MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ:
GIÁO DỤC HƯỚNG ĐẾN MỘT GIÁO HỘI TRƯỞNG THÀNH
Chuyện kể rằng có một nghệ sĩ bị bỏ lại ở một hoang đảo trong nhiều năm. Vật sở hữu đáng giá của cô là bức tượng mà cô đã mất nhiều năm tạo ra từ những miểng kim loại tìm được trên đảo. Trong quá trình làm bức tượng này, cô hiểu nhiều hơn về công việc điêu khắc, về bản thân cô và cách thức nghệ thuật diễn tả cái đẹp và chân lý. Dù rất hãnh diện về tác phẩm của mình, cô vẫn nhận ra rằng mình còn tiến xa hơn thế nữa – với tư cách là một nghệ sĩ cũng như một con người. Cô tin rằng tác phẩm nghệ thuật sắp tới của cô sẽ diễn tả sâu sắc hơn và thách thức cô tiến xa hơn trong công việc cũng như trong cuộc đời.
Vì thế, cô đi tìm nhiều miểng kim loại hơn nữa. Cô lùng sục khắp hòn đảo và chán nản khi không tìm ra được miểng kim loại nào nữa. Cô nhận ra rằng mình chỉ có thể diễn tả nhận thức mới, tư tưởng sáng tạo mới của mình bằng cách nấu chảy và đúc lại bức tượng.
Câu chuyện sẽ kết thúc thế nào? Có thể người nghệ sĩ không chịu được nỗi đau tháo gỡ công trình mà trong nhiều năm mình đã đầu tư quá nhiều công sức, sáng tạo và tưởng tượng. Nên chi cô tiếp tục mày mò sửa chữa bức tượng: thêm cái này, bớt cái kia. Cũng có thể cô sẽ ngắm bức tượng với lòng biết ơn về những nhận thức và hiểu biết mới, và sau một phút im lặng đầy ý nghĩa, cô châm lửa.
Câu chuyện một cách nào đó làm tôi nghĩ đến việc dạy giáo lý vào thời điểm này. Chúng ta đã có cả một cơ cấu tổ chức được kiến tạo và hình thành cách vất vả hằng năm, sáu mươi năm qua. Giống như một điêu khắc gia cộng đồng, mỗi người trong chúng ta đã thêm bớt hoặc cải tiến tòa nhà giáo dục tôn giáo như đã thể hiện tại các giáo xứ trong cả nước và trên khắp thế giới. Chúng ta đã học được nhiều điều trong quá trình đó. Trong khi hệ thống dạy giáo lý hiện nay có nhiều điều tốt, chúng ta vẫn nhận ra có những yếu tố không còn phù hợp với cơ cấu chung của việc dạy giáo lý hôm nay. Có những phần chúng ta chỉnh đi chỉnh lại hoài, nhưng chúng đã không diễn ra như chúng ta mong đợi. Có những yếu tố khác hầu như hoàn toàn không ăn khớp với công trình rộng lớn hơn.
Vậy thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta sẽ tiếp tục mày mò với bức tượng hiện nay – xem lại những điểm mạnh và điểm yếu của nó – hay chúng ta sẽ châm lửa để đúc một bức tượng mới? Tôi đề nghị nên định hướng lại cách dạy giáo lý để làm lại bức tượng mới. Để châm lửa cho một công trình mới, tôi đề nghị bắt đầu bằng cách khám phá việc rao giảng Tin Mừng (evangelization) như sứ vụ chính yếu của Giáo Hội. Một khám phá như thế có thể dẫn chúng ta đến một nhận thức mới về việc dạy giáo lý như điều thiết yếu cho đời sống của Giáo Hội, về tầm quan trọng của việc đào tạo đức tin thường xuyên và suốt đời, và về việc dạy giáo lý cho người trưởng thành như hình thức chính yếu của huấn giáo.
Dựa trên sự hiểu biết về Rao giảng Tin Mừng, tôi đề nghị chỉnh trang lại công trình dạy giáo lý để nó trở thành việc dạy giáo lý mang tính rao giảng Tin Mừng (evangelizing catechesis) trong giáo xứ, xét như một cộng đoàn học hỏi. Để đón nhận việc rao giảng Tin Mừng như trọng tâm của việc dạy giáo lý, các giáo xứ phải trở thành những cộng đoàn học hỏi, luôn mở ra và cổ võ việc đào sâu đức tin cũng như thường xuyên canh tân đức tin và các thực hành Kitô giáo để thích ứng với những dấu chỉ thời đại. Một khi các Kitô hữu được đào tạo trong đức tin, đến lượt mình, họ có thể trở thành những người rao giảng Tin Mừng. Trên bình diện tập thể, giáo xứ có thể trở nên cộng đoàn rao giảng Tin Mừng năng động, có khả năng cổ võ và làm phong phú đời sống đức tin của trẻ em và giới trẻ, đồng thời vươn tới những người ngoài cộng đoàn.
Để xem xét đề nghị này kỹ lưỡng hơn, trong chương này chúng ta cứu xét ba vấn đề: (1) Chúng ta phải làm gì để thực hiện việc đào tạo người trưởng thành trong bối cảnh rao giảng Tin Mừng? (2) Làm sao chúng ta có thể chuyển trọng tâm từ việc lập chương trình dạy giáo lý cho người trưởng thành sang việc hình thành một cộng đoàn học hỏi? (3) Chúng ta phải làm gì để áp dụng khái niệm rao giảng Tin Mừng và cộng đoàn học hỏi vào việc đào tạo đức tin cho người trưởng thành?
Đào tạo đức tin cho người trưởng thành trong bối cảnh rao giảng Tin Mừng
Tôi thiết nghĩ chúng ta nên nghiên cứu nghiêm túc hơn việc đào tạo đức tin cho người trưởng thành. Khi tôi nhìn việc này qua lăng kính của mô hình (paradigm) dạy giáo lý hiện thời, nghe như tôi đề nghị lập ra nhiều chương trình đào tạo đức tin cho người trưởng thành hơn nữa. Thực ra, đề nghị của tôi triệt để hơn nhiều. Để hiểu điều tôi đề nghị, chúng ta cần minh định rao giảng Tin Mừng là gì.
Lời mời gọi rao giảng Tin Mừng phản ánh một cam kết đã được đổi mới đối với mệnh lệnh quan trọng mà người môn đệ đã nghe và lãnh nhận khi phải đảm nhận vai trò và trách nhiệm mới sau khi Chúa phục sinh. Cũng như chúng ta, họ hiểu rằng mình đang sống trong thời gian quá độ giữa lần Đức Giêsu đến trong lịch sử và lần Ngài quang lâm để hoàn thành niềm hy vọng của cả nhân loại. Chính trong bối cảnh ấy, mà họ hiểu được việc loan báo Tin Mừng sau phục sinh ở cuối Tin Mừng Matthêu:
“Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được trao cho Thầy. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18-20).
Đây là trọng tâm của lời mời gọi rao giảng Tin Mừng mà tất cả chúng ta thừa hưởng qua bí tích Rửa tội.
Trong bài đầu tiên của tuyển tập này, Thomas Groome đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức về rao giảng Tin Mừng diễn ra trong những năm sau CĐ. Vaticanô II. Ông minh định cách thức mà cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát (HDTQ) nói về rao giảng Tin Mừng hoàn toàn khác với quan niệm cố hữu của người Công giáo về rao giảng Tin Mừng xét như là việc làm cho người ta theo đạo. Để vấn đề được sáng tỏ, cần nêu lên sự khác biệt giữa việc làm cho người ta theo đạo và việc rao giảng Tin Mừng.
Để làm cho người ta theo đạo, người tín hữu trước hết phải dạy cho người khác những điều phải tin. Để rao giảng Tin Mừng, người tín hữu diễn tả những điều mình tin trong mọi hoạt động thường ngày vốn làm nên cuộc sống của họ. Nếu phải nói, người tín hữu sẽ nói về những gì mình tin hơn là nói với người khác những gì phải tin. Những người không chia sẻ cùng một xác tín đức tin thường coi việc làm cho người khác theo đạo là một sự áp đặt. Một trong những dấu chỉ chắc chắn nhất của rao giảng Tin Mừng là người nghe cảm thấy như được giải thoát. Mục đích của việc đem người ta theo đạo là đem vào Giáo Hội những thành viên mới; mục đích của rao giảng Tin Mừng là đem Nước Thiên Chúa, đem Tin Mừng đến mọi tầng lớp nhân loại, và nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi và đổi mới nhân loại từ bên trong.
Một cách cơ bản, rao giảng Tin Mừng phải liên hệ đến cách giáo xứ sống và quyết định: cách dùng tiền bạc, phân phối thời gian và không gian, đáp ứng nhu cầu của mọi người trong cũng như ngoài cộng đoàn đức tin, giao tiếp với những cơ cấu xã hội vốn nâng đỡ hay làm suy yếu đời sống con người.
Biết rằng rao giảng Tin Mừng có liên quan đến việc chúng ta là ai và làm gì, nên chi tốt hơn chúng ta đừng nghĩ đến danh từ rao giảng Tin Mừng mà thôi (evangelization), nhưng cả tính từ mô tả việc rao giảng Tin Mừng (evangelizing). Khi dùng danh từrao giảng Tin Mừng, chúng ta bị cám dỗ coi đó như một trong các hoạt động mà giáo xứ thực hiện như dạy giáo lý, phụng vụ, chăm sóc mục vụ, hoặc xem nó như trách nhiệm của một ủy ban riêng biệt, tương tự như những ủy ban khác trong giáo xứ, chẳng hạn ủy ban xã hội, ủy ban học đường, ủy ban tài chánh. Việc sử dụng tính từ rao giảng Tin Mừng không những củng cố lời cam kết chúng ta là ai với tư cách là Giáo Hội, sứ vụ và căn tính của chúng ta, mà còn bén rễ sâu trong việc tham gia mọi hoạt động qua lăng kính của rao giảng Tin Mừng. Khẳng định chúng ta là một cộng đoàn rao giảng Tin Mừng có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm đem lời Chúa thấm nhuần mọi khía cạnh của đời sống con người. Rao giảng Tin Mừng đưa chúng ta vượt qua lãnh giới của giáo xứ và đòi hỏi chúng ta nhận thức rằng mọi hoạt động, tập thể cũng như cá nhân, phải có mục đích mở rộng Nước Thiên Chúa và triển nở công lý.
Chẳng hạn, khi nói đến chăm sóc mục vụ mang tính rao giảng Tin Mừng chúng ta nhớ đến các việc như thăm viếng người bệnh, săn sóc thân nhân của người quá cố hay neo đơn, khuyên bảo những người trầm cảm hay bối rối và làm các việc ấy với ý thức liên kết chặt chẽ đời sống con người với lời giải thoát của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta làm tất cả những việc này để rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và hành động và như vậy mở rộng Nước Chúa. Như thế chúng ta có thể nói đến tác vụ giới trẻ mang tính rao giảng Tin Mừng, phụng vụ mang tính rao giảng Tin Mừng và ngay cả ủy ban tài chánh cũng mang tính rao giảng Tin Mừng.
Chính trong ý hướng này, chúng ta nói đến việc dạy giáo lý mang tính rao giảng Tin Mừng và xác định giáo lý là một thời điểm của công cuộc rao giảng Tin Mừng, “một thời điểm chính yếu và đặc biệt” (HDTQ 63). Việc đặt huấn giáo vào trong công cuộc rao giảng Tin Mừng có liên hệ đến cách chúng ta nhận thức và tham gia hoạt động giáo lý.
Trước hết, nhận ra mối liên hệ căn bản giữa rao giảng Tin Mừng và việc dạy giáo lý có nghĩa là đưa việc giáo dục giáo lý vào tâm điểm của đời sống Giáo Hội và coi việc dạy giáo lý là thiết yếu để Giáo Hội có thể sống sứ vụ của mình.
Thứ hai, tương quan giữa việc dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng cũng làm sáng tỏ nhiệm vụ của việc dạy giáo lý. Tương quan này là một tương quan kép. Từ một góc nhìn, chúng ta có thể nói đến tương quan giữa rao giảng Tin Mừng và việc dạy giáo lý như là việc chuyển một người từ chỗ nghe Tin Mừng lần đầu tiên đến ước muốn trở về với Đức Giêsu Kitô, tham gia học giáo lý theo hướng khai tâm nhập đạo. Đó là động lực chính của những điều được trình bày trong cuốn HDTQ như giáo lý khai tâm hay chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa tội. Chuyển động từ rao giảng Tin Mừng đến giáo lý dẫn một người đến chỗ cam kết theo Đức Giê su Kitô và được đào tạo theo cách thức và giáo huấn của cộng đoàn Kitô giáo. Vì thế, điều chúng ta nhắm đến trong việc dạy giáo lý là sự hoán cải và trở thành môn đệ Đức Giêsu vốn kéo dài suốt đời và đòi hỏi được đào tạo cũng như biến đổi liên tục qua hình thức giáo lý thường xuyên.
Nhưng tương quan giữa rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý vượt trên việc khai tâm và tiếp nhận thành viên mới; việc dạy giáo lý ở giữa tiến trình mà nhờ đó người đã được rao giảng Tin Mừng trở thành người rao giảng Tin Mừng. Nhờ việc dạy giáo lý, giáo xứ được đào tạo và biến đổi thành cộng đoàn rao giảng Tin Mừng. Sự chuyển động lúc đó không đơn thuần là chuyển động từ rao giảng Tin Mừng đến giáo lý, nhưng cũng là chuyển động từ giáo lý đến rao giảng Tin Mừng.
Theo ý hướng đó, chúng ta có thể nói đến hệ quả thứ ba của việc nhìn giáo lý qua lăng kính rao giảng Tin Mừng: Nó cho thấy rõ chúng ta phải tập trung vào điểm nào trong hoạt động giáo lý. Có một cách thức trong đó lăng kính rao giảng Tin Mừng làm cho những phát biểu trong các tài liệu về việc dạy giáo lý từ HDTQ đầu tiên năm 1971 trở nên có ý nghĩa: “Giáo lý cho người trưởng thành, vì liên hệ đến những người có khả năng gắn bó với tinh thần trách nhiệm cao, phải được coi là hình thức giáo lý chính yếu. Tất cả những hình thức giáo lý khác, tuy luôn cần thiết, nhưng một cách nào đó cũng hướng về hình thức giáo lý này” (s. 20). Nếu chúng ta hiểu điều phải nhắm đến là đào tạo một Giáo Hội rao giảng Tin Mừng, thì trọng tâm đương nhiên là đào tạo đức tin cho người trưởng thành – không có nghĩa loại trừ, nhưng có nghĩa triệt để.
Cuốn Giáo lý cho người trưởng thành trong Cộng đoàn Kitô giáo (GLTT) nói rất rõ về điểm này:
“Tóm lại, để Tin Mừng Nước Trời thấm nhập mọi lãnh vực khác nhau của gia đình nhân loại, nhất thiết mỗi Kitô hữu phải tích cực tham gia làm cho Nước Chúa trị đến…Điều này đương nhiên đòi hỏi người trưởng thành giữ vai trò chính yếu. Vì thế không chỉ hợp lý, mà còn cần thiết để nhận thức rằng một cộng đoàn hoàn toàn Kitô giáo chỉ có thể tồn tại khi có một hệ thống giáo lý dành cho mọi người, và giáo lý hiệu quả và phát triển dành cho người trưởng thành được xem là nhiệm vụ chính của hoạt động giáo lý” (GLTT, s. 25).
Cho nên, nói đến việc dạy giáo lý mang tính rao giảng Tin Mừng là định vị việc dạy giáo lý ở tâm điểm sứ vụ của Giáo Hội. Điều này cho chúng ta thấy rõ phải đào tạo một cộng đoàn rao giảng Tin Mừng và trọng tâm của chúng ta phải là người trưởng thành, khi làm như vậy chúng ta hình thành một cộng đoàn năng động và đầy sức sống, có khả năng cổ võ và phong phú hóa đời sống đức tin của trẻ em cũng như giới trẻ.
Giáo xứ như một cộng đoàn học hỏi
Tương quan mật thiết giữa việc dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng cũng như bản chất của việc dạy giáo lý mang tính rao giảng Tin Mừng dạy chúng ta phải tập chú trước tiên vào cộng đoàn trưởng thành. Khi khẳng định như vậy – điều mà các tài liệu và các bậc lãnh đạo về giáo lý trong 35 năm qua đã đề cập đến – chúng ta thường nghĩ đến những chương trình giáo lý. Chúng ta muốn có nhiều chương trình tốt hơn, những chương trình rõ ràng theo mô hình học hỏi của người trưởng thành. Chúng ta tìm những văn bản, những thuyết trình viên hay những phương pháp tiếp cận vốn hấp dẫn, lôi cuốn và làm cho những người trưởng thành trở nên sinh động trong bối cảnh của chúng ta. Đề nghị của tôi ở đây là chúng ta không chỉ tìm một chương trình mới, nhưng quan trọng hơn, tìm ra một viễn tượng mới. Vấn đề đặt ra: điều chúng ta phải làm là đào tạo giáo xứ và giáo phận của chúng ta thành những cộng đoàn học hỏi, nhận thức này đem lại hiệu quả nào?
Trong vấn đề này, tôi xin lấy một hình ảnh thường dùng trong giới kinh doanh, đó là khái niệm về một tổ chức học hỏi. Chúng ta có khuynh hướng dùng cụm từ cộng đoàn học hỏi một cách quá dễ dãi, nhưng cụm từtổ chức học hỏi được giới kinh doanh hiểu một cách rất nghiêm túc. Trong bối cảnh đó, người ta nói nhiều đến các công ty xí nghiệp cần thiết phải là và trở nên những tổ chức học hỏi. Dĩ nhiên chúng ta phải thận trọng khi lấy hiểu biết về một ngành (kinh doanh) và áp dụng vào một ngành khác (giáo lý). Tuy nhiên, nó đem đến một vài ý tưởng thú vị, đáng để chúng ta phải suy nghĩ.
Ba câu hỏi có thể hướng dẫn suy tư của chúng ta về khái niệm những cộng đoàn học hỏi: (1) Rõ ràng là trường học, giáo xứ cũng như cộng đoàn coi là hữu ích việc hiểu mình như những cộng đoàn hay tổ chức học hỏi, nhưng tại sao các doanh nghiệp cũng cho là cần thiết? (2) Đâu là những đặc tính của một cộng đoàn học hỏi và làm thế nào để đi xa hơn việc chỉ cống hiến những chương trình giáo dục tốt cho người trưởng thành? (3) Điều này chỉ cho ta suy nghĩ về việc đào tạo đức tin cho người trưởng thành trong bối cảnh mục vụ của chúng ta như thế nào?
Các tổ chức học hỏi –“Học hỏi theo tốc độ của sự thay đổi”
Chúng ta đã quá quen với những cách đối chiếu quá khứ và hiện tại để nói về những điều chúng ta đã biết: Cách mà các thay đổi xảy ra cũng như tốc độ của những đổi thay trong văn hóa Tây phương, đặc biệt tại Hoa Kỳ, là điều đáng quan tâm. Càng di chuyển nhiều, càng ít người muốn sống trong căn nhà tổ của mình. Tỷ lệ những gia đình do một cặp vợ chồng làm chủ ngày càng giảm, trong khi đó những gia đình do những phụ nữ độc thân làm chủ ngày càng nhiều, ấy là chưa nói đến hoàn cảnh của những gia đình hỗn hợp. Lực lượng lao động cũng không ngừng thay đổi. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp được coi là tín hiệu tốt vào đầu thế kỷ XXI, thực tế hôm nay không luôn như vậy. Những yếu tố không mấy tích cực bao gồm: công việc không ổn định và nhiều người phải làm nhiều công việc để trang trải chi phí của một gia đình trung bình.
Những thực tế về xã hội và dân số này cho thấy có sự thay đổi trong suy nghĩ của chúng ta về biện chứng giữa sự ổn định và thay đổi. Câu châm ngôn “chỉ có một điều chắc chắn, đó là sự thay đổi” đã trở nên hiển nhiên đến nỗi chúng ta chẳng thèm quan tâm nữa. Vì thế, đối với các doanh nghiệp và tổ chức, thực tại thay đổi và tốc độ của sự thay đổi có nghĩa là để tồn tại và phát triển, phải mở ra để nhìn vào tương lai và tạo ra tương lai theo một cách thức mới.
Cách thức chung để nghĩ và nói về loại thay đổi này là thay đổi mô hình, (paradigm shift) một khái niệm được Thomas Kuhl giới thiệu cho giới khoa học và được những người đến sau ông làm sáng tỏ. Willis Haram đưa ra định nghĩa hữu ích sau:
Mô hình là một cách thức cảm nhận, suy nghĩ, đánh giá và thực hành căn bản gắn với một cái nhìn đặc thù về thực tại. Mô hình thống lĩnh ít khi, nếu không nói là không bao giờ, được diễn tả một cách rõ ràng; nó tồn tại mà không ai thắc mắc, hiểu ngầm là nó được lưu truyền qua văn hóa và đến các thế hệ nối tiếp qua kinh nghiệm trực tiếp hơn là qua việc được dạy bảo.
Một trong những thí dụ kinh điển về hiệu quả của mô hình thống lĩnh và về sự thay đổi mô hình, có thể tìm thấy khi quan sát vận hạn của những nhà sản xuất đồng hồ Thụy sĩ. Từ chỗ chiếm phần lớn thị phần sản xuất đồng hồ trên thế giới và có hàng ngàn công nhân sản xuất, trong thời gian không đầy mười năm, người Thụy sĩ chỉ còn một thị phần nhỏ trên thế giới và hàng trăm công nhân Thụy sĩ thất nghiệp. Phần lớn thị phần đồng hồ chuyển sang tay người Nhật. Điều gì đã xảy ra? Sự thay đổi căn bản này bắt nguồn từ lúc đồng hồ chạy bằng quartz (thạch anh) được giới thiệu. Đồng hồ vận hành bằng quartz hoàn toàn thay đổi những nguyên tắc sản xuất đồng hồ, thay đổi cả định nghĩa về đồng nữa. Nó thách thức mô hình thống lĩnh của đồng hồ trước đây. Khi chiếc đồng hồ quartz được giới thiệu, tất cả những kỹ năng và khả năng của những nhà sản xuất đồng hồ trước đây không thể ngăn nổi sự thay đổi này.
Điều mỉa mai là chính những nhà nghiên cứu và phát triển Thụy sĩ là những người phát minh ra chiếc đồng hố quartz đâu tiên. Nhưng khi họ trình lên ban lãnh đạo công ty của họ, lãnh đạo công ty từ chối, cho rằng nó chẳng giống một cái đồng hồ mà cũng chẳng vận hành như một cái đồng hồ mà họ thường thấy! Họ quá tự tin vào mô hình đồng hồ cũ của họ đến nỗi không thèm xin đăng ký bằng sáng chế nữa! Khi họ trưng bày chiếc đồng hồ này tại một hội chợ quốc tế, thì hãng Texas Instrument (Mỹ) và hãng Seiko (Nhật) phát hiện ra, và điều gì xảy ra sau đó thì chúng ta đã biết. Khi nhắc lại câu chuyện này, Joe Barker kết luận:
Họ [người Thụy sĩ] bị lóa mắt vì những thành công của mô hình đồng hồ cũ của họ, cũng như khoản đầu tư vào đó. Và khi phải đối mặt với một cách làm ăn khác hoàn toàn mới để tiếp tục thành công trong tương lai, họ đã từ chối vì nó không hợp với những quy luật mà họ quá thông thạo.
Barker còn nói thêm rằng một trong những quy luật của những mô hình là khi có một mô hình mới, mọi người coi như trở về số không – những quy luật của thành công đã thay đổi và cách thức cũ không còn hữu hiệu nữa.
Vì thế, vấn đề không phải là ngôn từ nào được sử dụng, mà là sự thay đổi triệt để đã diễn ra, chuyển đổi các quy luật và các lãnh giới. Những tổ chức sẽ tồn tại và phát triển là những tổ chức có thể xác định lại và làm lại tương lai của họ trong bối cảnh của sự thay đổi nhanh chóng này. Để làm được điều như thế, cần có một phương tiện trong tổ chức hay cộng đoàn để vận dụng năng lực và hiểu biết của tất cả mọi người có liên quan, rồi dựa vào hiểu biết đó mà tạo ra một tương lai mới. Đây là trọng tâm của một tổ chức học hỏi. Theo Peter Senge, một tiếng nói lớn trong việc đào tạo những cộng đoàn học hỏi, thì đây là ý nghĩa căn bản của một cộng đoàn học hỏi – một tổ chức liên tục phát triển khả năng của mình để kiến tạo tương lai.
Vậy, tại sao doanh nghiệp và các tổ chức khác muốn nói đến học hỏi? Vì chỉ qua học hỏi, họ mới có thể tiếp tục đạt được mục đích và tầm nhìn của mình. Các bệnh viện, cơ quan phục vụ xã hội, công ty bảo hiểm, tiệm sách, cửa hàng bán lẻ các loại – tất cả đã học cách trở thành những tổ chức học hỏi để tồn tại.
Điều này có liên hệ gì đến công việc của một người lãnh đạo trong lãnh vực giáo lý? Dưới đây là ba tình huống giúp chúng ta cảm nhận tầm quan trọng của việc hiểu được thực tại thay đổi và hiểu rằng các giáo xứ và giáo phận của chúng ta cần phải trở thành những cộng đoàn học hỏi.
Giám mục địa phương tuyên bố, trong vòng 5 năm nữa, mười giáo xứ sẽ đóng cửa hay nhập với giáo xứ khác. Bạn là người phụ trách huấn giáo trong một giáo xứ nhỏ và già cỗi, bạn nhận thấy giả như giáo xứ của bạn không bị đóng cửa, thì một cách nào đó nó vẫn bị ảnh hưởng bởi tuyên bố trên. Bạn biết rằng, một cách nào đó, giáo xứ của bạn cần xác định lại tầm nhìn và căn tính của mình để có thể tồn tại, không nhất thiết như một giáo xứ hợp nhất, nhưng như một cộng đoàn đức tin.
Sau khi các ủy viên thành phố gặp quá nhiều khó khăn, gian bếp dành để nấu cháo từ thiện trong khu vực của bạn bị đóng cửa. Điều này có nghĩa là hàng trăm người sẽ không có gì để ăn hay bị bắt buộc đi đến nơi khác trong thành phố để kiếm ăn; đối với nhiều người, điều này là không thể. Trường học, một phần của giáo xứ của bạn, bị đóng cửa cách đây vài năm và tòa nhà đã biến thành văn phòng, phòng họp và phòng giáo lý. Phần ít được sử dụng nhất của tòa nhà là căn bếp và quán cà phê nên bạn nghĩ đến việc sử dụng căn phòng đó để cung cấp bữa trưa miễn phí, dù chỉ một vài lần trong tuần, nhưng cũng có thể đáp ứng nhu cầu của những người bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa căn bếp dành để nấu cháo từ thiện. Điều này khác hẳn với cách suy nghĩ của phần đông giáo dân trong giáo xứ, những người còn đang phân vân không biết nên sử dụng tòa nhà vào việc gì.
Sự thận trọng của ê-kíp phụ trách đạo đức của bệnh viện địa phương đụng với báo chí về một quyết định gây tranh cãi liên quan đến việc trợ tử. Sự kiện này tạo ra cuộc trao đổi hào hứng, đôi khi quyết liệt, giữa những người già vẫn đi lễ thường xuyên. Tuy nhiên, cuộc trao đổi không vượt quá những ý kiến cá nhân, và bên cạnh những ý kiến quan trọng này, còn có một truyền thống Kitô giáo để suy xét và khả thể cuộc trao đổi rộng rãi hơn của cộng đoàn. Thế nhưng, giáo xứ đã không có một diễn đàn nào để thực hiện điều ấy.
Đây là những vấn đề căn bản của việc đào tạo đức tin cho người trưởng thành. Đây là loại thay đổi nhanh chóng mà các giáo xứ cũng như giáo dân đang trải nghiệm và chúng ta phải đáp ứng lại sự thay đổi này một cách hữu hiệu để trung thành với sứ vụ rao giảng Tin Mừng của chúng ta. Khả năng tham gia vào những vấn đề này là trọng tâm của cộng đoàn học hỏi. Nhưng ngoài lý do thực tiễn để định hình giáo xứ như một cộng đoàn học hỏi, để có thể ứng phó cách hữu hiệu trước sự thay đổi, còn có nhiều nền tảng thần học quan trọng cho việc xem xét lại như thế.
Sau đây là một cách nghĩ về việc ấy: Vì được rửa tội, mọi Kitô hữu nhận được Chúa Thánh Thần và lời mời gọi trở thành những phần tử tích cực tham gia xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô và mở rộng sứ vụ của Giáo Hội. Qua việc khai tâm, mọi phần tử lãnh nhận những ân huệ đã được ban vì lợi ích của cộng đoàn, và chính các vị lãnh đạo cũng như giáo dân có trách nhiệm sử dụng tốt những ân huệ này. Giáo Hội học của chúng ta vốn xuất phát từ chỗ nhận ra tác động Chúa Thánh Thần, minh định sự khôn ngoan và hiểu biết không chỉ ở nơi các vị lãnh đạo được chỉ định, mà còn ở trong đời sống của Giáo Hội. Vì thế, chúng ta cổ võ cho những cộng đoàn học hỏi đích thực, không chỉ như một thực tiễn đáp ứng lại những thay đổi nhanh chóng mà thôi, nhưng còn vì niềm xác tín rõ ràng Chúa Thánh Thần vẫn sống và hoạt động nơi mọi phần tử của cộng đoàn đức tin.
Những đặc điểm của một cộng đoàn học hỏi
Có rất nhiều bài viết về đề tài này. Tổng hợp tiếng nói của những nhà nghiên cứu như Peter Senge, người đã khảo sát bản chất và chức năng của những cộng đoàn học hỏi, và Thomas Hawkins, người đem lý thuyết này ra để đối thoại với thực tế của cộng đoàn đức tin, tôi nêu ra đây ba đặc tính của một cộng đoàn học hỏi mà tôi cho là đặc biệt quan trọng đối với cộng đoàn Kitô hữu.
1/ Một cộng đoàn học hỏi phải nhận thức rõ căn tính nền tảng của mình. Một cái nhìn được xác định rõ sẽ là nguồn lực chính yếu định hướng cho việc học hỏi đủ loại. Khi chủ nhà quyết định sửa sang lại dáng vẻ bên ngoài và giá trị của căn nhà, ông bắt đầu nghiên cứu xem phải thiết kế khung cảnh và cây cối ra sao. Khi cha mẹ thấy con mình không có khả năng học tập, họ sẽ thu thập thông tin và kiến thức để giáo dục đứa con cách tốt đẹp và thích hợp nhất. Nhờ có một tầm nhìn rõ ràng hướng dẫn đời sống và những quyết định của mình, chúng ta được thúc đẩy học tất cả những gì cần thiết để sống theo hướng ấy. Khi cộng đoàn có một tầm nhìn được diễn tả rõ ràng, được mọi thành phần khác nhau trong cộng đoàn biết đến và lấy làm của riêng mình, thì cộng đoàn sẽ có một động lực chung để tham gia vào việc học hỏi – suy tư có tính phê phán và trao đổi – việc học hỏi này lại giúp cho cái nhìn được sáng tỏ hơn.
Trong bối cảnh đào tạo đức tin cho người trưởng thành, và trong đời sống giáo xứ nói chung, tầm nhìn được hình thành bởi nhận thức của chúng ta về rao giảng Tin Mừng xét như sứ vụ chính yếu của Giáo Hội. Ở một cấp độ, điều này được xem là tiêu chuẩn chính cho việc hoạch định và thực hiện những chương trình trong phạm vi đào tạo đức tin cho người trưởng thành: Điều này có phát huy cái nhìn căn bản của cộng đoàn đức tin xét như một Giáo Hội rao giảng Tin Mừng không? Đồng thời, nó thúc đẩy chúng ta và những người làm việc với chúng ta không ngừng phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ để góp phần vào việc đào tạo những người trưởng thành một cách hữu hiệu. Vì thế, nói đến giáo xứ như một cộng đoàn học hỏi trước tiên là biết rõ tầm nhìn mang tính hướng đạo và diễn tả tầm nhìn ấy cách kiên định và rõ ràng.
2/ Trong một cộng đoàn học hỏi, việc học hỏi đúng nghĩa phải được mọi người, mọi tầng lớp cổ võ và ủng hộ. Cách đây một vài năm tôi sống tại miền Trung Mỹ và thuộc một giáo xứ đã quyết định chuyển từ mô hình đào tạo đức tin tập chú vào trẻ em đến mô hình tập chú vào người trưởng thành. Tiến trình chuyển đổi được tiến hành khá thuận lợi, và bây giờ, sau mười năm, giáo xứ vẫn tiếp tục lối đào tạo đức tin năng động cho mọi thành phần trong giáo xứ. Khi cách tiếp cận lần đầu được đưa ra, nhiều người từ các giáo xứ khác hỏi phải mất bao lâu để nó được thực hiện, hai câu trả lời được đưa ra. Câu trả lời ngắn gọn là chúng tôi quyết định hồi tháng Tư và chương trình mới bắt đầu hoạt động vào tháng Chín. Câu trả lời dài nêu ra những chỉ dẫn thành lập được xây dựng, theo đó công trình được xây dựng; đó là, trong nhiều năm trước đây, giáo xứ này đã chuyển theo hướng trở nên một cộng đoàn học hỏi rồi.
Viễn cảnh của cộng đoàn học hỏi này thật rõ ràng và được biểu lộ bằng nhiều cách. Phần lớn những cuộc họp của các ủy ban và cuộc gặp gỡ của các thừa tác viên đều có hình thức chia sẻ kinh nghiệm đào tạo. Khi lịch trình giảng dạy của các thuyết trình viên được gửi đi, bao giờ cũng gửi kèm một bài viết gắn liền với mùa phụng vụ hay nghiên cứu kinh thánh hiện thời. Nếu ai hẹn gặp một thành viên trong ban tổ chức, thì trong khu vực chờ đợi có hàng loạt những nguyệt san, tuần san mới phát hành, những bài báo viết về Hoa Kỳ, Liên Hiệp Anh hay Công giáo Hoa Kỳ, để tham khảo trong chờ. Khi giáo xứ cần quyết định xây dựng một trung tâm sinh hoạt, mọi người đều được mời và khuyến khích tham gia vào tiến trình xây dựng. Bảng thông tin thường xuyên đăng tải những ý kiến và quan điểm khác nhau của những người trong giáo xứ. Ngoài ra người ta còn tạo cơ hội cho việc trao đổi rộng rãi xoay quanh những vấn đề then chốt. Bằng nhiều cách thức, bầu khí giáo xứ được hình thành, vì giả thiết mọi người thuộc mọi trình độ đều tham gia vào việc học hỏi.
3/ Một cộng đoàn học hỏi phải tham gia vào việc suy tư có hệ thống, nhận ra sự phức tạp năng động của cộng đoàn cũng như của cộng đoàn học hỏi. Đối với Peter Senge, đây là đặc tính căn bản của một tổ chức học hỏi. Ông viết: “Suy tư có hệ thống là phương pháp nhìn tổng thể. Đó là một khung làm việc để nhìn ra những tương tác hơn là những sự vật, biểu mẫu của sự thay đổi hơn là những ảnh chụp tĩnh vật.
Một cách cơ bản nhất, suy tư có hệ thống nghĩa là nhận ra rằng đào tạo đức tin diễn ra trong bối cảnh vượt xa bất cứ chương trình đào tạo chính thức nào. Quá trình tăng trưởng đức tin của bất cứ cá nhân hay bất cứ cộng đoàn nào đều phức tạp và đa dạng. Chúng ta càng nhận rõ và đón nhận được những cách thức mà cá nhân cũng như cộng đoàn lớn lên trong đức tin bao nhiêu, thì công việc của chúng ta càng hữu hiệu bấy nhiêu. Không những không có một cách giải quyết duy nhất nào cho một vấn đề, mà cũng không có một chiều kích đặc thù nào của đời sống giáo xứ, tự thân, có thể làm cho giáo xứ thành một cộng đoàn học hỏi cả.
Tiếp cận một giáo xứ như một cộng đoàn học hỏi, theo quan điểm suy tư có hệ thống, đòi hỏi phải bỏ đi cách tiếp cận “cục bộ” đời sống giáo xứ. Trong nhiều bối cảnh, những khía cạnh khác nhau của giáo xứ như hoạt động giới trẻ, phụng vụ, trường học, hoạt động cho công lý, giáo dục tôn giáo vv… được coi như những đơn vị riêng lẻ của một toàn thể; chúng tồn tại bên cạnh nhau nhưng ít tương tác với nhau. Suy tư có hệ thống mời gọi và đòi hỏi phải nhận ra sự liên kết giữa các khía cạnh và chiều kích khác nhau của đời sống giáo xứ, và tận dụng khả năng của mọi người.
Trọng tâm của suy tư có hệ thống là khái niệm về sự phức tạp năng động, trong đó các tương quan nhân - quả không phải lúc nào cũng rõ ràng. Senge viết: “Một hành động mà có những hậu quả khác nhau, dài hay ngắn hạn, thì có sự phức tạp năng động.” Khi mở khóa hướng dẫn phụ huynh các em chuẩn bị rước lễ lần đầu, kết quả trước mắt có thể lôi kéo nhiều người trưởng thành tham dự hơn, nhưng kết quả lâu dài thì không tốt cho nhận thức về vai trò của những học viên trưởng thành trong công việc học hỏi và đào tạo của riêng họ. Việc các thuyết trình viên nhiệt tình và linh hoạt với đủ kiểu trình bày sinh động, trước mắt có thể tạo nên một buổi tối vui tươi cho mọi người, nhưng lầu dài thì những người trưởng thành thiếu cơ hội để bàn thảo với nhau xoay quanh vấn đề đức tin, dẫn đến việc giảm thiểu nhiệm vụ thường xuyên đem đức tin đối thoại với đời sống. Dành thời gian để nghiên cứu một tài liệu trong một ủy ban của giáo xứ, trước mắt có vẻ như chẳng có ý nghĩa bao nhiêu, nhưng ảnh hưởng lâu dài lại góp phần vào việc tạo nên một cộng đoàn học hỏi, một cộng đoàn có khả năng huy động cách hiệu quả những ý tưởng và kiến thức của mọi người vào công việc của ủy ban. Trong mỗi bối cảnh này, sự phức tạp năng động của cộng đoàn học hỏi đòi hỏi chúng ta phải liên tục xác định lại tầm nhìn của chúng ta và đáp ứng làm sao để mở rộng tầm nhìn đó.
Đối thoại giữa rao giảng Tin Mừngvà cộng đoàn học hỏi: những hệ luận
Khi đem hiểu biết về rao giảng Tin Mừng - xét như bối cảnh nền tảng để hiểu việc dạy giáo lý, đối thoại với cộng đoàn học hỏi - xét như bối cảnh nền tảng để thực hiện việc dạy giáo lý, chúng ta rút ra được nhiều hệ luận rất có ý nghĩa. Tôi sẽ chỉ ra và giải thích vắn tắt bốn hệ luận sau:
1/ Việc đào tạo đức tin cho người trưởng thành trong giáo xứ xét như cộng đoàn học hỏi là một thành phần không thể thiếu của đời sống giáo xứ ở mọi cấp độ. Gần như đây là định nghĩa của cộng đoàn học hỏi. Việc tách giáo lý khỏi những yếu tố khác của đời sống giáo xứ như phụng vụ, công bằng xã hội, trường học, mục vụ giới trẻ vv… là chuyện không thể chấp nhận trong bối cảnh này. HDTQ nói rõ sự cộng tác và phối hợp giữa các tác vụ đào tạo đức tin không chỉ nhằm hiệu quả, nhưng tự thân là một chứng tá của lời mời gọi hiệp nhất và ảnh hưởng đến khả năng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội.
Với những động lực văn hóa mà Harold Horell và Tom Beaudoin nêu ra trong các bài khảo luận của họ trong tuyển tập này, nhu cầu đào tạo thường xuyên cho mọi phần tử trong cộng đoàn giáo xứ là điều thiết yếu. Horell viết: “Khi tiến độ của thay đổi văn hóa tăng nhanh, chúng ta cũng phải nhận ra nhu cầu đào tạo đức tin thường xuyên vốn có khả năng giúp chúng ta liên kết đức tin Kitô giáo với những phức tạp và hàm hồ của thế giới thay đổi không ngừng thời hậu hiện đại.”
Điều này không chỉ đòi hỏi một loạt các bài trình bày có tính “chữa cháy” mà chúng ta đưa ra vào những thời điểm khác nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu hay khát vọng nhất định, cho dù những cơ hội để xem xét những mối quan tâm và những biến cố đặc biệt trong bối cảnh cộng đoàn Kitô giáo hẳn là yếu tố thiết yếu để người Kitô hữu chứng tỏ khả năng ứng phó với những biến cố xẩy ra. Thêm vào đó, chúng ta cần đưa ra những cách thức để thành một cộng đoàn và dấn thân vào đời sống cũng như công việc của giáo xứ vốn nâng đỡ sự tham gia của chúng ta vào sứ mạng của giáo xứ; điều này dẫn đến hệ luận thứ hai.
2/ Những cơ cấu được lập ra trong giáo xứ tạo cơ sở cho sự đối thoại thực sự giữa những người trưởng thành. Chính ở đây, trong khi tạo cơ hội cho người trưởng thành gặp gỡ và đối thoại về các vấn đề, mà việc rao giảng Tin Mừng và niềm hy vọng về cộng đoàn học hỏi liên kết với nhau. Làm sao chúng ta có thể biến các giáo xứ của chúng ta thành những cộng đoàn rao giảng Tin Mừng và học hỏi? Yếu tố chính yếu của câu trả lời phải là cung cấp cho người trưởng thành cơ hội, sự nâng đỡ và thúc đẩy để họ nói chuyện với những người trưởng thành khác về cách thức mà đức tin và đời sống giao thoa với nhau.
Đây thực ra là một tiến trình gồm hai bước. Trước hết, chúng ta xem xét mọi thời điểm và khung cảnh mà những người trưởng thành qui tụ lại trong bối cảnh đức tin: gặp gỡ những người đọc sách thánh, gặp gỡ nhau sau thánh lễ Chúa nhật, tập hát ca đoàn vv. Chúng ta có thể tận dụng những thời điểm này như những cơ hội để thăng tiến đức tin, chứ không chỉ để đào tạo tác vụ. Kế đến, chúng ta tạo thời điểm và khung cảnh thích hợp cho việc đối thoại giữa những người trưởng thành. Rất thường, mỗi khi lập ra những chương trình dành cho thiếu nhi và giới trẻ, thì không còn nhiều thời gian cũng như nơi thích hợp cho người trưởng thành quy tụ lại. Lập ra những cơ cấu cho người trưởng thành đối thoại với nhau là điều thiết yếu.
3/ Sự sáng suốt của mọi thành phần trong giáo xứ phải luôn được công nhận và khẳng định. Các cộng đoàn học hỏi tiến triển khi mà kiến thức, quan điểm và kinh nghiệm của mọi thành phần trong cộng đoàn được đón nhận và tôn trọng. Để làm được như thế, căn bản phải có tinh thần tương trợ và hợp tác với nhau. Khi cộng đoàn qui tụ, không nên có sự phân biệt giữa những người “học thức” và “dân đen”, nhưng như một dân Chúa cùng đồng hành với nhau trên con đường trở thành một sức mạnh rao giảng Tin Mừng hữu hiệu hơn.
Trong khi Tom Beaudoin nhấn mạnh đến tầm quan trọng phải tạo cơ hội đào tạo đức tin cho những người mới trưởng thành, có lẽ là hữu ích và quan trọng khi chỉ ra những cách thức mà những thành phần còn lại trong cộng đoàn có thể học được từ sự sang suốt của những thế hệ sau Công đồng Vatican II, đặc biệt khi đa số những người lãnh đạo giáo xứ là những người trưởng thành đã ý thức về tôn giáo trước hay trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II. Nhận ra sự sáng suốt của mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa là điều thiết yếu.
4/ Mục đích bao quát của việc đào tạo đức tin cho người trưởng thành là cổ võ cảm thức về sứ vụ hơn là chỉ chú tâm đến việc tăng số tín hữu. Theo nghĩa hoàn hảo nhất, việc dạy giáo lý cho người trưởng thành cung cấp cho họ phương tiện và viễn cảnh cho phép họ diễn tả bí tích Rửa tội của mình qua việc tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đằng sau khả năng trở thành cộng đoàn rao giảng Tin Mừng này là mục đích căn bản của việc dạy giáo lý - hướng đến giáo dục sự trưởng thành tâm linh. Như Colleen Griffith viết trong tuyển tập này: “Xác định sự trưởng thành tâm linh như mục đích của hoạt động giáo lý là làm cho việc kết hiệp với Chúa, yêu thương con người và thế giới trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi người.”
Trong khi chúng ta muốn và khuyến khích cảm thức sống động về các thành phần dân Chúa được diễn tả qua việc phục vụ cộng đoàn đức tin, Giáo Hội được qui tụ để được sai đi, và cách diễn tả quan trọng nhất về thực tại Giáo Hội chính là sự cam kết biến đổi thế giới trong ánh sáng của Nước Trời. Rao giảng Tin Mừng là trọng tâm của sứ vụ Giáo Hội và là hướng đi nền tảng của việc dạy giáo lý. Để làm được như thế, chúng ta được mời gọi luôn tập chú vào sự trưởng thành tâm linh thường xuyên vốn có khả năng đáp ứng các thực tại văn hóa và nhu cầu của cả nhân loại về một sứ điệp hòa bình và công lý. Đây là việc chúng ta nói tới: giáo dục giáo lý toàn diện (total catechetical education) vì Nước Trời.
Nguyên bản The Aim of Catechesis: Education for an Adult Church của JANE E. REGAN, trong “Horizon and Hope: the Future of Religious Education”, do Thomas H. Groome và Harold Daly Horell biên soạn, New York: Paulist Press, 2003.
Lm Giuse Nguyễn Đức Hòa, OP. dịch
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền hiệu đính