Phương Pháp lập phiếu

Thứ ba - 03/07/2012 12:51

I. DẪN NHẬP:

Người ta thường quen cho rằng các tờ phiếu chỉ dùng cho công việc hệ thống lưu trữ kiến thức. Nhưng trong thực tế, phiếu được ứng dụng trong rất nhiều lãnh vực cá nhân lẫn tập thể mà người ta lại không ngờ. Các tờ phiếu đem lại một sự tiện lợi, nhanh chóng, gọn gàng, kín đáo cho cá nhân, đồng thời lại có hiệu quả rộng và cùng lúc nơi tập thể. Do vậy, có thể coi đây là một trong các phương pháp năng động.

II. PHÂN LOẠI:

1.   NĂNG ĐỘNG CÁ NHÂN:

Các loại gồm có: phiếu tủ sách, phiếu tóm lược tác phẩm, phiếu lưu trữ kiến thức, phiếu ghi chép học hỏi, phiếu ghi nhớ công việc, phiếu dàn bài thuyết trình, phiếu thời khóa biểu...

2.   NĂNG ĐỘNG TẬP THỂ:

Các loại như: phiếu bầu cử biểu quyết, phiếu đo lường xã hội, phiếu thu nhặt giải pháp, phiếu chia sẻ thảo luận, phiếu điều động phân công, phiếu thông tin liên lạc và các dạng phiếu trò chơi sinh hoạt... Nhìn chung, ở cả hai mặt ứng dụng vừa nêu, Phương Pháp Lập Phiếu đều đạt được hiệu quả năng động trong công thức:

                                                                                                DỮ LIỆU THU NHẬN
HIỆU QUẢ NĂNG ĐỘNG  =  HỆ SỐ NĂNG ĐỘNG x   
                                                                                                THỜI GIAN SỬ DỤNG

Thời gian sử dụng càng nhanh và ngắn, các dữ kiện thu nhận càng nhiều, hiệu quả năng động càng cao. Ngoài ra, tất cả còn phụ thuộc vào hệ số năng động do cách tiến hành linh hoạt và hấp dẫn của người sử dụng cũng như tinh thần hưởng ứng của tập thể ( nếu là năng động tập thể – dynamique de groupe ).

III. ĐỊNH NGHĨA:

Nếu chú ý đến mục đích năng động tập thể, Phương Pháp Lập Phiếu sẽ được hiểu là phương pháp:
q     Dùng các tờ phiếu nhỏ ( fiches ) có kích thước như nhau, có mầu khác nhau nếu cần hệ thống từng mảng vấn đề, có đánh ký hiệu thứ tự nếu cần phải triển khai trước sau,
q     Triển khai để mời gọi tập thể ghi nhận hoặc thiết lập các dữ kiện đóng góp của mỗi thành viên, hoặc để điều động một việc chung,
q     Tất cả diễn ra trong một thời gian tối thiểu, tùy theo tính chất của công việc đòi hỏi.
q     Cũng đừng quên: để có được hiệu quả năng động cao nhất, cần phải tạo được bầu khí sinh động, như thể đang tổ chức một cuộc chơi đầy hứng thú, trong đó mọi người đều tích cực cộng tác với nhau. Do vậy người điều động ở đây còn được coi là một Linh Hoạt Viên.

IV. ỨNG DỤNG:

1. PHIẾU THU NHẶT GIẢI PHÁP:

Mở đầu một cuộc họp hoặc một buổi thuyết trình, linh hoạt viên nêu lên vấn đề, phát phiếu rồi đề nghị mọi người động não tìm ra các nhu cầu, hoặc các ý kiến, các giải pháp, các dữ kiện liên quan đến vấn đề, ghi vào phiếu của mình trong 3 phút. Các ví dụ: Theo bạn, đức tính nào cần nhất cho một giáo lý viên ? Bạn dự kiến Nhóm nên làm gì trong thời gian tới ? Chuyến Trại Bay sắp tới của Toán Tráng nên mang theo những gì ? Bạn hãy đặt cho tên câu truyện vừa nghe một tựa đề có 5 chữ; Bạn hãy viết nốt phần kết còn bỏ lửng của câu truyện; Bạn hãy xếp thứ tự 5 nhân vật đáng ghét nhất trong câu truyện... Sau đó, thu lại, tổng hợp nhanh tại chỗ và công bố ngay. Với kết quả, có thể cho bàn bạc, tranh luận để làm sáng tỏ thêm vấn đề.

2. PHIẾU CHIA SẺ THẢO LUẬN:

Chuẩn bị trước các vấn đề cắt nhỏ từ chủ đề buổi chia sẻ, sao cho ứng với số người dự, ghi vào từng tờ phiếu có đánh số thứ tự và quy định số phút để chia sẻ. Mời mọi người rút phiếu theo ngẫu nhiên. Sau ít phút suy nghĩ, lần lượt mỗi người từ phiếu số 1 sẽ chia sẻ ý tưởng của mình cho đến hết.
Lưu ý: Để bầu khí được sinh động, rải rác một số phiếu đề nghị người nhận được hãy chọn một bài hát chung hợp chủ đề, một trò chơi nhẹ có ý nghĩa... Phiếu áp chót đề nghị hãy ghi nhận và đúc kết chung. Phiếu cuối cùng dùng để lượng giá buổi họp mặt hoặc dâng lời cầu nguyện kết thúc. Như vậy, ai cũng thấy tự tin mà đóng góp phần mình thật thoải mái cho thành quả chung. Cách này chỉ nên dùng cho một Nhóm khoảng 20 người. Nếu đông hơn, nên chia thành các Đội, các Toán và tiến hành theo Phương Pháp Nhóm Ong ( Buzz-Group ).

3. PHIẾU ĐO LƯỜNG XÃ HỘI:

Với một Nhóm đang có vấn đề khủng hoảng về nhân sự làm việc, hoặc mới bầu lại Ban Điều Hòa, đang cần mời gọi cộng tác, có thể phát phiếu cho toàn Nhóm, đề nghị mỗi người kín đáo ghi tên một đối tượng. Các ví dụ: Nhận một việc quan trọng, bạn sẽ mời ai cộng tác ? Trong Nhóm, bạn dễ dàng tâm sự và hỏi ý kiến ai ? Góp lại, tổng hợp và vẽ thành một Xã Hội Đồ ( Sociogramme ) của Nhóm. Lưu ý: Dùng xong nên hủy tất cả để giữ cẩn mật.

4. PHIẾU ĐIỀU ĐỘNG PHÂN CÔNG:

Trước một chuyến thám du, một kỳ trại, pique-nique hay phục vụ từ thiện, ban tổ chức có thể lên kế hoạch phân công chi tiết, đồng đều, chính xác, ngắn gọn vào từng tờ phiếu, bỏ trong một bao thư theo kiểu “cẩm nang”. Các mặt chính cần ghi như: nội dung thực hiện, thời gian, thời điểm, địa điểm, dấu hiệu nhận diện, hành trang, dụng cụ... Sau đó, họp toàn Đoàn, trao tận tay từng người tùy theo khả năng hoặc có thể cho bốc thăm, mọi người cứ thế mà tiến hành công việc theo phần vụ vừa được nhận.

5. PHIẾU THÔNG TIN LIÊN LẠC:

Khi Nhóm có việc đột xuất cần báo cho nhau gấp như: tang ma, tai nạn, ốm đau hoặc một cuộc họp nhanh, một Trại Bay..., Trưởng Nhóm phác họa kế hoạch và phân tuyến để giao cho một vài bạn đi thông tin. Mỗi tờ phiếu ghi rõ nội dung tin kèm theo danh sách người nhận tin, người truyền tin tiếp. Cứ thế, theo nguyên tắc dây chuyền, bản tin sẽ được phổ biến rất nhanh và chính xác đến mọi người trong Nhóm.

6. PHIẾU SINH HOẠT TRÒ CHƠI:

Phiếu được dùng trong rất nhiều trò chơi nhẹ trong nhà ( in door ) hoặc ngoài trời ( out door ) cho khoảng 15 tới 20 người. Ví dụ: Mỗi người góp 5 chữ để hoàn tất một lá thư tình; Bên nếu bên thì; Mô tả chân dung hoa hậu... Với các trò chơi lớn, phiếu dùng làm mật thư cho các Toán và làm cẩm nang hướng dẫn người đứng trạm. Trong trò chơi làm Báo Chạy ( Press Express ), Pa-nô Chạy ( Panneaux Express ), phiếu sẽ hướng dẫn chi tiết về chủ đề và bố cục, phân công cho từng người để kịp hoàn tất trong thời gian kỷ lục.

7. PHIẾU NHÀN RỖI TẠI TRẠI:

Trưởng Trực của một Trại Huấn Luyện gửi cho mỗi trại sinh một tờ phiếu, đề nghị tận dụng những giây phút rảnh rỗi để làm một số việc vui và ý nghĩa, sau đó xin xác nhận của từng Trưởng chuyên trách. Ví dụ: Làm bảng mẫu 5 nút dây; Vẽ lại ngôi chùa gần đất trại; Sưu tầm 5 loại lá, 5 loại đá; Ghi vào sổ tay tên họ, tên rừng và địa chỉ của 5 trại sinh mình mới quen.

8. PHIẾU THIẾT LẬP SƠ ĐỒ:

Khi học hỏi một đề tài nhiều chi tiết hoặc khi họp phác họa một kế hoạch phức tạp theo phương pháp Praise, có thể chia Nhóm thành nhiều Đội, nhiều Toán để nghiên cứu từng mảng vấn đề. Mỗi Toán lại dùng Phương Pháp Động Não ( Brain Storming ) để chi tiết hóa vấn đề, ghi từng dữ kiện lên từng bộ phiếu cùng mầu. Họp chung, ráp các mảng phiếu trên bàn hoặc dán tạm trên bảng, vạch các đường dây tương quan thành sơ đồ, góp ý sửa đổi vị trí các tờ phiếu rồi biểu quyết đồng ý. Sau đó sao lại, lập thành chương trình Praise chính thức.

9. PHIẾU TỔ CHỨC CẦU NGUYỆN:

Bằng kinh nghiệm, chuẩn bị trước nhiều bộ phiếu cầu nguyện cho từng tình huống mà Nhóm thường đảm nhận như: Tĩnh tâm; Viếng xác; Giúp bệnh nhân hấp hối; Sinh nhật; Bổn Mạng; Họp mặt truyền thống... Bộ phiếu ghi rõ diễn tiến buổi cầu nguyện: Lời mở; Bài hát; Lời Chúa; Bài suy niệm; Các kinh, Các ý cầu nguyện... Đánh số thứ tự từng tờ phiếu, trao cho từng người phụ trách để cứ lần lượt đọc, xướng kinh, đệm đàn, chọn sách hát, bắt nhịp, dâng lời nguyện... Mỗi bộ ghi rõ ngoài bìa tình huống sử dụng để dễ chọn.

V. DẶN DÒ:

Mỗi Linh Hoạt Viên, Huynh trưởng luôn mang trong hành trang một xấp phiếu trắng và một số bút viết để sẵn sàng áp dụng Phương Pháp Lập Phiếu trong mọi tình huống cần thiết. Các tờ phiếu, bộ phiếu đã dùng nên lưu lại thành tư liệu, có thể dùng lại làm gợi ý cho dịp khác, nơi khác với các nhóm khác có trình độ tương đương.

VI. THỰC TẬP:

Xin đơn cử dưới đây như là ví dụ minh họa ứng dụng Phương Pháp Lập Phiếu trong thực tế năng động một Nhóm: Bộ 3 tờ phiếu cẩm nang dùng cho kỹ năng Kịch Hỏa Tốc với 3 Toán bạn trẻ khoảng từ 14 tới 22 tuổi, mỗi Toán khoảng 10 tới 15 bạn, sinh hoạt trong phòng hoặc ngoài trời, theo một chủ đề Giáo Lý sát với Kinh Thánh.

PHIẾU DIỄN KỊCH CHO TỔ 1

Tổ của các bạn có đúng 20 phút để họp bàn, phân vai, tập dượt và chuẩn bị diễn vở kịch ngắn trong 10 phút. Chủ đề vở kịch là “HÃY ĐẾN MÀ XEM”, dựa theo Tin Mừng Ga 1, 35 – 39. Hình dung thêm đoạn hai môn đệ đi theo Đức Giê-su và ở lại nhà của Người cho đến chiều, Chúa đã làm gì, đã nói gì và hai ông đã sống với Chúa thế nào ? Nên mở Kinh Thánh, đọc chung với nhau thật kỹ để không bỏ sót chi tiết quý giá nào.

Các vai chính, phụ chia ra như sau: Đức Giê-su; Ông Gio-an Tẩy Giả; Môn đệ Gio-an; Môn đệ An-rê; Đám đông đang nghe ông Gio-an Tẩy Giả giảng. Có thể thêm vai Đức Mẹ lúc đến nhà của Chúa. Các vai chỉ cần ứng biến, dùng các đồ có sẵn để hóa trang. Nếu hóa trang thành người hiện tại của thế kỷ 20 càng hay, càng gần gũi với đời sống hôm nay. Chúc các bạn thành công, đồng thời cảm nghiệm sâu xa về lời mời gọi “HÃY ĐẾN MÀ XEM” của Chúa đối với mỗi người.

PHIẾU DIỄN KỊCH CHO TỔ 2

Tổ của các bạn có đúng 20 phút để họp bàn, phân vai, tập dượt và chuẩn bị diễn một vở kịch trong 10 phút. Chủ đề vở kịch là “YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ”, dựa theo Tin Mừng Mt 25, 31 – 40. Cần phải tưởng tượng hình dung ra cảnh trước khi tới ngày phán xét và khen thưởng, những người đã yêu thương phục vụ những người nghèo khó và đau khổ như thế nào ( cho ăn, mời uống, chia áo... ). Không cần diễn phần sau đối với những kẻ bị Đức Vua phạt vì đã không giúp đỡ người nghèo. Nên mở Kinh Thánh, đọc chung với nhau thật kỹ, không bỏ sót chi tiết quý giá nào.

Các vai chính và phụ chia ra như sau: Đức Vua; Người đã cho kẻ đói được ăn; Người đã cho kẻ khát được uống; Người đã cho kẻ trần truồng được có áo mặc; Người đã chăm sóc kẻ đau yếu; Người đã thăm nuôi kẻ tù đầy... Các vai chỉ cần ứng biến, dùng các đồ có sẵn để hóa trang. Nếu hóa trang thành người hiện tại của thế kỷ 20 càng hay, càng gần gũi với đời sống hôm nay. Chúc các bạn thành công, đồng thời cảm nghiệm sâu xa về lời mời gọi “HÃY PHỤC VỤ THA NHÂN” của Chúa đối với mỗi người chúng ta.

PHIẾU DIỄN KỊCH CHO TỔ 3

Tổ của các bạn có đúng 20 phút để họp bàn, phân vai, tập dượt và chuẩn bị diễn một vở kịch trong 10 phút. Chủ đề vở kịch là “HÃY YÊU THƯƠNG NHAU”, dựa theo Tin Mừng Lc 10, 30 – 35. Cần diễn tả được sự khác biệt giữa thái độ thờ ơ của những người đạo đức giả và thái độ yêu thương quan tâm đối với tha nhân của người tốt lành, sống theo Lời Chúa dạy. Nên mở Kinh Thánh, đọc chung với nhau thật kỹ để không bỏ sót chi tiết quý giá nào.

Các vai chính, phụ chia ra như sau: Người bộ hành đi Giê-ri-khô; Bọn cướp; Thầy tư tế; Thầy Lê-vi; Người Sa-ma-ri tốt lành; Người chủ quán... Các vai chỉ cần ứng biến, dùng các đồ có sẵn để hóa trang. Nếu hóa trang thành người hiện tại của thế kỷ 20 càng hay, càng gần gũi với đời sống hôm nay. Chúc các bạn thành công, đồng thời cảm nghiệm sâu xa về lời mời gọi “HÃY YÊU THƯƠNG NHAU” của Chúa đối với mỗi người chúng ta.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây