Hồi còn nhỏ, tôi ở với ông bà ngoại nơi làng quê. Tuổi thơ của tôi tuy không “dữ dội” nhưng cũng chẳng yên bình khi quê ngoại là vùng “phi pháo tự do” của chính quyền Sài Gòn. Bà ngoại tôi không biết chữ nhưng thuộc rất nhiều bài thơ, bài vè và những câu ca dao… Bà có thể nằm võng ru tôi bằng cả truyện thơ Lục vân Tiên hay Phạm Công Cúc Hoa. Bà lại rất khéo tay, đan sọt, rổ, rá…, và việc mà bà yêu thích nhất là đan võng. 





Ảnh: Internet

Những tàu lá chuối già, héo rũ trở thành những sợi dây võng chắc chắn nhưng mềm mại. Nhờ nguồn “nguyên liệu” sẵn có mà ngoại tôi làm được nhiều chiếc võng vừa dài, vừa rộng. Ngoại còn đan cho tôi một chiếc võng bé xíu, vừa với khổ người nhỏ bé của tôi, chặt hai con “găng” bằng cây ổi sau hè xỏ vào hai đầu võng. Nhưng tôi thì nghịch ngợm, khoái nằm theo chiều ngang của chiếc võng lớn. Chiếc võng ngoại đan cho tôi được mắc giữa hai cây trứng cá bên hiên nhà. Buổi trưa nóng nực, tôi thường ngủ trên chiếc võng này. Tôi nhớ hoài hình ảnh bà tôi vừa ngồi nhặt thóc, vừa cầm sợi dây chuối, một đầu cột vào cánh võng - để đong đưa và hát ru tôi ngủ. Giọng của ngoại ngọt ngào, tiếng võng đưa kẽo cà, kẽo kẹt nên tôi rất dễ dàng đi vào giấc ngủ. Từ khi ngoại tôi bị cụt mất cánh tay phải do trúng đạn pháo, bà yếu đi và không còn thắt võng nữa. 

Sau này, người ta sáng chế loại võng xếp, không cần phải giăng, nhờ những giá võng bằng kim loại. Võng xếp rất tiện lợi trong các ngôi nhà “tường đúc” hoặc nhà có không gian chật hẹp nơi thị thành. Mới đây tôi về thành phố thăm con cháu. Ngồi ru cháu ngoại trên những chiếc võng xếp, tôi có cảm giác thiếu một cái gì đó rất đỗi thân quen. Có lẽ đó là tiếng kẽo kẹt của nhịp võng đưa, tiếng gió thổi xạc xào qua bụi chuối sau hè, tiếng gà gáy trưa eo óc buồn tênh… nơi làng quê yêu dấu.