HỌC KINH THÁNH

Thứ năm - 22/12/2011 08:33

HỌC KINH THÁNH


          Vấn đề quan trọng đặt ra cho việc học Kinh Thánh chính là ở nơi cái mục đích. Người đời làm bất cứ việc gì không ai lại không nhắm đến một mục đích nào đó. Học sinh chăm chỉ học hành là để thi đậu bằng này, cấp kia. Người làm nông cày sâu, cuốc bẫm một nắng hai sương là để có lúa gạo ăn. Người buôn bán, tính toán lời lỗ để kiếm cho được nhiều tiền bạc. Người làm chính trị vào sinh ra tử để dành độc lập tự chủ cho dân tộc mình v v.
 
          Tuy đa dạng và có khi trái chống nhau nhưng suy cho cùng tất cả cũng chỉ nhắm đến mục tiêu để lo cho đời sống vật chất xác thân này. Có thân thì phải lo cho thân điều ấy không có gì để nói . Thế nhưng Lão tử lại cho rằng có thân là khổ “Ta sở dĩ có mối lo lớn là vì ta có thân . Nếu ta không thân thì đâu có lo gì “(Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân. Cập ngô vô thân ngô hữu hà hoạn. ĐĐK chương13).
 
          Có thân là có khổ nhưng cái thực sự khổ không phải vì có thân nhưng ở chỗ muốn lo cho thân hết đau mà vẫn cứ đau. Lo cho thân không bệnh mà vẫn cứ bệnh. Lo cho thân không chết mà vẫn cứ chết. Tại sao lo cho thân lại không được ? Bởi vì thân vốn dĩ nó giả không thật “Bụi đất lại trở về đất bụi” (STK 3-18). Thân một khi đã giả thì có lo cách nào nó cũng vẫn bệnh vẫn chết. Hợp thì tan . Sinh thì tử làm sao mà có thể khác đi được ? Chính bởi lẽ đó Đức Kitô mới đưa ra lời khuyến cáo “Vậy nên Ta nói cùng các người đừng lo lắng về mạng sống mình phải ăn gì uống gì. Hoặc về thân thể mình phải mặc gì” Mt 6-25. Lo cho thân chẳng ích gì, cái đáng để lo không phải là vật chất xác thân nhưng là Nước Trời “Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy (cơm áo gạo tiền) sẽ được thêm cho các ngươi” Mt 6-33.
 
          Chung quy tất cả vẫn chỉ ở cái mục đích. Nhắm đích đúng thì được trái lại thì mất. Cái đích mà tín hữu chúng ta cần phải nhắm tới như lời Thánh Phao lô nói là để được ơn cứu rỗi đời đời chứ không phải cuộc sống giả tạm nơi cõi đời này “Con hãy cứ ở trong những điều con đã học, đã tin chắc vì con biết đã học những điều đó với ai. Và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn  có thế  khiến con nên khôn ngoan  để được cứu rỗi bởi đức tin trong Đức Giêsu Kitô. Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi vào có ích cho sự dạy dỗ thuyết phục sửa trị luyện tập trong sự công chính hầu  cho người của ĐCT được trọn vẹn và sẵn sàng đầy đủ để làm mọi việc  lành” 2 Tm 3-14-17.
 
          Kinh Thánh tức là Lời Chúa bởi vậy học Kinh Thánh không giống cái học phần đời. Người đời học chữ hay học nghề là để cho có kiến thức. Ngành nào có kiến thức của ngành đó. Làm nông cần kiến thức kinh nghiệm nghề nông. Làm bác sỹ cần có kiến thức của ngành y. Làm chính trị cần có kiến thức chính trị v.v… tóm lại kiến thức bao gồm tất cả những gì con người đã thấy nghe suy tư trải qua thế hệ này đến thế hệ kia. Mặt khác dù cho là kiến thức có nhiều có phong phú đến đâu cũng không thể vượt khỏi thế giới hiện tượng. Nói cách khác kiến thức tức sự hiểu biết của con người chỉ là cái biết do nơi phân biệt mà có. Người đời rất chuộng kiến thức, càng nhiều kiến thức bao nhiêu càng dễ thành đạt bấy nhiêu. Với cái học phần đời thì vậy còn học Kinh Thánh trái lại muốn tiếp cận chân lý thì phải theo lối Minh Triết “Theo học ngày càng thêm - Theo Đạo ngày càng bớt – bớt rồi lại bớt đến mức vô vi”( vi học nhật ích – vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn. Dĩ chí vô vi  - Lão tử ĐĐk chương 48).
 
          Theo “Học” ám chỉ cái học biết về những sự vật ở bên ngoài mình. Với cái học này thì ngày càng thêm kiến thức nhưng kiến thức càng thêm chừng nào lại càng xa lạc Đạo chừng ấy. Tại sao vậy ? Bởi vì Đạo không ở đâu xa mà vốn ngay ở nơi mình- chỉ cần tin tưởng quay về là gặp “Đạo ở gần ngươi – ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” Rm 10-8.
 
          Đạo là Tâm cũng tức là Nước Trời nội tại ở nơi mỗi người ( Lc 17-21 ) . Một khi Đạo là Tâm là Nước Trời thì theo Đạo có nghĩa là trở về mà để trở về  thì  phải bớt - bớt mãi đến chỗ không còn gì. Vậy bớt là bớt cài chi? Xin  thưa bớt  là bỏ đi cái tư tâm ý riêng mình. Tất cả cái gọi là kiến thức của người đời truy nguyên ra đều chỉ là ý riêng thôi. Ý riêng trong triết học KANT gọi đó là “cái tôi tưởng” ( Que je pense) còn Thánh Kinh gọi là tội nguyên tổ – “Giêhova ĐCT phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” STK2-16.
 
          Đức Ki Tô xuống  thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời  và đời  buộc những ai muốn theo  Ngài thì phải bỏ  mình  tức bỏ ý riêng đi (LC 9-23 )ý riêng như đã nói đó là nền tảng của mọi thứ kiến thức kể cả những quan điểm lập trường thần học- những phương pháp, những khoa chú giải - này khác mà mình đã nghiên cứu tiếp thu với biết bao tài trí nỗ lực- Điều này cố nhiên là hết sức khó nhưng nếu không như vậy thì chẳng thể vào được Nước Trời là Nước chỉ để dành cho những tâm hồn thơ trẻ “Nếu các ngươi  không quay lại trở nên như  con trẻ thì không thể vào được Nước Trời” Mt- 18-3.
          Chúa dạy phải “nên như con trẻ” mới vào được Nước Trời. Do  đo toàn bộ việc sống đạo nói chung và học Kinh Thánh nói riêng mục đích chẳng phải để cho ta nên được những “nhà” này “nhà” nọ nhưng là để “nên như con trẻ”. Có hai cách học kinh thánh để “nên như   con trẻ”.
 
1. Học Kinh Thánh bằng  việc làm
          Từ bấy lâu nay học Kinh Thánh phải chăng vẫn được đánh đồng với việc giải thích chú giải? Điều này khiến cho chân lý Thánh Kinh không thể được nhận biết đúng như thực chất nó là. Tại sao thế? Bởi vì đã không nhận thức đúng về nội dung Kinh Thánh. Thay vì là các giao ước (Cựu ước – Tân ước) lại là Thiên Chúa. Bởi cứ đinh ninh Kinh Thánh chứa đựng Thiên Chúa thế nên tất cả nỗ lực của Thần học hiểu như là khoa học hiểu biết về Thiên Chúa trong bấy lâu nay đã ra sức để chứng minh cho sự hiện hữu của Ngài. Ví như mặt trời, Thiên Chúa không cần con người phải chứng minh mới có thể hiện hữu- Có lúc nào Thiên Chúa lại không hiện hữu? Chỉ bởi tại mê mà ta không nhận ra Ngài đó thôi . Còn mê thì Thiên Chúa đối với ta là Đấng Giấu  Ẩn (Deus abconditus) có nghĩa giác quan trí lự không thể nhận biết- Tuy giấu ẩn nhưng Thiên Chuá vẫn là Đấng Cha Nhân Từ hằng mong mỏi con cái trở về “Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” Ml 3-7.
          Trở lại, trở về, phản phục đó là đạo lý của muôn thuở “Cái động của Đạo là trở ngược lại” ( phản  giả đạo chi động- Lão tử ĐĐK chương 40). Trở về nhưng là về với cái chi nếu không phải là về với Thiên Chúa Đấng vô phân biệt ở nơi mình “Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện mưa cho người công chính cùng kẻ bất chính” Mt 5-45. Đức Ki Tô tự nhận mình  là đường duy nhất dẫn đến Đấng Cha (Ga 14-6). Con đường Ngài dạy ta đi là đường vô phân biệt “Khi các ngươi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm” Mt 6-3. “Khi  yêu thì không chỉ yêu kẻ thân cận mình mà phải yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình” Mt 5-44.
          Chân lý Thánh Kinh cần phải được sống chứ không thể giải  nghĩa, cứ sống được phần nào sẽ hiểu được phần đó- Còn không sống mà chỉ nghiên cứu bàn bạc về chân lý thì chẳng thể có chút ơn ích- Điều này cũng giống như không ăn mà  chỉ nói về ăn thì  đâu thể no?.
 
2- Học Kinh Thánh bằng cầu nguyện.
          Kinh Thánh là Lời Chúa mà Lời Chúa là Sự Sống Thần Linh đem lại hạnh phúc bất diệt cho con người. Dẫu vậy ta cần phải “ nếm” “ Hãy nếm thử và hãy nhìn, coi  cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.” – cần phải nếm,phải sống Lời  Chúua`mới  nhận biết Thiên Chúa thiện hảo, đích thực là  CHA  của mình. Chúng ta vẫn nói sự cầu nguyện chân thực phải  giống như cuộc trao đổi thân  tính giữa cha và con. Điều ấy rất đúng, thế nhưng  để có thể  đạt được  điều ấy chúng ta cần  phải“Nhớ” Chúa như nhớ một người cha thân yêu. Cầu nguyện bằng cách đọc kinh chính là  phương thế giúp ta thực hiện điều ấy. Kinh là Lời Chúa- đọc kinh là để nhớ đến Chúa. Hiểu như  vậy thì  nguyên lý của việc đọc (tụng) kinh là phải làm sao có được sự nhất tâm tức chỉ Nhớ Chúa còn ngoài ra  không nhớ việc  chi   khác  bởi  đó là xa lạc mất Chúa (nhà  thiền gọi là thất niệm ), cần phải trở về chánh niệm tức lời Chúa ngay. Cầu nguyện trong tính  chất  nhất tâm, đây  chính là quá trình của sụ  trở về  ( Phản giả Đạo  chi động.)
 
           Học  Kinh  Thánh bằng cầu nguyện, việc này bất luận  ai ai từ  em bé cho đến cụ già. Từ bình dân thất học cho đến khoa bảng trí thức  cũng có thể làm được.  Học  như thế không cần nhớ  đoạn nhớ câu  làm gì cho nó  khó khăn rắc rồi chỉ  cần ghi nhớ cho sâu  Lời Chúa bằng cách siêng năng chuyên cần  đoc kinh lần hạt  Mân Côi,   Chuỗi lòng thương xót  Chúa  nhất là  Bí Tích Thánh  Thể với tất cả lòng  tin yêu sùng mộ.
 Vì Chúa mà làm các việc,  gìn giữ  giói răn của Chúa , của Hội  thánh. Cầu  nguyện làm phúc bố thí, thực hành Đạo yêu thương tha nhân như chính mình .Đó là  cách học kinh thánh mang lại nhiều hiệu quả nhất bởi như thế tất sẽ được như lời hứa  của Đức  Kito“ Nếu ai thương yêu  Ta thì giữ Đạo Ta – Cha Ta sẽ thương yêu người ấy, chúng ta đều đến cùng người và lập cư  với người- Còn ai chẳng thương yêu ta thì chăng giữ Đạo  Ta,  Đạo các ngươi nghe  đo chẳng phải của  Ta bèn là của Đấng đã  sai  Ta” Ga 14-23
 
                                                                      
 Cảm ơn Phùng văn  Hóa đã gửi bài cho xudoanthanhtam.vn

Tác giả bài viết: Phùng văn Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây