Cô gái chiến thắng nỗi đau
Thứ hai - 29/08/2011 22:44
Đó là Phàng Thị Phương - cô gái người dân tộc Mông (ở Lai Châu) vừa đoạt giải thưởng "Chiến thắng nỗi đau" do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi VN, Công ty dược phẩm United Pharma VN - nhãn hàng Alaxan trao tặng.
Dáng người nhỏ nhắn, di chuyển chậm chạp trên đôi nạng gỗ, ấy vậy mà Phương đã cùng anh cả thay cha mẹ chăm lo cho các em nên người suốt 17 năm qua.
Sinh năm 1975, lên 10 tuổi Phàng Thị Phương bị sốt cao khiến toàn thân bị liệt, 2 năm liền chỉ ngồi một chỗ, không di chuyển được. Thương con, mẹ Phương dồn sức đưa Phương xuống Hà Nội chạy chữa. Qua 6 lần mổ, cùng với sự kiên trì tập luyện, dần dần Phương đi lại được bằng hai nạng. Nhưng khi Phương còn chưa kịp thích nghi với cuộc sống của một người khuyết tật thì người mẹ thân yêu, chỗ dựa duy nhất của 6 người con, qua đời vì bệnh ung thư năm Phương mới 15 tuổi. Trước đó, cha Phương đã đi lấy vợ khác, không quan tâm gì đến các con. Mất mẹ, đàn con mồ côi ngơ ngác giữa cuộc đời cơ cực không còn nơi nào để bấu víu...
Phương là con gái lớn thứ hai trong nhà, các em của Phương lần lượt 13, 11, 9, 7 tuổi đều đang đi học. Phương cùng anh cả xoay xở mọi cách để duy trì cuộc sống và làm sao cho các em không phải nghỉ học. Phương chỉ được học đến lớp 4, vì chân bị liệt. Nỗi khát khao được đến trường như muốn truyền vào các em, Phương bắt đầu tập làm mẹ để lo cho các em, mặc dù trước mắt tương lai mịt mờ, không thấy nơi đâu là điểm sáng.
Phương trở nên cứng cỏi và gan lì trước thử thách khắc nghiệt. Phương ra chợ tìm cách bán rau sống tạm qua ngày. Để lấy được hàng, Phương phải thức dậy từ 3 giờ sáng, rồi còn giữ chỗ bán, miễn làm sao ngày hôm đó có đủ gạo và mắm muối để ăn. Ngày nào bán có lãi thì được từ 5.000 đến 10.000 đồng, có hôm không được đồng nào. Hơn 1 năm ngồi chợ, thấy cuộc sống quá bấp bênh, Phương quyết định đi học may, rồi mượn máy khâu, nhận hàng về nhà làm. Đều đặn cặm cụi làm đến 1-2 giờ sáng thì một ngày cũng kiếm được từ 25.000 đến 30.000 đồng. Rồi Phương đi học móc len bằng tay, mượn các mẫu về tìm tòi học hỏi, sáng tạo thêm và làm ra nhiều hàng đẹp. Phương cùng các em chăm chỉ móc len cả năm để đến mùa đông mang ra chợ bán. Hàng đẹp, bền, giá rẻ, thế là có nghề để sống. Phương còn dạy móc len cho 10 học sinh dân tộc ở bản Dào San (Phong Thổ - Lai Châu), các em móc được 1 cái khăn len là có được 10.000 đồng tiền công để mua sách vở, giấy bút.
Từ nghề len, Phương xoay tiếp sang nghề may rèm, màn, màn khung. Cô gái trông mỏng manh yếu ớt ấy lại dám ra tận Lào Cai vay ngân hàng 10 triệu đồng về mở cửa hàng. Thấy nghề sống được, Phương dạy thêm cho 3 phụ nữ dân tộc để họ có thể vượt nghèo khó đi lên. Học được nghề, phải mất tiền nhưng Phương dạy miễn phí. Đơn giản vì Phương đã được nhiều người giúp đỡ, nên cô cũng muốn giúp lại người khó khăn hơn.
Bằng đôi tay tần tảo, từ mảnh đất mẹ để lại, Phương đã xây được thêm 3 gian nhà cho thuê và chia đất cho các em sống tự lập. Những ngày gian khó đã qua, Phương có thể ngẩng cao đầu tự hào về những gì mình đã làm được. Không giấu nổi sự nghẹn ngào xúc động, Phương chân tình: "Mình cảm thấy vui nhiều, nhiều lắm! Mình không nghĩ rằng những người khuyết tật, dân tộc nghèo ở vùng núi xa xôi lại có ngày được cộng đồng quan tâm và biết đến. Trước đây, mình cứ nghĩ chỉ người ở thành phố mới được tôn vinh. Nay mình hiểu hơn rằng dù âm thầm lặng lẽ nhưng nếu làm tốt mọi việc thì cuộc sống sẽ mỉm cười với mình!".