CHA CỐ LÔRENSÔ - TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA

Thứ tư - 02/01/2013 21:59

CHA CỐ LÔRENSÔ - TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA

Nhân kỷ niệm 63 năm linh mục của Cha Cố Lôrensô Phạm Giáo Hóa, chúng tôi ôn lại một lần gặp gỡ với con người đáng kính, không chỉ của anh chị em Dân Tộc, mà còn của tất cả mọi người. Những ngày cuối đời Ngài như con thuyền đã gần cập bến, chúng tôi cảm thấy mình có bổn phận phải ghi lại về Ngài đôi chút, khi chưa quá muộn, như là chỉ viết về một người đã khuất.
CHA CỐ LÔRENSÔ - TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA
 
Nhân kỷ niệm 63 năm linh mục của Cha Cố Lôrensô Phạm Giáo Hóa, chúng tôi ôn lại một lần gặp gỡ với con người đáng kính, không chỉ của anh chị em Dân Tộc, mà còn của tất cả mọi người. Những ngày cuối đời Ngài như con thuyền đã gần cập bến, chúng tôi cảm thấy mình có bổn phận phải ghi lại về Ngài đôi chút, khi chưa quá muộn, như là chỉ viết về một người đã khuất.
Tinh thần Sứ điệp Khánh nhật Truyền giáo năm 2005 của Đức Gioan Phaolô II, với chủ đề :“Truyền giáo : tấm bánh bẻ ra cho sự sống thế gian”, đã khiến anh em chúng tôi tìm đến miền đất Cao Nguyên, nơi có sự hiện diện của một con người mà anh em chúng tôi gọi là “Tấm bánh Lôrensô Hóa”, để ghi lại chút phóng sự cho buổi sinh hoạt và cầu nguyện của Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (23/10/2005). Mới chỉ từ đó đến nay mà đã thấm thoắt 6 năm trôi qua.
Điều đáng ngạc nhiên là bản thân tôi không chỉ hiện diện với Cha Cố gần hai tiếng đồng hồ để nghe Ngài tâm sự, chia sẻ và truyền đạt vào một ngày hè năm nào, nhưng lại được sống chung cùng mái nhà với Cha Cố. Nhớ lại ngày ấy, có anh em đã ngạc nhiên hỏi vì sao chúng tôi lại chọn một Vùng Cao xa xôi cho Phóng sự truyền giáo tại Sài Gòn phồn hoa này. Câu trả lời đơn giản của chúng tôi là vì Ngài đã có một điểm xuất phát từ chính đô thị đó.
Sinh ngày 08.10.1919 tại Vĩnh Ninh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa và chịu chức linh mục ngày 03.6.1948. Ngay từ những ngày còn dưới mái trường chủng viện, Cha Cố Lôrensô đã thao thức để đem Tin Mừng cho những người anh em Dân Tộc ít người ở những tuyến đầu của Đất Nước. Biến cố 1954 với dòng người chảy vào Miền Nam, đã khiến Ngài phải tạm gác lại công tác đã hàng thao thức ấy. Nhưng chỉ sau 4 năm nhập tịch vào Giáo phận Sài Gòn, Cha Cố đã được Đức Cha Simon Hòa Hiền, Giám mục Giáo phận Sài Gòn, sai về Bảo Lộc, lúc ấy vẫn còn gọi là B’Lao với lá thư mang nội dung như sau:
 
TÒA GIÁM-MỤC SÀI GÒN
VĂN PHÒNG PHỤ TRÁCH GIÁO DÂN DI CƯ
Số 1 Công-trường Hòa-Bình, Saigon
Giây nói: 20.471
Số: I05/VPDC/LM/TC
SAIGON, ngày 16-4-58
Kính gửi
Cha L. Phạm Giáo Hóa
Trụ sở Thanh Hóa
SAIGON
 
Kính Cha thân mến,
Tôi vui mừng nhận thấy Cha có lòng nhiệt thành việc Truyền giáo cho Người Thượng.
Trong lúc chờ đợi thành lập cơ sở về mục đích trên, nay tôi sai Cha về tạm ở nơi Cha NGUYỄN VĂN ĐẬU (Blao) để giúp Người những nơi mới trở lại Đạo, đồng thời học tiếng Thượng.
Chúc lành cho Cha và xin Cha cầu nguyện cho tôi.
SIMON HOA HIỀN
Giám mục
(ấn ký)
N.B. Tôi thiết tưởng ở Dilinh thì quá hy sinh với lúc đầu, tưởng không đủ việc ở Blao có mấy làng Thượng, làng Đạ Nghịch – họ ở gần Tân Hà nơi cha lo cho họ cách riêng. Hiện tại ở Dilinh đã có một thầy … (đã bị nhòe không đọc được).

 
Từ những buổi đầu lạ lẫm ấy, Cha Cố như tìm lại được ước mơ của mình và không ngừng rong ruổi khắp đó đây trong hơn kém 100 buôn làng, trên núi cao hay trong rừng sâu, để tìm đến với những người anh em nghèo nhất, khổ nhất và cũng là những người cấn đến Đức Kitô, Tấm Bánh Số Một, bẻ ra cho sự sống thế gian.
Học tiếng Thượng và văn hóa của họ, với Cha Cố, không phải chỉ để biết, để giao tiếp, để có thể hướng dẫn họ, hay thậm chí để dạy giáo lý Tin Mừng cho họ, mà trước hết là để có thể đảm nhận cuộc sống của chính mình như họ, và từ đó để có thể phục vụ họ trong tư cách của một người anh em đồng tộc ở giữa họ, và trong tư cách của một người anh em đã được chất men Tin Mừng biến đổi. Được ở gần Cha Cố trong những tháng ngày vừa qua, chúng tôi vẫn thường nghe Ngài từ nhận mình là “Cha Thượng”, “Cha Dân Tộc”. Điều đó càng cho thấy chất men Tin Mừng đã thấm sâu nơi bản ngã của Cha.
Chính vì yêu mến mà Cha Cố đã không ngừng đến với anh em Dân Tộc để gần gũi, thăm hỏi, động viên an ủi, sống và chia sẻ cuộc sống đơn nghèo của chính họ : cắt cái tóc cho những chàng thanh niên, vui bên bầy trẻ thơ nhễ nhãi mồ hôi và bụi đất, trò chuyện bên chóe rượu cần với các già làng, thưởng thức món đọt mây đắng ngắt (Gòl) hay món rau rịa (Biăp Se) thơm ngon, thuốc thang cho những cụ bà đau yếu, và cũng không quên mấy cái chữ cho đám thiếu niên mà có mơ chúng cũng không thấy mình được cắp sách đến trường !
Những người Dân Tộc của rừng sâu núi thẳm, vốn đơn thành tốt bụng, dẫu chưa hiểu hết những gì Cha Lôrensô giảng dạy về Đạo, nhưng cảm nhận được tình thương yêu của Cha dành cho họ, nên đã tin theo và đón nhận Phép Rửa. Và khi có ai hỏi họ theo đạo nào, Tin Lành hay Công Giáo, thì họ đã xưng mình theo “Đạo Bạp Hóa”, “Đạo Cha Hóa”. Nhà thờ Thiện Lộc được người dân địa phương đã được biết đến với địa chỉ gắn liền với một con người “Nhà thờ Cha Hóa”.
Khi B’Lao trở thành Bảo Lộc trù phú với những đồi trà và rừng cà-phê bạt ngàn hương sắc, và khi hạt giống Tin Mừng được gieo đã đến lúc cần được chăm tưới, Cha mời gọi những anh em người Kinh đỡ đầu cho những anh em Dân Tộc: già đỡ đầu cho già, trẻ đỡ đầu cho trẻ, gia đình với gia đình, giáo xứ với bản làng…Tất cả đã trở thành cả “một mạng lưới của tình liên đới” mà tính hiệu năng của nó cho đến nay vẫn còn cần phải được khai thác.
Từ Madagui vào Đạ Tẻh, từ Đạ Nghịch – Tân Bùi vào Blao Sre, từ Blao Sre trở về B’Sumrắc; Từ Ferme vào Minh Rồng, vô Tân Rai; Từ Đại Bình lên B’Đơ, từ Blao xuống Định Quán….Tất cả đều mang đậm dấu ấn của Cha.
63 năm linh mục cũng là dấu ấn của gần 60 năm Cha Cố dấn thân phục vụ anh em Dân Tộc thiểu số. Không gì ngăn cản được bước chân truyền giáo của Cha, dù tuổi đã cao, sức đã giảm, và đầu mỗi lúc một cúi sâu về Lòng Đất Mẹ mà Ngài vẫn miệt mài ra đi. Tại nạn xe ngày 03 tháng 01 năm 2010 đã khiến Ngài phải nằm giường từ đó đến nay. Tuy nhiên, lòng Ngài vẫn không ngừng hướng về anh chị em Dân Tộc như những người con được khắc ghi trong trái tim của Ngài.
Cha xin thôi phục vụ Giáo xứ để dành mọi nỗ lực còn lại cho việc truyền giáo, vì với Cha, việc truyền giáo và phục vụ anh chị em Dân Tộc là bổn phận của chính mình. Lời thư của Đức Giám Mục đã phản chiếu tâm tư đó :
 
TÒA GIÁM MỤC ĐÀ LẠT
9 NGUYỄN THÁI HỌC
DALAT – LÂM ĐỒNG
 
Kính gửi: Cha Lôrensô Phạm Giáo Hóa, xứ Thiện Lộc
 
Kính thưa cha:
Theo nguyện vọng của Cha muốn từ nhiệm trọng trách quản xứ Thiện Lộc để hoàn toàn hiến thân cho việc đi rao giảng Tin Mừng, cách riêng nơi bà con các dân tộc ít người, nay tôi bổ nhiệm Cha Giuse Trần Thành Công đến làm linh mục Quản xứ Thiện Lộc thay thế Cha.
Giáo phận và tôi rất biết ơn Cha đã lao nhọc vất vả và hy sinh rất nhiều trong việc xây dựng giáo xứ Thiện Lộc trên địa bàn mới. Xin Chúa trả công rất nhiều cho Cha.
Như vậy, Cha sẽ trao đổi với cha Giuse Vương Văn Điền và Cha Giuse Trần Thành Công về việc bàn giao theo giao luật và về lễ nhậm chức của Cha quản xứ mới Thiện Lộc.
Cầu chúc Cha được thêm nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc tông đồ mà xưa nay Cha vẫn chu toàn một cách rất hăng say và sốt sắng.
Đà Lạt ngày 3 tháng 9 năm 1993
BATÔLÔMÊÔ  NGUYỄN SƠN LÂM
Giám mục Giáo phận Đà Lạt (ấn ký).

 
Lòng yêu mến của các Đấng Bề Trên với Cha Cố thì chắc Ngài quá biết rõ. Chúng tôi thật cảm động và lấy làm vinh dự cho Cha Cố, khi nằm trên giường bệnh luôn được các vị quan tâm thăm hỏi, an ủi, động viên và lo liệu Cha Cố. Ngày Mùng Năm Tết Tân Mão (7/2/2011) Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã đến thăm hỏi và chúc tuổi Cha Cố. Thật cảm động khi nghe Đức Tổng xem Ngài như bậc “tổ phụ”. Sự hiện diện của Đức Tổng gợi cho chúng tôi nhớ lại Ngài đã hiện diện trong dịp kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục và 40 năm truyền giáo cho Dân Tộc thiểu số Thượng (3 - 6 - 1998); Ngọc Khánh Linh Mục và 50 năm truyền giáo (22 - 05 - 2008) của Cha Cố. Ngoài những lần khác, ngày giỗ Đức Cố Giám Mục Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm (9/6/2011), Đức Giám Mục Giáo phận Antôn Vũ Huy Chương cũng đã đến bênh giường bệnh để động viên an ủi Cha Cố. Đức Giám Mục nói với Cha Cố: “Mọi sự Cha Cố hãy phó thác cho Chúa, công việc tốt đẹp của Cha Cố sẽ được con cái tiếp tục.” Với sự yêu thương của các Đấng Bề Trên, chúng tôi như cảm nhận được nơi Cha Cố sự hiện diện của một Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sự vụ.
Sống gần bên Cha Cố, chúng tôi thật sự cảm nếm được hương vị bình dị, nhưng thơm nồng của một tình yêu quên mình và niềm vui tươi tỏa lan từ Tấm Bánh Giêsu được bẻ ra nơi con người và cuộc đời của Cha. Ngài đã không đề cập đến thành quả của mình mà chỉ chất chứa những thao thức xuất phát từ Lời Chúa. Hẳn ấy là vì một đời sống hoạt động không ngừng nghỉ được kết hiệp với chiêm niệm sâu xa mà ngày ngày từ những sớm tinh sương hay những  khi đêm về Cha luôn đặt mình trước và trong tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể. Khi không thể cử hành Thánh Lễ hay dự Lễ, đối với Ngài như thiếu đi một sức sống cho cuộc đời của mình.
Những ngày cuối cùng trên giường bệnh với những đau đớn thể xác của căn bệnh quái ác, Cha Cố vẫn kiên nhẫn chịu đựng như đang thông phần vào cuộc Tử Nạn của Đấng mà Ngài đã say mê rao giảng một đời. Sức lực còn lại của Ngài như ngọn đèn dầu đang cháy với những giọt dầu cuối cùng, thế nhưng ánh sáng đức tin của Ngài vẫn đang truyền lan trong lòng người như trong không gian vô tận; vẫn còn làm chứng cho một Tình Yêu có tên là Giêsu, Tấm Bánh đã bẻ ra cho sự sống của anh chị em như câu khẩu hiệu mà Ngài đã chọn cho cuộc đời linh mục: “Để chúng được có sự sống và được sống dồi dào” (Gioan 10,10).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây