Ngọn nến mùa Vọng

Thứ ba - 29/11/2011 00:10

Ngọn nến mùa Vọng

Không khí sửa soạn đón mừng lễ Chúa Giáng sinh bắt đầu với bốn tuần lễ mùa Vọng. Trong những tuần lễ này có nhiều thói quen tập tục vừa mang tính cách văn hóa, vừa mang tính chất đạo đức truyền thống được đem ra thực hiện, như trưng bày trang trí thắp những cây nến chung quanh một chiếc vòng tròn bện bằng lá thông màu xanh. Tập tục này không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Nhưng nếp sống lề lối văn hóa này thấm đượm mầu sắc đạo giáo, giúp cho không khí sửa soạn đón mừng ngày đại lễ Chúa giáng sinh làm người thêm ý nghĩa sâu xa hơn. Vậy đâu là nguồn gốc mùa Vọng cùng những tập tục mùa Vọng?

Avent_1Không khí sửa soạn đón mừng lễ Chúa Giáng sinh bắt đầu với bốn tuần lễ mùa Vọng. Trong những tuần lễ này có nhiều thói quen tập tục vừa mang tính cách văn hóa, vừa mang tính chất đạo đức truyền thống được đem ra thực hiện, như trưng bày trang trí thắp những cây nến chung quanh một chiếc vòng tròn bện bằng lá thông màu xanh. Tập tục này không bắt nguồn từ Kinh Thánh. Nhưng nếp sống lề lối văn hóa này thấm đượm mầu sắc đạo giáo, giúp cho không khí sửa soạn đón mừng ngày đại lễ Chúa giáng sinh làm người thêm ý nghĩa sâu xa hơn.

Vậy đâu là nguồn gốc mùa Vọng cùng những tập tục mùa Vọng?

1. Mùa Vọng trong nếp sống đạo Công Giáo

Mùa Vọng, theo nguyên ngữ tiếng Latinh "Adventus" có ý nghĩa „đến", nói đến mùa sửa soạn tâm hồn của người tín hữu Công giáo mừng đại lễ Chúa Giêsu thành Nazareth, là Con Thiên Chúa, từ trời cao sinh xuống làm người trên trần gian.

Mùa Vọng đồng thời cũng nhắc nhớ cho người tín hữu Chúa Kitô, sự trông mong chờ đợi đến lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô trong ngày phán xét.

Tập tục mùa Vọng theo ý nghĩa nguyên thủy là mùa ăn chay, như trong Giáo Hội thời xưa đã đặt ra kéo dài từ ngày 11. 11.đến ngày 06.01 năm sau là ngày lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Ba Vua. Trong mùa Vọng này không được ca vũ múa ăn mừng mang mầu sắc lễ hội tưng bừng. Nhưng từ năm 1917 luật Giáo Hội không còn đòi buộc như thế nữa. Dẫu vậy, tập tục ăn chay sống kham khổ trong mùa Vọng vẫn còn thịnh hành nơi các nhà Dòng ngày hôm nay.

Mùa Vọng được mừng như ngày hôm nay có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 7. Bên Giáo Hội tây phương ( Roma) thuở ban đầu có 04 hay 06 Chúa nhật trong mùa Vọng. Đến thời Đức Thánh cha Gregor cả đã ấn định còn bốn ngày Chúa nhật mùa Vọng thôi. 04 tuần lễ mùa Vọng nói lên ý nghĩa hình ảnh 4000 năm nhân loại trông mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải thoát nhân lại khỏi hình phạt do Ông Bà nguyên tổ Adong Evà lỗi luật Thiên Chúa bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng.

Mùa Vọng bắt đầu từ Kinh Chiều ngày Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng và chấm dứt với Kinh Chiều ngày 24.12. Bên Giáo Hội tây phương ( Roma) mùa Vọng kéo dài 04 tuần lễ trong khoảng từ 22 đến 28 ngày.

Theo ý nghĩa phụng vụ, 04 tuần lễ mùa Vọng là bốn chặng đường trông chờ Chúa Giêsu, Đấng Cứu thế đến: Chúa nhật thứ nhất nói về Chúa Giêsu Kitô trở lại trong ngày phán xét; Chúa nhật thứ hai nói về sự chuẩn bị dọn tâm hồn cho Đấng Cứu Thế đến; chúa nhật thứ ba nói về Ông Thánh Gioan tiền hô, người rao giảng dọn đường cho Chúa Giêsu đến, và chúa nhật thứ bốn diễn tả niềm vui ngày Chúa đến gần kề, Đức Mẹ Maria là nhân vật trong trung tâm của ngày Chúa nhật này.

Mầu sắc phụng vụ trong mùa Vọng là mầu tím. Riêng ngày Chúa nhật thứ ba mùa Vọng _ Chúa nhật Gaudete- , vị chủ tế có thể mặc phẩm phục phụng vụ mầu hồng ( rosa). Kinh Vinh danh ( Gloria) chỉ được hát vào ngày lễ trọng trong mùa này thôi.

Bên Giáo Hội Chính Thống ( Orthodoxe) -tự tách ra khỏi Giáo Hội Công giáo Roma từ năm 1054 - , mùa Vọng kéo dài 06 tuần lễ và là mùa ăn chay, bắt đầu từ ngày 15. 09. đến ngày 24.12. Và mùa Vọng không phổ biến như bên Gíao Hội Roma. Lịch phụng vụ của Giáo Hội Chính Thống không bắt đầu với mùa Vọng, mà bắt đầu từ ngày 01.09. hằng năm.

Trong mùa Vọng bên Giáo Hội các nước Âu châu, như Đức , Áo, Ái nhĩ lan, Na-uy... theo dòng thời gian càng ngày càng phổ biến rộng rãi, cùng cộng thêm nếp sống văn hóa, nên mùa này có nhiều cung cách trang hòang mừng lễ sinh động khác thường. Một trong những tập tục đó là vòng mùa Vọng với những ngọn nến thắp chung quanh trên đó.

2. Tập tục vòng tròn mùa Vọng

Năm 1839 nhà thần học Tin lành, đồng thời cũng là một thầy giáo, Mục sư Johann Hinrich Wichern ( 1808-1881) ở thành phố Hamburg nước Đức, là người đầu tiên làm vòng tròn mùa Vọng như hình chiếc bánh xe tròn bằng gỗ, mà Ông tìm thấy trong một kho của một nông dân, với 19 cây nến nhỏ mầu đỏ và 04 cây nến lớn mầu trắng cắm trên đó. Mỗi ngày trong mùa Vọng lần lượt một cây nến được đốt thắp lên, ngày Chúa nhật tới cây nến lớn. Làm như thế các trẻ em lúc đó đang sống dưới sự chăm sóc giáo dục của Ông trong nhà, có thể từng ngày đếm biết được còn bao nhiêu ngày nữa tới lễ Chúa Giáng sinh.

Vị mục sư Tin lành làm vòng tròn mùa Vọng với những cây nến ở thành phố Hamburg, nơi Ông có ngôi nhà trường nội trú nuôi dậy những trẻ em nghèo với mục đích giáo dục mang chút niềm vui mong chờ cho các em. Nhưng dần theo dòng thời gian sáng kiến phát minh của Ông đã trở thành tập tục trong dân gian và cả trong đạo giáo Công giáo cũng như Tin Lành. Tập tục này dần được phát triển thêm có 24 cây nến nhỏ và bốn cây nến lớn.

Năm 1925 lần đầu tiên vòng tròn mùa Vọng với 4 cây nến được dựng trong một thánh đường Công giáo ở Köln. Và từ năm 1935 vòng tròn mùa Vọng được Giáo Hội làm phép thánh hóa theo nghi thức Á bí tích.

Vòng tròn mùa Vọng với bốn cây nến cắm thắp trên đó trở thành tập tục mang mầu sắc đạo gíao được dựng đặt trong các thánh đường Tin Lành cũng như Công giáo, ở nơi công cộng và ở cả phòng khách nơi các nhà tư nữa trong suốt bốn tuần lễ mùa Vọng.

3. Ý nghĩa thần học đạo giáo

Vòng tròn trong thế giới thời cổ là hình ảnh tượng trưng cho sự chiến thắng. Vòng tròn mùa Vọng do Mục sư Vichern phát minh làm ra - có thể Ông đã nghĩ như vậy- diễn tả sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và sự chết.

Vòng tròn, một hình thể theo dạng hình học, không có điểm mối khởi đầu và không có điểm mối tận cùng, là hình ảnh nói lên sự vĩnh cửu, sự to lớn bao la của nước Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu Kitô sẽ làm cho tròn đầy viên mãn trong ngày Ngài đến trở lại.

Vòng tròn mùa Vọng nguyên thủy bằng gỗ do Mục sư Vichern làm ra. Nhưng dần dần tập tục đó được sáng chế bện làm bằng những lá cây thông mầu xanh. Vì trong mùa Đông hầu như mọi cây đều rụng hết lá, duy chỉ có cây thông cây tùng còn lá xanh trên cây. Mầu xanh lá cây như vậy nói lên hình ảnh sự sống, hình ảnh niềm hy vọng. Va vì thế vòng mùa Vọng, tập tục hình ảnh nói lên sự trông chờ Chúa Giêsu đến mang sự sống niềm hy vọng cho nhân loại, cũng được bện bằng những lá cây thông mầu xanh.

Ánh sáng chiếu tỏa ra từ những cây nến nói lên niềm hy vọng và cùng là biểu tượng phản kháng chống lại sự dữ cùng bóng tối.

Những cây nến cháy sáng cắm trên vòng chỉ hướng về ngày lễ giáng sinh, Chúa Giêsu xuống thế làm người mang ánh sáng cho trần gian, như chính Ngài đã nói về mình: Thầy là ánh sáng trần gian ( Ga. 8,12).

Về mầu sắc của các cây nến trên vòng tròn mùa Vọng cũng khác nhau tùy theo tập tục văn hóa mỗi nơi. Có những nơi chỉ dùng nến mầu trắng; có nơi dùng mầu đỏ, có nơi dùng mầu tím, hay có nơi pha lẫn một cây mầu hồng vào.

Một phần bên Giáo Hội Công giáo nước Ái nhĩ lan có tập tục làm vòng tròn mùa Vọng với 05 cây nến cắm trên đó: ba cây mầu tím, một cây mầu hồng và một cây mầu trắng. Vào ngày Chúa nhật thứ nhất và thứ hai mùa Vọng hai cây nến mầu tím được đốt thắp lên nói lên ý nghĩa sự ăn năn thống hối đền tội. Ngày Chúa nhật thứ ba mùa vọng cây nến mầu hồng được đốt lên diễn tả niềm vui mừng sắp đến. Ngày Chúa nhật thứ tư cây nến mầu tím nữa được đốt thắp lên. Và cây nến mầu trắng cắm ở chính giữa vòng tròn được đốt thắp lên vào buổi chiều ngày lễ giáng sinh ( 24.12.).

*****************

Mùa Vọng đức tin đạo giáo mang ý nghĩa là mùa trông mong chờ đợi Chúa đến. Và trong đời sống con người cũng luôn có mùa vọng. Vì ai cũng sống với những chuỗi chờ đợi luôn hằng có. Mùa vọng trong đời sống tôn giáo đạo đức. Mùa vọng trong đời sống làm người trên trần gian.

Trong ý nghĩa đó, đức thánh cha Benedictô 16. đã có suy tư về ý nghĩa mùa Vọng:

„ Trông mong chờ đợi là một bình diện xuyên suốt đời sống cá nhân, gia đình cũng như xã hội. Trông mong chờ đợi có muôn ngàn trạng huống khác nhau, từ điều nhỏ nhất và tầm thường nhất cho tới sự quan trọng nhất, mà chúng hằng luôn bao phủ cùng đi sâu vào đời sống chúng ta. Chúng ta nghĩ đến niềm trông mong chờ đợi ngày chào đời của đứa con nơi đôi vợ chồng trẻ, hay niềm mong đợi có con nơi một đôi vợ chồng nào đó. Chúng ta nghĩ đến ai đó hằng trông mong chờ đợi bạn bè, người quen thân nhân đến thăm hỏi. Chúng ta nghĩ đến bạn trẻ trông mong chờ đợi kết qủa của kỳ thi hay kết qủa cuộc nói chuyện ra mắt hãng xưởng nhận cho làm việc; đến sự trông mong chờ đợi hiệu qủa tốt trong mối tương quan giao tế với người thân thích, sự trông mong chờ đợi thư trả lời đến, hay được chấp nhận cho tha thứ làm hòa...

Có thể nói được rằng, con người sống, bao lâu còn trông mong chờ đợi, bao lâu niềm hy vọng vẫn còn sống động trong trái tim tâm hồn họ. Và qua đó người ta nhận ra: Tình trạng đời sống luân lý cùng tinh thần có thể theo đó mà đo lường được, điều gì chúng ta trông mong chờ đợi, niềm trông mong chờ đợi chúng ta đặt nơi đích điểm nào, nơi người nào." ( Kinh truyền tin Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, ngày 28.11.2010).

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây