Quan điểm chống Kitô hữu nổi lên cùng với quan điểm chống Mỹ nhưng đang có cải thiện.
Tu viện này được xây dựng lại sau khi bị tàn phá trong các cuộc bạo động chống Kitô giáo năm 2005
Quan hệ Hồi giáo – Kitô giáo đang dần dần cải thiện sau khi căng thẳng kết thúc trong những năm gần đây, một nhóm chuyên gia liên tôn Kitô giáo cho biết hồi cuối tuần trước.
Quan điểm chống Kitô giáo ở Pakistan nổi lên trong thập niên qua sau vụ tấn công 11-9 và cuộc chiến ở Afghanistan, và nhiều nhà thờ bị tấn công nhất là trong 5 năm qua. Đó là nhận định của các tham dự viên tại tọa đàm Đức tin trong bối cảnh do Viện Thần học giáo dân và Giáo hội Trưởng lão đồng tổ chức.
“Nhiều lãnh đạo Giáo hội cũng cho rằng xã hội Pakistan xem Kitô hữu theo Mỹ còn người Ấn giáo theo Ấn Độ” – Javed William, thư ký điều hành Ủy ban Giám mục về Đại kết và đối thoại liên tôn, phát biểu.
Cuộc hạ sát Osama bin Laden ở Pakistan hồi tháng Năm càng làm tăng thêm tư tưởng chống Mỹ, dẫn đến gia tăng các vụ chống Kitô hữu địa phương, vốn là những người thích văn hóa và cách ăn mặc của phương Tây.
“Chúng tôi đã phải tăng cường đối thoại chân thành, đặc biệt với người Hồi giáo sau vụ 11-9 – William cho biết – Đây là điều mang tính quyết định cho sự sống còn của chúng tôi. Kitô hữu thiểu số không thể đương đầu với nhóm đa số được”.
Các lãnh đạo Kitô giáo đã triển khai phương pháp đối thoại liên tôn mới theo hai hướng: trực tiếp đến với các giáo sĩ theo đường lối cứng rắn và tiếp cận người Hồi giáo ở cấp thường dân.
Các chương trình xây dựng hòa bình dựa trên cộng đồng ngày càng quan trọng, theo Romana Bashir, đứng đầu các chương trình tại Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo ở Rawalpindi, gần Abbottabad, nơi tìm thấy Bin Laden.
“Chúng tôi khoanh vùng, đặc biệt là trong tỉnh Punjab, nơi bạo lực chống Kitô hữu xảy ra trong những năm gần đây” – bà nói.
Nhưng bà cho biết quan hệ Hồi giáo-Kitô giáo trong vùng đang cải thiện.
“Một vài trường Hồi giáo hiện nay đang thu nhận Kitô hữu vào học các lớp vi tính. Một số giáo sĩ theo đường lối cứng rắn thân thiện hơn; một người còn đề nghị cho các cô gái Kitô giáo tham gia các dịch vụ hôn nhân tập thể thường xuyên dành các đôi vợ chồng nghèo của họ. Vẫn còn hy vọng” – Bashir khẳng định.