Ai Cũng Có Mẹ…
Thứ sáu - 02/09/2011 00:35
Nếu không có mẹ thì mình sẽ không được “giới thiệu” trên cuộc đời. Đó là sợi dây nối đầu tiên, duy nhất và thiêng liêng trong mối quan hệ mẹ con.
Mẹ, gọi từ ấy thật triều mến, và quán (*) về những tháng ngày ta còn là một bào thai, đến khi chào đời và bập bẹ tiếng mẹ, tiếng má, rồi ngày ta được mẹ nắm tay, dắt đến trường; ngày mẹ cười rạng rỡ khi ta nhận phần thưởng về khoe… Quán như thế để thấy rằng trên mỗi chặng đường ta đi luôn thấp thoáng bóng mẹ, ở đó luôn có một chân lý rằng: mẹ bao giờ cũng thương con, và mong con khỏe mạnh, thành đạt, sống tốt…
Ta từng làm thơ & tặng hoa cho rất nhiều người phụ nữ;có bao giờ ta tặng hoa và làm thơ cho mẹ? (Ý thơ của Đỗ)
Ai cũng có mẹ, nếu không có mẹ thì ta sẽ không hiện hữu trên cuộc đời, sẽ không thấy được ánh sáng mặt trời, không biết cười và không biết khóc. Chúng ta sẽ là những kẻ “vô minh” mãi mãi nếu không được mẹ sinh ra. Quán điều đó để biết ơn mẹ, cái ơn được gọi bằng hai chữ sinh thành.
Rồi ta lớn lên, theo quy luật nguyên phân, giảm phân liên tục, cao lớn và đỉnh đạt. Lại quán, nếu không có giọt mồ hôi trên trán mẹ, không có những đêm thức trắng của mẹ khi ta bệnh “thập tử nhứt sinh” thì ta sẽ chẳng biết đến khái niệm về tình thương. Có một lần thầy Nhất Hạnh đã ví rằng: mẹ đã dạy và trao cho ta tấm bằng “đại học tình thương”, mẹ vốn là nhà giáo dạy ở phân khoa tình thương, để ta biết yêu, biết thương…
Trong trường đại học mang tên cuộc đời, ta thẩm thấu thêm nhiều giá trị khác, nhưng chất liệu ban đầu từ tình thương của mẹ luôn là chất liệu trong trẻo, vô tư nhứt để ta có thể rung động, để ta biết bao dung, tha thứ và yêu đời như sáng nay (khi thức dậy, ta mỉm cười rất tươi, tặng mẹ và tặng đời).
Ai cũng có mẹ, mệnh đề ấy gợi lên một điều bất di bất dịch rằng: trong ta có mẹ, từ chất liệu cơ thể đến chất liệu tình thương. Như đã nói, thì sự có mặt của mẹ trong ta là sự có mặt đầy đủ của vật chất lẫn tinh thần. Và tất nhiên, trong mẹ cũng có ta. Có lúc nào mẹ không nghĩ đến con? Trong kinh Vu lan, Phật đã nói: “Mẹ già trăm tuổi còn lo con tám mươi”. Vâng, phải thương thì mới lo, và lo cho con là một cách thương yêu chung của tất cả các bà mẹ trên thế gian này. Lúc nhỏ thì lo con bệnh, lớn lo học hành, lo dựng vợ gả chồng; lớn thêm chút nữa thì lo cho con của con…
Tôi vẫn thấy những ông bố bà mẹ chăm con, rồi đến chăm cháu cho đến cuối cuộc đời. Rồi tiễn con đi, cháu đi xa là lại khóc, mếu máo như là trẻ thơ… Để cho con cái nói ngắn-gọn một câu rằng: “Tự nhiên má khóc, con đi rồi con về chứ có đi luôn mô mà…”. Đứa con còn khỏe nên bao giờ cũng nghĩ mọi thứ là thường, là mãi mãi; chỉ có mẹ là thấm thía cái lý vô thường, nhỡ một cơn trái gió, trở trời, mẹ về với đất thì chắc gì đã gặp con; nhất là thời buổi này, con cái vì lập nghiệp, mưu sinh, cứ lớn lên một tí đã rời mẹ vào đời lao chen…
Nhắc đến mẹ là nhắc đến tình thương, đến công sanh thành và cả dưỡng dục. Và như đã nói, bài học đầu tiên, cao quý đó là bài học về tình thương mà bất kỳ bà mẹ (tốt) nào cũng trao truyền cho con.
***
Tất nhiên, cũng có những bà mẹ thương con mà không hiểu con nên đã áp đặt mọi thứ cho con, làm con hiểu nhầm là ghét bỏ, là không thương. Cũng phải, bởi thương mà không hiểu thì bằng mười không thương ấy chứ.
Và cũng có những bà mẹ vô tâm đến tội nghiệp, đã không thương con bằng cách đánh đập, thậm chí kinh doanh trên thân xác con trẻ, để cho con cái phải có lúc thốt lên rằng: “Giá mà mẹ đừng sinh con ra trên cuộc đời này…”. Chua chát và xót xa khi nói về những “mặt trái” ấy (nhất là trong Ngày của mẹ (**)) nhưng cũng phải nhận diện, để thương những người mẹ tội nghiệp và tội lỗi ấy.
Song, tôi vẫn chắc chắn một điều rằng, có lúc nào đó chợt nhớ, chợt nghĩ về những lầm lỗi đã gây ra với con mình thì những người mẹ ấy cũng sẽ đau lòng, đau hơn cả lúc chuyển dạ sanh con. Tôi luôn có một suy nghĩ tích cực như thế, bởi tôi tin vào bản năng của người mẹ là thương con. Dẫu có lúc nào đó quên thì rồi cũng sẽ nhớ
…