Trại phong Di Linh (tt)

Thứ năm - 25/08/2011 07:10

Trại phong Di Linh (tt)

Vào năm 1941, ở xã Hải An, Hải Hậu, Nam Định, một bé gái ra đời… Lớn lên, trong sự giáo dục của cha mẹ và với lòng từ tâm vô bờ bến, cô quyết định ...
Tấm lòng bác ái của Sơ Mai Thị Mậu

Thưa quí vị và các bạn, Vào năm 1941, ở xã Hải An, Hải Hậu, Nam Định, một bé gái ra đời… Lớn lên, trong sự giáo dục của cha mẹ và với lòng từ tâm vô bờ bến, cô quyết định nguyện suốt đời phục vụ cho người nghèo khổ bất hạnh và trở thành nữ tu Tu Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn. Năm 1968, người nữ tu trẻ tuổi này tình nguyện đến trại phong cùi Di Linh. Lúc bấy giờ, Sơ Mai Thị Mậu vừa tròn 27 tuổi.

Trại phong cùi Di Linh

Vào năm 1973, khi cha Cassaigne, người sáng lập làng phong cùi này qua đời vì bị lây bệnh, người nữ tu trẻ tuổi này quyết định xin ở lại trại cùi vĩnh viễn để được tiếp tục săn sóc cho các bệnh nhân. Nơi rừng thiêng nước độc và hẻo lánh, cả làng phong cùi chỉ có đôi ba nữ tu phục vụ, chẳng một ai ngó ngàng đến. Sơ kể lại: “Lúc đó, đối với mọi người ai cũng sợ hết, những người phong họ cho ở riêng một chỗ, chứ không ở chung trong gia đình. Ví dụ như nhà của họ, cách mấy chục thước thì họ làm cho cái nhà để mà ở. Thời đó ai cũng sợ lắm, không có ai dám bước đến trại phong, không ai giúp đỡ…
Chỉ ngoài những nữ tu phục vụ thì ở đó thôi. Cũng không có bệnh viện nào nhận hết, chỉ có một bệnh viện Chợ Quán, có hai chục giường là để riêng cho người bị bệnh phong, cần nằm thì cho nằm thôi…Còn ngoài ra, tất cả các bệnh viện khác, không có ai nhận người phong hết, vì họ quá sợ…
Thành ra, trong trại, các nữ tu theo nghề nghiệp của mình phải lo cho họ, tất cả mọi thứ, ngoài bệnh phong ra, phải tìm mọi cách để mà lo cho họ...”
Là một y tá, Sơ Mậu chịu trách nhiệm trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Bà nói: “Tay chân họ bị mất ngón, cụt, có thể nói là họ bị rụt, tức là nó nhỏ xíu lại, còn cong thì nó co lại, không kéo ra được..vi trùng này nó làm hại đến dây thần kinh trên mặt, trên tay…làm cho miệng méo, mắt không nhắm được, mũi thì sập cái sống mũi…bệnh này để lại tàn phế, bàn chân, bàn tay cứ bị co rụt cho nên bây giờ còn tồn tại là vì phải nuôi những người bị tàn phế, chân tay họ còn lở loét, mình còn phải chăm sóc họ.”

Nâng đỡ tinh thần của bệnh nhân

Không những chỉ chăm sóc về thể xác, mà Sơ còn tìm cách nâng đỡ tinh thần của họ. Đa số những bệnh nhân khi đến trại đều bị gia đình bỏ rơi, hàng xóm láng giềng ghẻ lạnh… Sơ cho hay:
“Ngày xưa, họ ở theo tập thể gia đình, cứ mỗi một cái nhà bằng gỗ, 12 thước, chia ra, những người độc thân thì chung với nhau, 2, 3 người chung một phòng, rất là thiếu tiện nghi. Lúc đó, cũng ít người có gia đình, vì những người vợ, hay chồng bị phong bị bỏ, thì vô trại, còn những vợ hay chồng không bị phong thì họ ở lại làng…đương nhiên là người ta sẽ lấy chồng khác, vợ khác.
Khi họ vào đây thì họ lại lấy nhau làm thành một gia đình khác…Con cái theo mẹ, nếu sinh con ở đây thì con cái thuộc về đây luôn…”
Được hỏi làm thế nào để tránh cho con cái của bệnh nhân không bị nhiễm vi khuẩn phong? Sơ cho biết: lúc đầu, cách ly con ngay khi lọt lòng mẹ. Thế nhưng, vì điều kiện vật chất quá thiếu thốn nên khi tách con sớm như thế thì hay bị chết non.
Do đó, Sơ Mậu quyết định để hẳn trong trại phong nhưng cách ly sinh hoạt, cho ăn uống và ngủ riêng. Nhờ vậy, sự lây lan cũng đỡ dần. Với quyết tâm xây dựng tương lai cho các con của bệnh nhân được học hành đến nơi đến chốn, Sơ Mậu tìm mọi cách thuyết phục các trường học thu nhận các em này. Sơ kể lại: “Hồi đầu tiên họ nhất định không cho học, nhưng sau này, khi họ biết các cháu ở riêng, và phải có giấy xác nhận là chúng nó không có bệnh thì họ mới cho học…Các em đi học từ mẫu giáo đến cấp ba, em nào đi học đại học thì cho nó đi học ở thành phố HCM hay ngoài Huế, theo các ngành nghề khác nhau…
Những em học về ngành Y thì tụi nó trở về đây giúp, còn các ngành khác thì mình xin việc cho chúng nó làm như đi dậy học ở trường của tỉnh, còn kỹ sư thì chúng nó tự xin công việc ở thành phố hay các tỉnh…
Nhưng nếu mình cần, thì cũng kêu các em về và cũng trả lương cho các em, thí dụ như em nào là kỹ sư nông nghiệp, mình có đất sản xuất, chăn nuôi, thì phải nhờ nó, thì mình cũng trả lương để các em về làm cho mình…Còn các em y, bác sĩ, thì nhà nước họ trả tiền lương…”

Làng phục hồi

Để giúp cho gia đình của các bệnh nhân tự lập và hoà nhập vào cộng đồng, Sơ Mậu nảy ra sáng kiến lập làng phục hồi. Cũng nhờ ngày xưa, trước năm 1975, với sự hỗ trợ của nhà Dòng và các ân nhân, Sơ mua được một miếng đất hoang vu, cách trại chừng 12 km, và đưa những người còn có khả năng làm việc về nơi ấy sinh sống và khai khẩn đất hoang, Sơ nói: “Những người đó đã sạch vi trùng, tuy họ tàn phế, nhưng họ đã hết vi khuẩn rồi, cùng với con em của họ về đấy để làm thành một làng luôn, để họ hoà đồng vào xã hội…Tất cả những ai còn sức lao động, hay tàn phế vừa vừa thì mình chuyển họ lên đó, vì họ ở quá lâu trong này, không còn đất đai, nhà cửa nữa…nên nhờ có miếng đất đó họ làm ăn…
Sau này, mình tập cho họ tự lo liệu lấy với hết khả năng của họ, rồi thiếu tới đâu, mình lo tới đó…mình tập cho họ không trở thành gánh nặng cho xã hội nữa…Thí dụ mình khoẻ mạnh thì mình làm được 90%, thì họ làm được 40%....”
Cũng theo lời Sơ Mậu, hầu hết kinh phí để lo cho đời sống của bệnh nhân và con cái của họ là do các nữ tu tự xoay sở lấy. Trước kia, trại có sự hỗ trợ của nhà dòng và các ân nhân cùng bạn bè của cha Cassaigne. Sau năm 1975, nhà nước bắt đầu quản lý, thì:
“Nhà nước quản lý thì được 5 ký gạo, và 5000 ngàn cho mỗi bệnh nhân….Sau đó, cứ lên dần, 20 ngàn, 50 ngàn…rồi 100 ngàn…bắt đầu năm nay thì được hai trăm ngàn một người…Bây giờ ở Việt Nam cũng nhờ có phong trào làm việc xã hội, nên họ cũng rủ nhau, qua những đoàn đi tham quan Đà Lạt, hoặc là thăm chuà, bên Công Giáo là các ngày lễ lớn, hay tết, thì người ta cũng rủ nhau đến tặng quà cho bệnh nhân…mỗi chỗ họ cho một ít.”
Sau 38 năm làm việc tại trại phong Di Linh, giờ đây, nhìn lại những gì đã trải qua, Sơ tâm sự: “Trong một khu vực mà chẳng một ai dám đến, nên đỡ đẻ cũng mình, nhổ răng cũng mình, chăm sóc cũng mình, chôn cất cũng mình, rồi lo ăn uống cũng mình…rồi lo nhà cửa cho họ… như một người mẹ lo cho các con vậy. Thật ra thì mình cũng có lý tưởng của mình rồi, không có sợ gì cả, giống như những người họ dấn thân vào bệnh Sida, nếu người ta sợ, người ta đâu có dấn thân lo cho Sida.
Mình tận hiến để lo cho họ, những anh em nghèo khổ, đó là mục đích của mình…chăm sóc cho họ về thể xác và lo cho họ về tinh thần, dậy dỗ, giáo dục cho các em về nhân bản, sống thành một người công dân tốt trong xã hội và có thể đưa họ đến đời sống thánh thiện nữa. Mình phục vụ cho họ là vô vị lợi, chứ cũng chẳng cho gia đình mình…”

Tấm lòng của người mẹ

Nữ hộ sinh kiêm điều dưỡng Ka Siuh, năm nay 31 tuổi, hiện đang làm việc tại khu điều trị thì nói: “Em sinh ra và lớn lên trong trại cùi này luôn…Dì Mậu như là người mẹ của tụi em vậy, dì săn sóc tụi em từ khi mới sinh ra cho đến khi lớn lên, học hành và lo cho tụi em đến khi thành tài.”
Anh Krung, năm nay 42 tuổi cho biết: “Tôi là người dân tộc. Tôi sống ở được 6 năm rồi, vô đây được các dì giúp đỡ. Từ ngày tôi mắc bệnh, tôi bất mãn và chán chường lắm. Từ khi tôi vô trại, được sự giúp đỡ, tôi cũng bớt mặc cảm đi.
Tôi sống rất thoải mái và hạnh phúc. Trong một thời gian điều trị thì tôi hết bệnh…được sơ đào tạo cho một nghề sửa xe. Tôi thấy sơ Mậu như một người mẹ tốt, đã tận tình giúp tôi trong những ngày tôi đau ốm.”
Bác Đinh Văn Cung, người đã sống trong trại 40 năm qua, hiện có hai con đang theo học Đại Học Y Dược ở TPHCM, đã phát biểu:
“Trong gần 40 năm, dì đã yêu thương, tận tình chăm sóc chúng tôi và làm cho cuộc sống của chúng tôi được hạnh phúc và tràn đầy niềm vui, những điều mà tưởng rằng chúng tôi không bao giờ có được nữa khi chúng tôi phải chịu nỗi bất hạnh của bệnh phong cùi…
Dì đã cho con cái của chúng tôi một tương lai tươi sáng khi lo lắng, giúp đỡ, khích lệ từng đưá con của chúng tôi nỗ lực học tập để hoà nhập vào cộng đồng…”

Rất bản lĩnh

Còn với Sơ Tiến, người đã làm việc trong trại 22 năm qua bên cạnh Sơ Mậu. Chứng kiến bao sự thăng trầm và gian nan vất vả của Sơ Mậu, thì chia xẻ: “Sơ Mậu là một người rất có bản lĩnh trong vấn đề phục vụ…giống như những người kinh doanh để làm giầu, bà bạo gan, bà dám nói, dám làm, bà rất táo bạo trong những công việc để phục vụ cho các bệnh nhân chứ không phải cho cá nhân bà…Nhờ đó, mà cho đến ngày hôm nay, các bệnh nhân và con em của bệnh nhân mới có được như ngày hôm nay.” Thưa quí vị, vừa rồi là câu chuyện về Sơ Mai thị Mậu, người đã hy sinh và tận hiến cả cuộc đời mình ở trại cùi Di Linh, Lâm Đồng.
Với tâm nguyện phần nào chăm sóc và xoa dịu những nỗi bất hạnh của những người bệnh phong cùi, với quyết tâm đem lại cho đời sống và con cái của họ được có một tương lai tốt đẹp, Sơ đã kiên trì vượt qua bao gian khổ, cùng chia xẻ bao mồ hôi và nước mắt với bệnh nhân, để ngày nay họ được hưởng một cuộc sống tươi sáng hơn. Cảm phục thay sự can đảm và hy sinh của bà ! …

Một nữ tu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động
 
Nhân kỷ niệm 51 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2006), ngày 25.2, tại Khu điều trị phong Di Linh (Lâm Đồng), UBND và Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động của Chủ tịch nước cho nữ tu Mai Thị Mậu, Trưởng khu điều trị phong Di Linh.
Bà Mai Thị Mậu năm nay 65 tuổi, đã có 38 năm gắn bó với khu điều trị phong. Bên cạnh việc chăm sóc, chữa trị cho trên 2.100 bệnh nhân phong, khu điều trị này còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục gia đình bệnh nhân khỏi bệnh; giúp gần 30 con em bệnh nhân theo học bậc đại học, cao đẳng, trung cấp. Hiện nay có 14 người học xong trở về làm việc tại khu điều trị phong, trong đó có bác sĩ, y sĩ, hộ lý, cấp dưỡng, kỹ sư... Năm 2001, nữ tu Mai Thị Mậu và khu điều trị phong được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III. Năm 2005, bà Mai Thị Mậu là một trong 12 chiến sĩ thi đua tiêu biểu đại diện cho tỉnh Lâm Đồng tham dự Đại hội thi đua yêu nước tổ chức tại Hà Nội.
 
Người nữ tu anh hùng
Soeur Mậu thăm bệnh cho bà Ka Út, 75 tuổi
 
 
 
TTCN - Soeur Mai Thị Mậu bảo rằng thời trẻ bà đến cao nguyên Di Linh này như thế nào thì mai này khi ra đi cũng như thế ấy. Tình yêu thương những con người bất hạnh là cái duy nhất bà cần. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói rằng với soeur Mậu phải phong ba lần anh hùng mới xứng đáng!
Và hôm 25-2, một lễ trao danh hiệu anh hùng do Chủ tịch nước tặng cho người nữ tu ấy đã diễn ra ngay tại làng phong Di Linh trên một ngọn đồi.

Ngôi làng trên đồi
 





Khung cảnh làng phong Di Linh


 

Cao nguyên Di Linh bạt ngàn cà phê đã là vùng đất dung nạp sớm nhất những con người bất hạnh mắc bệnh phong. Cái cõi riêng ấy đã tồn tại suốt gần 80 năm qua. Thật khó hình dung khu dân cư thanh bình, sạch sẽ, ẩn dưới cây xanh với đường đi lối lại uốn lượn và được trồng nhiều hoa này lại là một trại phong nổi tiếng, đã có từ năm 1927.
“Làng cùi” - cái tên chỉ còn trong quá khứ ấy - gồm nhiều nóc nhà rải ra, nhấp nhô trên nhiều cung bậc của khu đồi rộng chừng 40ha thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ngôi làng đặc biệt ấy chỉ cách thị trấn Di Linh một thung lũng trồng lúa nước, chừng 500m theo đường chim bay nhưng là một thế giới khác hoàn toàn với những sôi động ngoài kia.
Dân làng có đủ mọi lứa tuổi, nhiều gia đình có lẽ đã trải qua đến 3-4 thế hệ chung sống tại đây. Trên những khoảng sân có những ông lão, bà cụ đang trầm tư ngồi, đây đó là dăm ba người đàn bà đang cho lũ trẻ ăn cạnh cầu thang, dưới những mái nhà mang phong cách kiến trúc pha trộn biệt thự kiểu Pháp với nhà sàn Tây nguyên.
Trong những căn nhà trên đỉnh đồi - khu điều trị bệnh - những người bệnh đang được chẩn trị, chăm sóc chu đáo. Lại có một khu khác cho người bệnh đã giảm tịnh dưỡng. Còn ven các sườn đồi, quanh các mái nhà là những mảnh vườn cà phê nho nhỏ đang ra bông trắng ngào ngạt hương, với khá nhiều dân làng đang canh tác. Cũng không khó nhận ra khu khám chữa bệnh, khu phục hồi thể hình cho bệnh nhân, rồi trường mẫu giáo, nhà ăn... Và có cả một nghĩa trang riêng của làng với hàng ngàn nấm mộ.
Dưới chân đồi, ngay lối vào làng là tấm bảng ghi “Trung tâm điều trị phong Di Linh”, chỉ rõ cái cộng đồng cư dân ở đây.
Nhưng ở đây tôi còn gặp những người khỏe mạnh, đã hết bệnh vẫn chung sống với người đang bệnh. Tôi còn biết có người không hề mắc bệnh vẫn lập gia đình với người từng bị bệnh nhưng đã được chữa trị và con cái họ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Người ta cũng kể với tôi về những mối tình đi đến hôn nhân giữa những cô gái Kinh với các chàng trai người thiểu số K’ho ngay tại ngọn đồi này, hay những chàng trai sống bên ngoài làng phong yêu và cưới các cô gái trong làng...

Người nữ tu anh hùng

 
Soeur Mậu kiểm tra chất lượng bữa ăn tại bếp
Làng phong Di Linh trong quá khứ gắn với “ông Tây” bác ái nhân từ J.B.Casaigne. Năm 1973, khi ông mất đi, trách nhiệm điều hành ngôi làng bỗng chốc đặt lên vai soeur Mai Thị Mậu, khi ấy vừa 32 tuổi và đã sống ở làng được năm năm. Thế là người nữ tu trẻ tuổi đến từ Sài Gòn tiếp tục công việc đầy vất vả, khó khăn: chữa trị bệnh, chăm nom những công dân của làng.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, khó ai bình tâm để chú ý đến những người mắc bệnh phong thân tàn ma dại ở vùng cao hẻo lánh, nhưng soeur Mậu vẫn tiếp tục tìm kiếm trên cao nguyên Lang Bian những người mắc bệnh để đưa về ngôi làng cô quạnh trên ngọn đồi. Những năm đầu (từ 1968) khi mới đặt chân lên đây, người nữ tu đã trải qua trường y ấy đã tâm nguyện: “Nếu không được cứu kịp thời chắc chắn những con người bất hạnh ấy sẽ chết trong quằn quại đớn đau một cách oan uổng giữa rừng”.
Có lúc bà đi một mình, có lúc đi cùng những người phiên dịch (tiếng K’ho), trên vai họ là những chiếc gùi đựng gạo muối, rau xanh, thuốc men... Ai mắc bệnh nhẹ bà chữa trị ngay tại buôn làng, người bệnh nặng được đưa về làng phong để điều trị nội trú. Không ít buôn làng khi ấy vẫn còn sống trong tình trạng bán khai, người dân lại tự kỷ, sợ người lạ nên nhiều bệnh nhân thấy soeur Mậu là bỏ chạy.
Bởi phần lớn bệnh tật bà con làng buôn đều đổ cho “con ma lai”, huống chi thứ bệnh tàn phá cơ thể khủng khiếp như vậy. Và hễ ai mắc bệnh phong là bị đuổi khỏi làng, vì lũ làng cho rằng đã có “liên lụỵ” với con ma hoặc đã “thành ma!” rồi. Muốn cứu họ soeur Mậu phải tìm vào những khu rừng “biệt xứ” kia. Lúc đi bộ, lúc đi xe đạp, rồi xe Honda, có khi phải lên tận vùng Lang Hanh thì soeur phải nhảy xe đò Sài Gòn - Đà Lạt...
Bà kể: có một lần trên đường đi Sài Gòn, xe nghỉ ăn trưa ở Định Quán, bất chợt thấy nhóm người lam lũ ở quanh đó mà bà dễ nhận ra dấu hiệu của bệnh phong trên thân thể của họ, thế là ngay khi trở lại Di Linh bà đã đánh xe xuống Định Quán đưa họ lên Di Linh chữa trị... Cứ thế cho đến nhiều năm sau, khi không còn đủ sức để băng rừng, thêm công việc cần phải giải quyết hằng ngày tại làng phong quá nhiều bà mới thôi đi, tập trung điều hành mọi hoạt động chữa trị bệnh, tổ chức cuộc sống cho dân làng. Trong số những con bệnh, có người khi lành bệnh đã xin ở lại luôn nơi đây, bởi với họ bây giờ ngọn đồi cô quạnh này thật ấm áp ân tình.
Vị nữ tu chăm sóc bữa ăn cho một người bệnh cao tuổi
Dành trọn cuộc đời cho những bệnh nhân của làng phong Di Linh, soeur Mậu không hề ngại va chạm ngay cả những vết lở loét trên cơ thể họ, bà còn chăm nom giấc ngủ, lo từng bữa ăn hằng ngày cho họ. Trái gió trở trời đau nhức cơ thể họ cũng gọi bà, một phụ nữ nào đó trở dạ sinh con vẫn cứ phải có bàn tay “mẹ Mậu” hay có ai đó qua đời cũng bà lo tang ma... Con cái những người dân làng đi học, mọi thứ giấy tờ, thủ tục cần cho chúng cũng đến tay bà. Người ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi mà ngay từ năm 1973 bà đã nghĩ đến quĩ đất dành cho những người khi hết bệnh, sinh con đẻ cái có chỗ để ra riêng.
Đó là khu đất rộng 53ha ở xã Gia Hiệp, cách ngọn đồi này 9km, mà bà đã mua rẻ được khi chữa lành bệnh cho một điền chủ người Đức quốc tịch Pháp. Khi ông ta muốn trả ơn thì bà chỉ yêu cầu cho mua rẻ lại ít đất để lo cho tương lai con cái của bệnh nhân làng phong. Hiện soeur Mậu đã chia đất cho những người lành bệnh cùng con cháu họ và hằng ngày khi xe chạy ngang khu đất cạnh đường 20 này người ta dễ thấy một ngôi làng mới hình thành với những căn nhà nho nhỏ sơn màu tím đỏ ẩn trong màu xanh của vườn cà phê.
Suốt mấy mươi năm qua “mẹ Mậu” âm thầm gánh vác công việc ở cái làng có đến 150 nhân khẩu (57 gia đình) cùng 152 bệnh nhân già trẻ khác đang “thường trú” tại làng phong... Dù “làng cùi” nay đã thuộc sự quản lý của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng (thuộc Sở Y tế Lâm Đồng), nhưng thật ra mọi công việc ở đây chủ yếu vẫn do các soeur lo toan dưới sự điều hành của “mẹ Mậu”...
Năm 2006 này soeur Mậu đã 65 tuổi nhưng bà vẫn tiếp tục công việc của một “kiến trúc sư trưởng” Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh (tên gọi mới) dù dưới hình thức gọi là “hợp đồng lao động”. Bà nói: “Những thân phận đáng thương ở đây không cho phép tôi nghỉ hưu. Chừng nào họ cần đến tôi, chừng ấy tôi cần phải ở bên họ, chăm lo cho họ”. Tôi hỏi soeur Mậu: suốt một đời gắn bó với “thế giới người cùi” ấy, lúc nào bà hoan hỉ nhất?
Bà cho biết đó là khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo các cơ sở y tế từ nay phải tiếp nhận các bệnh nhân phong, và các trường học phải tiếp nhận học sinh tiền sử có bệnh phong! Trong lòng của bà vẫn không quên những cái chết oan uổng của người bệnh phong ở làng này khi họ mắc thêm những thứ bệnh khác nhưng không được nhập viện chữa trị (như ruột thừa, tim mạch...): “Được hòa nhập, đối xử từ tâm và bình đẳng là niềm an ủi lớn lao nhất của những ai đã mắc bệnh phong. Vì họ cũng là con người!”.

 
 
Năm 2006

 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 28 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây