LỜI DẪN NHẬP
Ít lâu nay từ Việt Nam có người viết thư hỏi tôi về ý nghĩa đích thực của “Bí Mật” Fatima. Lý do là vì có những dư luận hay những tài liệu được phổ biến làm các tín hữu phải hoang mang. Người ta không rõ các tài liệu này có chính xác do Tòa Thánh phổ biến hay không? Và như vậy tín hữu cũng không rõ quan điểm của Giáo Hội về vấn đề này thế nào? Cho dù từ năm 2000, qua thông cáo chính thức do Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đọc tại Fatima, ngày 13-5-2000, và sau đó Bộ Giáo Lý Đức Tin đã cho công bố lời giải thích chính thức của Tòa Thánh về “Bí Mật” Fatima, nhất là phần thứ ba của “Bí Mật” này.
Để giúp các tín hữu có tài liệu chính thức về vấn đề này, tôi xin phiên dịch tài liệu của Bộ Đức Tin công bố vào năm 2000, đăng trong Báo của Tòa Thánh “L’Osservatore Romano, phụ bản, số 147, ngày 26-27 tháng 6 năm 2000.
Xin Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ Maria luôn che chở Giáo Hội, Đức Thánh Cha, thế giới và mọi người.
Rôma, ngày 13-12-2008.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
BÍ MẬT THỨ BA FATIMA
GIỚI THIỆU
Trong lúc thiên niên kỷ thứ hai bước sang thiên niên kỷ thứ ba Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quyết định cho công bố văn bản phần thứ III của “Bí mật Fatima”.
Sau những biến cố thảm khốc và ác độc của thế kỷ XX, một trong những biến cố quan trọng nhất của lịch sử con người, đạt tới cực độ với việc ám sát đẫm máu xẩy ra cho “Vị Kitô hiền dịu trên mặt đất này”, và như vậy đã mở bức màn che trên thực tại làm nên lịch sử và chú giải một cách sâu xa theo chiều kích thiêng liêng mà tâm thức của người thời nay thường bị nhiễm độc với thuyết duy lý phản kháng lại.
Những cuộc hiện ra và những điềm lạ siêu nhiên đã đánh dấu lịch sử này, đi vào chính cái sống động nhất của các biến cố xẩy ra cho con người và theo sát hành trình của thế giới, làm cho các tín hữu và những người không tin phải ngỡ ngàng. Các thị kiến này, không thể đi ngược lại với nội dung của việc loan báo Chúa Kitô, phải quy hướng về đối tượng trung tâm là việc loan báo Chúa Kitô: tình yêu Chúa Cha làm phát sinh nơi con người việc ăn năn hối cải và ban cho họ ơn thánh để hoàn toàn phú thác nơi Ngài cùng với tâm tình con cái hiếu thảo. Đó cũng là sứ điệp Fatima, mà hiển nhiên sứ điệp này là một lời kêu gọi thống thiết hãy hối cải và đền tội, và như vậy thực tế điều này lại đi vàochính cốt lõi của Tin Mừng.
Chắc chắn Fatima là cuộc hiện ra mang tính cách tiên tri rõ ràng nhất trong các cuộc hiện ra thời nay. Phần thứ I và thứ II của “Bí mật” – đã được công bố theo thứ tự với đầy đủ tài liệu – mà nội dung nhắm tới là việc cho xem thấy một cách kinh hoàng cảnh tượng hỏa ngục, và nói về lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, cũng như thế chiến thứ II, và tiên báo những tai ương vô nhân đạo do Nước Nga làm cho nhân loại, khi nước này phủ nhận đức tin Kitô giáo và chấp nhận chủ thuyết độc tài cộng sản.
Không ai vào năm 1917 đã có thể tưởng tượng ra tất cả những điều này: ba con trẻ chăn chiên ở làng Fatima trông thấy, nghe được, nhớ lại được, và Lucia, người chứng còn sống sót, trong khi được lệnh Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria và được phép của Đức Mẹ đã ghi lại những điều này.
Về việc mô tả phần thứ I và thứ II của “Bí mật” , đã được công bố và mọi người đều biết, đã dùng bản văn do Chị Lucia viết trong bản Hồi ký thứ ba ngày 31-8-1941; trong tập hồi ký thứ tư ngày 8-12-1941, có thêm một vài chú thích.
Phần thứ III của “Bí mật” được viết ra do lệnh của Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria và của Mẹ rất thánh . . . .” ngày 3-1-1944.
Chỉ có một bản thảo. Sau đó được chụp lại. Phong thư được đóng ấn kín trước đó do Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria thực hiện. Để có thể bảo toàn cách trọn vẹn hơn “Bí mật”, phong thư này đã được trao cho Văn khố mật của Bộ Đức Tin ngày 4-4-1957. Chị Lucia được Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria báo cho biết việc này.
Theo các ghi chú của Văn khố mật, và với sự chấp thuận của Đức Hồng Y Alfredo Ottaviani, ngày 17-8-1959 Viên giám chức trách nhiệm của Bộ Đức Tin, Cha Pierre Paul Philippe, O.P., đã mang phong thư trên đây có chứa phần thứ III của “Bí mật Fatima” trình lên Đức Thánh Cha Gioan XXIII. “Sau một lúc ngần ngừ”, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy chờ đã. Tôi sẽ cầu nguyện. Ta sẽ cho biết điều Ta quyết định”.
Quả vậy Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã quyết định trả lại phong thư đóng ấn kín cho Bộ Đức Tin và không công bố phần thứ III của “Bí mật”.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đọc nội dung cùng với Đức Cha Tổng Thư Ký Nội Vụ (il Sostituto) của Phủ Quốc Vụ Khanh, Đức Tổng Giám mục Angelo Dell’Acqua, ngày 27-3-1965, và gửi lại cho Bộ Đức Tin phong thư, cùng với quyết định không công bố bản văn.
Về phần Ngài, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã truyền đem phong thư có phần thứ III của “Bí mật” sau vụ khủng bố ngày 13-5-1981 xẩy ra. Đức Hồng Y Franjo Seper, Tổng Trưởng Bộ Đức Tin, đã trao cho Đức Tổng Giám Mục Eduardo Martinez Somalo, Tổng thư Ký Nội Vụ thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, ngày 18-7-1981, hai phong thư – một phong thư trắng, có nguyên bản của Nữ Tu Lucia viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, - và một phong thư khác mầu cam, với bản dịch “Bí mật” sang tiếng Ý. Ngày 11-8 sau đó, Đức Cha Martinez đã trả lại hai phong thư đó cho Văn khố mật của Bộ Đức Tin.
Như người ta nhận thấy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nghĩ ngay tới việc dâng hiến thế giới cho Trái Tim Cực sạch Mẹ Maria và chính Ngài đã sáng tác bản kinh mà Ngài định nghĩa là “Việc Dâng hiến”, được cử hành tại Nhà Thờ Đức Bà Cả, ngày 7-6-1981, Lễ Trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày được chọn để tưởng nhớ 1600 năm cử hành Công Đồng chung Constantinopolitano, và 1550 năm cử hành Công Đồng chung Ephêsô. Vì lý do sức khỏe Đức Thánh Cha phải vắng mặt một cách bất khả kháng, nên lời huấn dụ của Ngài được truyền đi qua một băng đã ghi sẵn. Chúng tôi ghi lại đây bản văn chép lại đúng bản văn Việc dâng hiến:
“Ôi Mẹ là Mẹ của loài người và của mọi dân tộc, Mẹ biết tất cả những đau khổ và những hy vọng của họ, với tình người mẹ, Mẹ cảm nhận được tất cả những cuộc chiến đấu giữa sự lành và sự dữ, giữa ánh sáng và bóng tối, đang ảnh hưởng tới thế giới, xin Mẹ nhận lấy tiếng than van của chúng con trong Chúa Thánh Thần đang vang vọng trực tiếp tới trái tim của Mẹ và xin Mẹ lấy tình thương hiền mẫu của Mẹ và của Người Tớ Nữ của Chúa mà ôm ấp trong vòng tay Mẹ những ai đang mong chờ cử chỉ này hơn hết, và cùng với những người mà Mẹ mong chờ sự trao phó này một cách đặc biệt. Xin Mẹ nhận lấy toàn thể gia đình nhân loại dưới sự che chở hiền mẫu của Mẹ, và với tất cả tình thân thương, chúng con đem gia đình nhân loại này đến trao phó cho Mẹ, ôi Lạy Mẹ. Xin làm cho thời gian hòa bình và tự do, thời gian của sự thật, của công lý và của hy vọng tới gần gũi mọi người”.
Nhưng để đáp ứng cách trọn vẹn hơn những đòi hỏi của “Bà” nên trong Năm Thánh Cứu Chuộc, Đức Thánh Cha đã muốn một cách rõ ràng là thực hiện việc trao phó vào ngày 7-6-1981, được lặp lại tại Fatima ngày 13-5-1982. Trong khi nhớ lại lời thưa Fiat được Mẹ Maria nói lên vào lúc truyền tin, thì ngày 25-3-1984, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, cùng với sự hiệp nhất thiêng liêng của tất cả các Giám Mục trên thế giới, đã được “triệu tập lại” trước đó, Đức Thánh Cha đã trao phó cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ Maria tất cả loài người và mọi dân tộc, cùng với việc lặp lại và nhấn mạnh các lời nói thống thiết được đọc lên vào năm 1981, như sau:
“Vì thế, ôi lạy Mẹ, là Mẹ của loài người và của mọi dân tộc, Mẹ biết tất cả những đau khổ và những hy vọng của họ, với tình hiền mẫu, Mẹ cảm nhận được tất cả những cuộc chiến đấu giữa sự lành và sự dữ, giữa ánh sáng và bóng tối, đang ảnh hưởng tới thế giới, xin Mẹ nhận lấy tiếng than van của chúng con do Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đang vang vọng trực tiếp tới trái tim của Mẹ: xin Mẹ lấy tình thương hiền mẫu của Mẹ và của Người Tớ Nữ của Chúa mà ôm ấp thế giới loài người chúng con, mà chúng con trao phó và dâng hiến cho Mẹ, chúng con là những kẻ đầy lo âu cho số phận trần thế và đời đời của con người và của các dân tộc. Một cách đặc biệt, chúng con trao phó và dâng hiến những người và những dân tộc đang cần sự trao phó và sự dâng hiến này một cách đặc biệt.
“Dưới sự che chở của Mẹ chúng con chạy đến tìm nơi nương ẩn, Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời”! Xin Mẹ đừng khinh chê các lời khẩn nguyện của chúng con đang sống trong cơn thử thách!”
Rồi một cách mạnh mẽ hơn và cụ thể hơn, Đức Thánh Cha tiếp tục nhắc tới và như là lời chú giải Sứ điệp Fatima trong hình thức các lời minh xác buồn thảm:
“Này đây, ở trước nhan thánh Mẹ, lạy Mẹ Chúa Kitô, ở trước Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ, chúng con ước mong, cùng với tất cả Giáo Hội, Mẹ hiệp nhất chúng con với việc dâng hiến mà, mà Con Mẹ, vì yêu thương chúng con, Ngài đã dâng hiến chính mình cho Chúa Cha: “Ngài nói: vì họ mà con hiến dâng chính mình con để họ cũng được dâng hiến trong sự thật” (Ga 17, 19). Chúng con muốn hiệp nhất chúng con với Đấng Cứu Chuộc chúng con trong việc dâng hiến này vì thế giới và vì con người, mà trong Trái Tim của Ngôi Thiên Chúa việc dâng hiến này có sức đón nhận cho chúng con ơn tha thứ và cầu bầu cho chúng con ơn đền bù tội lỗi.
Quyền năng của việc dâng hiến này kéo dài qua mọi thời đại và ôm ấp tất cả mọi người, mọi dân tộc và mọi quốc gia, và vượt thắng mọi sự dữ, mà quyền lực của bóng tối có khả năng đặt vào trong tâm hồn con người và trong lịch sử của con người và, quả thế, sự dữ đang áp đặt vào trong thời đại của chúng con.
Ôi, tự thâm tâm chúng con cảm thấy nhu cầu lớn lao biết bao phải thể hiện việc dâng hiến này cho nhân loại và cho thế giới: cho thế giới hiện đại của chúng con, trong sự hiệp nhất với chính Chúa Kitô. Hành động cứu chuộc của Chúa Kitô, quả thực, phải được thế giới tham dự vào qua trung gian của Giáo Hội.
Điều này đang được hiển hiện ra trong Năm Thánh Cứu Chuộc này: Năm Thánh ngoại lệ của tất cả Giáo hội.
Lạy Mẹ, xin chúc tụng Mẹ, trong Năm Thánh này, chúc tụng Mẹ trên hết mọi tạo vật, Mẹ là Nữ tớ của Chúa, mà trong cách trọn vẹn nhất Mẹ đã vâng theo tiếng Thiên Chúa gọi! Lạy Mẹ, xin kính chào Mẹ, Mẹ hoàn toàn hiệp nhất với việc thánh hiến cứu chuộc của Con Mẹ” !
Lạy Mẹ của Giáo Hội! Xin Mẹ soi sáng Dân Thiên Chúa trên con đường đức tin, đức cậy và đức ái! Đặc biệt xin Mẹ soi sáng các dân tộc mà Mẹ chờ mong chúng con dâng hiến và phó thác cho Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng con sống trong sự thật của việc dâng hiến Chúa Kitô thực hiện cho toàn thể gia đình nhân loại trong thế giới ngày nay.
Lạy Mẹ, khi phú thác cho Mẹ tất cả mọi người và mọi dân tộc, chúng con phú thác cả việc hiến dâng thế giới, đặt sự hiến dâng này trong trái tim hiền mẫu của Mẹ.
Ôi lạy Trái Tim Vẹn Sạch! Xin giúp chúng con thắng được mỗi đe dọa của sự dữ, vì điều dữ dễ ăn rễ sâu vào con tim của con người ngày nay và trong những hậu quả không thể đo lường được đã đè nặng trên sự sống ngày nay và dường như khép chặt những nẻo đường hướng về tương lai!
Xin cứu thoát chúng con khỏi nạn đói kém và chiến tranh! Xin cứu chữa chúng con!
Cho khỏi hiểm họa chiến tranh nguyên tử, cho khỏi cơn tự diệt vong tàn khốc không thể lường được, cho khỏi mọi cuộc chiến tranh! Xin cứu chữa chúng con!
Cho khỏi những tội ác chống lại sự sống của con người ngay từ khi mới khởi đầu. Xin cứu chữa chúng con!
Xin cứu chữa chúng con khỏi sự hận thù ghen ghét và và những điều làm hoen ố chức vị làm Con Thiên Chúa, Xin cứu chữa chúng con!
Xin cứu chữa chúng con khỏi mọi hình thức bất công trong đời sống xã hội, quốc gia và quốc tế. Xin cứu chữa chúng con!
Cho khỏi tâm thức dễ dàng chà đạp lên các giới răn của Thiên Chúa. Xin cứu hcữa chúng con!
Cho khỏi cơn cám dỗ làm che lấp trong con tim loài người trước chính sự thật về Thiên Chúa. Xin cứu chữa chúng con!
Cho khỏi cảnh thác loạn lương tâm về sự lành và sự dữ. Xin cứu chữa chúng con!
Cho khỏi mọi tội chống lại Chúa Thánh Thần. Xin cứu chữa chúng con! Xin cứu chữa chúng con!
Lạy Mẹ Chúa Kitô, xin nhận lấy tiếng kêu than vang lên đây chứa đầy những đau khổ của tất cả mọi người! Chứa đựng đầy những đau khổ của toàn thể xã hội!
Với quyền lực của Chúa Thánh Thần xin Mẹ giúp chúng con thắng được mọi tội lỗi: tội của con người, và “tội của thế giới”, tội lỗi trong mọi hình thức xuất hiện của nó.
Một lần nữa, xin cho xuất hiện ra trong lịch sử của thế giới quyền năng vô cùng có sức cứu rỗi của công cuộc cứu chuộc: quyền năng của Tình yêu thương xót! Chớ gì tình yêu này chặn đứng sự dữ! Xin biến đổi các lương tâm! Trong Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ xin tỏ ra cho mọi người ánh sáng của niềm hy vọng!” .
Chị Lucia đã xác nhận là việc dâng hiến trọng thể và phổ quát như mô tả trên đây là điều phù hợp với điều Đức Mẹ muốn (“Sim, està feita, tal como Nossa Senhora a pediu, desde o dia 25 Março de 1984) : “Phải, điều đó dã thực hiện, như Đức Mẹ đã xin, ngày 25-3-1984”: thư viết ngày 8-11-1989. Vì thế mọi cuộc bàn cãi tranh luận và mọi lời xin sau này đều không có nền tảng.
Trong tài liệu được đưa ra còn thêm vào những bản thảo của Chị Lucia 4 bản văn khác:
1) thư của Đức Thánh Cha gửi cho Chị Lucia ngày 19-4-2000;
2) một bài tường thuật cuộc nói truyện với Chị Lucia ngày 27-4-2000;
3) một thông cáo được Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tuyên đọc tại Fatima ngày 13-5-2000, do lệnh của Đức Thánh Cha truyền dạy;
4) Một bài chú giải thần học của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Đức Tin, soạn ra.
Một chỉ dẫn để giải thích phần thứ III của “bí mật” đã được Chị Lucia làm ra trong một bức thư gửi cho Đức Thánh Cha ngày 12-5-1982. Trong đó Chị nói như sau:
“Phần thứ III của bí mật gợi ý tới những lời của Đức Mẹ: ‘Nếu không thì [Nước Nga] sẽ gieo kinh hoàng sợ hãi trong khắp thế giới, gây ra cảnh chiến tranh và bắt bớ Giáo Hội. Người lành sẽ bị tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải đau khổ rất nhiều, một số dân nước sẽ bị hủy diệt’ (13-7-1918).
Phần thứ III của bí mật là một mặc khải mang tính cách biểu hiệu, gợi ý tới phần này của Sứ điệp, bị điều kiện hóa bởi sự kiện là chúng ta chấp nhận hay không điều mà chính Sứ điệp đòi hỏi chúng ta: “Nếu họ chấp nhận các điều Mẹ xin, Nước Nga sẽ trở lại và họ sẽ có hòa bình; bằng nếu họ không chấp nhận, thì Nước Nga sẽ làm lan tràn các sai lầm của mình trên khắp thế giới, v.v..”
Từ khi chúng ta không lưu ý tới lời kêu gọi trên đây của Sứ điệp, chúng ta nhận ra rằng Sứ điệp đó không được thực hiện, Nước Nga đã xâm chiếm thế giới cùng với các sai lầm của mình. Và nếu chúng ta chưa nhận thấy sự hoàn tất được thể hiện cách đầy đủ liên hệ tới phần chót của lời tiên tri này, chúng ta thấy rằng chúng ta đã bước đi dò dẫm với những bước thật rộng rãi. Nếu chúng ta từ khước con đường tội lỗi, hận thù ghét ghen, con đường báo oán, bất công, khi lỗi phạm các quyền của nhân phẩm, của sự vô luân và của bạo lực v.v. . .
Và chúng ta không thể nói rằng như thế Thiên Chúa trừng phạt chúng ta; trái lại chính con người tự họ đã chuẩn bị hình phạt cho chính mình. Thiên Chúa đã cảnh cáo chúng ta một cách thật là nhân từ lo lắng cho ta và kêu gọi đi vào con đường lành, khi tôn trọng sự tự do mà Ngài đã ban cho ta, vì thế con người mang lấy trách nhiệm của mình”.
Quyết định của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho công bố phần thứ III của “Bí mật” Fatima chấm dứt một quãng đường của lịch sử, được ghi dấu bởi những ý muốn thảm khốc của quyền lực và của sự ác, nhưng quãng đường lịch sử này lại thấm nhuần đầy tình yêu nhân từ thương xót của Thiên Chúa và đầy sự lo lắng canh chừng thân thương của Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của Giáo Hội.
Hành động của Thiên Chúa, Chúa của lịch sử, và việc đồng trách nhiệm của con người trong cái tự do bi thảm và rất phong phú, đó là hai chốt cửa trên đó lịch sử nhân loại được xây dựng nên.
Đức Mẹ Maria hiện ra ở Fatima kêu mời chúng ta nhớ lại các giá trị trên đã bị rơi vào quên lãng, kêu mời chúng ta hướng về tương lai của con người trong Thiên Chúa, trong đó chúng ta là thành phần tích cực và đầy trách nhiệm.
+ TGM Tarcisio Bertone
Nguyên Tổng Giám Mục Gp. Vercelli
Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin
“BÍ MẬT” FATIMA
PHẦN THỨ I VÀ II CỦA “BÍ MẬT”
Theo Bản văn do Chị Lucia thực hiện
Trong “Bản Hồi Ký thứ III”
Ngày 31-8-1941,
gửi tới Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria – Fatima
Trong “Bản Hồi Ký thứ III”
Ngày 31-8-1941, gửi tới Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria – Fatima
[Bản dịch]
Con phải nói, vậy thì con nói một chút về bí mật đó và trả lời cho câu hỏi thứ nhất.
Có bí mật này. Con có thể nói như thế, bởi vì từ Trời con đã được phép nói ra. Các vị Đại Diện Thiên Chúa ở trần gian đã cho phép con được nói ra, đã nhiều lần trong nhiều thư khác nhau, một trong các thư đó, con nghĩ còn lưu giữ tại Tòa Giám Mục của Đức Cha, đó là bức thư của Cha Giuseppe Bernardo Gonçalves, trong đó Ngài truyền cho con phải viết thư cho Đức Thánh Cha. Một trong những điểm ngài chỉ cho con, đó là việc mặc khải bí mật. Con đã nói ít nhiều rồi, nhưng để không kéo dài thêm nữa điều con đã viết, là phải vắn tắt, nên con chỉ giới hạn vào điều chính yếu cần thiết, dành để cho Thiên Chúa cơ hội nào thuận tiện hơn để nói hết.
Con đã trình bày trong bản viết thứ II, nghi vấn làm dày vò con từ ngày 13 tháng 6 cho tới ngày 13 tháng 7, và trong lần hiện ra này thì nghi vấn đó biến đi.
Phải. Bí mật hệ tại 3 điểm khác nhau, hai trong 3 điều này, con đang tiết lộ ra đây.
Vậy điều thứ I, đó là việc xem thấy hỏa ngục.
Đức Mẹ chỉ cho chúng con thấy một biển lửa thật lớn, mà xem ra là nằm ở phía dưới lòng đất. Những kẻ bị dìm vào trong biển lửa đó, là ma quỷ và các linh hồn, tất cả hiện hình ra như là những bó lửa rực sáng mầu đen hay mầu đồng, với hình con người lung lay trong cảnh hỏa hoạn, bị các tàn lửa đong đưa bay ra khỏi chính đám lửa đó như những áng mây, rồi rơi xuống tung tóe khắp nơi giống như các tàn lửa bay ra trong các đám hỏa hạn lớn lao, không có trọng lượng cũng như không có thế quân bình, giữa những tiếng kêu gào và những tiếng than van đau khổ và thất vọng làm cho thật kinh hãi và làm cho người ta phải khiếp run lên. Ma quỷ được nhận ra qua những hình thù kinh sợ và ghê tởm của các loài vật có dáng làm khiếp đảm và là những hình thù chưa hề ai biết tới, nhưng lại trong sáng và đen đủi. Việc trông thấy này chỉ kéo dài một chốc thôi. Và nhờ Mẹ tốt lành trên trời, Đấng mà trước đó đã hứa sẽ đem chúng con về Trời (trong lần hiện ra đầu tiên), nếu không thì chúng con sẽ chết đi vì kinh hoàng và khiếp sợ.
Theo sau đó chúng con đưa mắt lên nhìn Đức Mẹ và Mẹ nói với chúng con trong một thái độ nhân từ và với sự buồn bã:
- Các con đã trông thấy hỏa ngục nơi linh hồn các tội nhân khốn nạn sẽ sa vào đó. Để cứu các linh hồn này, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ. Nếu nhân loại thi hành điều Mẹ sẽ nói, thì sẽ có nhiều linh hồn được cứu rỗi và sẽ được hòa bình. Chiến tranh đang tới hồi kết thúc; nhưng nếu loài người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Piô XI sẽ xẩy ra một cuộc chiến tranh khác còn khốc liệt hơn. Khi các con thấy một đêm được chiếu sáng từ một ánh sáng chưa bao giờ thấy, thì các con hãy biết rằng đó là điềm lớn lao mà Thiên Chúa ban cho các con biết là đang xẩy ra cảnh trừng phạt thế giới vì các tội lỗi của họ, qua cuộc chiến tranh, đói khát và bách hại Giáo Hội và Đức Thánh Cha. Để ngăn ngừa hình phạt này Mẹ sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ và việc Rước Lễ các Ngày thứ bảy đầu tháng. Nếu loài người chấp nhận các lời Mẹ xin, thì Nước Nga sẽ trở lại và nhân loại sẽ có hòa bình, nếu không, thì Nước Nga sẽ làm lan tràn các điều sai lạc của họ trong toàn thể thế giới, gây ra chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Các người lành sẽ bị tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều, bao dân nước sẽ bị hủy diệt. Sau cùng, Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến Nước Nga cho Mẹ, và họ sẽ trở lại, và sẽ cho thế giới được hưởng một thời gian thái bình.
PHẦN THỨ III CỦA “BÍ MẬT”
Bản dịch
“J.M.J.
Phần thứ III của bí mật được mặc khải ngày 13-7-1917 tại Cova di Iria-Fatima.
Con viết vì vâng lời Thiên Chúa của con qua sự trung gian của Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria và theo lệnh của Đức Mẹ, là Mẹ rất thánh của Đức Cha và của con.
Sau hai phần như con đã trình bày, chúng con thấy ở bên trái của Đức Mẹ, ở trên một chút có một Thiên Thần cầm một thanh gươm có lửa đỏ rực trong tay trái; cây gươm óng ánh ngọn lửa như muốn thiêu đốt thế giới; nhưng các ánh lửa này đã phụt tắt đi khi gặp ánh sáng rạng ngời của Đức Mẹ tỏa ra từ bàn tay phải của Ngài về phía Thiên Thần: Thiên Thần lấy bàn tay phải chỉ xuống trái đất và nói thật mạnh như sau: Hãy thống hối, Hãy thống hối, Hãy thống hối! Và chúng con đã nhìn thấy trong ánh sáng thật rộng lớn là chính Thiên Chúa “có điều gì giống như khi nhìn thấy những con người trong một tấm gương khi họ đi qua đó”, nhìn thấy một vị Giám Mục mặc Áo Trắng “chúng con đã có linh cảm như đó là Đức Thánh Cha”. Có một số Giám Mục, Linh Mục, Nam Tu sĩ và Nữ Tu đi lên ngọn núi dốc thẳng, tới tận đỉnh núi, trên đó có một Thánh Giá lớn trơ trụi thô sơ có nhựa chảy ra: Đức Thánh Cha, trước khi đến đó, đã đi qua một thành mà một nửa bị phá tan tành và nửa kia thì rung động, ngài đi với những bước thật chập choạng, đầy sầu não vì đau đớn và lo lắng, Ngài cầu nguyện cho linh hồn các xác chết mà Ngài gặp thấy trên đường đi; khi tới đỉnh núi, Ngài sụp xuống mà quỳ gối dưới chân Thánh Giá lớn rồi bị giết bởi một đám lính đã bắn vào Ngài nhiều phát súng lửa đạn và mũi tên đạn, và cũng theo cách thế đó chết theo vị này sau vị kia các Giám Mục Linh Mục, Nam Tu Sĩ và Nữ Tu và nhiều người khác ở ngoài đời, đàn ông và đàn bà đủ hạng người và mọi cấp bậc khác nhau. Dưới hai cánh Thánh Giá có hai Thiên Thần mỗi vị có cầm một bình thủy tinh trong bàn tay, trong đó các vị hứng lấy máu của các Đấng Tử Vì Đạo và cùng với máu đó các vị đem tưới lên các linh hồn tiến đến gần Thiên Chúa.
Tuy 3-1-1944.
CHÚ GIẢI “BÍ MẬT”
THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỬI CHỊ LUCIA
(bản chính bằng tiếng Bồ Đào Nha, bản dịch từ Bản tiếng Ý)
Kính gửi Nữ Tu Maria Lucia
Tu Viện Coimbra
Trong niềm vui lớn lao của Lễ Phục Sinh Cha gửi tới Con lời chúc của Chúa Giêsu phục sinh nói với các môn đệ của Ngài: “Bình an cho Con!”.
Cha vui mừng mong có dịp gặp Con trong ngày phong chân phước cho hai trẻ Phanxicô và Giacinta, được định vào ngày 13-5 tới đây.
Tuy nhiên vào ngày đó sẽ không có thời giờ để nói truyện, mà chỉ có mấy phút ngắn ngủi chào thăm thôi, nên Cha đã cử Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, Tổng Thư Ký Bộ Đức Tin, đến nói truyện với con. Đó là Bộ cộng tác rất gần gũi với Đức Giáo Hoàng để bảo toàn đức tin công giáo, và là Bộ, như Con biết, đã lưu giữ từ năm 1957, bức thư Con viết tay liên hệ tới phần thứ III của bí mật được mặc khải ngày 13-7-1917 tại Cova Iria, Fatima.
Đức Cha Bertone, được tháp tùng bởi Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria, Đức Cha Serafim de Sousa Ferreira e Silva, sẽ đến nhân danh Cha để đặt ra một số câu hỏi về việc giải thích “phần thứ III của bí mật”.
Xin Nữ Tu Maria Lucia hãy nói rõ ràng và thành thật với Đức Cha Bertone, và Ngài sẽ nói lại trực tiếp với Cha các câu trả lời của Con.
Cha cầu nguyện cách sốt sắng Đức Mẹ Maria cho Con, cho Cộng đoàn tại Coimbra và cho toàn thể Giáo Hội. Xin Mẹ Maria, Mẹ của nhân loại lữ hành, gìn giữ chúng ta luôn kết hiệp chặt chẽ với Chúa Giêsu, Con yêu quý của Mẹ và là Người Anh của chúng ta, là Chúa của sự sống và của vinh quang.
Với Phép Lành Tông tòa đặc biệt Cha ban cho Con.
Gioan Phaolô II
Vaticano, 19-4-2000.
CUỘC NÓI TRUYỆN VỚI CHỊ MARIA LUCIA
CHÚA GIÊSU VÀ TRÁI TIM VẸN SẠCH
Ngày hẹn Chị Lucia gặp Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Đức Tin, đặc ủy của Đức Thánh Cha, và Đức Giám Mục Serafim de Sousa Ferreira e Silva, Giám Mục Giáo Phận Leiria-Fatima, được định vào ngày 27-4 cùng năm, tại Tu Viện Carmelo tại Coimbra.
Chị Lucia sáng suốt và bình thản; Chị rất hài lòng về chuyến đi Fatima của Đức Thánh Cha để phong chân phước cho Phanxicô và Giacinta, mà Chị đã mong đợi từ lâu.
Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria-Fatima đọc thư viết tay của Đức Thánh Cha giải thích lý do tại sao có cuộc viếng thăm này. Chị Lucia cảm thấy rất hân hạnh vì việc này và Chị tự đọc lại một mình bức thư này và ngắm nghía bức thư mà Chị đang cầm trong tay Chị. Chị nói là sẵn sàng trả lới cách thẳng thắn tất cả mọi câu hỏi đặt ra cho Chị.
Tới đây Đức Cha Tarcisio Bertone đưa cho Chị hai phong thư: phong thư ở ngoài và phong thư ở trong có chứa đựng phần thứ III của “bí mật” Fatima và Chị nói ngay khi đưa ngón tay mân mê các phong thư này: “đây là giấy của con”, rồi Chị đọc thư và nói: “đây là chữ con viết”.
Với sự trợ giúp của Đức Giám Mục Leiria-Fatima, bản văn nguyên thủy được đọc lên và được chú thích theo đó phần thứ III của “bí mật” hệ tại một thị kiến có tính cách tiên tri so sánh với các lời tiên tri như thế trong lịch sử thánh. Điêu này trả lời cho sự xác tín của Chị là thị kiến Fatima nhắm tới trước tiên cuộc chiến đấu của cộng sản chống lại Giáo Hội và các Kitô hữu và mô tả sự đau khổ lớn lao của các nạn nhân trong thế kỷ thứ XX.
Khi hỏi “Nhân vật chính yếu của thị kiến có phải là Đức Giáo Hoàng không?” thì Chị Lucia đáp ngay là đúng thế và nhớ rằng ba trẻ chăn chiên rất đau đớn vì sự đau khổ của Đức Giáo Hoàng và Giacinta lặp lại: “Thật tội nghiệp Đức Thánh Cha, em thấy đau khổ nhiều vì các tội nhân”. Chị Lucia nói tiếp: “Chúng con lúc đó không biết tên Đức Giáo Hoàng, Đức Mẹ không nói cho chúng con biết tên của Ngài, chúng con không biết là Đức Giáo Hoàng Beneđicto XV hay Pio XII hay Phaolo VI hay Gioan Phaolo II, nhưng đó là Đức Giáo Hoàng đau khổ và điều này làm cho chúng con cũng đau khổ”.
Còn đoạn văn nói về Vị Giám Mục mặc áo trắng, nghĩa là Đức Thánh Cha – như khi ba trẻ chăn chiên nhận ra ngay lập tức trong “thị kiến này” – ngài bị đánh cho chết đi và ngã xuống đất, Chị Lucia đã chấp nhận hoàn toàn lời xác quyết của Đức Thánh Cha: “có một bàn tay hiền mẫu đã hướng lằn đạn đi chỗ khác và Đức Giáo Hoàng đang hấp hối ngừng lại trước ngưỡng cửa của tử thần” (Gioan Phaolô II, Suy niệm từ Nhà Thương Gemelli cho các Giám Mục Ý, ngày 13-5-1994).
Vì lúc đó, trước khi trao cho Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria-Fatima, phong thư đóng ấn kín có chứa đựng phần thứ III của “bí mật”, Chị đã đã viết trên chiếc phong thư ở bên ngoài là chỉ có thể được mở ra sau năm 1960, do Đức Thượng Phụ Giáo Chủ tại Lisboa hay do Đức Giám Mục Giáo Phậm Leiria, nên Đức Cha Bertone hỏi Chị: “Tại sao lấy kỳ hẹn vào năm 1960? Có phải Đức Mẹ đã chỉ định kỳ hẹn này không?” Chị Lucia trả lời: “Không phải là Đức Mẹ nhưng là con đã ghi năm 1960 như thế bởi vì con có linh cảm là, trước năm 1960 thì người ta không hiểu được, và chỉ hiểu đưộc sau năm 1960 mà thôi. Bây giờ người ta có thể hiểu được cách rõ ràng hơn. Con đã viết ra điều con đã trông thấy, việc giải thích không phải việc của con, nhưng đó là việc của Đức Giáo Hoàng”.
Sau cùng có nhắc tới bản thảo không được xuất bản mà Chị Lucia đã soạn để trả lời cho biết bao nhiêu thư của các người yêu mến Đức Mẹ và của các khách hành hương. Tác phẩm này mang tựa đề: “Os apelos da Mensagen de Fatima” và thu tập các tư tưởng và suy tư diễn tả những tâm tình của Chị và cho thấy đường tu đức thật trong sáng và đơn sơ của Chị, theo cách thế dạy giáo lý và những lời khuyên răn. Người ta cũng hỏi Chị Chị có hài lòng nếu tác phẩm đó được xuất bản không, và Chị trả lời: “Nếu Đức Thánh Cha đồng ý, thì con hài lòng, nếu không, thì con xin vâng lời theo điều Đức Thánh Cha quyết định”. Chị Lucia muốn đem tác phẩm này để có sự đồng ý của Giáo Quyền trong Giáo Hội, và nuôi hy vọng đóng góp phần viết của mình để hướng dẫn các người có thiện chí, nam cũng như nữ trên cuộc hành trình tiến tới Thiên Chúa, mục đích cuối cùng của tất cả mọi điều con người mong chờ.
Cuộc nói truyện kết thúc với việc trao đổi tràng hạt: cho Chị Lucia: Tràng hạt mà Đức Thánh Cha ban cho Chị; phần Chị Lucia: một số tràng hạt chính tay Chị đã làm ra.
Phép Lành ban cho chị nhân danh Đức Thánh Cha kết thúc cuộc nói truyện này.
THÔNG CÁO CỦA ĐỨC HỒNG Y ANGELO SODANO
QUỐC VỤ KHANH TÒA THÁNH
Vào cuối Thánh Lẽ đồng tế do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chủ sự tại Fatima, Đức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã công bố bằng tiếng Bồ Đào Nha những lời sau đây:
Anh Chị Em trong Chúa Kitô,
Vào lúc kết thức buổi lễ long trọng này, tôi thấy có bổn phận phải dâng lên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II những lời cầu chúc chân thành nhất của tất cả mọi người hiện diện nơi đây trong dịp Ngài mừng Bát Tuần sinh nhật của Ngài, khi chúng ta cảm tạ Ngài vì sứ vụ mục tử thật quý báu Ngài đã thực hiện cho toàn thể Giáo Hội của Chúa, chúng ta dâng lên những lời cầu chúc chân thành nhất của toàn thể Giáo Hội.
Trong hoàn cảnh long trọng này dịp Ngài đến Fatima, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chỉ định cho tôi loan báo cho anh chị em bài công bố này. Như mọi người đã biết, mục đích chuyến Ngài công du Fatima là để phong chân phước cho Phanxicô và Giacinta, hai trẻ chăn chiên. Nhưng Đức Thánh Cha đã muốn thêm vào chuyến công du này và làm cho nó có một giá trị như lặp lại cử chỉ tạ ơn Đức Mẹ vì Mẹ đã che chở Ngài trong những năm triều đại Giáo Hoàng của Ngài. Đó là một sự che chở có cơ sở như gắn liền với phần thứ III của “bí mật” Fatima.
Bản văn đó cho thấy một thị kiến có tính cách tiên tri có thể được so sánh với những thị kiến trong Kinh Thánh, cho dù không mô tả theo như những hình ảnh, những chi tiết về các biến cố tương lai, nhưng tổng hợp lại và làm cô đọng trên cũng một nền tảng các sự việc xẩy ra trong một khoảng thời gian liên tiếp nhau mà không có hạn định rõ ràng. Từ đó chìa khóa của việc đọc bản văn không là gì khác hơn là tính cách biểu trưng của nó.
Điều thị kiến Fatima nhắm tới nhất, đó là cuộc chiên của các chế độ vô thần chống lại Giáo Hôi và những người Kitô giáo và mô tả đau khổ lớn lao của các chứng tá đức tin trong thế kỷ vừa qua của ngàn năm thứ hai. Đó là Đường Thánh Giá được hướng dẫn bởi các vị Giáo Hoàng của thế kỷ thứ 20.
Theo sự chú giải của các trẻ chăn chiên, sự diễn tả mà trong thời gian không xa cũng được công nhận bởi Chị Lucia mới đây, vị “Giám Mục mặc áo trắng” cầu nguyện cho tất cả các tín hữu là Đức Giáo Hoàng. Cả Ngài nữa, cũng bước đi một cách nặng nề hướng về Thánh Giá đi giữa các xác chết của các vị tử đạo (Giám Mục, linh mục, Nam Tu sĩ và Nữ tu và vô số giáo dân) ngã xuống đất như chết đi, dưới các phát đạn lửa bắn ra.
Sau lần bị ám sát ngày 13-5-1981, Đức Thánh Cha đã nhận ra rõ ràng rằng có “bàn tay hiền mẫu hướng dẫn lằn đạn đi chỗ khác”, cho phép Đức Giáo Hoàng hấp hối “ dừng lại “ở ngưỡng cửa sự chết” (Gioan Phaolô II, Suy niệm với các Giám Mục Ý từ Nhà thương Gemelli, trong Insegnamenti, vol. XVII/1, 1994, 1061). Trong dịp Đức Giám Mục Giáo phận Leiria-Fatima đi qua Rôma, Đức Thánh Cha đã quyết định trao viên đạn cho Ngài, đó là viên đạn gắn vào xe jeep sau khi bị ám sát, để lưu giữ trong Đền Thánh. Do sáng kiến của Đức Giám Mục viên đạn đã được gắn vào triều thiên của tượng Đức Mẹ Fatima.
Các biến cố tiếp theo xẩy ra trong năm 1989 đã đem tới, hoặc bên Nước Nga hoặc tại nhiều Nước tại Đông Âu, sự sụp đổ của chế độ cộng sản là chế độ tranh đấu cho chủ thuyết vô thần. Cả với điều này nữa, tự đáy lòng mình Đức Thánh Cha cũng tạ ơn Đức Nữ Trinh rất thánh. Tuy nhiên, trong các phần khác trên thế giới các cuộc tấn công chống lại Giáo Hội và các Kitô hữu, cùng với các đau khổ đi theo, không chấm dứt. Cho cả khi các biến cố mà phần thứ III của “bí mật” Fatima hình như đã đi vào trong quá khứ, thì lời kêu gọi của Đức Mẹ hãy thống hối và đền tội, được công bố vào đầu thế kỷ thứ XX, ngày nay vẫn còn giữ nguyên tính cách thời sự của nó. “Đức Mẹ của Sứ điệp hình như đang đọc lên với một cách thế rõ ràng đặc biệt các dấu chỉ của các thời đại, các dấu chỉ của thời đại chúng ta . . . Lời kêu mời khẩn thiết của Mẹ chí thánh Maria, là hãy đền tội chỉ là một sự biểu lộ mốu quan tâm ần cần hiền mẫu đối với số phận của các gia đình nhân loại, đang cần có sự canh tân và ơn tha thứ” (Gioan Phaolo II, Sứ điệp cho Ngày thế giới bệnh nhân 1997, s. 1, trong Insegnamenti, vol. XIX/2, 1996, 561).
Để giúp các tín hữu nhận ra cách rõ ràng hơn sứ điệp của Đức Trinh Nữ Fatima, Đức Thánh Cha trao cho Bộ Đức Tin nhiệm vụ công bố phần thứ III của “bi mật” sau khi đã soạn thảo một bài chú giải thích hợp.
Anh Chị Em, chúng ta cảm tạ Đức Mẹ Fatima vì sự che chở của Mẹ. Chúng ta trao phó dưới sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ, Giáo Hội của Thiên niên kỷ thứ ba.
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời! Xin bầu cử cho Giáo Hội. Xin bầu cử cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Amen.
Fatima, ngày 13-5-2000.
CHÚ GIẢI THẦN HỌC
Ai chú ý đọc phần thứ III của điều gọi là “bí mật”, sau một thời gian lâu được lưu giữ kín, bay giờ, do sự quyết định của Đức Thánh Cha được công bố một cách trọn vẹn, thì coi như là bị thất vọng hay lấy làm ngỡ ngàng với tất cả những suy đoán đã được đưa ra trước đó. Không có một mầu nhiệm lớn lao nào đã được mặc khải ra; bức màn che phủ tương lai không bị xé đi. Chúng ta thấy Giáo Hội của các vị tử đạo của thế kỷ được tượng trưng ra qua một cảnh tượng được mô tả với ngôn ngữ biểu tượng. Thật khó mà hóa giải. Có phải đó là điều mà Mẹ của Chúa muốn thông báo cho tất cả cộng đoàn Kitô hữu, cho nhân loại trong một giai đoạn có nhiều vấn đề và lo âu không? Đó có phải là ơn trợ giúp chúng ta vào đầu thiên kỷ không? Hay đó chỉ là một phản ảnh của thế giới nội tâm của các trẻ, được lớn lên trong một môi trường có lòng đạo đức sâu xa, nhưng đồng thời lại rơi vào trong cái vòng những tại họa đang đe dọa thời đại của chúng? Chúng ta phải hiểu thế nào về thị kiến này, chúng ta phải nghĩ gì về thị kiến đó?
Mặc khải công cộng và mặc khải tư – nơi chứa đựng suy tư thần học
Trước khi đi vào công việc thử chú giải bí mật, mà những nét chính được nhận ra trong thông cáo của Đức Hồng Y Sodano đã loan báo ngày 13-5 năm nay, vào cuối buổi cử hành Thánh Thể do Đức Thánh Cha chủ tọa tại Fatima, chúng ta cần đưa ra những minh xác nền tảng về cách thế trong đó, theo giáo lý của Giáo Hội, người ta phải tìm hiểu trong đời sống đức tin các hiện tượng như hiện tượng tại Fatima. Giáo huấn của Giáo Hội phân biệt giữa “mặc khải công cộng” và “mặc khải tư”. Giữa hai thực tại này có một sự khác biệt không phải chỉ theo cấp bậc mà còn theo nét chính yếu. Từ ngữ “mặc khải công cộng” nhắm chỉ hành động mặc khải mà Thiên Chúa gửi tới toàn thể nhân loại, như đã được nhận ra trong lối diễn tả văn chương trong các phần của Kinh Thánh: Cựu Ước và Tân Ước. Người ta gọi là “mặc khải”, bởi vì ở trong đó Thiên Chúa tự mình cho con người biết Ngài một cách từ từ, cho tới tột điểm là chính Ngài lại trở thành một người, để lôi kéo tới mình và liên kết với mình tất cả thế giới nhờ Con của Ngài nhập thể là Chúa Giêsu Kitô. Vậy không chỉ nói tới việc thông truyền trí tuệ mà thôi, nhưng còn là một tiến trình sống động, trong đó Thiên Chúa đến gần con người; rồi trong tiến trình này một cách tự nhiên được mặc khải cả nội dung liên hệ tới trí tuệ và và sự hiểu biết về Thiên Chúa. Tiến trình này nhắm tới tất cả con người toàn diện và như thế cả lý trí, nhưng không phải chỉ có lý trí mà thôi. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng Đấng duy nhất, vậy cả lịch sử, mà Ngài sống với nhân loại, cũng chỉ là lịch sử duy nhất, có giá trị cho tất cả mọi thời đại và đã có được sự viên mãn trong sự sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Trong Chúa Giêsu Kitô Thiên Chúa đã nói ra tất cả, nghĩa là chính mình Ngài, và vì thế, mặc khải hoàn tất cùng với sự thể hiện mầu nhiệm Chúa Kitô, đã nhận ra trong lối diễn tả của Tân Ước. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ( = SGLCG) trích dẫn, để giải thích tính cách hoàn tất và trọn vẹn của mặc khải, một bản văn của Thánh Gioan Thánh Giá: “Từ lúc mà Thiên Chúa ban cho chúng ta Con của Ngài, là lời duy nhất và hoàn tất của Ngài, Ngài đã nói với chúng ta tất cả trong một lần mà thôi trong Lời duy nhất này . . . Quả thế điều mà một ngày kia Ngài nói một cách theo từng phần cho các tiên tri, thì Ngài đã nói tất cả trong Người Con của Ngài . . . Vì thế ai còn muốn hỏi Chúa và còn muốn hỏi thêm các thị kiến hay mặc khải, thì không những phạm tội ngu xuẩn, nhưng còn xúc phạm đến Thiên Chúa, bởi vì họ không biết chỉ đem con mắt ngắm nhìn Chúa Kitô và lại đi tìm những điều khác nhau và mới lạ” (SGLCG, s. 65, Thánh Gioan Thánh Gía, Hành trình lên núi Carmelo, II, 22).
Sự kiện là mặc khải duy nhất của Thiên Chúa gửi tới tất cả mọi dân tộc đã được kết thúc cùng với Chúa Kitô và với chứng từ về Ngài trong các Sách của Tân Ước, sự kiện này đòi buộc Giáo Hội gắn liền với biến cố duy nhất của lịch sử thánh và với Lời Chúa trong Sách Thánh, bảo đảm và chú thích biến cố này, nhưng không có nghĩa là bây giờ Giáo Hội chỉ nhìn vào quá khứ và như vậy là bị kết án vào một thái độ lặp đi lặp lại cách vô bổ, không sinh ích lợi gì thêm. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói về điều này như sau: “...cả ngay khi Mặc khải đã chấm dứt, tuy nhiên không vì thế mà đã tỏ lộ hoàn toàn; bây giờ đến lượt đức tin Kitô giáo từ từ tiếp nhận tất cả tầm mức của nó trong dòng các thế kỷ” (SGLCG, s. 66). Hai khía cạnh của việc liên kết với tính cách duy nhất của biến cố này và của tiến trình tiệm tiến trong việc hiểu biến cố này được soi sáng một cách rất rõ ràng trong các bài diễn văn từ biệt của Chúa Giêsu, khi Ngài nói với các môn đệ vào lúc từ giã các ông: “Ta còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được hết. Khi Thánh Thần chân lý đến, Ngài sẽ hướng dẫn các con tới chân lý vẹn toàn . . . bởi vì Ngài không tự mình mà nói . . . Ngài sẽ làm vinh danh Ta, bởi vì Ngài sẽ tiếp nhận từ nơi Ta và sẽ loan báo cho các con” (Ga 16, 12-14). Một đàng Chúa Thánh Thần sẽ là người hướng đạo và như thế Ngài mở ra một con đường hướng tới sự hiểu biết, để có thể tiếp nhận được tầm mức mà trước đây các môn đệ còn thiếu – và đây là sự bao la và sự sâu xa của đức tin Kitô giáo không bao giờ đóng lại. Đàng khác, việc hướng dẫn này là một hành động “lấy ra“ từ kho tàng của chính Chúa Giêsu, mà tính cách sâu xa không bao giờ cạn vơi, được tỏ lộ trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như nói trên đây. Về điểm này Sách Giáo Lý trích dẫn một lời nói thật sâu sắc của Đức Giáo Hoàng Grêgoriô cả: “Các lời nói của Thiên Chúa lớn lên cùng lúc với những ai đọc những lời đó” (SGLCG, s. 94, Thánh Grêgoriô, Bàn về Tiên tri Ezechiel, 1, 7, 8). Công đồng Vaticanô II chỉ vẽ ba con đường chính yếu theo đó việc hướng dẫn của Chúa Thánh Thần được thể hiện trong Giáo Hội và do đó thể hiện “sự lớn lên” của Lời: ” ... việc hướng dẫn này đuợc thể hiện nhờ sự trung gian và việc học hỏi của tín hữu, nhờ sự hiểu biết sâu xa phát sinh từ kinh nghiệm siêu nhiên và nhờ việc giảng dạy của những người “theo tính cách kế tục của chức vụ giám mục đã lãnh nhận được một đặc sủng chắc chắn về sự thật” (Hiến chế Lời Chúa, 8).
Trong mạch văn này người ta có thể hiểu một cách đúng quan niệm về “mặc khải tư”, là mặc khải bao gồm tất cả những thị kiến và những mặc khải xẩy ra sau khi Tân Ước được hoàn tất; do đó đây là một loại mặc khải trong đó chúng ta phải đặt sứ điệp Fatima. Chúng ta còn nghe nói về điều này trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo như sau: “Xuyên suốt qua các thế kỷ có những mặc khải gọi là “tư”, một số được Giáo quyền công nhận . . . vai trò của các mặc khải này không phải là để “bổ túc” cho Mặc Khải đã hoàn tất của Chúa Kitô, nhưng là để trợ giúp và để giúp sống Mặc Khải này một cách đầy đủ trong một giai đoạn lịch sử” (SGLCG, s. 67). Vậy cần làm sáng tỏ các điểm sau đây:
1. Thế giá của các mặc khải tư hoàn toàn khác biệt một cách chính yếu với Mặc Khải duy nhất và có tính cách công cộng: Mặc khải chính và công cộng này đòi buộc đức tin của chúng ta; quả thật trong đó nhờ các lời của nhân loại và nhờ cộng đoàn sống động của Giáo Hội làm trung gian, chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Đức tin vào Thiên Chúa và vào Lời của Ngài phân biệt ra khỏi mọi điều tin khác, mọi niềm tín thác và mọi ý kiến khác của nhân loại. Tính cách chắc chắn khi biết rằng Thiên Chúa nói với chúng ta, điều này đem lại sự an toàn là tôi gặp được chính sự thật và như thế một sự chắc chắn, không thể tìm được trong bất cứ hình thức nào của sự nhận biết của con người. Đó là sự chắc chắn mà trên đó tôi xây dựng đời sống của tôi và tôi trao phó mình tôi trong giờ chết.
2. Mặc khải tư là một sự trợ giúp cho đức tin, và được tỏ ra như là điều đáng tin chính là vì mặc khải tư này dẫn đưa tôi tới Mặc Khải công cộng duy nhất. Đức Hồng Y Prospero Lamberti, là Giáo Hoàng tương lai Beneđicto thứ XIV, nói về điều này trong tác phẩm cổ điển của Ngài, được coi như là mẫu mực cho việc phong Chân phước và Phong Hiển thánh, như sau: “Một hành động chấp nhận đức tin công giáo không do mặc khải được chấp thuận theo cách thế đó; và cũng thể nào có được điều đó. Các mặc khải này đòi hỏi đúng hơn là một hành động chấp nhận đức tin con người phù hợp với các luật lệ do sự khôn ngoan, làm cho thấy đó là điều có thể xẩy ra và hoàn toàn đáng tin”. Nhà thần học người Flammand, ông E. Dhanis, là một người có hiểu biết sâu rộng về vấn đề này, đã diễn tả cách tổng hợp rằng việc chấp thuận từ phía Giáo Hội một mặc khải tư gồm có 3 yếu tố sau đây: sứ điệp liên hệ tới mặc khải đó không có điều gì chống lại đức tin và phong hóa luân lý công cộng tốt lành; được phép công bố mặc khải tư này, và tín hữu được phép theo cách thế khôn ngoan biểu lộ sự tin nhận mặc khải tư này (E.Dhanis, Sguardo su Fatima e bilancio di una discussione, in La Civiltà Cattolica 104, 1953, II, 392-406, đặc biệt ở trang 397). Một sứ điệp như thế có thể là một sự trợ giúp vững chắc để hiểu và để sống Phúc âm cách tốt hơn trong giờ phúc hiện tại, vì thế không nên coi thường bỏ qua sứ điệp này. Đó là một sự trợ giúp, được hiến tặng, nhưng không buộc phải dùng mặc khải này.
Vì thế tiêu chuẩn để nhận ra chân lý và giá trị của mặc khải tư là việc hướng mặc khải tư này về Chúa Kitô. Khi mặc khải này đi xa Chúa Kitô, khi mặc khải này làm cho mình ra tự lập hay lại tự coi mình như là một kế đồ cứu rỗi khác và hơn nữa, lại coi là quan trọng hơn Phúc âm, thì lúc đó người ta thấy mặc khải tư này chắc chắn không đến từ Chúa Thánh Thần, là Đấng hướng dẫn chúng ta từ bên trong Phúc âm và không có gì ở ngoài Phúc âm. Điều này không có nghĩa là các mặc khải tư này không đưa ra một số những nhấn mạnh mới, làm phát khởi những hình thức đạo đức mới hay đào sâu và làm lan rộng những hình thức đạo đức cũ. Nhưng trong tất cả vấn đề này cần phải nói tới việc nuôi dưỡng đức tin, đức cậy và đức ái, là những nhân đức mà đối với mọi người là con đường thường xuyên đem đến ơn cứu rỗi. Chúng ta có thể thêm rằng các mặc khải tư trước tiên thường đến từ lòng đạo đức bình dân và cũng quy hướng về đó, làm cho lòng đạo đức này có những thúc đẩy mới và từ đó đưa ra những hình thức mới. Điều nói trên không loại trừ các mặc khải tư này cũng có ảnh hưởng tới phụng vụ, thí dụ như chúng ta thấy Lễ Mình Thánh Chúa (Corpus Domini) và Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Xét về một mặt, trong mối tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân người ta thấy hiện ra mối tương quan giữa Mặc Khải và mặc khải tư: Phụng vụ là tiêu chuẩn, đó là hình thức sống động của Giáo Hội mà trong toàn thể được nuôi dưỡng trực tiếp bởi Phúc âm. Lòng đạo đức bình dân có nghĩa là đức tin đặt gốc rễ trong con tim của từng dân tộc, như thế đức tin này được nhập vào trong thế giới của đời sống hằng ngày. Lòng đạo đức bình dân là hình thức đầu tiên và nền tảng của việc “hội nhập văn hóa” của đức tin, điều này phải luôn luôn để cho mình hướng tới và được dẫn đưa theo các chỉ dẫn của phụng vụ, nhưng đến lượt mình các việc đạo đức bình dân này lại làm cho đức tin nên phong phú từ con tim.
Như vậy chúng ta đi từ những xác định có tính cách hơi tiêu cực, tuy nhiên lại là những chỉ dẫn cần thiết, để đi tới sự xác định tích cực của mặc khải tư: làm sao có thể xếp loại các mặc khải này khởi sự từ Kinh Thánh? Đâu là loại thần học của chúng? Thư xưa nhất của Thánh Phaolô còn giữ lại cho chúng ta, có lẽ là văn kiện viết lâu đời nhất trong Tân Ước, đó là Thư gửi tín hữu thánh Tessalonica, có lẽ đối với tôi thư này cho chúng ta một chỉ dẫn về vấn đề này. Thánh Tông đồ nói như sau: “Đừng giập tắt Thánh Thần, không khinh thường các tiên tri, nhưng hãy xét nghiệm tất cả, và giữ lại những gì là tốt đẹp” (5, 19-21). Trong mọi thời đại Thiên Chúa luôn cho Giáo Hội đoàn sủng nói tiên tri, điều này cần phải được xét nghiệm, nhưng cũng không được phép kinh thường chúng. Về vấn đề này cần phải nhớ rằng ơn nói tiên tri theo Kinh Thánh không có nghĩa là nói trước các sự việc trong tương lai, nhưng là việc giải thích ý muốn của Thiên Chúa cho thời đại hiện tại và từ đó thì lời tiên tri chỉ cho con người con đường đúng thực phải đi hướng về tương lai. Người nói về tương lai thì gặp phải sự tò mò của lý trí, mà lý trí lại muốn xé tan bức màn của tương lai, vị tiên tri lại gặp phải sự mù quáng của ý chí và của tư tưởng và làm cho rõ ràng ý muốn của Thiên Chúa như là một đòi hỏi và một chỉ dẫn cho hiện tại. Tầm quan trọng của việc loan báo trước tương lai trong trường hợp này là điều thứ yếu. Điều chính yếu là việc thực hiện Mặc Khải duy nhất, là điều nhắm tới tôi một cách sâu xa: lời tiên tri là một lời cảnh cáo hay cũng có thể là một lời an ủi hay là cả hai một trật. Theo nghĩa này, người ta có thể gắn liền đoàn sủng nói tiên tri với loại đoàn sủng về “các dấu chỉ của thời đại”, điều đã được Công đồng Vaticanô II làm sáng tỏ: “ . . . Các ngươi biết phán đoán bộ mặt của đất và trời, mà tại sao thế hệ này lại không biết phán đoán nó?” (Lc 12, 56). Về “các dấu chỉ của thời đại” trong lời nói của Chúa Giêsu người ta phải hiểu là chính hành trình riêng của mình, là chính Ngài. Giải thích các dấu chỉ của thời đại theo ánh sáng của đức tin có nghĩa là nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong mọi thời đại. Trong các mặc khải tư đã được Giáo Hội công nhận - - - vậy phải kể cả biến cố Fatima - - - bàn tới điều này: giúp chúng ta hiểu ra các dấu chỉ của thời đại và tìm thấy cho các dấu chỉ này câu trả lời của đức tin.
Cơ cấu nhân chủng học của các mặc khải tư
Sau khi nhờ các suy tư này chúng ta đã tìm cách xác định chỗ đứng thần học về các mặc khải tư, và trước khi dấn thân vào việc giải thích sứ điệp Fatima, chúng ta còn phải tìm cách làm sáng tỏ cách vắn tắt một chút nữa tính cách nhân chủng học (khía cạnh tâm lý) của các mặc khải tư này. Khoa nhân chủng thần học phân biệt trong phạm vi này ba nguồn nhận thức hay “thị kiến”: đó là thị kiến với các giác quan, rồi nhận thức bên ngoài trong phạm vi thân xác, sự nhận thức bên trong và thị kiến thiêng liêng (visio sensibilis – imaginativa – intellectualis). Thật rõ ràng là trong các thị kiến tại Lộ Đức, Fatima v.v. . . người ta không chỉ bàn tới nhận thức bình thường bên ngoài của giác quan: các hình ảnh và các hình hài, là những điều được xem thấy, không tìm thấy ở bên ngoài trong phạm vi không gian, thí dụ như khi người ta xem thấy một cây hay một cái nhà. Điều rất hiển nhiên, thí dụ, đối với thị kiến về hỏa ngục (được mô tả trong “thị kiến” thứ nhất tại Fatima) hoặc cả như thị kiến được mô tả trong phần thứ ba của “bí mật”, nhưng người ta có thể diễn ra một cách rất dễ dàng và những thị kiến khác nữa, nhất là vì không phải tất cả mọi người hiện diện đã được trông thấy thị kiến đó, mà thực ta chỉ có các “người được ơn nhìn thấy”. Tuy nhiên như thế thì hiển nhiên là người ta không nói tới một “thị kiến” thuộc phạm vi lý trí mà không kèm theo hình ảnh, như thị kiến đó tìm thấy trong các cấp bậc khác của bậc tới được tình trạng nhiệm hiệp. Vậy thì phải nói đó là một loại thị kiến ở giữa, sự nhận thức bên trong, mà thực ra đối với người “được ơn nhìn thấy” chắn là có một sức mạnh về sự hiện diện, mà đối với họ điều này cũng tương đương với việc tỏ bày ra bên ngoài qua giác quan.
Nhìn thấy bên trong không có nghĩa là việc nói tới một điều mơ tưởng, mà có thể chỉ là một sự diễn tả của trí tưởng tượng chủ quan. Nhìn thấy bên trong, điều này được hiểu đúng hơn là linh hồn được thấy sinh ra từ một cú đánh từ một vật thể nào đó cho dù có thể là vật thể đó nằm trong phạm vi trên giác quan và linh hồn được ban cho khả năng để nhìn thấy cái không phải là giác quan, cái không nhìn thấy được cho giác quan – một thị kiến do “giác quan bên trong”. Đó là “những vật thể” đích thực, đụng tới linh hồn, cho dù các vật thể này không thuộc về thế giới khả giác quen thuộc của chúng ta. Để được như thế cần có một sự tỉnh thức nội tâm của con tim, mà hơn thế nữa không có lý do gì để cần có sức ép mạnh mẽ của các thực tại bên ngoài, của các hình ảnh và các tư tưởng tràn ngập linh hồn. Con người được dẫn đưa tới chỗ vượt lên trên cái bên ngoài thực thụ và vượt cả lên trên các chiều kích sâu xa hơn của các thực tại đụng tới linh hồn, làm cho các thực tại đó trở nên cảm giác được. Có lẽ người ta có thể hiểu được rằng tại sao lại là chính các trẻ em được trở nên người ưu tiên chứng kiến các cuộc hiện ra này: vì linh hồn của chúng bị thay đổi ít thôi, khả năng bên trong của linh hồn nhận thức cũng ít bị ra xấu hơn như nơi những người lớn. “Từ miệng lưỡi con trẻ và các trẻ còn đang bú sữa Chúa nhận được các lời chúc tụng”, Chúa Giêsu trả lời cho các Thày Thượng Tế và các bậc trưởng lão, khi dùng một câu thánh vịnh 8 (câu 3), lúc các vị này thấy những lời tung hô “Hosanna” của các trẻ là không chấp nhận được (Mt 21, 16).
“Cuộc thị kiến bên trong” không phải là một mơ tưởng, nhưng là một cách kiểm chứng đúng và riêng biệt, như chúng ta đã nói. Nhưng cuộc thị kiến bên trong này cũng mang theo những giới hạn của nó. Ngay trong cuộc thị kiến bên ngoài cũng luôn có yếu tố chủ quan: chúng ta không nhìn thấy đối tượng nguyên tuyền, nhưng đối tượng đó đến với chúng ta qua các giác quan của chúng ta, vì các giác quan này phải thực hiện tiến trình chuyển hóa ra. Điều còn hiển nhiên hơn trong thị kiến bên trong, nhât là khi nói về các thực tại, vượt tầm mức của chính mình ở trên nhãn giới của chúng ta. Chủ thể, người được ơn thị kiến, bị cuốn hút vào một cách còn mạnh mẽ hơn. Chủ thể nhìn thấy qua các khả thể cụ thể của mình, với một cách thế diễn tả và nhận thức mà chủ thể có được. Trong thị kiến nội tại người ta nói một cách còn rộng lớn hơn là trong thị kiến bên ngoài, về tiến trình chuyển hóa, như vậy một cách chính yếu chủ thể cùng tham dự vào đó để biến hóa chính mình, như từ hình ảnh, từ điều xuất hiện ra cho mình. Hình ảnh chỉ có thể tới theo mức độ và theo các khả thể của mình mà thôi. Tuy nhiên các thị kiến như thế không bao giờ là những “bức hình” đơn thuần của thế giới bên trên, nhưng cũng mang theo trong mình các khả thể và các giới hạn của chủ thể mà nó nhận thấy.
Đó là điều mà người ta có thể nhận thấy được biểu hiện ra trong tất cả các thị kiến lớn của các thánh; dĩ nhiên điều đó cũng có giá trị áp dụng cho các thị kiến của các trẻ tại Fatima. Các hình ảnh mà các trẻ ấy phác họa ra không chỉ là một diễn tả đơn sơ của trí tượng tượng của các em, mà là kết quả của một nhận thức đích thực có nguồn gốc siêu nhiên và ở bên trong; đó cũng không phải là do tưởng tượng ra như thể cho thấy trong chốc lát bức màn của thế giới bên kia được cất đi khỏi và cảnh trời xuất hiện ra với nét chính yếu thật trong sáng, cảnh trời này một ngày kia chúng ta hy vọng được nhìn thấy trong sự hiệp nhất vĩnh viễn với Thiên Chúa. Các hình ảnh này, người ta có thể nói, đúng hơn là tổng hợp giữa sự thúc đẩy đến từ trên Cao với những khả năng sẵn sàng giúp cho chủ thể có thể nhận thức ra, nghĩa là giúp cho các trẻ nhận thức được thị kiến này. Vì lý do này, ngôn ngữ qua hình ảnh của các thị kiến này là một thứ ngôn ngữ biểu tượng. Đức Hồng Y Sodano nói về điều này như sau: “...chúng không diễn tả các chi tiết nói về tương lai như trong một bức hình chụp, nhưng lại tổng hợp và cô đọng lại trên cũng một tấm nền các dữ kiện đã xảy ra trải dài trong thời gian liên tục và trong một quãng thời gian kéo dài không có xác định”. Việc làm cô đọng lại thời gian và không gian trong một hình ảnh là một nét tiêu biểu đối với các thị kiến như vậy, mà hơn nữa, là những thị kiến có thể được giải ra chỉ theo thời gian về sau mà thôi. Không phải mỗi yếu tố thấy được liên hệ tới vấn đề thì đòi phải có một ý nghĩa lịch sử. Coi thị kiến trong cái toàn thể của nó và khởi từ cái toàn thể của các hình ảnh thì các chi tiết riêng biệt sẽ có thể hiểu được. Cho dù đó phát xuất từ trung tâm nào đi nữa của hình ảnh, sau cùng thì điều đó được mặc khải ra từ điều mà làm trung tâm của sứ điệp “tiên tri” Kitô giáo trong cái tuyệt đối của nó: trung tâm điểm tìm thấy ở nơi mà thị kiến trở nên lời mời gọi và chỉ lối dẫn về ý muốn của Thiên Chúa.
Thử đưa ra một lời giải thích “bí mật” Fatima
Phần thứ nhất và phần thứ hai của “bí mật” Fatima đã được bàn cãi một cách khá rộng rãi trong loạt các sách vở và văn chương bàn về bí mật này, vì thế ở đây Tôi không trình bày lại làm chi nữa. Tôi chỉ muốn nhắc lại một cách vắn tắt mối quan tâm chú ý về một điểm rất có ý nghĩa. Các trẻ đã được cảm nghiệm chỉ trong giây lát một cách thật kinh sợ thị kiến về hỏa ngục. Các em đã nhìn thấy việc “các linh hồn kẻ có tội” sa xuống đó. Và bây giờ các em được nói cho biết vì sao các em đã có phúc coi cảnh tượng đó trong giây lát: lý do là để “cứu vớt các linh hồn” – để biểu lộ cho thấy một con đường để cứu rỗi. Ở đây người ta nhớ lại trong tâm trí câu Thánh Phêrô viết trong thứ thứ nhất của Ngài như sau: “mục tiêu của đức tin của anh em là phần rỗi các linh hồn” (1Pr 1, 9). Như vậy con đường đã được vạch ra cho thấy mục đích này – theo cách thế có vẻ gây ngạc nhiên cho những ai thuộc văn hóa tại Anh quốc và tại Đức quốc - : lòng tôn sùng Mẫu Tâm Vẹn Sạch Mẹ Maria. Để hiểu điều này, thì ở đây có ghi ra một yếu tố chỉ dẫn cách vắn tắt. “Trái tim”, trong ngôn ngữ Kinh thánh, chỉ trung tâm của sự hiện hữu của con người, đó là nơi hội tụ lại lý trí, ý chí, tính tình và cảm giác, trong đó con người tìm ra sự duy nhất của mình và tìm ra hướng đi trong nội tâm. “Trái Tim Vẹn Sạch” theo Mathêô 5, 8, là một trái tim phát xuất từ Thiên Chúa, đạt tới một sự duy nhất vẹn toàn bên trong và vì thế “họ nhìn thấy Thiên Chúa”. “Lòng sùng kính” Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, do đó là hành trình tiến tới gần thái độ của con tim, trong đó tiếng fiat – “Xin vâng ý Cha” – trở nên trung tâm thông tin của tất cả sự hiện hữu của con người. Nếu ai muốn đặt vấn nạn khi cho rằng chúng ta không thể đặt một hữu thể con người nào giữa chúng ta và Chúa Kitô, thì chúng ta phải nhớ rằng Thánh Phaolô không sợ hãi ngần ngại gì khi nói với các cộng đoàn của mình là hãy bắt chước mình (1Cr 4, 16; Pl 3, 17; 1Ts 1, 6; 2Ts 3, 7.9). Nơi con người tông đồ, những lời này có thể nhận ra cách cụ thể với ý nghĩa là hãy đi theo Chúa Kitô. Từ con người nào, mà trong mọi thời đại, chúng ta có thể học hỏi cho biết cách hoàn toàn hơn nếu không là nơi Mẹ của Chúa Kitô?
Sau cùng giờ đây, chúng ta nói tới phần thứ ba của “bí mật” Fatima mà lần đầu tiên được công bố như chúng ta đọc trên đây. Như chúng ta đã được cho thấy ở tài liệu trên đây, trong lời chú giải, mà Đức Hồng Y Sodano đã đọc lên trong bản văn ngày 13-5, đã được trình bày trước đó cho Chị Lucia. Chị Lucia nhận xét về điểm này là thị kiến đã được ban cho Chị, nhưng không có kèm theo lời chú giải. Chị nói, lời chú giải, không liên hệ tới người được ơn thị kiến mà thuộc thẩm quyền của Giáo Hội. Tuy nhiên sau khi đọc lời chú giải Chị đã nói rằng lời chú giải này phù hợp với những gì Chị đã cảm nghiệm thấy và về phần Chị, Chị nhận lời chú giải này là đúng thực. Theo sau đó người ta chỉ cần tìm hiểu sâu xa một nền tảng cho lời chú giải này dựa theo những tiêu chuẩn được khai triển cho tới nay.
Theo như từ ngữ - chìa khóa cho phần thứ nhất và phần thứ hai của “bí mật” chúng ta đã khám phá ra từ ngữ – chìa khóa cho phần thứ ba, đó là “cứu rỗi các linh hồn”, như vậy lời – chìa khóa cho “bí mật” thứ ba này là 3 lời kêu van: “Thống hối, Thống hối, Thống hối”. Như vậy chúng ta trở lại trong tâm trí và nghĩ tới câu mở đầu của Phúc âm: “Hãy thống hối và tin vào Phúc âm” (Mc 1, 15). Hiểu các dấu chỉ của thời đại có nghĩa là: hiểu thấu tính cách khẩn trương của việc thống hối – của việc canh tân – của đức tin. Đó là câu trả lời thật đúng cho giai đoạn của lịch sử, là giai đoạn đang trải qua những nguy hiểm thật lớn lao, những nguy hiểm sẽ được mô tả ra trong các hình ảnh kế tiếp. Tôi xin phép đem vào đây một kỷ niệm cá nhân; trong một cuộc nói truyện với tôi, Chị Lucia đã nói cho tôi rằng mỗi ngày Chị thấy biểu hiện ra cho Chị một cách rõ ràng hơn về mục đích của mọi lần hiện ra, đó là làm sao để tăng cường đức tin, đức cậy và đức ái – tất cả những điều khác đều có mục đích trợ giúp cho điều chính yếu này.
Bây giờ chúng ta xem xét cách gần gũi hơn từng hình ảnh một của thị kiến. Thiên thần cầm thanh gươm lửa đứng bên trái Đức Mẹ Thiên Chúa nhắc nhở cho chúng ta những hình ảnh trong Sách Khải Huyền. Hình ảnh này tượng trưng cho sự đe dọa trong ngày phán xét, bao trùm khắp thế gian. Viễn tượng về một thế giới có thể bị đốt ra tro trong biển lửa, ngày nay không còn phải là một điều nằm trong trí mơ tưởng mà thôi: chính con người đã chuẩn bị nó qua những khám phá của mình, chuẩn bị lưỡi gươm lửa này. Rồi thị kiến cho thấy sức mạnh chống ngược lại với quyền năng phá hoại --- ánh huy hoàng của Mẹ Thiên Chúa, và rồi trong một cách thế nào đó, phát xuất ra lời kêu gọi thống hối. Theo cách thế này, thì thị kiến có mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự do của con người: tương lai quả thật không phải là điều được định đoạt một cách không thể thay đổi, và hình ảnh mà các trẻ xem thấy, không phải là một cuốn phim quay cảnh tượng sẽ đến trong tương lai, mà trong đó không một điều gì là không thể thay đổi được. Tất cả thị kiến này được nhìn thấy chỉ là để kêu gọi sự tự do trong bối cảnh đó và được xoay chiều theo một hướng tích cực. Vậy ý nghĩa của thị kiến không phải là cho thấy cuốn phim về tương lai đã được xác định một cách không thể nào cứu chữa được. Ý nghĩa của thị kiến nằm ở thế ngược lại hoàn toàn, đó là thế đưa người ta lo làm sao đưa các lực lượng để biến đổi thành sự lành. Vì thế quả thật những lối giải thích có tính cách theo định mệnh đều hoàn toàn nằm ở ngoài “bí mật”, thí dụ như người ta nói rằng người ám sát ngày 13-5-1981 đã được coi như là một dụng cụ nhất định của chương trình của Thiên Chúa do sự Quan phòng hướng dẫn và vì thế người này đã không hành động một cách tự do, hoặc có những tư tưởng tương tự như thế được nghĩ ra chung quanh “bí mật” này. Đàng này thị kiến nói một cách đúng hơn là về những nguy hiểm và về con đường để cứu thoát khỏi những nguy hiểm đó.
Nhưng câu tiếp theo của bản văn còn cho thấy một lần nữa cách rất rõ ràng tính cách biểu tượng của thị kiến. Thiên Chúa vẫn là Đấng không thể đo lường được và vẫn là ánh sáng vượt lên trên mọi cái nhìn của chúng ta. Con người xuất hiện như là nằm trong tấm gương soi. Vì thế chúng ta phải luôn luôn nhớ tới mức độ giới hạn bên trong của thị kiến, mà các điều liên hệ tới đã được chỉ định rõ ràng. Tương lai chỉ được nhận ra “như trong một tấm gương soi, theo cách thế mờ ảo” (x. 1Cr 13, 12). Bây giờ chúng ta xem xét từng hình ảnh một, đi theo sau trong “bí mật” này. Nơi chốn xẩy ra hành động được mô tả theo ba biểu hiệu: một ngọn núi dốc thẳng, một thành bị tàn phá tới một nửa và sau cùng thánh giá bằng thân đá thô sơ. Núi đá và thành trì biểu tượng cho nơi xẩy ra lịch sử của loài người: lịch sử này là một đường lên trên cao một cách thật là nhọc nhằn, lịch sử như là một nơi con người thực hiện các sáng tạo và sống chung với nhau, nhưng đồng thời lịch sử lại là nơi xẩy ra các cảnh phá hoại, trong đó con người lại phá hoại chính các sản phẩm của công việc mình làm ra. Thành trì có thể là nơi của sự hiệp thông và của tiến bộ, nhưng cũng là một nơi đầy nguy hiểm và đe dọa cùng cực. Trên ngọn núi có thánh giá đứng trên đó - - - là cùng đích và hướng đi của lịch sử. Trong thánh giá sự phá hủy được biến đổi thành ơn cứu rỗi; như vậy thánh giá hiện ra như là đấu hiệu của sự khốn cùng của lịch sử và cũng là lời hứa cho lịch sử này.
Rồi xuất hiện những con người: vị giám mục mặc áo trắng (“chúng tôi có linh cảm đó là Đức Thánh Cha”), các giám mục khác, linh mục và tui sĩ nam nữ và sau cùng là đám người đàn ông và đàn bà thuộc mọi hạng người và mọi tấn lớp xã hội khác nhau. Đức Thánh Cha hình như đi trước mọi người khác, run rẩy và đau khổ vì tất cả những kinh sợ, xẩy ra chung quanh Ngài. Không phải chỉ là những ngôi nhà của thành trì bị tàn phá tới một nửa - - - bước chân đi của Ngài qua giữa các xác người chết. Con đường của Giáo Hội như thế được diễn tả như là một Đường Thánh Giá (Via crucis), như một con đường trong một thời đại bạo lực, hủy diệt và bách hại. Người ta có thể nhìn ra điều được hình dung trong hình ảnh này lịch sử của cả một thế kỷ. Như các chỗ khác trong trái đất được biểu trưng một cách tổng hợp trong hai hình ảnh là núi đá và thành trì và được hướng tới thánh giá, như vậy thời gian cũng được trình bày một cách thu hẹp lại: trong thị kiến chúng ta có thể nhận ra thế kỷ đang trải qua như là thế kỷ của các vị tử đạo, như là thế kỷ của đau khổ và của các cơn bách hại Giáo Hội, như là thế kỷ của các cuộc thế chiến và của nhiều cuộc chiến tranh tại các vùng khác nhau, đã lan tràn trong tất cả phần thứ hai của thế kỷ và đã cho cảm nghiệm thấy những cơn hung dữ dưới hình thức mới. Trong “tấm gương soi” của thị kiến này chúng ta thấy đi qua những chứng nhân đức tin của hằng chục năm. Về vấn đề này người ta nhận thấy nên nhắc tới một câu trong lá thư của Chị Lucia viết cho Đức Thánh Cha đề ngày 12-5-1982: “phần thứ ba của “bí mật” hướng tới những lời của Đức Mẹ: “Nếu không (Nước Nga) sẽ cho gieo rắc những lầm lạc trên khắp thế giới, gây ra các cuộc chiến tranh và bắt bớ Giáo Hội. Những người lành sẽ bị tử vì đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải đau khổ thật nhiều, nhiều dân tộc sẽ bị hủy diệt”.
Trong Đường Thánh Giá của một thế kỷ hình ảnh của Đức Thánh Cha có một vai trò đặc biệt, Trong cuộc trèo lên núi của Ngài rất vất vả chúng ta chắc chắn có thể tìm thấy nhiều vị Giáo Hoàng cùng lúc, bắt đầu từ Đức Giáo Hoàng Piô X cho tới Đức đương kim Giáo Hoàng đã cùng chia sẻ các đau khổ của thế kỷ này và các Ngài cố gắng để bước đi giữa các đau khổ đó trên con đường dẫn tới thánh giá. Trong thị kiến cũng nói tới vị Giáo Hoàng bị giết trên con đường mà các vị tử đạo đang đi. Đó không phải là Đức Thánh Cha, khi mà sau ngày 13-5-1981 bảo đưa bản văn của phần thứ ba của “bí mật”, đã nhận ra trong đó là điều đã xẩy ra cho chính mình hay sao? Ngài đã sống cảnh huống rất gần kề sự chết và chính Ngài đã giải thích sự cứu thoát của Ngài với những lời sau đây: “ . . . đó là một bàn tay từ mẫu đã hướng lằn đạn đi chỗ khác và Đức Giáo Hoàng đang hấp hối dừng lại ở ngưỡng cửa của sự chết” (13-5-1994). Sự kiện, “một bàn tay từ mẫu đã hướng lằn đạn giết chết đi chỗ khác”, cho thấy một lần nữa rằng không có một định mệnh nào không thể thay đổi được, và cho thấy rằng đức tin và lời cầu nguyện là sức mạnh có thể ảnh hưởng vào trong lịch sử và sau cùng thì lời cầu nguyện còn mạnh hơn là những tên đạn, đức tin còn mạnh hơn là những chia rẽ.
Kết luận của “bí mật” nhắc lại các hình ảnh, mà Chị Lucia có thể đã nhìn thấy trong những sách đạo đức và nội dung của chúng xuất phát từ những trực giác xa xưa của đức tin. Đó là một thị kiến đem lại an ủi, muốn làm cho dễ thẩm thấu vào trong lịch sử mang sức chữa lành của Thiên Chúa, một lịch sử của máu và nước mắt. Các thiên thần hứng lấy dưới các cánh thánh giá máu của các vị tử đạo và tưới gội các linh hồn, đến gần Thiên Chúa. Đó là máu của Chúa Kitô và máu của các vị tử đạo chảy ra từ cánh thánh giá. Cuộc tử đạo của các ngài được hoàn tất trong sự liên đới với với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trở nên một với cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Các ngài hoàn thành để mưu ích cho nhiệm thể của Chúa Kitô, điều còn đang thiếu trong các đau khổ của Chúa (x. Cl 1, 24). Đời sống của họ trở nên Thánh Thể, được ghim vào trong mầu nhiệm của hạt lúa miến chết mục nát đi và sẽ trở nên phong phú. Máu của các vị tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu, như Giáo phụ Tertulliano đã nói. Như cái chết của Chúa Kitô, từ cạnh sườn của Ngài mở ra, đã sinh ra Giáo Hội, thì cũng thế sự chết của các vị tử đạo được nên phong phú vì sự sống tương lai của Giáo Hội. Thị kiến phần thứ ba của “bí mật”, có vẻ làm cho người ta lo lắng vào phần đầu, thì lại đi tới một kết luận với một hình ảnh đầy hy vọng: không một đau khổ nào là vô ích, và chính Giáo Hội đau khổ, một Giáo Hội của các vị tử đạo, lại trở nên dấu chỉ biểu thị việc kiếm tìm Thiên Chúa từ phía con người. Trong bàn tay nhân từ yêu thương của Thiên Chúa chỉ có việc tiếp nhận những ai đau khổ như Lazaro, con người đã tìm được niềm an ủi và lại biểu tượng cách huyền nhiệm chính Chúa Kitô, là Đấng đã muốn trở nên Lazaro nghèo khó; lại còn có điều gì hơn thế nữa, đó là từ sự đau khổ của các chứng nhân nảy sinh ra một sức mạnh thanh luyện và có sức canh tân, vì đó là việc thực hiện chính sự đau khổ của Chúa Kitô và truyền đạt lại trong hiện tại sự hữu hiệu cứu rỗi.
Vậy bây giờ chúng ta đi tới câu hỏi cuối cùng: toàn thể “bí mật” Fatima có nghĩa gì? Bí mật này nói gì cho chúng ta? Trước tiên chúng ta phải xác quyết cùng với Đức Hồng Y Sodano rằng: “...các sự kiện mà phần thứ ba của “bí mật” hướng tới những điều mà hình như đã thuộc về quá khứ”. Trong mức độ mà mỗi biến cố được biểu hiện, thì chúng đã thuộc về quá khứ rồi. Ai chờ đợi các mặc khải có tính cách chấn động và mang tính cách khải huyền về thời điểm cuối cùng của thế giới hay về chuyển biến tương lai của lịch sử, sẽ bị thất vọng. Fatima không cho chúng ta những điều làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của chúng ta, cũng như, một cách chung, tất cả đức tin Kitô giáo không muốn và không thể là những món ăn cho tính tò mò của chúng ta. Điều còn lại mà có ý nghĩa, như chúng ta đã thấy ngay từ đầu trong những suy tư của chúng ta về bản văn “bí mật”: đó là lời khuyên nhủ hãy cầu nguyện như là con đường đưa tời “sự cứu rỗi các linh hồn” và trong chính ý nghĩa này có lời kêu gọi thống hối và canh tân đời sống.
Vào phần cuối bài suy tư này tôi còn muốn nói một lời – chìa khóa của “bí mật” trở nên thật thời danh: “Trái Tim Vẹn Sạch của Mẹ Sẽ Thắng!”. Câu này có nghĩa gì? Đó là trái tim mở ra cho Thiên Chúa, được thanh luyện bởi việc chiêm ngắm Thiên Chúa, thì trái tim này còn mạnh mẽ hơn các súng đạn và các khí giới thuộc đủ loại khác nhau. Lời thưa Fiat của Mẹ Maria, một lời nói ra từ con tim của Mẹ, đã biến đổi lịch sử của thế giới, bởi vì lời này đã đưa vào trong thế gian này Đấng Cứu Thế - bởi vì nhờ tiếng “Xin Vâng” này Thiên Chúa có thể trở nên con người trong không gian của chúng ta và Ngài vẫn còn là như thế bây giờ và mãi mãi. Thế lực của sự dữ có quyền trong thế gian này, chúng ta thấy được điều đó và chúng ta cảm nghiệm điều đó luôn luôn; nó có thế lực bởi vì sự tự do của chúng ta luôn đi ra khỏi xa Thiên Chúa. Nhưng từ khi chính Thiên Chúa có một con tim nhân loại và như thế Ngài đã hướng tự do con người về sự thiện, về Thiên Chúa, thì tự do làm sự ác không còn lời nói cuối cùng nữa. Từ đó thì có lời phán rằng: “Các ngươi phải buồn sầu trong thế gian, nhưng các người hãy tin tưởng, Ta đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Sứ điệp Fatima mời gọi chúng ta tín thác vào lời hứa này.
Hồng y Joseph Ratzinger
Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin
Ad instar manuscripti.
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn