thi đua và Chiến dịch là biện pháp hữu hiệu kích thích sự hứng thú, tinh thần hăng hái, giúp Trưởng và các em thực hiện những kế hoạch và chương trình của Đoàn, là biện pháp hữu hiệu giữ cho hoạt động của Đoàn được sinh động..
I. THI ĐUA:
1. Thi đua là gì?
Thi đua là cùng nhau đem hết nỗ lực, tài năng thực hiện công việc nào đó để đạt hiệu quả, thành tích cao nhất, xem ai giỏi hơn, ai nhanh hơn, ai mạnh hơn... có thể danh dự hay lợi ích cho cá nhân hoặc một đơn vị. VD: Tìm hiểu và viết hoặc vẽ về Giáng Sinh; chạy đua, kéo co, …
2. Mục đích thi đua trong Thiếu Nhi Thánh Thể
Đối với người tham dự, mục đích của họ là chiến thắng, thành tích, danh dự, giải thưởng, điều này hoàn toàn là tự nhiên.
Đối với người tổ chức thi đua: chiến thắng, phần thưởng hay thành tích chỉ là phương tiện mà ngang qua đó chúng ta nhắm tới một hay nhiều mục đích khác như:
- Giáo dục tinh thần đồng đội nơi các em.
- Giáo dục tinh thần thi đua lành mạnh.
- Rèn luyện ý chí vượt khó, tinh thần sáng tạo.
- Thực hiện một chương trình, kế hoạch chung cho Đoàn.
- Tạo bầu khí sinh hoạt linh động thay vì kéo dài sự đơn điệu, nhàm chán.
3. Tiến trình Tổ chức Thi đua
a. Phát động thi đua: Nêu rõ mục đích để tập trung sự chú ý của cá c em. Công bố cách thức thực hiện, thời điểm, quy luật. (Thể lệ thi đua: rõ ràng, hợp lý, công bằng)
b. Xác định nội dung: Cần tập trung vào một vài nội dung lớn. Cho các em học tập để hiểu rõ nội dung. Đã thi đua, phải sôi nổi, kích thích sự cố gắng. Tiên liệu sức chịu đựng của các em để ấn định thời gian. Dài quá, các em nản; ngắn quá các em chưa đạt tới đỉnh cao.
c. Lập Ban tổ chức Thi đua: Phân công mỗi người một việc. Kiểm soát, Theo dõi thi đua: Ghi nhận những chi tiết trong quá trình thi đua: những khó khăn, thái quá, bất cập cần chỉnh sửa sau này hoặc, nếu cần, phải chấn chỉnh ngay.
d. Kết thúc Thi đua – Công bố điểm thi đua, xếp hạ ng, khen thưởng: trang trọng, phấn khởi, công bằng.
e. Rút kinh nghiệm Thi đua – Ghi nhận kết quả.
4. Những điều cần lưu ý khi tổ chức Thi đua
- Chọn cơ hội và thời điểm: Hoàn cảnh thi đua thích hợp mới dễ thành công.
- Phát động Thi đua: Trang trọng, ấn tượng ngay từ buổi đầu mới gây được tinh thần hăng hái.
- Hướng dẫn các em thi đua tích cực nhưng thành thật. Chấm điểm công bằng để tránh gây tranh cãi, phân bì, dẫn tới mất đoàn kết.
- Ghi nhận kết quả: Sau đợt thi đua, nếu mỗi em trở nên năng động, tháo vát hơn; Tinh thần đồng đội gắn bó hơn; Các đội hiểu nhau và thân thiện nhau hơn; Tạo cho cả Đoàn một thay đổi tích cực. Đó là một đợt thi đua thành công. Ngược lại, là thất bại.
- Nên nhớ: Mục tiêu của các em là Thắng – Thua và giải thưởng. Còn mục tiêu của Trưởng tổ chức là: GIÁO DỤC.
- Thi đua thường được tổ chức trong khuôn khổ chiến dịch.
II. CHIẾN DỊCH
1. Chiến Dịch là gì?
Chiến dịch là cuộc thi đua mang qui mô lớn, trong thời gian dài nhất định (6 tháng hay 1 năm). Là sự huy động tối đa nỗ lực, phương tiện quyết tâm đạt được mục đích chung nào đó, đưa các hoạt động vào tình trạng tích cực nhất, cố gắng cao nhất, tạo được sự đổi mới đồng loạt.
2. Tiến trình Tổ chức Chiến dịch:
Chiến dịch thường được tổ chức để thực hiện một chương trình mục vụ hoặ c để cổ vũ cho chương trình này. Dù dưới hình thức nào, cũng cần có một tiến trình thực hiện:
a. Xác định nhu cầu, đây chính là đề tài chiến dịch.
b. Xác định phương cách và thời gian chiến dịch.
c. Gây ý thức về mục đích chiến dịch.
d. Lập ban tổ chức và phát động chiến dịch.
e. Thực hiện chiến dịch, xác định những việc phải làm.
f. Theo dõi, kiểm soát, đôn đốc, hỗ trợ, điều chỉnh.
g. Kết thúc chiến dịch (công bố điểm, xếp hạng thành tích, khen thưởng nếu là chiến dịch thi đua).
h. Rút kinh nghiệm, ghi nhận kết quả.
3. Những điều cần lưu ý khi tổ chức Chiến Dịch
Thi đua được tổ chức dưới hình thức chiến dịch gọi là chiến dịch thi đua. Thí dụ như chiến dịch chấn chỉnh sinh hoạt Đoàn, trong đó quí một thi đua về kỷ luật, nghiêm tập; quí hai thi đua thực hiện hoa thiêng nhất là siêng năng tham dự Thánh lễ; quí ba thi đua đóng góp lập Đoàn Quán, Thư Viện Đoàn; quí bốn thi đua về các bài ca sinh hoạt.
Cần nhắc nhở, khích lệ động viên hằng tuần. Có thể nêu những điển hình để các em bắt chước.
III.ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC THÀNH CÔNG THI ĐUA, CHIẾN DỊCH
1. Phải tìm thấy nhu cầu thực sự chính đáng, thực tế.
2. Kế hoạch phải khả thi.
3. Mọi người am hiểu và đồng tình tham gia.
4. Tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ của phụ huynh và những người liên quan.
5. Biết cách đưa chiến dịch lên cao điểm, rồi từ từ thư giãn.
6. Sau mỗi chiến dịch cần có thời gian thư giãn, không nên tổ chức chiến dịch liên tục (Liên tục thì không còn là chiến dịch nữa)
7. Sự thành công không chỉ tuỳ thuộc vào phương pháp, nhưng còn tuỳ thuộc vào nghệ thuật của người tổ chức. Nghệ thuật không hoàn toàn bẩm sinh, cũng không do may mắn, nhưng thu được bằng kinh nghiệm, và nỗ lực suy tư, thường là đắt giá vì “ai nên khôn không khốn một lần”!