Hàng trăm người tham gia chầu Thánh Thể
tại nhà một giáo dân hôm Chúa nhật Chúa Ba Ngôi
Giáo dân tại một giáo xứ có tuổi đời gần một thế kỷ và bị chiến tranh tàn phá cách đây gần 50 năm lần đầu tiên tổ chức chầu Thánh Thể tại tư gia và lóe lên niềm hy vọng hồi sinh.
Sáng Chúa nhật, ngày 3-6, dù trời mưa lớn nhưng khoảng 200 người cuốc bộ trên con đường đất dài một km vừa lầy lội bùn đất vừa trơn trượt để đến chầu Mình Thánh Chúa lần đầu tiên tại nhà một giáo dân ở giáo họ Phúc Lộc, ngoại ô thành phố Yên Bái.
Giáo dân thay phiên nhau chầu suốt ba tiếng liền. Họ ngồi, quỳ và đứng đọc kinh, đọc than lời chầu đền tạ Thánh Tâm Chúa và thánh ca để cầu cho giáo họ, giáo xứ, giáo phận và Giáo hội toàn cầu.
Gia đình anh Phêrô Nguyễn Văn Cẩn mua lại và tu sửa ngôi nhà gỗ cũ rộng chừng 40 m2, mái lợp lá cọ, vách trát xi măng cát từ hơn một tháng nay để chuẩn bị cho ngày chầu lượt quan trọng này. Bên ngoài anh căng thêm phông bạt.
“Để có được nơi chầu Chúa hôm nay, gia đình phải thuê máy ủi san nền, đổ đất làm đường, rồi sửa nhà tốn phí hết gần 100 triệu đồng. Chưa kể làm thủ tục xin phép chính quyền,” – anh Cẩn, 50 tuổi, cho biết.
“Mục đích là có ý cho cộng đoàn mượn tạm làm nơi đặt chầu Chúa. Giáo xứ và chính quyền địa phương chưa đi đến quyết định có chọn nơi đây làm nơi thờ tự lâu dài hay không, nhưng gia đình tôi có thiện chí dâng cho Chúa nơi này” – anh nói thêm.
Cụ ông Giuse Nguyễn Ngọc Châu, 80 tuổi, nói: “Cả cuộc đời tôi gắn bó với vùng đất này, nhưng chưa bao giờ tôi dám mơ có ngày được chầu Thánh thể Chúa tại đây như ngày hôm nay. Cảm tạ Thiên Chúa đã không bỏ rơi những con người nghèo khổ nơi đây.”
“Tôi có 6 con trai và một gái nhưng một nửa trong số chúng đã bỏ đạo. Vợ tôi cũng ly dị bỏ tôi 11 năm rồi, cuộc sống cơ cực là vậy nhưng tôi không bao giờ bỏ quên Chúa” – Cụ Châu kể. Chủ nhật hàng tuần cụ đạp xe 10 km để đi dự lễ tại giáo xứ Yên Bái và vẫn làm tông đồ bằng cách làm người liên lạc thư từ, chuyển thông báo của giáo xứ cho bà con và các sinh hoạt khác.
Kết thúc ngày chầu bằng Thánh lễ tạ ơn do linh mục Phêrô Nguyễn Đình Đền, quản xứ Mỹ Hưng và kiêm nhiệm hai xứ Quần Hào và Yên Bái, nơi có giáo họ Phúc Lộc, chủ sự. Đại diện chính quyền địa phương cũng tới chúc mừng.
“Tôi cảm thấy vui cho nỗ lực của một cộng đoàn giáo họ nhỏ bé nghèo nàn chỉ còn lại khoảng 200 giáo dân, nhưng đã cố gắng tổ chức được ngày chầu lượt thay mặt giáo phận lần đầu tiên sau 48 năm. Mặc dù lịch chầu của họ đã có vài năm nay và giáo họ này cũng được chính quyền công nhận chính thức từ 2 năm rồi, nhưng kẹt một nỗi họ không có nhà thờ để tổ chức sinh hoạt tôn giáo” – Cha Đền cho biết.
Từ hai năm qua ngài phải dâng lễ cho họ tại các gia đình, nay nhà này mai nhà khác, do đó mối ưu tư lớn nhất của ngài là chính quyền địa phương làm sao cấp cho họ được một miếng đất thuận tiện làm nơi thờ tự.
Cha kể giáo họ Phúc Lộc được thành lập từ năm 1916, đến năm 1918 thì được nâng lên thành giáo xứ có nhà thờ, có linh mục và đông đảo giáo dân. Năm 1964 nhà thờ bị bom phá bình địa, giáo dân sơ tán tản mác đi các nơi, sau đó đất nhà thờ cũng bị người dân lấn chiếm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn