Bệnh nói dối của trẻ

Thứ sáu - 06/04/2012 11:18

Bệnh nói dối của trẻ

Ở nhà, Hùng (11 tuổi, Hà Nội) được mọi người đặt biệt danh là 'hậu duệ' của Cuội chỉ vì tật nói dối. Cái gì cậu cũng có thể nói dối được: quét nhà, trông em, đi học, đi chơi... nhưng không ai nghĩ là cậu mắc bệnh về tâm lý.
Ảnh: Inmagine
 
Chị Lan, mẹ Hùng kể một lần cô giáo gọi điện đến nhà thông báo cháu thường xuyên đến lớp không làm bài, hỏi thì cháu bảo là: "Ở nhà, chả có ai nhắc em học cả". Lúc ấy chị mới ngớ ra, tối nào anh chị cũng hỏi cháu có bài không thì cháu bảo là không. Nên anh chị mới để cháu chơi điện tử thoải mái, chứ có biết đâu là cháu nói dối.
"Lúc đầu tôi chỉ nghĩ rằng trẻ con ở lứa tuổi này có mải chơi, không làm bài tập, nói dối cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng bố mẹ nói mãi, bị cô giáo khiển trách, bắt làm bản kiểm điểm, bị bố đánh mấy lần, nhưng cháu vẫn không chừa. Học hành sút kém, gia đình cũng không biết làm thế nào nên phải đưa cháu đến gặp bác sĩ", chị nói.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng Phòng khám Tuna (Phố Vọng, Hà Nội) trường hợp của cháu Hùng về mặt tâm lý được gọi chứng rối loạn hành vi, ở đây là hành vi nói dối. Theo gia đình cho biết thì cháu bắt đầu nói dối từ năm 9 tuổi, hay nói dối để không làm bài tập, không làm việc nhà chỉ thích chơi điện tử.
"Nói dối là chuyện hết sức bình thường, từ người lớn đến trẻ em, ai cũng đều có thể nói dối. Nhưng nếu hành vi đó lặp đi lặp lại nhiều lần từ 6 tháng trở lên, trong nhiều môi trường khác nhau, từ học hành đến công việc nhà, quan hệ chơi bời với bạn bè thì đó là một biểu hiện của chứng rối loạn hành vi", tiến sĩ Bưởi nói.
Hành vi này thường vượt quá sự ranh mãnh thông thường của trẻ em và thái độ nổi loạn của một số trẻ vị thành niên. Rối loạn hành vi nói dối thường gặp ở độ tuổi từ 9 đến 13, giai đoạn cuối của độ tuổi trẻ con và đầu của độ tuổi thiếu niên, có thể xảy ra ở cả em trai lẫn em gái như trường hợp của cháu Thư (9 tuổi, Hà Nam).
Chị Hoài, mẹ cháu cho biết vì biết dù là con gái nhưng cháu cũng nghịch ngợm, mải chơi hay quên nên hay chị thường xuyên nhắc nhở cháu từ việc nhà đến việc học, hỏi thì cháu bảo làm rồi nhưng đến khi kiểm tra thì đâu vẫn hoàn đó.
"Cháu biết nói dối là bị phạt, bị đánh 10 roi nhưng vẫn nói dối, mỗi lần như thế cháu đều nằm sẵn lên giường cho bố đánh. Nhưng đánh xong cháu vẫn nói dối. Khuyên nhủ mãi, cũng đánh rồi mà cháu cũng không chừa", chị Hoài nói.
Theo tiến sĩ Bưởi ở cả hai trường hợp trên lúc đầu có thể do trẻ mải chơi, học hành sút kém nên bị cô giáo khiển trách, đôi lần bị bố đánh. Một vài lần như thế trẻ bắt đầu nói dối để tránh bị phạt, nhưng càng nói dối lại càng bị ăn đòn, như thế trẻ lại càng nói dối.
Ngoài ra nguyên nhân có thể là những tổn thương ở não, bất thường về thần kinh hoặc do các yếu tố gia đình như cha mẹ ly hôn, bạo lực, bố nghiện rượu, trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, bị bỏ rơi.
Những trẻ bị rối loạn hành vi thường không chỉ rối loạn một hành vi mà thường kèm rối loạn các hành vi khác. Như trường hợp cháu Hùng nêu trên, cháu còn có cái tật hay ăn cắp đồ của bạn mặc dù cháu không hề thiếu. Cháu cảm thấy thích thú khi lấy được đồ của người khác, nhưng lấy xong rồi lại vứt xó hoặc cho người khác. Hay như cháu Thư mặc dù là con gái nhưng lại rất nghịch ngợm, bướng bỉnh hay chống đối bố mẹ, đến trường lúc nào không thích lại chạy ra khỏi lớp.
Vì thế tiến sĩ Bưởi cũng khuyến cáo gia đình nên quan tâm, gần gũi lắng nghe biết tâm sự của trẻ, có thưởng có phạt, nhưng không nên dùng hình phạt bằng đánh, để tạo stress cho con khiến trẻ né tránh bằng cách nói dối. Khi hành vi nói dối của trẻ kéo dài liên tục từ 6 tháng trở lên, cha mẹ nên đưa con các phòng khám, trung tâm tư vấn tìm sự giúp đỡ, giúp trẻ điều chỉnh thay đổi lại hành vi này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây