Soạn Giáo Án Một Bài Giáo Lý

Thứ ba - 03/07/2012 12:46

 I. Chuẩn Bị:

Trước khi bắt tay vào việc soạn giáo án cho một bài dạy Giáo Lý, mỗi Giáo Lý Viên cần lưu ý đặc biệt đến 3 điểm quan trọng sau đây:
a. Phải nắm vững toàn bộ chương trình của niên khóa Giáo Lý của lớp mình đảm nhận, và cả toàn bộ Chương Trình Huấn Giáo chung cho lớp trước và lớp sau của lớp mình sắp dạy, từ đó mới có thể có cái nhìn bao quát, hệ thống liền lạc ăn khớp với nhau về các nội dung mình cần chuyển tải đến các em.
b. Phải suy gẫm và sống Lời Chúa mà mình sẽ chuyển cho các em trong từng bài dạy, đọc kỹ và tìm hiểu sâu xa chính bản văn Lời Chúa trong từng bài, rồi đối chiếu soát xét lại đời sống chính bản thân mình.
c. Phải quan tâm đến đời sống và sinh hoạt của các em trong tuần lễ vừa qua, xem có sự kiện hay biến cố nào đó có ảnh hưởng sâu xa có thể giúp mình đưa vào bài soạn như một chứng từ sống động, có tính thuyết phục đối với độ tuổi Tâm Lý và Giáo Lý của các em.

II. Phương Pháp:

Trong các đợt bồi dưỡng hằng năm về phương pháp sư phạm Giáo Lý, các Giáo Lý Viên cần được Cha Sở hoặc người phụ trách Ban Giáo Lý hướng dẫn cặn kẽ các mặt liên quan đến việc soạn giáo án một bài Giáo Lý. Trước hết, Giáo Lý Viên cần phải xác định được ngay từ đầu 8 điểm quan trọng dưới đây của một bài Giáo Lý:
1. Chủ đề chung của bài: Mỗi năm học Giáo Lý đều có một chủ đề chung duy nhất, thâu tóm toàn bộ nội dung các phần, các bài sẽ được dạy. Chủ đề chung này sẽ được ghép vào với từng chủ đề riêng. Ví dụ: Lớp Một chương trình Giáo Lý của Giáo Phận Sài-gòn có chủ đề chung là: “Chúa yêu con” diễn tả chiều kích tình yêu từ phía Thiên Chúa đến với con người.
2. Chủ đề riêng của bài: Sẽ có từng loạt nhiều bài nằm trong một chủ đề riêng được khai triển từ một chủ đề chung của năm học Giáo Lý. Như ở ví dụ vừa nêu, chủ đề chung “Chúa yêu con” có tất cả 3 chủ đề riêng như sau:
Phần 1: Chúa yêu con, cho con mọi sự
Phần 2: Chúa yêu con, cho con biết Chúa
Phần 3: Chúa yêu con, đến ở với con.
3. Ðề tài riêng của bài: Ðề tài cũng chính là tên của từng bài, là nội dung bài muốn đề cập đến. Có thể nói đề tài của bài là bản toát yếu cô đọng nhất của bài. Từ một chủ đề riêng, các đề tài được triển khai, quảng diễn thành nhiều bài, để từ đó dễ dàng giúp các em từng bước nắm được từng ý lực, từng chủ đề riêng có liên quan chặt chẽ với nhau trong một năm học. Như ở ví dụ đề cập trên đây, Chủ đề phần 1 là: “Chúa yêu con, cho con mọi sự” chính là chủ đề riêng của 4 bài:
Bài 01: Chim trời, cá biển hãy chúc tụng Thiên Chúa.
Bài 02: Mặt trời, mặt trăng hãy ca ngợi Thiên Chúa.
Bài 03: Thiên Chúa cho chúng ta tất cả, vì Người là Cha ta.
Bài 04: Chúa dựng nên chúng ta giống Chúa.
4. Khởi điểm của từng bài: Chúng ta có thể thấy ngay khởi điểm của mỗi bài nằm ở ngay trong đề tài cũng là tựa đề, tên gọi của bài. Từ khởi điểm này, Giáo Lý Viên sẽ bắt đầu câu chuyện với các em. Ðối với các độ tuổi thiếu nhi, bài giảng áp dụng phương pháp quy nạp, nên Giáo Lý Viên sẽ có khởi điểm là những chuyện, những sự vật gần gũi quen thuộc mà các em tiếp xúc và thấy thường ngày chung quanh mình. Với ví dụ nêu trên, khởi điểm của bài 01 chính là chuyện con chim trên trời, con cá dưới biển…
5. Ðích điểm của bài: Rõ ràng mục tiêu của bài Giáo Lý ở đây không giống như ở trường Phổ Thông, chúng ta không nhắm cung cấp cho các em kiến thức khoa học thường thức, chúng ta chỉ mượn chuyện con chim, con cá để dẫn các em đến với đích điểm là nhận ra Thiên Chúa chính là Ðấng đã tạo dựng nên con chim, con cá và trao tặng cho con người, cho các em được hưởng dùng.
6. Xác tín của bài: Từ đích điểm đã đạt được sau khi diễn giảng cho các em, Giáo Lý Viên sẽ dẫn các em tới một xác tín quan trọng. Tắt một lời, bao giờ đích điểm của bài Giáo Lý cũng là tuyên xưng một chân lý về Thiên Chúa. Tất cả mọi đích điểm của mọi bài Giáo Lý đều đã được cô đọng trong Kinh Tin Kính. Ví dụ: Thiên Chúa là Ðấng Tạo Dựng nên mọi sự; Thiên Chúa là Ðấng Quan Phòng; Thiên Chúa là Tình Yêu; Ðức Giê-su là Con Một của Thiên Chúa Cha, là Ðấng Cứu Ðộ…
7. Tâm tình của bài: Từ xác tín vào Thiên Chúa, Giáo Lý Viên lại đưa dẫn các em vào tâm tình chính yếu của bài như một thái độ đáp trả xứng đáng của bản thân các em với Thiên Chúa. Tâm tình này sẽ được Giáo Lý Viên lồng vào phút cầu nguyện đỉnh cao trong bởi dạy Giáo Lý. Có thể đó là một lời tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng cho em, đã tạo dựng nên chính em, cũng có thể đó là lời tôn vinh chúc tụng quyền năng của Thiên Chúa…
8. Thực hành của bài: Giáo Lý Viên dặn dò các em những việc, những điều thực hành cụ thể nho nhỏ và vừa tầm trong cuộc sống của các em được rút ra từ kết luận của bài. Ví dụ: Em sẽ vâng lời ông bà cha mẹ, các thầy cô; Em sẽ sống dễ thương nhân ái với bạn bè; Em sẽ không nói tục chửi thề hay đánh nhau; Em sẽ tôn trọng thiên nhiên và môi trường bằng cách không bẻ cành vặt hoa hay xả rác bừa bãi…
Trong 8 điểm mấu chốt quan trọng vừa nêu, các mục Chủ Ðề và Ðề Tài chỉ cần xác định một lần ngay từ đầu năm học Giáo Lý, riêng các mục Khởi Ðiểm, Ðích Ðiểm, Xác Tín, Tâm Tình và Thực Hành sẽ được trình bày trong trang giáo án như một cái khung của từng bài dạy, cứ lần lượt theo đó để đặt ra các câu hỏi cho các em khi diễn giảng.

III. Dặn Dò:

Mỗi Giáo Lý Viên phải soạn bài đầy đủ: cho dù đã có sẵn thủ bản hay giáo trình Giáo Lý trong tay. Dứt khoát không nên lấy sách bổn ra đọc, cắt nghĩa, và bắt các em chép vào tập để học thuộc lòng. Bài soạn phải trình bày rõ ràng, chu đáo trong sổ giáo án.
- Nên tự lượng giá sau buổi dạy: Sau khi đứng lớp, nên có bước tự lượng giá, ghi chú thêm vào cuối phần bài soạn của mình những sáng kiến tự phát của mình đã có trong lúc giảng, cũng như những phản ứng tinh tế từ phía các em ( uể oải, chán ngán, khó hiểu, hoặc hăng hái, hứng khởi, mau tiếp thu, đặt ra nhiều thắc mắc chính đáng, đưa ra được những nhận xét độc đáo… ) để buổi dạy sau và năm học sau có thể tham khảo, canh tân, gia giảm.
- Cần giới thiệu các giáo án mẫu mực: Thỉnh thoảng Cha Sở hoặc người phụ trách Ban Giáo Lý có thể kiểm tra, góp ý, giới thiệu những sổ giáo án đạt hiệu quả mẫu mực cho toàn Ban Giáo Lý cùng nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Những anh chị em Giáo Lý Viên kỳ cựu, vì lý do nào đó phải nghỉ dạy, có thể gửi lại các sổ giáo án các năm đã dạy để lưu trong tủ sách tham khảo chung của Ban Giáo Lý.
- Nên soạn bài chung: Có thể tổ chức soạn bài chung trong một nhóm Giáo Lý Viên cùng phụ trách một cấp lớp như: khối Khai Tâm, Thánh Thể, Thêm Sức, Tuyên Tín (quen gọi lâu nay là Bao Ðồng), Vào Ðời…

IV. Ðề Nghị:

Diễn tiến một buổi họp soạn bài chung mang tính năng động trong mỗi khối Giáo Lý được đề nghị như sau:
- Mỗi nhóm Giáo Lý Viên cùng cấp, cùng khối sẽ tự hình thành theo các phương pháp Nhóm Ong (Buzz-Group) hoặc Hoạt Ðộng Xưởng (Système d’Atelier). Trưởng Nhóm là một Linh Hoạt Viên sẽ đọc đề tài và nội dung cần soạn, mỗi người trong Nhóm suy nghĩ và cầu nguyện riêng trong khoảng 5 – 10 phút, ghi vào sổ tay những điểm bản thân vừa được soi sáng để sẵn sàng đóng góp cho mọi người.
- Lần lượt từng Giáo Lý Viên trình bày ý kiến, một người làm thư ký ghi nhận, tất cả mọi người chưa vội bàn cãi tranh luận hay quyết định chọn lựa một ý kiến nào ngay. Có thể dùng các phương pháp Lập Phiếu (Fichier) và Ðộng Não (Brain Storming) để tiến hành thu nhặt ý kiến nhanh và đầy đủ các chi tiết liên quan đến bài Giáo Lý.
- Trưởng Nhóm dựa vào ý chính của bài Giáo Lý (có thể dựa vào một giáo trình gốc, một tài liệu thủ bản Giáo Lý chuần xác nào đó), theo trình tự các mục Khởi Ðiểm, Ðích Ðiểm, Xác tín, Tâm Tình và Thực Hành của giáo án đòi hỏi mà chọn ra và đúc kết những nét quan trọng cốt yếu mà mọi người đều cùng đồng ý. Tất cả cùng ghi nhận vào sổ giáo án của mình.
- Cả Nhóm lại cùng nhau tìm chọn thái độ tâm linh, tức là những tâm tình sống cho các em, chọn đoạn Lời Chúa thích hợp, tìm các kinh nghiệm sống có thể giúp các em hiểu bài và nhớ bài, đề nghị các tài liệu nghe – nhìn (nếu có và nếu cần), các bài hát và câu truyện minh họa, các trò chơi sinh hoạt ứng với bài Giáo Lý đang soạn.
Hiệu quả từ một công việc làm chung theo Nhóm bao giờ cũng cao hơn việc làm đơn độc. Nội dung của bài Giáo Lý trong cùng một cấp, một khối được bảo đảm đồng nhất, chính xác mà vẫn phát huy được tính đa dạng phong phú của mỗi cá nhân khi giảng dạy thật sự. Hơn nữa tình thân của các Giáo Lý Viên trong một Khối cũng nhờ đó mà càng trở nên gắn bó, làm cho sự đoàn kết trong Ban Giáo Lý thêm bền vững.
Dẫu sao, các phương pháp năng động Nhóm có hiệu quả đến đâu, vẫn cần luôn nhớ: Hãy dành chỗ cho Chúa Thánh Thần tác động.
 
Lm. Lê Quang Uy, DCCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây