Trong dịp Đại Hội La Vang 8 (1923), Đức cha Allys Lý nhận thấy số giáo dân hành hương ngày một đông, ngôi nhà thờ ngói thì quá chật hẹp, lại đã xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nên đã quyết định xây dựng ngôi đền thánh rộng lớn tại La Vang. Đức cha đã giao phó trọng trách này cho cha sở Cổ Vưu.
Ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức 11.02.1924, cha sở Cổ Vưu Morineau Trung phát hiệu lệnh khởi công xây dựng đền thánh La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier, với mức kinh phí dự trù tối thiểu phải hai mươi ngàn đồng bạc.
Ròng rã bốn năm trời với biết bao công sức tiền của đổ ra, công trình Đền Thánh La Vang vĩ đại đã hoàn thành ngoại trừ phần tháp chuông chưa xong.
"Ngôi thánh đường với hai tầng mái và hai cánh thánh giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao ngất nổi bật lên giữa cảnh đồi cát chung quanh và núi rừng xa xa. Đây là ngôi nhà thờ ngói thứ hai minh chứng lòng thành kính Đức Mẹ La Vang của giáo dân toàn quốc" [Lm Sta. Nguyễn Văn Ngọc. LINH ĐỊA LA VANG. Tr. 72].
08 giờ sáng ngày 20.08.1928, ngày đầu trong tam nhật Đại Hội La Vang 9, Đức cha Allys Lý đã long trọng cử hành nghi thức làm phép nhà thờ mới. Còn nghi thức làm phép chuông, cũng do Đức cha Allys cử hành nhưng chậm hơn, vào ngày chúa nhật 30.09.1928.
Qua năm tháng Đền Thánh La Vang bị hư hại nặng. Năm 1959, cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường cho trùng tu, thay toàn bộ tuồng gỗ bằng vài sắt Eiffel, lợp lại mái ngói và đóng trần mới.
Trong phiên họp ngày 13.04.1961 Hội Đồng Giám Mục Miền Nam đã đồng thanh quyết định La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc và chọn đền thánh La Vang làm đền thờ khấng dâng trái tim vẹn sạch Đức Mẹ. Đồng thời chấp thuận một chương trình kiến thiết Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.
1. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG
Để thi hành lời khấn hứa, đền thánh La Vang được đặt bốn bàn thờ cẩm thạch lấy từ núi Ngũ Hành Sơn. Một bàn thờ chính dâng kính Đức Mẹ và ba bàn thờ phụ dâng kính các thánh tử đạo ba miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời được chỉnh trang để chuẩn bị đón nhận tước hiệu Vương Cung Thánh Đường.
Sáng 22.08.1961, ngày xức dầu đền thánh, cũng là ngày cuối cùng trong 6 ngày Đại Hội La Vang 15, trước hàng giáo sĩ và 300.000 giáo dân, Đức ông De Nitris, thư ký Tòa Khâm Mạng, đại diện Tòa thánh tuyên đọc nguyên văn bằng La ngữ sắc chỉ MAGNO NOS SOLATIO của Đức Thánh cha Gioan XXIII nâng Đền Thờ La Vang lên bậc VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG. Linh mục Nguyễn Văn Lập phụng dịch Việt ngữ và đọc lại toàn bộ bản văn từ đầu đến cuối. Tiếp đó, Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục tuyên bố: "Kể từ nay Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, Đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc”.
Vương Cung Thánh Đường La Vang - Đền Thánh La Vang tồn tại được 44 năm (1928 - 1972), bị bom đạn phá hủy hoàn toàn trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nay chỉ còn di tích tháp chuông.
2. ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII NÂNG ĐỀN THỜ LA VANG LÊN BẬC VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG.
ĐGH Gioan XXIII vừa ban sắc chỉ Vénérabilium Nostrorum ngày 24.11.1960 thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, nay ngày 08.08.1961 ưu ái ban hành sắc chỉ Magno Nos Solatio nâng đền thờ Đức Mẹ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường.
• ĐIỆN VĂN CỦA BỘ PHỤNG TỰ TÒA THÁNH VATICAN.
Trước Đại Hội La Vang 15 (1961), đang nóng lòng chờ đợi thì Tòa TGM Huế nhận được điện văn của Tòa Thánh như sau:
“Bộ Phụng Tự đã tuyên bố nâng đền thờ La Vang lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Stop. Đền thờ La Vang được mang tước hiệu đó vào ngày 22.08.1961, vì Giáo hội buộc một đền thờ phải được xức dầu trước mới được nâng lên tước hiệu Vương Cung Thánh Đường. Stop. Về sắc chỉ, hiện Phủ Quốc Vụ Khanh đang chuẩn bị. Stop end”. [Ns. ĐỨC MẸ LA VANG. Số 01. Tháng 8.1961, tr.44]
• SẮC CHỈ MAGNO NOS SOLATIO CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII [Nguyên bản tiếng Latin. Phụng dịch Việt ngữ của Lm. Simon Nguyễn Văn Lập. THÁNH ĐỊA ĐỨC MẸ LA VANG. TOÀ TGM HUẾ. 1998, tr.29+30]
“Gioan XXIII, để muôn đời ghi nhớ
Lòng tôi đầy tràn an ủi khi hồi tưởng đến vô vàn dấu tỏ lòng cung kính Đức Mẹ xuất hiện khắp nơi trên hoàn cầu, như muôn đóa hoa tuyệt đẹp trổ ra trong cánh đồng phì nhiêu Công giáo. Đất Việt Nam cũng trổ hoa mến yêu Đức Trinh Nữ, và ở La Vang, một làng nằm trong lãnh thổ nước nầy có đền thánh danh tiếng vì được dân chúng đến viếng đêm ngày đông đúc, và được coi như thiên đài toàn quốc. Đền thánh ấy các Giám mục miền Nam Việt Nam trong phiên họp năm 1961 đã muốn gọi là đền thánh toàn quốc khấng dâng, vì các ngài đã quyết định dâng tiến cho Đức Mẹ một đền thánh để nhớ ơn Đức Mẹ phù hộ, ban cho Giáo hội chiến thắng được kẻ nghịch, đức tin được bảo toàn, đất nước được thống nhất và hưởng lại tự do. Muốn được những ơn phúc ấy, dân chúng sẽ đến viếng mỗi ngày một đông hơn và xem đền thánh ấy như nhà cầu nguyện. Nơi đó sẽ còn thiết lập và khuyền khích thói quen chầu Thánh Thể, ngõ hầu lòng tôn kính Chúa Giêsu đi đôi với lòng sùng kính Đức Mẹ.
Vì những lý do nói trên, các Giám mục - cũng là thể theo ý Đức Hồng y Grêgôriô Phêrô Agagianian tổng trưởng Bộ Truyền Giáo - đã nghĩ đến việc cho đền thánh ấy mang vinh dự một Vương Cung Thánh Đường. Các ngài đã nhờ Đức cha Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, Tổng Giám mục Huế đệ trình lên Tòa Thánh ý nguyện của các ngài.
Phần tôi, để ban thưởng đức tin bất khuất của giáo hữu Việt Nam một cách tương xứng và để thúc đẩy lòng đạo đức thực tiễn, tôi vui lòng chấp nhận ý nguyện ấy. Bởi thế sau khi đã bàn hỏi Bộ Phụng Tự, tìm biết chắc chắn và cân nhắc kỹ lưỡng, tôi lấy toàn quyền Giáo hoàng để viết sắc chỉ này có hiệu lực vĩnh viễn để ban để ban cho đền thánh Đức Mẹ La Vang ở giáo phận Huế được tước hiệu và phẩm vị TIỂU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG, với tất cả các quyền lợi, đặc ân thường ban cho những thánh đường như thế, không gì trái ngược có thể chống lại sắc chỉ nấy.
Tôi truyền cho những ai liên quan hoặc có thể liên quan với sắc chỉ nầy, từ nay về sau phải hoàn toàn vâng phục. Bất cứ ai, bất cứ quyền lực nào vi phạm sắc chỉ này, vô tình hay hữu ý, đều kể là bất thành, vô hiệu.
Ban hành tại Rôma, cạnh đền thờ thánh Phêrô, có đóng ấn Ngự Phủ, ngày 08.08.1961, năm thứ ba triều đại Giáo hoàng của tôi”.
THỪA LỆNH GIÁO HOÀNG
Ký thay
ĐỨC HỒNG Y QUỐC VỤ KHANH
ANGELO DELL’ACQUA
Đại biện