Tỷ lệ thanh thiếu niên Pakistan tự tử đang gia tăng và có lý do rõ ràng là các em đang đánh mất hy vọng.
Khoảng 15 học sinh đã tự tử trong vài tháng qua, theo báo chí địa phương. Một vài bản tin truyền hình đề cập đến vấn đề này, nhưng giới truyền thông tiếp tục bị chi phối bởi các bài nói chuyện về ngân sách và các chính trị gia thành công.
Trong khi đó, đất nước đang đánh mất các lãnh đạo tương lai tài năng vì tình trạng bất ổn lan tràn trong tuyệt vọng.
Có lẽ đất nước cần một loại siêu anh hùng, một siêu nhân dẫn dắt chúng ta trở lại con đường chân thật và thiện hảo, một người lấy lại tính thơ ngây cho tuổi trẻ vốn đã bị đánh mất trong não nề.
Giới trẻ đang bị tước đoạt tính ngây thơ và xã hội phải chịu trách nhiệm về chuyện này, Sajjad Cheema, quản lý khu vực của Hội Bảo vệ quyền trẻ em (SPARC), phát biểu trong một bản tin ngắn ở Lahore hồi tuần trước.
“Các em không bị rối loạn tâm lý khi sinh ra nhưng môi trường đã khiến các em đi đến tuyệt vọng vì chúng ta. Đây là thất bại của đất nước” – ông nhấn mạnh.
Theo dữ liệu do SPARC Punjab thu thập, 122 vụ vi phạm quyền trẻ em được báo cáo từ tháng Giêng đến tháng Năm năm nay. Trong đó có 40 vụ lạm dụng tình dục trẻ em, 14 trẻ em bị giết và 22 trẻ khác bị bắt cóc. 14 trẻ bị nhục hình, sáu trẻ bị ép lập gia đình và 13 trẻ bị chết do nhân viên y tế tắc trách.
“Bạo lực đang tạo ra những xu hướng nguy hiểm trong xã hội chúng ta, nhất là nơi trẻ em. Nhà nước dường như im lặng đứng nhìn, ít quan tâm đến các vụ tàn bạo này khiến cho thế hệ trẻ bị ám ảnh liên tục” – Cheema nói.
Chính siêu nhân của chúng ta sẽ giúp mang lại sự lạc quan và khích lệ chúng ta chống lại các tệ nạn tham nhũng, lạm phát gia tăng, cơ sở hạ tầng đổ nát và quân đội của các tay trùm Taliban đã tàn phá đất nước trong nhiều thập niên qua.
Những tệ nạn này được nhồi nhét vào đầu của giới trẻ Pakistan, một giáo viên thâm niên ở Peshawar mới đây nói với tôi.
“Giới trẻ trở nên bất khoan dung và không còn tôn trọng người lớn nữa, dẫn tới các vụ tự tử và tấn công giáo viên ở trường phổ thông và đại học” – Giáo viên này kể.
Khi lớn lên tôi có thần tượng hóa một số anh hùng, mặc dù họ không phải là những anh hùng được tìm thấy trong truyện tranh của Mỹ. Các anh hùng của tôi nằm trong các sách được trẻ em yêu thích trong những thập niên 1970-1980.
Đó là Umro Ayyar (kẻ lừa đảo người Ảrập có túi phép thuật không bao giờ đầy), Chlosak Malosak (cặp song sinh du hành vũ trụ) và một vài người khác nữa.
Ngày nay chúng ta không thể tìm thấy các anh hùng này ngay cả trên các trang Wikipedia. Họ chưa bao giờ trở thành chủ đề của các bộ phim bom tấn.
Thay vì thế nhiều người thần tượng hóa Abdul Qadeer Khan, “cha đẻ” chương trình hạt nhân Pakistan gây tranh cãi. Chúng ta đặt tên nhà độc tài Đại tá Gaddafi cho một sân vận động ở Lahore. Bác sĩ giúp CIA truy tìm tung tích của Osama bin Laden, trùm khủng bố khét tiếng thế giới, đã bị bỏ tù ít nhất 30 năm.
Do không có các anh hùng xứng đáng – huống hồ chi là những người gương mẫu về lễ giáo phép tắc cơ bản của con người – nên đã hình thành nên một khoảng trống và giáo viên và phụ huynh đã không thể lấp đầy được.
Giới trẻ của chúng ta cần có một người để kính trọng, một người nói cho chúng biết bể khổ vô tận trong cuộc sống này một ngày nào đó sẽ biến mất, và cuộc đời của chúng thật sự đáng sống.
Silent Thinker là bút danh của một nhà bình luận Công giáo ở Lahore
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn