Tại sao chọn hình chim bồ câu làm biểu tượng Chúa Thánh Thần?

Thứ bảy - 18/05/2013 21:55

Tại sao chọn hình chim bồ câu làm biểu tượng Chúa Thánh Thần?

Tại sao chọn hình chim bồ câu làm biểu tượng Chúa Thánh Thần?

 

Hỏi: Xin Cha cho con biết tại sao Hội Thánh lại chọn hình con chim bồ câu làm biểu tượng cho Chúa Thánh Thần, mà theo như con biết thì Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh còn có nhiều biểu tượng khác nữa. Con xin cám ơn.

Hoàng Thiên Tân

Trả Lời:

Bạn thân mến, 

Trong Kinh Tin Kính mà Hội Thánh Công Giáo dạy, chúng ta được biết rằng, suốt lịch sử cứu độ, Chúa Thánh Thần luôn cùng hoạt động với Chúa Cha và Chúa Con, từ khởi đầu cho đến lúc hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại và vũ trụ vạn thể, bởi Ngài là Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, là một ngôi vị riêng biệt: Ngôi Ba Thiên Chúa, luôn kết hợp với Ngôi Cha (Ngôi Nhất) và Ngôi Con (Ngôi Hai) trong một tình yêu. Ngài có cùng uy quyền và vinh quang như Chúa Cha và Chúa Giêsu. 

Bạn nói rất đúng, trong Thánh Kinh, Chúa Thánh Thần được nói đến với nhiều hình ảnh biểu trưng: Nước (tái sinh), lửa (năng lực biến đổi, tăng lòng sốt mến, soi sáng tối tăm, phá đổ cái tôi để nên khiêm nhường, lên đường hành động), xức dầu (đồng nghĩa với danh xưng Chúa Thánh Thần), áng mây và ánh sáng (hai hình ảnh này luôn đi đôi với nhau: vừa mặc khải Thiên Chúa, vừa che khuất vinh quang siêu việt của Ngài), dấu ấn (đóng ấn ơn Thánh Thần để lãnh nhận 3 bí tích Thanh Tẩy, Thêm Xức và Truyền Chức thánh), bàn tay (chữa lành, cầu khẩn Chúa Thánh Thần xuống ơn), ngón tay (khẩn cầu tái tạo, quyền năng tác động) và chim bồ câu (bình an, hòa bình). 

Thực vậy, truyền thống của Hội Thánh không muốn chúng ta coi Chúa Thánh Thần như một nhân vật, mà chỉ muốn chúng ta nhận biết được những loại tác động của Ngài như vừa kể trên, nước, lửa, bàn tay, chim bồ câu... (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 694-701). 

Vậy, với câu hỏi của bạn, tại sao Hội Thánh lại chọn chim bồ câu làm biểu tượng Chúa Thánh Thần mà không phải biểu tượng khác? 

Có nhiều lý do gián tiếp và trực tiếp, lý do về sự khao khát con người (hòa bình, bình an là sự ước mong căn bản nhất của mọi thời, mọi nơi, và mọi người) cũng như lý do truyền thống Kitô giáo:

- Như chúng ta đều biết, trong Tin Mừng Luca (3,15-16.21-22) Chúa Thánh Thần đáp xuống trên Đức Kitô tại sông Gio-đan dưới hình chim bồ câu, cho nên từ đó mỗi lần diễn tả việc Chúa Thánh Thần ngự đến, thì các hoạ sĩ đều vẽ hình chim bồ câu. Thí dụ như trong bối cảnh Truyền Tin cho Đức Mẹ ở thành Nazareth, hoạ sĩ vẽ chim bồ câu đáp xuống trên Đức Trinh nữ, để diễn tả lời của Thiên Sứ Gabriel trong Tin Mừng theo thánh Luca (1,35) : “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (come upon: đáp xuống, đậu xuống). 

- Hơn thế, theo các nhà chú giải Thánh Kinh, nhiều vị thích hình ảnh chim bồ câu như là tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Có người thì cho rằng Tin Mừng trình bày Chúa Thánh Thần đáp xuống cách nhẹ nhàng êm đềm tựa như chim bồ câu (theo J. Jeremias). Có vị thì nói đến bối cảnh sáng tạo của Thiên Chúa nơi sách Sáng thế, khi Thần Khí lượn là (chim lượn là) trên mặt nước (St 1,2). Còn truyền thống Kitô giáo thì đề cập đến chim bồ câu như Chúa Thánh Thần khai mở công cuộc tái tạo vũ trụ với sứ mạng của Đức Kitô. Có người thì liên tưởng tới cảnh chim bồ câu của thời Noe sau cơn Đại Hồng Thủy, đi tìm chỗ để đáp xuống. Ngoài ra, Chúa Thánh Thần đã tìm thấy nơi Đức Giêsu như là một chỗ tốt nhất để đáp xuống, đổ tràn xuống những hồng ân mà ngôn sứ Isaia đã loan báo.

- Chim bồ câu cũng là một biểu tượng cơ bản của sự trong sáng, sự giản dị, hòa thuận, hy vọng. Ngoài ra, bồ câu còn biểu thị cho sự thăng hoa của bản năng và đặc biệt là sự thăng hoa của tình ái (éros).

- Đến những năm 30 thế kỷ XVII, ở châu Âu nổ ra một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm trời, làm cho châu Âu, đặc biệt là nhân dân Đức chìm trong đau thương trầm trọng. Thời bấy giờ, tại một số thành thị ở nước Đức, lưu hành một thứ khăn kỷ niệm, trên vẽ hình con chim bồ câu ngậm một nhành Ôliu xanh tươi, phản ánh nguyện vọng mong chờ hoà bình của dân chúng, vì thế con chim bồ câu và nhành Ôliu đã tượng trưng cho hoà bình.

- Sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà hoạ sỹ lớn Picasso đã vẽ một con chim bồ câu trắng đang bay, gửi tặng Đại hội Hoà bình toàn thế giới, người ta gọi con chim bồ câu này là Chim bồ câu hoà bình.

Thế giới chúng ta đang sống trong sự bất an và tranh giành với nhau về nhiều mặt, mỗi lúc càng dữ dội hơn lúc nào hết, lòng khao khát hòa bình nơi quốc gia, bình an nơi tâm hồn mỗi người càng da diết hơn, và biểu tượng Hòa Bình của biểu tượng chim bồ câu cũng chính là ước mong thẳm sâu nơi mỗi người chúng ta. Và đây cũng chính là sự khao khát nơi Hội Thánh, như chúng ta thấy trong phần nghi thức Hiệp Lễ mỗi ngày, linh mục chủ tế đều xướng lên câu : "Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa."

Nguồn tin: Mạng Lưới Cầu Nguyện

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây