Các chức sắc Cao Đài mừng bổn mạng Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn hôm 23-6
Tân trợ lý thư ký người châu Á, nhân vật số ba trong Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại liên tôn, tin tưởng rằng hợp tác giữa các tôn giáo trên thế giới không chỉ là cần thiết để chung sống hòa bình giữa các dân tộc mà còn là phương pháp nghiên cứu sâu rộng hơn về “mầu nhiệm Thiên Chúa”.
Linh mục người Sri Lanka Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage được Đức Thánh cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức vụ này hồi đầu tháng.
Với tư cách là trợ lý thư ký hội đồng, ngài sẽ chịu trách nhiệm đặc biệt về quan hệ giữa Tòa Thánh với các tôn giáo châu Á như Phật giáo và Ấn giáo.
Ngài sinh năm 1966 tại giáo phận Badulla thuộc miền trung Sri Lanka, ở đó Kitô hữu là nhóm thiểu số sống chung với nhóm đa số Phật giáo và với người Ấn giáo cũng như người Hồi giáo.
Mẹ ngài là một Phật tử theo Công giáo sau khi kết hôn. Ngài cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đối thoại liên tôn. Hy vọng, những trải nghiệm lúc thơ ấu sẽ giúp ích trong lĩnh vực này”.
Năm 2002, ngài được cho sang Rôma học truyền giáo học tại đại học Urbaniana và sau đó trở thành giáo sư tại đây trước khi được Đức Thánh cha bổ nhiệm.
Cha Indunil đang bắt đầu vai trò mới và nói còn quá sớm để đề ra những ưu tiên. Nhưng một điều rõ ràng là đối thoại liên tôn là một “phần không thể thiếu” trong sứ mệnh của Giáo hội, ngài nhìn nhận.
“Thông qua đó, chúng ta không chỉ tìm cách sống chung với nhau. Đó không chỉ là đối thoại bằng trí óc mà còn bằng tâm hồn, vì thông qua đối thoại như thế, chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa”.
Ngài nhấn mạnh đối thoại liên tôn giúp chúng ta thấy được “những việc Thiên Chúa đang làm nơi những người xung quanh chúng ta, nơi các tôn giáo khác” – và do đó nó trở thành “đối thoại cứu rỗi”.
“Chúng ta đều là khách hành hương chân lý và hòa bình như Đức Thánh cha Bênêđictô nói tại Assisi năm 2011″ – ngài nói.
Ngài cho hay ngày nay thách thức chính trên con đường chung này là mối đe dọa của trào lưu chính thống. Theo cha Indunil, nó nổi lên cùng với hai sự thay đổi song song trong thế giới hiện đại: bùng nổ nhanh chóng của toàn cầu hóa và sự sụp đổ các hệ tư tưởng thế tục.
Trong sự “trống vắng” được tạo ra gần đây, đứng trước những sự bất bình đẳng và những thay đổi văn hóa to lớn do “quản lý toàn cầu hóa không tốt” gây ra, nhiều người đã chuyển sang tôn giáo tìm nguồn sức mạnh “chống lại” những thay đổi này. Về mặt này, ngài lưu ý quyển sách gây tranh cãi của Samuel Huntington The Clash of Civilizations (sự xung đột giữa các nền văn minh) “có thể được chấp nhận”.
Nhưng đối với học giả Sri Lanka, điều này gây ra nguy cơ biến tôn giáo thành trào lưu chính thống. Tôn giáo “đánh mất tính phổ quát của mình và trở thành tài sản riêng của một sắc tộc hay một đẳng cấp, vì nó được kêu gọi bảo vệ những người không còn có thể tìm ra một hệ tư tưởng thích hợp”.
Đối với cha Indunil, kinh nghiệm này rất quen thuộc. Các thập niên nội chiến ở Sri Lanka đã để lại những vết thương sâu sắc trong nước này và ngay cả cộng đồng Kitô hữu cũng nhận thấy chính mình bị chia rẽ theo sắc tộc, ngài nhận xét.
“Sau khi độc lập, các lãnh đạo của chúng ta không thể tạo ra bản sắc dân tộc chung và chia rẽ đã phát sinh”, điều này gây chia rẽ sắc tộc và tôn giáo.
Đối với những vụ căng thẳng gần đây giữa chính phủ và Giáo hội Công giáo liên quan đến việc Liên Hiệp Quốc yêu cầu tiến hành điều tra lại các tội ác chiến tranh, Giáo hội “phải thực hiện công việc của mình và lên tiếng chống bất công, nhưng khi có căng thẳng xảy ra, có lúc Giáo hội lại bị hiểu lầm” – theo cha Indunil.
“Đôi khi chúng ta phải trả giá nhưng lại góp phần xây dựng Nước Chúa” – ngài khẳng định.
Ngài nói Giáo hội tại Á châu vẫn còn là một thiểu số nhỏ nhưng “phát triển mạnh mẽ giữa những người bị áp bức, như người bản xứ hay dalit ở Ấn Độ”. Vấn đề đối với Giáo hội tại Á châu là “có mặt ở đó, nhưng không phát triển nhanh”.
Nguồn tin: tgpsaigon.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn