Phẩm Phục Của Các Chức Thánh

Thứ ba - 25/10/2011 04:10

Phẩm Phục Của Các Chức Thánh

 
Có ba chức thánh là phó tế, linh mục và giám mục. Nếu là linh mục thì có thêm danh hiệu là đức ông, giám mục thì có những tước hiệu như hồng y, giáo hoàng.
Vì chức thánh và danh hiệu được chia rõ ràng như thế nên khi chịu chức linh mục, ta gọi là thụ phong; khi lên giám mục thì tấn phong, lên tới hồng y thì vinh thăng ...
1. PHÓ TẾ (thày sáu): Áo phó tế mặc khi cử hành phụng vụ rất đặc trưng vì có khoác dây như kiểu… Miss world.


Hình 1. Tấm hình trên đây có một người rất thân thiết với ban hợp xướng Pi-ô X.

Bức hình sau đây là một kiểu áo nữa của phó tế:


Hình 2. Thày “phó tế” trên nhìn quen quen (Kwon san-woo).


Hình 3. Một phó tế đọc Tin mừng trong thánh lễ kính thánh Phê-rô & Phao-lô (29.6.1985) do Đức thánh cha Gio-an Phao-lô II chủ tế.

Trong các thánh lễ đại trào (có sự hiện diện của cả ba chức thánh), thì phó tế lãnh trách nhiệm đọc Tin Mừng.
Một điều vui là ở Việt Nam, khi các phó tế đọc sách Tin Mừng, dù có nhắc trước hay không là xin đáp: “Và ở cũng thày”, thì giáo dân cũng đáp: "Và ở cùng cha". Lúc đó thì cười cho qua chuyện thôi chứ làm sao bây giờ. Coi như là gọi trước vậy, vì phó tế thì thường sắp làm linh mục. Ở Giáo hội Việt Nam chưa có trường hợp phó tế vĩnh viễn như phó tế Vũ Thành An ở hải ngoại (các vị này được quyền lập gia đình).


Hình 4. Phó tế Vũ Thành An (nhạc sĩ của những bài "Không Tên" nổi tiếng).

2. LINH MỤC: Phẩm phục của linh mục thì chúng ta đã quá quen thuộc rồi.


Hình 5. Cha An-rê Đỗ Xuân Quế và cha An Tôn Nguyễn Cao Siêu dâng lễ trong dịp ban hợp xướng Pi-ô X tĩnh tâm ngày 28.11.2009 ở dòng Phan-xi-cô (Thủ Đức).

Các linh mục có công với Hội Thánh thì sẽ có một danh hiệu là “đức ông”. Có ba bậc đức ông với màu áo khác nhau chút ít, nói ra sẽ bị rối. Nói chung là có áo giống như của giám mục, tức là có viền, nút, đai và áo choàng tím hay đỏ.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về danh hiệu đức ông thì vào link sau:
Đức Ông, Người là ai?
http://www.gxlavangoregon.com/tailie...les/DucOng.pdf
Đức ông gây ấn tượng nhất đối với tôi là Đức ông Gio-an Maria Trần Văn Hiến Minh, người đã “phát minh” ra từ Ki-tô. Từ “Ki-tô” đọc dễ, hát dễ, chứ theo kiểu cũ như crít-tô (Christo) thì khó phát âm quá.


Hình 6. Đức ông Gio-an Maria Trần Văn Hiến Minh.

Đức ông cũng chỉ là linh mục, còn đức cha mới là giám mục. Theo từ ngữ tiếng Việt thì “ông” phải hơn “cha” chứ. Nhưng đó là văn hoá rồi, đọc riết rồi quen. Ai muốn đổi thì xin trình với Hội đồng giám mục Việt Nam.
* Viện phụ: Người đứng đầu các đan viện, thường là các linh mục. Công Đồng Nicaea II (Ni-xê, năm 787) đã cho phép các viện phụ được ban phép cắt tóc (tonsure) và truyền các “chức nhỏ” (Minor orders) dưới chức phó tế. Không bao giờ một viện phụ, nếu vị này không có chức giám mục, được truyền chức phó tế hay linh mục cho các đan sĩ.
Về phẩm phục thì cũng biến thái nhiều dạng khác nhau. Họ được đặc ân mang những phẩm phục “đại trào” (pontifical insignia) như “mũ gầu” (mitre), gậy mục tử (crosier), thánh giá đeo ngực (pectoral cross), nhẫn, găng tay, giày. Người ta ghi nhận những đặc ân này có từ năm 643. Trừ một số trường hợp đặc biệt, các viện phụ thường mang mũ sọ (zucchetto) màu đen, nhưng thường thì ta thấy mũ sọ màu trắng.


Hình 7. Đức viện phụ có mũ sọ trắng như giáo hoàng.

Ngoài ra các ngài cũng có thể có “huy hiệu” tương tự như một giám mục nhưng không có hình thánh giá (xem hình 10).


Hình 8. Huy hiệu của viện phụ không có thánh giá như giám mục.

Vì các ngài được nhiều đặc ân tương tự như giám mục nên nếu có thấy các ngài viết hình thánh giá trước chữ ký cũng không phải là điều khó hiểu lắm.


Hình 9. Chữ ký của Đức hồng y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn (có hình thánh giá trước chữ ký).
Đây là chữ ký duyệt Imprimatur (được phép sử dụng trong phụng vụ) của đức hồng y cho bộ lễ Tháng Năm của nhạc sĩ Tiến Linh (tháng 5.2006).
Để tìm hiểu thêm về viện phụ, xin vào link sau:
http://www.tinmung.net/HOI%20DAP/120.htm
3. GIÁM MỤC: Màu chủ đạo của áo giám mục là màu tím. Khi có thêm danh hiệu hồng y thì đổi sang màu đỏ. Nếu muốn tìm hiểu thêm về phẩm phục giám mục thì theo đường link này:
http://www.thanhcavietnam.net/forum/...ad.php?t=17769
Giám mục người Việt Nam đầu tiên là Đức cha Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Bá Tòng (11.6.1933 tại Rô-ma):


Hình 10. Đức cha Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Bá Tòng.

Huy hiệu giám mục: Ví dụ huy hiệu của Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu. Giám mục người Việt Nam đầu tiên ở Canada (13.01.2010). Đức cha mới có 43 tuổi. Huy hiệu phải có ghi khẩu hiệu của giám mục (có thể ghi bằng tiếng La Tinh hay tiếng Việt).


Hình 11. Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu "Ego vobiscum sum" (Thày ở cùng các con).

Tổng giám mục: cai quản các tổng giáo phận. Áo chùng có thêm một áo choàng không tay ngắn và phẩm phục thêm dây pallium (chỉ dành cho giáo hoàng và tổng giám mục).


Hình 12. Đứng bên phải Đức thánh cha là một đức tổng giám mục.


Hình 13. Một tổng giám mục đeo dây pallium.

Trong bài huấn đức tại lễ đăng quang của mình, Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI nói: “Pallium, dệt bằng len tinh ròng, sẽ được đặt trên vai tôi. Dấu xưa đây, mà các giám mục Rô-ma đã mang từ thế kỷ thứ IV, có thể được xem như hình ảnh ách của Chúa Ki-tô, mà giám mục thành này, người Tôi tớ của các Tôi Tớ Chúa, mang trên vai mình. Ách của Chúa là ý muốn của Chúa, mà chúng ta chấp nhận. Và ý muốn này không đè nặng trên chúng ta, đè nén chúng ta và làm chúng ta mất tự do. Biết điều gì Chúa muốn, biết nơi nào gặp được con đường sự sống - đó là niềm vui của Israel, đó là đặc ân lớn của Israellace>. Đó cũng là niềm vui chúng ta: ý muốn của Chúa không làm cho chúng ta bị tha hoá, ý muốn đó thanh luyện chúng ta, mặc dầu điều này có thể gây nên đau khổ, và như vậy đưa chúng ta trở về với chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ không những chính Người, mà còn sự cứu rỗi của toàn thế giới, của toàn lịch sử” (Rô-ma, ngày 24.4.2005).
* Hồng y: Màu đỏ trên áo hồng y biểu trưng cho tinh thần “Sẵn sàng đổ máu vì Hội Thánh”. Hồng y là hoàng tử của Hội Thánh với quyền bầu và ứng cử giáo hoàng (điều kiện là phải dưới 80 tuổi, khoẻ mạnh).


Hình 14. Hồng y đầu tiên của Việt Nam là Đức hồng y Giu-se Maria Trịnh Như Khuê (24.5.1976).

Tính đến nay, Hội Thánh Việt Nam đã có được năm vị được vinh thăng hồng y:


Hình 15. Đức hồng y Giu-se Maria Trịnh Văn Căn (30.6.1979).


Hình 16. Đức hồng y Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng (26.11.1994).


Hình 17. Đức hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận (21.2.2001).


Hình 18. Đức hồng y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn (28.9.2003).


Hình 19. Trường hợp mặc… sai áo.

Hình trên là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mặc áo cassock màu trắng viền nút tím tía của giám mục (có lẽ áo này được Đức hồng y mượn của vị giám mục nào đó khi ngài theo Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI tông du châu Phi và không mang theo cassock trắng của mình. Áo cassock trắng của hồng y phải có viền nút màu đỏ thắm). Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy Đức hồng y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn và Đức Giám Mục Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Sang hay mặc loại áo cassock trắng này.


Hình 20>. Hình trên là một ví dụ rõ nét nhất về màu áo của hồng y, giám mục và linh mục (vị hồng y trong hình là Đức Bê-nê-đíc-tô XVI tương lai).


Hình 21.Huy hiệu của Đức hồng y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn (có hình thánh giá kép).
Huy hiệu trên là của Đức hồng y Gio-an Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn. Trông nhiều tua hơn so với huy hiệu của Đức cha Hiếu ở trên.
Mũ sọ (zucchetto): Là mũ nhỏ trên đầu các giám mục. Nhiều người sợ rằng đội mũ này dễ rớt, nhưng không sao, vì đến tuổi của các đấng thì tóc tự nhiên... ít đi. Chứ như kiểu tóc sau thì... không đội được cái mũ nào cả.
*Giáo hoàng: Màu chủ đạo của giáo hoàng là màu trắng. Dù các phụ kiện có màu gì thì mũ sọ vẫn là màu trắng.


Hình 24.


Hình 25. Với vợ chồng tổng thống Mỹ Obama.


Hình 26. Cơn gió nghịch ngợm.

Triều thiên ba tầng: tiara (xuất hiện khoảng năm 1130) là loại mũ biểu trưng cho quyền bính của giáo hoàng:


Hình 27. Tiara

+ Tầng cao nhất là quyền của vị cha sở hoàn vũ>
+ Tầng giữa là quyền truyền giáo phổ quát khắp hoàn vũ hay quyền tài phán tối cao>
+ Tầng đáy (cuối) là quyền bính trần tục.


Hình 28. Đức giáo hoàng Pio X.


Hình 29. Đức giáo hoàng Pio XII.

Nhưng đến thời Đức Phao-lô VI thì Người không muốn dùng nữa, Người muốn đội mũ như những giám mục khác.
Những điều trên đây giúp chúng ta phân biệt được chức vị và danh hiệu của các chủ chăn. Xin cầu nguyện nhiều cho các chủ chăn, vì các ngài rất cần được cầu nguyện.
Ghi chú: Trong hình 1, có sự xuất hiện của cha An Tôn Nguyễn Cao Siêu lúc còn là phó tế (hàng trên, thứ hai từ phải sang), là đại huynh của ban hợp xướng Pi-ô X.



 

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây