1. CHA TÔI
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết tâm cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói: “Ba sợ các con còn giận mẹ...”.
2. ĐI THI
Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út - cấp II, cấp III, tú tài, đại học - Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt.
… Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”.
Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!”.
3. BÁNH GAI CỦA MẸ
Mẹ, lặn lội từ quê lên thành phố thăm thằng Út trọ học. Giỏ bánh gai theo mẹ khệ nệ đường xa để con "ăn cho đỡ nhớ quê". Con mừng qua qúyt, chau mày thật khẽ. Mẹ đâu biết giờ con thích cafe, thuốc lá hơn.
Mẹ về, giỏ bánh vẫn buồn thiu nằm trong góc nhà. Sực nhớ, con quơ vội mang qua phòng thằng bạn đồng hương :"ăn lấy thảo". Thằng bạn cảm động, rơm rớm nườc mắt:"hồi mẹ tao còn sống cũng hay làm thức quà này cho tao...Mày sướng thật!"
Con chợt bàng hoàng...Ngày xưa, ai đã từng ước suốt đời được ăn bánh gai của mẹ????
4. VẾT SẸO
Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy.
Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo."Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?" Cô giáo của cậu hỏi. Người mẹ trả lời, "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi." Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt. "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm". Đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.
5. PHẤN SON
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.
6. CUA RANG MUỐI
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui: “Cua rang muối thật đó mẹ.” Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: “Còn răng đâu mà ăn?!”
7. VỢ CHỒNG
Mỗi lần du lịch, anh vẫn bật cười vì tính nhát gan của chị. Xe qua đèo: sợ. Lên núi cao: sợ. Biển sóng lớn: sợ. Những lúc ấy, anh lại ôm lấy chị, vỗ về:
- Đừng sợ, có anh đây. Em hãy can đảm lên nào !
Công ty phá sản. Từ cương vị gián đốc, anh quay về với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác, suy sụp. Chị dịu dàng ôm anh vào lòng, xoa xoa mái tóc:
- Đừng tuyệt vọng, anh còn có em mà. Hãy can đảm nhé anh !
8. KIẾP SAU
Cãi nhau kịch liệt, người vợ nức nở:
- Ông không thương tôi, ông không lo lắng gì con cái.
Ứa nước mắt, người chồng nói:
- Không thương bà, sao có được bốn mặt con. Đứa lớn gần 40, đưa út đã 30. Không lo cho con, mà chúng sống được. Không đứa nào hư cả.
Người vợ còn sụt sùi:
- Kiếp sau tôi không lấy ông đâu!
Người chồng (giọng kiên quyết):
- Được đầu thai lên, tôi cũng cứ tìm bà. Làm gì kiếm được một người như bà.
Tối, họ đưa nhau đi xem phim: ''Anh vẫn yêu em''.
9. CON NUÔI
Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói: – Mình biết tất cả về con nuôi đấy. Một học sinh khác hỏi: – Thế con nuôi là gì? Cô bé trả lời: – Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.
10. NHỮNG ĐÔI CHÂN
Mới giữa tháng, Kiên đã gởi thư về xin thêm tiền. Mẹ thở dài xoa đầu cô Út:
- Thôi, để một thời gian nữa mới tính chuyện mua xe đạp cho con vậy nhé!
Nhưng, cả năm bị mất mùa. Cả nhà gồng gánh hết sức mới tạm đủ tiền cho Kiên, nói chi đến việc mua một chiếc xe đạp mới.
Tết, Kiên đóng bộ thật bảnh về nhà. Ba mẹ và em mừng rỡ ra đón. Cậu tháo đôi giầy ra, và chợt nhìn xuống chân: chân ba mẹ nứt nẻ vì công việc nhà nông vất vả, chân em sần sùi, đen đủi vì phải lội bộ gần chục cây số đến trường hàng ngày. Chỉ có chân Kiên trắng hồng.
11. CON GÁI
Ngoại hấp hối, cà nhà dắt díu nhau về quê thăm ngoại. Ngoại mất. Từ thành phố, anh Ba đang dở mùa thi cũng vội về chịu tang.
Chị Hai lấy chồng quê ngoại, nhà cách có vài quãng đồng mà lại không về được. Bố chép miệng xót xa: "Con gái là con người ta".
Mẹ gục đầu vào vai anh nức nở. Hơn hai mươi năm theo chồng xa xứ, đây mới là lần đầu tiên mẹ được về với ngoại… Mẹ cũng là con gái…
12. NHỚ MẸ
Mẹ tôi bị chứng lở miệng. Mỗi lần bị lở mẹ ăn rất khó khăn. Khi ấy mẹ chỉ thích có tô cháo hành hoa cho dễ nuốt nhưng tôi thường tìm cớ né tránh để khỏi phải nấu. Thấm thoát mẹ mất cũng đã gần 10 năm.
Mấy hôm nay nuốt thức ăn thấy đau đau. Soi gương thấy hóa ra miệng có vết lở giống như mẹ ngày trước. Cầm tô cháo hành mà nước mắt tôi cứ lăn dài.
13. KHOẢNG CÁCH
Anh lớn hơn nàng già con giáp. Sợ cảnh chồng già vợ trẻ sau này, anh dằn lòng nói lời chia tay. Nàng nước mắt lưng tròng.
Ba năm sau, nàng cũng lên xe hoa. Chồng nàng bằng tuổi anh.
- Sao ngày xưa em không giữ anh lại? Giọng anh đầy tiếc nuối và trách móc.
Nàng nhìn anh trân trối:
- Cứ nghĩ anh không muốn cưới em...
14. ANH HAI
Căn nhà tranh đổ sập cuốn theo dòng lũ. Tí một tay ôm Tèo một tay bấu vào miệng chum chòng chành. Cái chum bé quá. Cánh tay mỏi nhừ. “Nếu chết cả hai mẹ buồn biết mấy. Thôi em đi, trời cho sống nhớ lo tuổi già của mẹ.”. Nước mắt nước mũi ràn rụa, Tí rướn người bỏ Tèo vào chum. Em còn quờ quạng một lúc nữa đến khi cái chum chỉ còn là một chấm mờ mới chìm sâu vào cơn hung bạo của nước trời.
Tèo không chết nhưng em mất trí, ai hỏi gì cũng chỉ nói:”Anh Hai!”.
15. NUÔI CON
Nhà có cháu, bố mẹ đi làm cả ngày nên muốn thuê người ngoài. Bà nội muốn tự tay mình chăm sóc.
Mẹ làm ngành y rất kỹ lưỡng về vệ sinh, có ý không thích để bà nuôi. Một hôm mẹ làm về sớm thấy bà mớm cho cháu, không bằng lòng nên nói với bố. Đến tối, bố nói: bà nuôi theo kiểu dân gian, mất vệ sinh lắm nên cháu bệnh hoài, thôi để con thuê người chăm cho cháu.
Bà ngỡ ngàng, chống chế yếu ớt: con cũng lớn, mạnh khỏe mà có sao đâu!
16. BÊN SÂN
Một khung trời vàng rơm. Chút nắng cuối cùng hắt qua cửa. Nhà tôi - buổi chiều tà. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi thường tụ tập lại, dàn trận đánh nhau. Nó ngồi co ro, run rẩy tội nghiệp. Cơn bệnh tim của nó đã cướp mất cái quyền làm trẻ con như những đứa trẻ cùng xóm chúng tôi, dù chỉ trong một trận đánh giả. Nhà nó nghèo lắm, nhưng nó ngoan, nó luôn bảo với chúng tôi về lời dặn của mẹ nó: "Khi nào mẹ có tiền để chữa bệnh, rồi con hãy chơi cùng chúng nó".
Chiều vàng. Nắng sắp tắt. Không còn nó ngồi xem chúng tôi dàn trận nữa. Mẹ nó thẫn thờ ngồi bên bát nhang. Tôi cay sống mũi, thế là bên sân nhà tôi không còn một đứa trẻ chăm chú nhìn chúng tôi thèm thuồng.
17. MỘT BUỔI SÁNG
Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn:
- Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.
Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống.
Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả:
- Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?
Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau.
18. CÂU HỎI
Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang, không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi! Dạy hát cho tụi con đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi , cô dạy cho tụi trẻ bài Đi học về .
- Hát theo cô nè, "Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen..."
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ….!
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.
19. MẸ VÀ CON
Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.
Con lớn, mẹ bỗng bị chứng điếc đột ngột. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn