MÙA VỌNG SUY NIỆM SỰ TỈNH THỨC
Khi rao giảng mầu nhiệm Nước Trời, Đức Kito chỉ dùng dụ ngôn “ Chúa Giesu dùng thí dụ mà phán mọi điều ấy cùng quần chúng, ngoài thí dụ Ngài chẳng phán gì cùng họ hầu được ứng nghiệm lời tiên tri = Ta sẽ mở miệng mà nói thí dụ. Ta sẽ thốt ra những điều đã giấu từ buổi sáng thế” ( Mt 13, 34 -35). Lý do khiến Chúa dùng dụ ngôn là bởi Nước Trời mà Ngài rao giảng là một mầu nhiệm vượt thoát khỏi sự hạn hẹp của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thực chất chỉ là một thứ ký hiệu được sử dụng để ám chỉ cho thực tại chứ hoàn toàn không phải thực tại. Ta nói cái nhà thì “ NHÀ” là ký hiệu để chỉ cho tất cả những chỗ, những nơi mà con người dùng để ở. Nếu hiểu NHÀ đơn giản chỉ là chỗ ở thì “ NHÀ” có thể là tòa building cao ngất trời hay cũng có thể là túp lều tranh vách đất nào đó. Đối với con người thì nơi ở gọi là nhà, còn với loài ong, kiến, mối gọi là ổ là tổ, với thú hoang dã là hang, là hốc v.v…
Tất cả những cái tên như nhà, tổ hoặc hang hốc đều là những ký hiệu chỉ cho những nơi ở và nơi ở ấy chính là thực tại. Đức Kito khi rao giảng Nước Trời thì Nước Trời đơn thuần cũng chỉ là một thứ ký hiệu để ám chỉ Thực Tại mà Ngài muốn con người trở về. Có nhận ra như thế chúng ta mới hiểu tại sao Nước Trời lại xuất hiện dưới rất nhiều tên gọi khác nhau. Khi thì được ví như người gieo giống tốt trong ruộng (Mt 13, 24) khi khác lại như men trong bột, như của báu, như viên ngọc, như người lái buôn, như lưới quét v.v.. Trong tất cả những dụ ngôn Nước Trời ta thấy có câu chuyện “ Mười cô trinh nữ” ( Mt 25, 1 -13) vừa có tính cụ thể đời thường lại vừa rất mực thâm thúy. Có mười cô trinh nữ cùng đi đón chàng rể, trong đó năm cô khờ dại, năm cô khôn ngoan. Các cô khờ dại đem đèn nhưng không có dầu. Còn các cô khôn ngoan thì có đèn lại có dầu. Vì thời gian chờ đợi lâu nên mọi người đều ngủ và chợt khi được báo chàng rể đến thì đều trở dậy. Các cô khôn ngoan châm được đèn sáng bởi có dầu. Còn các cô khờ dại thì không thể vì không có dầu. Đèn ám chỉ thân xác, còn dầu là tâm tưởng. Thân xác là thứ vật chất vô tri, chẳng phải tối ( mê ) hay sáng ( tỉnh). Còn dầu tức tâm tưởng thì có mê có tỉnh. Tất cả mười cô đều ngủ và khi được báo chàng rể đến thì đều trở dậy để châm đèn. Đèn chỉchâm khi có đầy đủ cả bấc lẫn dầu, thiếu một trong hai cũng không thể châm.
Đèn sáng là tùy ở chỗ có bấc có dầu, nhưng chính cái hành vi…châm ấy mới mang tính quyết định. Có đủ cả bấc cả dầu nhưng đèn không thể tự sáng nếu không được châm lên. Ánh sáng tỏa rạng đó chính là sự tỉnh thức. Đèn có bấc có dầu nhưng nếu không được …châm lên thì chẳng thể sáng. Bởivậy Đức Kito nói “ Vậy hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết Chúa các ngươi đến nhằm lúc nào” ( Mt 24, 42).
Như đèn cần phải châm mới sáng, sự tỉnh thức cũng vậy cũng phải thực hành. Mười cô trinh nữ đều lên đường nghênh đón chàng rể tức tìm kiếm chân lý. Thế nhưng chỉ năm cô khôn ngoan mới gặp được bởi các cô có đèn sáng tức có trí tuệ. Chủ đề xuyên suốt của Mùa Vọng có ý nhắc nhở tín hữu chúng ta về hai lần đến của Chúa, lần một là giáng sinh và lần hai là quang lâm. Lần thứ nhất Chúa đến cách âm thầm lặng lẽ dưới hình dạng của một con trẻ, lần thứ hai trong vinh hiển “ Khi Con Người ngự trong vinh hiển mà đến cùng với hết thảy các thiên sứ thì Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh hiển của Người” ( Mt 25, 31 -32).
Mùa Vọng là mùa của sự đợi chờ, thế nhưng thật sự thì chúng ta đợi chờ điều chi và trong tinh thần nào ? Hiện nay trên thế giới người ta căn cứ vào nhiều yếu tố chẳng hạn lịch của người cổ Maya, của sự dịch chuyển các hành tinh trong Thái Dương hệ cùng trên một mặt phẳng, của các biến động dữ dội trên khắp thế giới để quả quyết rằng Tận Thế sẽ xảy ra đúng vào ngày 21 tháng 12 năm 2012. Có những giáo phái nghe và tin khẳng định ấy rồi rủ nhau cùng tự sát hoặc bán hết tài sản xe cộ hội họp nhau phê ma túy thả dàn để ..lên Thiên đường sớm. Lại có những người tìm cách đào sâu dưới lòng đất, làm boong ke ẩn nấp chờ cho qua đại nạn ??? Với người đời đã vậy còn người Công Giáo chúng ta nghe các cha giảng và nhắc nhở đừng có tin nhảm như thế thì cũng nghe nhưng với một thái độ dửng dưng, bình chân như vại coi như chẳng có chuyện gì. ? Quả thật đúng là Đức Kito có nói chẳng ai biết về ngày đó chỉ Chúa Cha mới biết ( Mt 24, 36) Thế nhưng Ngài cũng nói “ Hãy học thí dụ nơi cây vả, vừa lúc nhành non lộc nứt thì các ngươi biết mùa hạ đã gần. Cũng vậy khi các ngươi thấy mọi điều ấy thì khá biết rằng Con Người đã gần, thật như đang ở ngưỡng cửa” ( Mt 24, 32 -33).
Đang ở trước cửa có nghĩa Ngày Chúa đến lần thứ hai đã gần lắm rồi, có thể chẳng cần …đợi đến ngày 21 -12- 2012 nhưng cũng có thể vài mươi năm nữa không ai biết được. Tuy nhiên dù Chúa có đến vào bất kỳ lúc nào thì cũng chẳng có gì đáng sợ đối với những con người sẵn sàng tỉnh thức. Chẳng những không sợ mà còn vui bởi chúng ta đang chờ Chúa đến. Có ai lại sợ cái điều mình hằng mong chờ ? Không sợ, trái lại còn vui thế nhưng để có được niềm vui trong sự tỉnh thức ấy thì phải làm sao để Chúa được sinh ra ở trong ta. Chúa giáng trần với mục đích là để được sinh ra nơi các tâm hồn. Nếu Chúa trong thân phận con trẻ bé bỏng sinh nơi hang bò lừa lạnh lẽo mà lại không được sinh trong ta thì công cuộc Cứu Độ của Ngài chẳng hóa vô ích sao ? Chúa cần phải được sinh nơi mỗi tâm hồn nhưng điều ấy chỉ có thể thực hiện trong sự tỉnh thức.
I/- Tỉnh thức để Chúa được sinh ra.
Nếu hiểu Mùa Vọng là mùa của đợi mong thì sự đợi mong ấy không phải ngày nay chúng ta mới đợi nhưng ngay từ thời cựu ( Cựu Ước) xa xưa Dân Chúa đã khao khát van nài “ Trời cao hãy đổ sương mai và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu Độ” ( Is 45, 8 ) Nài xin Đấng Công Chính nhưng khi Ngài đến thì lại giết chết và còn giết trong sự hờn căm tột độ. Tổng trấn Philato dẫn ra trước mặt dân chúng hai người, một là tên sát nhân Baraba hai là Giesu Nazareth và hỏi “ Trong hai người này các ngươi muốn tha ai ? Chúng đồng thanh đáp tha Baraba và giết Giesu. Viên tổng trấn gặng hỏi một lần nữa nhưng dân gào thét nhiều lần = đóng đinh nó vào thập giá” ( Mt 27, 21 -23).
Tại sao mong đợi Chúa nhưng khi Ngài đến lại giết đi ? Câu trả lời tưởng như Kinh Thánh đã nói rất rõ nhưng ngày nay người ta lại đặt vấn đề về cái chết của Chúa Giesu và kết luận rằng Ngài chết là để phục vụ “ Sau sự cố thanh tẩy đền thờ, nhiều người trong giới lãnh đạo cũng mưu hại Ngài và Ngài phải lựa chọn = hoặc sống lén lút hoặc xuất đầu lộ diện. Nếu sống lén lút Ngài không thể gây cho người ta niềm tin vào Nước Thiên Chúa như Ngài đã từng làm. Còn xuất đầu lộ diện để tiếp tục sứ vụ thì chắc chắn phải chết. Đức Giesu đã chọn giải pháp thứ hai và quả cảm đi lên Gierusalem bởi vì đó là cách duy nhất để tiếp tục phục vụ nhân loại, cách duy nhất để ngỏ lời với thế gian” ( Albert Nolan – Đức Giesu trước khi có Kito giáo).
Nói Chúa buộc phải chọn giữa hai điều, hoặc sống lén lút, hoặc xuất đầu lộ diện khiến cho ta liên tưởng Ngài như… một thủ lãnh phiến quân chứ không phải Đấng Cứu Chuộc muôn dân. Thực sự thì Chúa không bao giờ sống lén lút. Quân dữ điệu Ngài đến dinh thượng tế và Ngài nói “ các ngươi đem gươm và gậy gộc ra bắt Ta như bắt quân trộm cướp ư ? Ta hàng ngày cùng các ngươi ở trong đền thờ mà các ngươi không ra tay bắt Ta. Nhưng này là giờ của các ngươi và quyền bính của tối tăm vậy” ( Lc 22, 52 -53) Chúa Giesu biết rất rõ về cái chết cũng như mục đích của cái chết ấy “ Ta là người chăn tốt Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta cũng như Cha biết ta và Ta biết Cha vậy. Ta vì chiên Ta mà bỏ mạng sống” ( Ga 10, 14 -15) .
Phải là chiên mới biết Chúa chiên mình, ngoài ra thì không. Nói rằng Chúa Giesu phải chọn cái chết để tiếp tục phục vụ nhân loại là chẳng hiểu chi mạc khải. Chúa là Đấng Chăn Chiên Lành vì Ngài Biết Cha và muốn tỏ cho chiên cũng nhận biết Cha như mình. Đức Kito mạc khải Chúa Cha, điều ấy có nghĩa Ngài muốn bày tỏ cho loài người biết hết thảy họ cũng đều là Con Thiên Chúa. Thế nhưng do bởi mê lầm không nhận ra chân lý ấy nên họ đã nhục mạ ném đá và giết bỏ Ngài “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giesu phán = Ta do Cha mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi lại ném đá Ta ? Người Do Thái đáp Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng ta ném đá ngươi đâu, nhưng vì lộng ngôn và vì ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT. Chúa Giesu đáp = Trong luật pháp các ngươi há chẳng chép rằng Ta đã nói các ngươi là Thần hay sao ? nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT là Thần ( mà KT không thể bãi bỏ được) thì Ta đây là Đấng Cha đã biệt ra Thánh được sai xuống thế gian và nói rằng Ta là Con ĐCT hà cớ sao các ngươi lại cáo Ta là lộng ngôn ?” ( Ga 10, 31 -36).
Đức Kito luôn tự nhận mình là thiên sai, là Con Thiên Chúa chứ không bao giờ nhận mình là Thiên Chúa, dẫu vậy người ta cứ gán như thế để khép vào tội lộng ngôn. Tội này đối với Do Thái giáo là tội nặng nhất đáng phải bị giết chết. Có nhận ra như thế mới hiểu được tại sao dân chúng lại hò hét đòi giết Chúa cho bằng được và tha cho tên sát nhân Baraba. Cũng vì sự căm thù ấy mà Ngài đã bị các thượng tế, luật sĩ, triết gia luận tội chết “ Ai nấy đều hỏi rằng vậy ngươi là Con ĐCT sao ? Ngài đáp đúng như các ngươi nói = phải Ta đây. Họ bèn nói = chúng ta còn cần chứng gì nữa. Vì chính chúng ta đã nghe từ miệng ngươi rồi” ( Lc 22, 70 -71).
Chúa hiến mạng sống là để cho ta được trở nên danh phận Con Thiên Chúa “ Chính Thánh Linh cùng tâm linh chúng ta đồng chứng rằng chúng ta là Con cái ĐCT. Lại nếu đã là Con thì cũng là kẻ thừa tự của ĐCT và là đồng thừa tự với Đức Kito miễn là chúng ta cùng chịu khổ với Ngài, hầu cho cùng vinh hiển với Ngài” ( Rm 8, 16 -17). Đồng thừa tự với đức kito có nghĩa Kito hữu chúng ta là chi thể trong Thân Mầu Nhiệm với Đức Kito là đầu. Một khi đầu là đức Kito đã chịu nạn chịu chết trên thập giá để vâng tyheo Thánh Ý Chúa thì chúng ta cũng phải noi gương Ngài tức vâng theo Thánh Ý trong mọi sự mọi nơi mọi lúc.
Vâng Thánh Ý cùng với tỉnh thức là một không khác bởi vì Thiên Chúa Đấng mà chúng ta vâng theo ấy là Đấng Vô Phân Biệt “ Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ bất chính cùng kẻ công chính” ( Mt 5, 45 -46). Khi yêu thương mà không phân biệt kẻ thân người thù đó là vâng Thánh ý. Khi bố thí mà không cho tay tả biết việc tay hữu làm đó là vâng Thánh ý. Khi cầu nguyện mà vào phòng kín đóng cửa lại không cố tình để người ta biết đó là vâng Thánh ý. Đấng Thiên Chúa VôPhân Biệt ấy cũng chính là Thực Tại vô phân biệt. Con người sở dĩ không sông sống được với thực tại là bởi không tỉnh thức. Khi ăn mà không biết mình ăn, lại cứ nghĩ ngợi hết chuyện này việc khác. Cả những khi đọc kinh lần hạt cũng vậy, cũng cứ lo ra chia lòng chia trí đọc để cho xong cho có. Kẻ nào biết vâng theo Thánh ý tức là sống tỉnh thức và là Con cái Thiên Chúa, biết vâng Thánh ý khi nào thì Con Thiên Chúa được sinh ra trong ta khi ấy. Việc này nói thì đơn giản nhưng để thực hiện nó là điều không thể nếu không có Đức Maria làm Mẹ bởi lẽ Ngài là đấng Đồng Công Cúu Chuộc đồng thời cũng là Người Nữ đạp giập đầu rắn Satan.
II/- Người Nữ Maria
Sống trên đời ai mà chẳng lo, nhất là trong thời đại này, ngoài những nỗi lo đời thường cơm áo gạo tiền người ta còn phải lo nạn ô nhiễm môi trường, lo vật giá leo thang, lo lũ lụt, khủng bố v.v. và v.v..Tuy nhiên bao trùm trên hết những nỗi lo ấy vẫn là lo chết và câu hỏi được đặt ra từ trong sâu thẳm của mỗi người là chết rồi đi đâu ? Đức Kito xuống thế rao giảng Tin Mừng nước Trời mục đích là để giải thoát con người ra khỏi những nỗi lo lắng ấy “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy nên chớ lo chi về ngày mai vì ngày mai sẽ tự lo cho ngày mai, ngày nào có nỗi lo của ngày ấy”( Mt 6, 33 -34).
Con người sở dĩ sống nay lại lo mai, lúc này lại lo lúc khác là bởi đã không sống với thực tại. Đang ngồi trong nhà thờ, miệng đọc kinh rang rang còn tâm trí thì mặc tình rong ruổi chia lòng chia trí hết chuyện này việc khác. Nghe cha chủ tế đọc Phúc Âm, dứt bài cũng thưa nghiêm chỉnh lạy Chúa Kito ngợi khen Chúa nhưng thực tình chẳng biết nội dung nói gì !!! Chúa dạy hãy tìm kiếm Nước Trời có nghĩa Ngài khuyên chúng ta hãy trở về với Thực Tại hầu giải thoát khỏi mọi nỗi lo lắng muộn phiền. Trở về với Thực Tại cũng chính là về với Đạo mà Đạo ấy lại chẳng ở đâu xa ngoài mình “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” ( Rm 10, 8 )
Đạo Chúa là đạo đức tin và đức tin ấy là tin Lời Chúa là chân lý, là sự thật mà ta phải cố gắng thực hiện. Chúa nói hãy tìm kiếm Nước Chúa mà Nước Chúa lại hiện hữu ngay tại tâm hồn mình thì phải ..xoay ngược cái Tâm trở vào bên trong mà tìm chứ đừng có hướng ra bên ngoài. Xu hướng của con người do nơi ảnh hưởng của tội nguyên tổ là tội phân biệt nên nó luôn luôn hướng tâm ra ngoài nơi thế giới hiện tượng hình danh sắc tướng. Tội nguyên tổ là tội phân biệt ( St 2, 16) và cũng chính vì phạm tội này mà nguyên tổ đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Địa Đàng ám chỉ cho Thực Tại thường hằng bất biến đồng thời cũng là Bản Tâm vô phân biệt ở nơi mỗi người. Bị đuổi khỏi Địa Đàng tức là đã đánh mất Thực Tại để sa đọa vào nơi thế giới hiện tượng nhị nguyên phân biệt đầu sự khổ đau lo lắng. Tuy bị đuổi nhưng Giehova Thiên Chúa vẫn hứa cho trở về với điều kiện là phải thắng trong một cuộc chiến cam go. Cuộc chiến ấy diễn ra giữa Người Nữ và rắn Satan “ Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày, còn mày thì rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15). Người Nữ chỉ cho Đức Maria , vậy còn Satan ? Trong thời tục hóa cao độ này khi người ta chủ trương một thứ Nước Trời tại thế thì làm gì còn có ma quỷ, còn có Satan và câu chuyện nơi Vườn Địa Đàng chỉ là phất phơ cho có ý vị.? Đang khi đó Đúc Kito đã vạch mặt một cách thẳng thừng, nó là tên giết người. Chúa nói với người Do Thái “ Ví bằng ĐCT là Cha các ngươi thì các ngươi chắc thương yêu Ta vì Ta vốn từ ĐCT mà ra và đến chớ chẳng phải tự mình mà đến đâu nhưng Ngài đã sai Ta. Tại sao các ngươi không hiểu lời Ta, ấy là vì các ngươi chẳng thể nghe Đạo của Ta. Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỷ và các ngươi muốn làm theo tư dục của cha cá`c ngươi. Từ ban đầu nó là kẻ giết ngươi, chẳng đứng trong sự thật vì trong nó không có sự thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 42 -44). Quỷ Satan cha của sự nói dối mà Đức Kito vạch mặt ở đây không phải là chi khác mà đó chính là óc duy lý ở nơi con người. Lý trí sở dĩ dối trá là bởi nó luôn nhìn,nghe, cảm thụ và suy tư ( Kiến Văn Giác Tri ) sự vật với tâm đối đãi nhị nguyên phân biệt = Thị phi, thiện ác, lành dữ, vinh nhục, giàu nghèo, sang hèn v.v… Khi khởi tâm phân biệt thấy cái nhà là nhà để rồi phân biệt lớn nhỏ, đẹp xấu, đắt rẻ…đó là đánh mất thực tại. Khi đọc kinh lần hạt mà cứ mặc tình chia lòng chia trí ( phân tâm) đó là mất thực tại…
Thấy cái nhà để rồi phân biệt lớn nhỏ, đẹp xấu, khen chê cái thấy ấy là thấy trong mê lầm. trái lại thấy biết là nhà nhưng không khởi tâm phân biệt lớn nhỏ đẹp xấu, mắc rẻ đó là thấy trong sự tỉnh thức. Đức Kito truyền dạy hãy tìm kiếm Nước Trời thì cứ cố gắng tìm kiếm bằng sự kiên tâm cầu nguyện, bằng nỗ lực làm lành lánh dữ, không nghe ai nói này nói nọ, nghiêng bên này ngả bên kia theo triết này triết nọ, pháp môn này, thần học nọ v.v..trái với đức tin chân thật. Tất cả những việc ấy nếu cậy vào sức mình thì chẳng những không bao giờ có thể thành tựu mà còn mắc mưu Satan đứa lừa dối đã bị Đức Kito vạch mặt chỉ tên. Chúng ta không thể làm bất cứ sự thiện gì thực là thiện một khi đã vướng vào tội nguyên tổ là tội phân biệt. Để chiến đấu và chiến thắng được quỷ dữ Satan thì duy chỉ có Đức Maria bởi vì Ngài là Người Nữ đạp giập đầu rắn. Gót chân mềm yếu tượng trưng cho đức khiêm nhường hay tha thứ. Còn đầu rắn cứng cỏi là lòng kiêu căng thù hận. Mềm thắng cứng, khiêm nhường thắng kiêu căng, đây là nguyên lý của muôn đời “ nhu thắng cang, nhược thắng cường. Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành” ( Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh. Dưới trời không ai không biết nhưng không ai có thể làm được – Lão Tử ĐĐK chương 78 ).
Thiên hạ không ai làm được nhưng chúng ta lại làm được bởi vì có Đức Maria làm Mẹ’
Cảm ơn Phùng văn Hóa đã gửi bài tới xudoanthanhtam
Tác giả bài viết: Phùng văn Hóa
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn