100 phép lạ Thánh Thể (phần 1)

Thứ ba - 03/07/2012 02:49

100 phép lạ Thánh Thể (phần 1)

Ðể cho con người tin Mình và Máu Thánh là thịt và máu thật, Chúa làm nhiều phép lạ để chúng ta tin và năng đến với Phép Thánh Thể. Có nhiều phép lạ chứng minh trong Phép Thánh Thể có thật Thịt và Máu Chúa Giêsu.
1. PHÉP LẠ THÁNH THỂ ĐẦU TIÊN 

Khoảng năm 700
Tại làng Lanciano, nước Ý (ITALY)
(Linh mục nghi ngờ, Bánh đã trở thành Thịt, Rượu đã trở thành Máu thật)
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 1, Regina xb, USA, 2002) 

Ðây là phép lạ cổ kính nhất, đã được Tòa Thánh cho xét nghiệm 5 lần, và ngày nay Thánh Tích vẫn còn trưng bày, được rất đông khách hành hương khắp nơi kính viếng.
Trình thuật phép lạ:
Phép Lạ Thánh Thể tại Lanciano

Lanciano, thị trấn cổ vùng Frentani, nước Ý, đã lưu giữ phép lạ hàng đầu về Phép Thánh thể trong Giáo hội công giáo. Lịch sử phép lạ như sau: 
Vào khoảng năm 700 (thế kỉ thứ 8), trong ngôi nhà thờ nhỏ của Tu viện kính thánh Longinô (Legonziano- tên người lính đâm cạnh sườn Chúa), một linh mục Dòng thánh Basiliô đã hồ nghi không biết "sau khi Truyền phép" Chúa Giêsu có ngự thật trong phép Thánh Thể hay không!
Ông xin Chúa lâu ngày, cho một dấu để dẹp tan sự nghi ngờ.
Một hôm, sau khi đọc lời truyền phép, cha bối rối, bàng hoàng vì phép lạ tỏ tường, cha thấy ngay trước mặt: bánh trở thành Thịt và rượu trở thành Máu. 
Sợ hãi nhưng hài lòng. Với nét mặt vui tươi, mắt ngấn lệ, cha quay nói với giáo dân và những người có mặt: "Hỡi những người đang tham dự chung quanh đây thật có phúc. Vì Chúa đã tỏ hiện trong bí tích Cực Thánh và trở nên hữu hình ngay dưới mắt anh em, để phá vỡ sự cứng lòng chai đá của tôi. Xin anh em tiến đến gần mà chiêm ngắm. Chúa đã trở nên gần gũi với chúng ta. Ðây là Thịt và Máu Chúa Giêsu yêu qúi của chúng ta".
Người ta không biết rõ tên linh mục đan sỹ này. Chỉ biết ôngi là linh mục thuộc đan viện nhỏ của Thánh Basilio đến Lanciano tỵ nạn, trong làn sóng di cư của các đan sỹ Ðông Phương tới nước Ý, thời vua Leone III L'Isaurico. Thời này, từ năm 726 có phong trào mạnh mẽ đập phá tượng ảnh, chống lại việc tôn kính các ảnh tượng đạo. Phong trào này buộc các đan sỹ phải lưu vong ra ngoại quốc. Dân chúng ở Lanciano dành cho nhóm đan sỹ di cư này nhà thờ nhỏ Thánh Legonziano. Tại đây, trong thánh lễ bằng tiếng Latinh các đan sĩ dùng bánh lớn tròn, khác với bánh hình vuông có men của đan sĩ Hy lạp.
Bảo tồn thánh tích:
Suốt 5 thế kỉ sau, các cha dòng thánh Basiliô trông coi gìn giữ Mình Máu Chúa cẩn thận.
Năm 1176, đức thánh cha Alexandriô trao cho các linh mục dòng Benedicto.
Từ năm 1252, đức Innocentê lại trao cho các cha dòng thánh Phanxicô.
Năm 1258, một đền thờ rộng lớn xây bao trùm nhà thờ nhỏ thánh Legonziano. Thánh tích được đặt ở đây. 
Từ năm 1566 đã qua nhiều lần phải cất giấu quân giặc Thổ, xây nhà nguyện, lập bàn thờ…sau 150 năm,
Năm 1809, theo lệnh vua Napoléon I, bãi bỏ các dòng tu, dòng Phanxico phải rời đi và mãi tới năm 1953 mới trở lại sinh hoạt bình thường.
Năm 1953 các cha dòng Phanxicô lại trông coi như trước.

Phép lạ này được ghi chép trên tài liệu viết trên giấy da rất cổ. Nhưng vào đầu thế kỷ 15 bị hai đan sỹ dòng Basilio lấy cắp của dòng Phanxicô. Hiện nay chỉ còn tài liệu năm 1631, ghi trên giấy da bằng tiếng Hy Lạp và Latinh về tất cả chi tiết phép lạ ở Lanciano.

Trước hết Thánh tích được đặt trong một hòm bằng ngà voi và được đặt tại nguyện đường cạnh nhà thờ chính. Năm 1902 được lưu giữ đàng sau bàn thờ ở giữa cung nguyện. Bánh Thánh trở thành Thịt, như ngày nay người ta quan sát, được kính giữ trong hào quang bằng bạc, có kích thước như Mình Thánh lớn vẫn được các linh mục dùng trong Thánh Lễ. Thịt có màu hơi nâu và trở thành hồng nếu quan sát dưới ánh sáng trong. Rượu hóa thành Máu được kính giữ trong chén thánh bằng thủy tinh, họp thành 5 giọt to nhỏ khác nhau. Từ năm 1923, Thịt Thánh được trưng bày trong một hào quang, và những hột máu khô được đựng trong một chén lễ thủy tinh ở dưới chân hào quang. Trước nay, qua thời gian, các Thánh Tích được các tín hữu và khách hành hương rất mực tôn kính. Vào những dịp đặc biệt Thánh Tích được rước qua các đường phố trong thị trấn.
Khảo nghiệm kiểm chứng:

Rượu hóa thành Máu được kính giữ trong chén thánh bằng thủy tinh, họp thành 5 giọt to nhỏ khác nhau

Phép lạ Mình Máu Chúa ở Lanciano là một phép lạ lâu dài, liên tiếp.
Ðể đánh tan dư luận và hồ nghi lâu đời trong dân chúng, sau công đồng Trente (1545-1563) Tòa Thánh đã 5 lần cho khảo nghiệm Thánh Tích ở Lanciano, và kết như sau:
- Năm 1574, chứng từ còn ghi lại để trong nhà nguyện bên tay phải gian chính nhà thờ. Sau mấy trăm năm, Thánh Tích được đựng trong hòm sắt: Thịt vẫn còn nguyên vẹn. Máu phân thành 5 phần không đều nhau. Khi thì 5 phần hiệp thành một cục khi thì tách rời ra.
- Năm 1637, Ðức Tổng Giám Mục Rodriguez cho cân lại máu đã đông từ lâu, trước mặt giới hữu trách và đông người. Ðược thấy trọng lượng 5 cục máu cộng lại cũng bằng từng cục. Trọng lượng 5 cục là 16, 505 grames. 
- Năm 1770 và 1886, có cuộc tranh luận về sự biến thể từ bánh ruợu hóa ra Thánh Thể chất (Transsubstantiation) qua trọng lượng như cân đo ở trên. Chúa muốn chứng tỏ dấu hiệu mới sự hiện diện của Ngài trong Mầu Nhiệm Thánh Thể. Tức là trong mỗi giọt rượu và mẩu bánh được thánh hiến có sự hiện diện thực sự của toàn thể Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.
Từ năm 1713, Thịt được lưu giữ trong một Mặt nhật bằng bạc chạm trổ nghệ thuật, do một nghệ thuật gia trường thành Neapoli chạm trổ. Máu được đựng trong chén kiểu nghệ thuật xưa bằng đá phalê trong suốt.

Bánh Thánh Thịt ấy đã được giữ rất cẩn thận tới ngày nay, cũng có kích thước lớn như bánh được Giáo hội quen dùng. Bánh có mầu nâu nhạt, và trở thành mầu hồng khi chiếu ánh sáng từ phía sau dọi lại. Máu thì đông lại và ngả mầu đất, vàng vàng như mầu đất thó. 
- Năm 1971, sau công đồng Vatican 2, các Tu sĩ dòng Phanxicô quyết định trao cho một nhóm bác học danh tiếng viện đại học Siena khảo sát lại theo khoa học. 
Cuộc khảo sát đã đưa đến những quả quyết khoa học tuyệt đối không thể chối cãi và trở thành tài liệu với những bức hình chụp bằng ống kính hiển vi tinh xảo, có thể giúp ích cho việc tôn thờ công cộng. Giáo sư Odoardo Lioni trong một cuộc họp vào ngày 4 tháng Ba năm 1971 tại nhà thờ có phép lạ đã đưa ra những kết luận sau. Công trình nghiên cứu này, được nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đăng tải:
1- Thịt và Máu là thịt máu thật,
2- Thịt và Máu của cùng một người, đang sống, cùng một loại AB. Trong máu có protein là chất thường có để giữ máu tươi.
3- Thịt máu có đủ các thành phần như thịt máu chúng ta: cũng có những khoáng chất: chlorides, phosphorus, magnesium, potassium, sodium và calcium.

Sau khi nghiên cứu, giáo sư Linoli tuyên bố: Tôi không thể ngờ được trong những điều tôi phân tích đó có những chất hữu cơ cách đây 12 thế kỷ. Khoa học phải đầu hàng đứng trước sự kiện lạ lùng không thể giải thích nổi. Ông đã viết kèm theo hồ sơ phân tích, cho dòng Phanxico một câu ngắn: In principio erat Verbum et Verbum Caro factum est. (Từ đầu đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời đã trở nên Thịt) (LC. Số 214, 7-2000, tr. 8-11).


Những lời quả quyết trên đây được Giáo quyền xác nhận trong một cuốn sách nhỏ có chuẩn ấn của Đức Cha Leopoldo Teofili, Tổng Giám mục Lanciano.
(Bánh Thánh trở thành Thịt, như ngày nay người ta quan sát, 
được giữ trong hào quang bằng bạc, có kích thước như Mình 
Thánh lớn vẫn được các linh mục dùng trong Thánh Lễ).

Việc các di tích thánh này được lưu trữ một cách tự nhiên trong 12 thế kỉ qua, không bằng chất hóa học, giữ trong không khí thường, mà Thịt Máu vẫn tồn tại cách khác thường, là một hiện tượng không sao giải thích theo khoa học được.
Ngày nay, cứ 12 giờ trưa Chúa nhật thứ 2 sau lễ Phục sinh (lễ kính Lòng Thương Xót Chúa), người ta có thể đến nhà thờ thánh Longinô, để nhìn ngắm tận mắt Mình Máu Chúa . 


Phép lạ Thánh Thể - Thế kỷ 12

2. Con lừa thánh Antôn Padua quì lạy Mình Thánh 

Thánh Antôn thành Padova (1195-1231) là tu sĩ hèn mọn dòng thánh Phanxicô . Có thể nói ngài là một trong những vị thánh được kêu cầu nhiều nhất của Giáo Hội Công Giáo. Thánh Antôn gốc Bồ-đào-nha nhưng đã chọn Italia làm quê hương thứ hai và trở thành người Ý. Ngài có tên thật là Fernando. Tài hùng biện kèm theo tâm tình đạo đức sâu xa đã khiến các Bề Trên gởi Cha Antôn đi thuyết giảng nhiều nơi. Linh Mục Antôn có biệt tài bẽ gãy mọi lý lẽ của bọn lạc giáo - cách riêng nhóm Albigeois - lúc ấy đang tung hoành tại Toulouse và vùng Tây Nam nước Pháp. Mức độ thánh thiện của Linh Mục tu sĩ Antôn trổi vượt đến độ, chỉ vỏn vẹn một năm sau khi ngài qua đời, Đức Giáo Hoàng Gregorio 9 (1227-1241) đã nâng Cha Antôn lên bậc hiển thánh! Đó là năm 1232. 
Ưu điểm cuộc đời thánh Antôn là lòng tôn sùng Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể. Chính tâm tình kính yêu này đã giúp thánh nhân đánh bại mọi tấn kích vô thần đối với Đức Tin Công Giáo. Một ngày, thánh Antôn có mặt tại Toulouse để bác bỏ các lầm lạc của nhóm Albigeois liên quan đến bí tích Thánh Thể. Cuộc tranh cãi diễn ra vô cùng sôi nổi. Thánh Antôn lý luận rành mạch và vững mạnh đến độ nhóm lạc giáo phải cứng miệng. Cứng miệng nhưng không dễ đầu hàng. Họ cố gắng cầm cự cho đến phút chót. Sau cùng, trưởng nhóm lạc giáo đề nghị: 
Dẹp một bên các lý luận. Bây giờ chúng ta đi vào thực tế. Nếu ông có thể đưa ra một bằng chứng, qua một phép lạ tỏ tường, trước sự chứng kiến của toàn dân rằng: Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ hiện diện thật sự trong Bánh Thánh, thì tôi sẵn sàng từ bỏ lạc giáo và trở về với Đức Tin Công Giáo. 
Đầy tin tưởng nơi quyền năng vô biên của Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể, thánh Antôn trả lời ngay:
- Tôi chấp thuận đề nghị của anh.
Ông lạc giáo Albigeois nói tiếp:
- Ở nhà tôi có một con lừa cái. Tôi sẽ nhốt nó vào chuồng và bỏ nó nhịn đói 3 ngày. Ngày thứ ba, tôi sẽ dẫn nó đến đây, trước mặt mọi người, và dọn cho nó một thùng kiều mạch thơm ngon. Còn ông, ông hãy đưa cho nó ”cái” mà ông gọi là Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Nếu con vật bị đói mà không thèm ăn của ngon người ta dọn cho nó nhưng lại chạy đến cùng Đấng THIÊN CHÚA, mà theo lời ông, hết mọi thọ sinh phải bái gối thờ lạy, thì tôi sẽ trọn lòng tin nơi giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo. 
Đúng ngày hẹn, toàn thể dân thành Toulouse chen chúc có mặt tại quảng trường chính, nơi diễn ra cuộc thách thức. Tín hữu Công Giáo cũng như đồ đệ lạc giáo, mỗi người dấu ẩn một tâm tình riêng tư. Gần đó, trong một nhà nguyện, thánh Antôn dâng Thánh Lễ thật sốt sắng. 
Bên ngoài, ông lạc giáo Albigeois kéo con lừa cái đến và truyền mang cho con vật thức ăn nó ưa thích. Nhóm lạc giáo có mặt đông đảo lộ vẽ hoan hỉ như cầm chắc thắng lợi. 

Thánh Antôn từ thánh đường bước ra, tay giơ cao Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Giữa bầu khí im lặng như tờ, thánh Antôn lớn tiếng ra lệnh cho con lừa: 

- Nhân danh THIÊN CHÚA, Đấng tạo dựng nên ngươi, và mặc dầu bất xứng, ta đang giữ Ngài trong tay ta, ta truyền cho ngươi, hỡi con vật đáng thương, hãy mau lẹ đến quỳ gối thờ lạy Người. Phải làm cho các kẻ lạc giáo nhìn nhận rằng, mọi thọ sinh đều phục tùng Đấng THIÊN CHÚA Tạo Hóa mà vị Linh Mục Công Giáo được diễm phúc làm cho Ngài ngự xuống trên bàn thờ. 
Cùng lúc ấy, người ta đưa thùng kiều mạch thơm ngon đến trước mặt con lừa. Lạ lùng thay, con lừa không đoái hoài đến thức ăn. Trái lại, nó nghe theo lệnh của thánh Antôn. Nó gập hai cẳng trước và quì xuống cung kính thờ lạy Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. 

Trước cảnh tượng này, các tín hữu Công Giáo vui mừng không tả xiết. Còn nhóm lạc giáo thì tỏ ra kinh hoàng rúng động. Trước phép lạ tỏ tường, ông trưởng nhóm lạc giáo Albigeois đã giữ đúng lời hẹn. Ông từ bỏ lạc giáo và khiêm tốn trở về với giáo huấn chân thật của Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. 

3. Thánh Clara (1194 - 1253 )
Thánh Clara là thiếu nữ xinh đẹp của một gia đình giầu có ở Assisi. Khi mười tám tuổi, được khích động bởi một bài giảng của Thánh Phanxicô Assisi, ngài cương quyết noi gương các tu sĩ Phanxicô, thề sống khó nghèo, tận hiến cho Thiên Chúa. Gia đình ngài hoảng sợ, dùng võ lực ép buộc ngài phải trở về nhà; nhưng một đêm kia, trong một hành động vừa có tính cách khôn khéo và vừa có ý nghĩa, ngài lẻn ra khỏi nhà qua "cánh cửa người chết" (cánh cửa nhỏ để khiêng người chết ra ngoài), và đến với các tu sĩ Phanxicô. Trong một nhà nguyện nhỏ bé ở ngoại ô, Thánh Phanxicô đã cắt mái tóc của Clara và trao cho thánh nữ chiếc áo nâu thô kệch làm chiếc áo dòng. Sau đó, thánh nữ sống với các nữ tu dòng Bênêđíctô cho đến khi có thêm sự gia nhập của các phụ nữ khác, trong đó có cả người mẹ goá bụa của ngài và các phụ nữ thuộc gia đình quý tộc ở Florence.
Cộng đoàn nhỏ bé ấy dần dà được biết đến dưới tên Các Chị Em Hèn Mọn (các tu sĩ Phanxicô là Anh Em Hèn Mọn). Khi tu hội được thành lập, Thánh Phanxicô đề nghị Clara làm bề trên, nhưng ngài từ chối cho đến khi được hai mươi mốt tuổi. Các nữ tu trong dòng tận tụy trong việc cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân và thi hành việc bác ái cho người nghèo và người bị ruồng bỏ.
Họ sống theo một quy luật khắc khổ hơn bất cứ nữ tu hội nào khác trong thời ấy, và tuyệt đối khó nghèo, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Họ đi chân đất, không có giường, mà nằm trên các khúc gỗ được kết lại và chăn mền là vỏ cây gai dệt thành. Gió mưa tha hồ lọt qua các vết nứt ở mái nhà cũng như vách gỗ. Họ ăn rất ít và không bao giờ ăn thịt. Thực phẩm của họ là tất cả những gì xin được. Bất kể sự khắc khổ của đời sống, những người theo Thánh Clara lại là những thiếu nữ xinh đẹp nhất Assisi và lúc nào họ cũng có niềm vui vì được sống gần Thiên Chúa. 
Thật vậy, Thiên Chúa đã gìn giữ họ khỏi sự nguy hiểm khi bọn lính hung dữ đến tấn công Assisi và dự định bố ráp tu viện này trước hết. Lúc ấy, dù đang đau nặng, Thánh Clara đã gắng gượng quỳ xuống trước cổng, tay nâng Mình Thánh trong mặt nhật và ngài cầu xin, "Lạy Chúa, xin hãy gìn giữ các nữ tu mà con không thể nào bảo vệ nổi." Sau đó, dường như có tiếng trả lời: "Ta sẽ luôn gìn giữ họ," và đồng thời ngay lúc ấy, quân lính cảm thấy vô cùng sợ hãi và họ chạy tán loạn.
Thánh Clara làm bề trên tu viện trong bốn mươi năm mà hai mươi chín năm ngài luôn đau yếu. Nhưng lúc nào ngài cũng vui vẻ vì cho rằng đó là sự phục vụ Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói, "Họ nói chúng tôi quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sự nghèo hay không?"
Thánh Clara từ trần ngày 11 tháng Tám 1253. Chỉ hai năm sau, ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Alexander IV Phong Thánh.

4. PHÉP LẠ TẠI BRAINE, NƯỚC PHÁP (Năm 1153)

(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 2, Regina xb, USA, 2002) 
Vào thời kỳ phép lạ xảy ra, có rất đông người ngoại giáo sinh sống tại Braine, một thành phố thuộc tổng giáo phận Soissons. Nữ bá tước Agnes sống ở một lâu đài trong thành phố đã cố gắng chinh phục nhiều người trở lại, trong số đó, bà dồn nỗ lực vào một thiếu nữ Do Thái xinh đẹp. Không coi sao lòng nhiệt thành của bà bá tước, thiếu nữ ấy vẫn ương ngạnh, không chịu tin kính Thánh Thể và giữ thái độ ngờ vực. Quyết tâm chinh phục thiếu nữ về với đức tin, bà bá tước đã dùng thế lực để ép cô về sống tại lâu đài, và sau cùng, cô đã trở thành một hầu gái, và rồi một quận chúa tương lai.
Năm 1153, đức cha Anculphe de Pierrefonds, tổng giám mục Soissons, đã cử hành một thánh lễ đại trào trọng thể và tổ chức cuộc rước kiệu chung quanh thành phố Braine nhân dịp lễ kính Chúa Thánh Thần. Mọi cư dân tại Braine, kể cả những người ngoại giáo, đều tham gia các nghi thức, một phần vì tôn trọng đức tổng giám mục, một phần vì óc hiếu kỳ muốn xem các nghi thức tỉ mỉ đã được chuẩn bị. 
Trong lúc hy tế Thánh Lễ đang được cử hành, đến phần tôn vinh Thánh Thể, thay vì nhìn thấy một Bánh Thánh, mọi người đều được thấy một con trẻ. Các tài liệu mô tả không thấy nói thị kiến kéo dài bao lâu, nhưng hiển nhiên là rất uy nghi và đầy ấn tượng đến nỗi những người ngoại giáo, lúc ấy được đầy Chúa Thánh Thần, đã đòi được chịu phép Thánh Tẩy. Người ta tin trong số những người xin chịu phép Thánh Tẩy, đã có cô thiếu nữ Do Thái mà bà bá tước cố gắng hoán cải.
Sau khi phép lạ xảy ra, nữ bá tước Agnes đã thiết lập một tu viện để gìn giữ Thánh Thể ấy trong nhiều thế kỷ.
Được biết vào năm 1233, tức là 80 năm sau phép lạ, đức hồng y Jacque de Virtry đã đến kính viếng và thờ lạy Thánh Thể phép lạ. Tuy nhiên, 15 năm sau, một sử gia thành Valois tên là Carlier phát hiện ra Bánh Thánh, theo qui luật Vào năm 1718, tức là hơn 550 năm sau phép lạ, Dom Martene đã nhìn thấy Bánh Thánh vẫn còn nguyên vẹn và được tả lại bằng với kích cỡ của một đồng tiền lớn. bình thường, chỉ còn là một chút bụi. Trước thời gian ấy, Bánh Thánh đã được lưu giữ trong một nhà tạm, cùng với chén thánh đã được sử dụng trong thánh lễ có phép lạ xảy ra.
Chiếc hộp bằng ngà đựng Bánh Thánh được coi như một báu vật. Khi các tu sĩ rời bỏ tu viện trong thời kỳ Cách Mạng Pháp (bùng nổ năm 1798), họ đã giao chiếc hộp ngà này cho ông Lambert, vị cảnh sát trưởng gìn giữ. Năm 1839, chiếc hộp ấy đã được trả lại cho nhà thờ Braine, và được giữ trong phòng áo trong một thời gian rất lâu.
Không những chỉ có Bánh Thánh và chén thánh, mà những lễ phục được sử dụng trong thánh lễ phép lạ ấy cũng được gìn giữ cẩn trọng. Chiếc áo lễ – lễ phục rộng bên ngoài linh mục mặc khi dâng thánh lễ – được may bằng lụa mịn, và được thêu công phu với những biểu tượng phụng vụ, vạt trước là gương mặt một thiên thần, vạt sau là con chiên Thiên Chúa. Viền quanh cổ là một vòng vàng, điểm xuyết thêm bằng những hạt ngọc xinh đẹp và một vài hạt đá quí. Vì vẻ đẹp và giá trị của chiếc áo lễ ấy, nhưng nhất là vì đã được mặc trong thánh lễ có phép lạ xảy ra, nên chiếc áo lễ ấy đã được các tín hữu rất quí trọng.
Vì có sự bất đồng ý kiến giữa các tu sĩ và ngài Heduin, một thành viên thuộc ngành cảnh vệ quốc gia, nên một cuộc kiểm tra đã được thực hiện từ ngày 21 – 24 tháng 4 năm 1790, chỉ một năm sau cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ. Họ khám phá thấy chiếc áo lễ quí giá đã biến mất. Ngài Heduin nhân cơ hội ấy đã khởi tố lên giới chức thành phố, và họ đã xúc tiến một cuộc điều tra. Hóa ra trước đó một năm, vị bề trên tu viện đã đem bán chiếc áo lễ ấy cho một thương gia tại thành phố Lyon để đáp ứng nhu cầu của tu viện và thánh đường. Người thương gia kia không chịu điều đình để hoàn lại chiếc áo lễ, nhưng đã dâng cúng số ngọc được gỡ ra trên chiếc áo.
Một bản phúc trình ghi rằng tất cả những vật dụng được sử dụng trong thánh lễ phép lạ ấy đã được lưu giữ trong thánh đường, kể cả những đồ đạc được dùng làm bánh lễ. Điều này dường như cũng được cuộc điều tra thời Cách Mạng Pháp xác nhận, liệt kê cụ thể tất cả những món đồ được dùng trong thánh lễ có phép lạ. Bảng điều tra vẫn được giữ trong văn khố của văn phòng tại Laon; tuy nhiên, chính các món đồ thì đã thất lạc hoặc bị hư hại.
Cha sở hiện nay của nhà thờ Braine xác nhận phép lạ Thánh Thể thực sự đã xảy ra, và những cuộc cung nghinh đã được tổ chức trong nhiều năm trời để tôn kính Thánh Thể, nhưng hiện nay thì không còn.

5. PHÉP LẠ TẠI FERRARA, NƯỚC Ý
Năm 1171
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 3, Regina xb, USA, 2002) 
Một tài liệu cổ xưa từ năm 454 đã nói về một địa điểm được gọi là một capital, nơi có bức ảnh Đức Trinh Nữ Rất Thánh của Giáo Hội Byzantine được sùng kính. Sau đó, số các tín hữu sốt sắng gia tăng, đưa đến việc kiến thiết một ngôi thánh đường nhỏ tại capital. Ngôi nhà thờ này được xây vào năm 657, tại khúc cạn của con sông và được đặt một cái tên phù hợp là S. Maria del Vado, tức là Đức Maria của khúc cạn. Chính tại ngôi thánh đường nhỏ bé ấy, gần 500 năm sau, một phép lạ Thánh Thể trọng đại đã xảy ra.
Vào Chúa Nhật Phục Sinh, ngày 28 tháng 3 năm 1171, cha Pietro de Verona chủ sự thánh lễ cùng với các cha Bono, Leonardo, và Aimone, trước sự tham dự của tất cả cộng đoàn dòng Kinh Sĩ Portuensi. Vào lúc Bánh Thánh được bẻ làm đôi, mọi người hiện diện đều sững sờ khi thấy một dòng máu từ Bánh Thánh phụt ra. Máu phụt mạnh và nhiều đến độ làm bắn tung toé lên mái vòm hình bán nguyệt hơi chếch về phía sau của bàn thờ. Không những các chứng nhân nhìn thấy dòng máu, mà còn thấy Bánh Thánh đã hóa thành thịt.
Tin về phép lạ nhanh chóng loan đến những người bên ngoài thánh đường, và những người này đồn thổi tin ấy khắp giáo xứ và cả những vùng lân cận, khơi lên một sự sốt sắng lạ thường.
Đức giám mục Amato của giáo phận Ferrara và đức tổng giám mục Gherardo của giáo phận Revenna vội vã đến hiện trường. Các ngài cũng được nhìn thấy chứng cứ của phép lạ: máu và Bánh Thánh đã biến thành thịt. Các ngài xác nhận rằng máu ấy “là Máu thực rất lạ lùng của Chúa Giêsu.”
Tài liệu cổ xưa nhất kể về các chi tiết của phép lạ này là Gemma Ecclesiastica, được Geraldo Cambrense viết vào năm 1197. Tài liệu này đã được Antonio Samaritani, một sử gia sống tại Ferrara tìm thấy vào năm 1981. Nguyên bản hiện nay đang được lưu giữ tại London, một bản thảo được giữ tại Vatican. Tài liệu này xác nhận tại Ferrara, vào Chúa Nhật Phục Sinh, Bánh Thánh đã biến thành thịt.
Một tài liệu khác đề ngày 6 tháng 3 năm 1404 được đức hồng y Migliorati viết, cũng xác nhận điều lạ, và được đức Eugenio IV chính thức công nhận trong bửu sắc ngày 7 tháng 4 năm 1442. Ngoài ra, đức Benedict XIV (1740-1758) cũng đã công nhận phép lạ này, giống như đức hồng y Nicolo Fieschi đã làm vào năm 1519.
Trong số tất cả những tín hữu hành hương kính viếng bàn thờ phép lạ trên, đáng chú ý nhất có chân phúc giáo hoàng Pius IX, người đã hành hương đến nhà thờ này vào năm 1857. Ngài vừa chỉ vào những giọt máu, vừa reo lên: “Những giọt máu này giống như những giọt máu trên khăn thánh tại Orvieto!” (x. chương 11, về phép lạ ở Bolsena-Orvieto).
Vào năm 1500, ngôi nhà thờ chật hẹp được mở rộng, tôn tạo, và được nâng lên bậc vương cung thánh đường như hiện nay. Trong thời gian thi công, mái vòm cẩm thạch đã dính máu thánh, hiện nay vẫn còn màu hường, đã được gỡ ra và chuyển sang nhà nguyện ở bên cạnh, và đặt vào một chỗ thật lộng lẫy. Ngôi đài hai tầng gồm có một bàn thờ ở tầng trệt; mái vòm được bài trí trên tầng hai. Một cầu thang dẫn lên hai bên bàn thờ giúp người xem có thể nhìn thật sát và quan sát mái vòm. Máu thánh hiện giờ mắt trần vẫn còn nhìn thấy rõ, và được tôn kính trân trọng như một thánh tích phi thường.
Từ năm 1930, vương cung thánh đường này đã được đặt dưới sự cai quản của dòng Thừa Sai Máu Thánh, con cái tinh thần của thánh Gaspart del Bufalo, một vị tông đồ lớn, nhiệt thành cổ động lòng tôn thờ Máu Thánh Đấng Cứu Độ - một điều xem ra rất phù hợp.
Vào năm 1970, một nghi thức dài đủ một năm, kỷ niệm chín trăm năm phép lạ đã xảy ra.

6. PHÉP LẠ TẠI AUGSBURG, NƯỚC ĐỨC
Năm 1194
(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 4, Regina xb, USA, 2002) 
Lịch sử phép lạ này bắt đầu với một người đàn bà ở Augsburg, bà nảy ra ý nghĩ muốn giữ Thánh Thể trong nhà mình. Với mục đích này, vào một buổi sáng nọ, bà đã lên rước lễ và kín đáo lấy Thánh Thể ra khỏi miệng và đưa về nhà. Tại đây, bà đã tạo ra hai miếng sáp, đặt Bánh Thánh giữa rồi hàn kín các mép lại, tạo nên một chiếc hộp đựng thô kệch. Bà đã giữ Thánh Thể như thế suốt năm năm trời; nhưng trong quãng thời gian ấy, lương tâm cắn rứt đến độ bà đã buộc lòng phải đem câu chuyện ấy trình bày với cha sở vào năm 1199, và cha sở đã tức tốc đi đến nhà bà và đưa Bánh Thánh về nhà thờ Thánh Giá.
Trong số những vị linh mục của giáo xứ lúc bấy giờ có một vị tên là Berthold làm ca trưởng ca đoàn được coi là một vị thánh. Cha Berthold được ủy thác mở chiếc hộp sáp, và chính ngài là người đầu tiên nhìn thấy phần Bánh Thánh ấy đã biến nên như thịt, có những gân đỏ rõ ràng. Tất cả các linh mục tại cộng đồng chứng kiến việc mở chiếc hộp sáp đều kinh ngạc. Họ bàn luận vấn đề một lúc lâu, và sau đó quyết định rằng họ có thể xác định tốt hơn tính chất của hiện vật nếu như bẻ làm hai phần. Trước sự ngỡ ngàng của các ngài, Thánh Thể không thể bẻ làm đôi bởi vì đã được kết chặt với nhau bằng những gân máu giống như các sợi chỉ. Khi ấy, các ngài xác nhận hiện vật ấy chính là thịt của Chúa Giêsu Kitô.
Trước cảnh tượng ấy, một số linh mục không nói nên lời, một số kinh hãi, và một số khác đề nghị giữ kín sự kiện biến thể ấy. Tuy nhiên, vị coi phòng áo kiến nghị nên tường trình sự việc cho đức giám mục, và thế là vấn đề lập tức đã được thông tri cho đức giám mục.
Trước sự hiện diện của đức giám mục Udalskalk, người đã cẩn thận xem xét Bánh Thánh phép lạ, nhiều tín hữu trong giáo xứ và các linh mục từ các nơi cũng đến chứng kiến phép lạ. Lúc ấy, đức giám mục ra lệnh đặt Mình Thánh phép lạ vào chiếc hộp sáp và đưa về nhà thờ chính tòa.
Tại nhà thờ chính tòa, Mình Thánh đã được bày kính trong suốt thời gian từ lễ Phục Sinh đến lễ thánh Gioan Tẩy Giả. Trong thời gian này, một phép lạ thứ hai đã xảy ra: người ta nhìn thấy Mình Thánh nở to ra và làm vỡ chiếc hộp sáp và tách ra ngoài. Mình Thánh màu đỏ máu tự động tách khỏi chiếc hộp sáp bên ngoài, không do can thiệp nào của con người.
Theo đề nghị của đức giám mục, Mình Thánh phép lạ và những mảnh sáp bấy giờ được đặt vào trong một chiếc hộp pha lê và được trả về nhà thờ Thánh Giá. Tại nhà thờ này, Mình Thánh phép lạ đã được lưu giữ trong chiếc hộp pha lê ấy một cách hoàn hảo trên 780 năm.
Đức giám mục Dekret, vào ngày 15 tháng 5 năm 1199, đã ấn định tổ chức những nghi lễ đặc biệt hằng năm để ghi nhớ phép lạ này. Ngày lễ kỷ niệm hằng năm được gọi là Fest des Wunderbarlichen Gutes, tức là ngày lễ Báu Tàng Phép Lạ Kỳ Diệu. Hằng năm, cứ vào ngày 11 tháng 5, lễ ngày được cử hành trọng thể, với những lễ phục đặc biệt.
Dần dần, những nhà thờ khác cũng bắt đầu mừng ngày lễ ấy, trong số đó có nhà thờ thánh Moritz; sau đó, năm 1485 là nhà thờ thánh George; năm 1496 là nhà thờ Domkirche; và vào khoảng năm 1639, lễ này đã được cử hành thường niên trong toàn thể giáo phận Augsburg, và các nhà thờ mới cũng sử dụng các nghi thức truyền thống ấy. Nhiều sự kiện được chữa lành bệnh xảy ra trong thời gian cử hành các nghi thức tôn vinh các phép lạ thánh.
Ngay sau biến cố năm 1199, nhiều chi tiết về vụ việc đã được ghi chép lại trong các tài liệu và được truyền bá rộng rãi. Thực hết sức may mắn, vì vụ hỏa hoạn vào năm 1314 tại Hl. Kreuzkloster, tức là tu viện Thánh Giá, đã thiêu cháy tất cả những giấy tờ nguyên gốc liên quan đến phép lạ. Qua nhiều thế kỷ, các văn gia người Đức đã dựa vào các bản tài liệu cũ có từ ban đầu. Từ ấy, đã có nhiều tài liệu liên quan về phép lạ cũng đã được phát hành.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 3.4 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây