Giáo hội và người trẻ - cần phải làm gì để người trẻ tham gia nhiều hơn trong các sinh hoạt Mục vụ tại Giáo xứ

Thứ hai - 25/07/2011 11:33

Giáo hội và người trẻ - cần phải làm gì để người trẻ tham gia nhiều hơn trong các sinh hoạt Mục vụ tại Giáo xứ

Các bạn trẻ thân mến,

 

Đề tài ban tổ chức giao cho tôi trao đổi với các bạn là “CẦN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NGƯỜI TRẺ THAM GIA NHIỀU HƠN TRONG CÁC SINH HOẠT MỤC VỤ TẠI GIÁO XỨ”. Nói như thế có nghĩa là mặc nhiên nhìn nhận sinh hoạt mục vụ của giới trẻ tại các giáo xứ đang quá ít, chưa đạt mức yêu cầu.

 

Muốn chữa bệnh, trước hết cần phải khám bệnh. Tương tự như thế, để biết “cần phải làm gì”, trước hết ta phải tìm hiểu đâu là nguyên do khiến giới trẻ it tham gia các sinh hoạt mục vụ tại các giáo xứ.

 

 

A. TẠI SAO GIỚI TRẺ ÍT THAM GIA MỤC VỤ GIÁO XỨ.

 

Thế giới ngày nay đang đổi thay từng ngày, kéo theo sự suy thoái của các tôn giáo. Giáo Hội công giáo không phải là biệt lệ. Nhưng phải công nhận rằng Công giáo tại Việt Nam chưa đến mức báo động như phương Tây. Dù vậy, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy một sự xuống cấp nào đó nơi người trẻ. Họ đang dần vắng bóng trong các sinh hoạt mục vụ tại các giáo xứ. Chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân.

 

1. NHÀ THỜ KHÔNG ĐỦ HẤP LỰC

 

Thật ra tình trạng giới trẻ vắng bóng trong sinh hoạt Giáo Hội là một hiện tượng chung mang tính toàn cầu. Ở các nước phương Tây, Họ không chỉ vắng mặt trong các hoạt động mục vụ mà, đáng buồn hơn nữa, trong các buổi cử hành phụng vụ. Nhà thờ hầu như chỉ còn lại lác đác một vài người cùng đường đau khổ, hay lóp ngóp năm ba người cao niên gần đất xa trời. Mới đây một linh mục người Pháp tham quan Việt Nam đã nói với tôi rằng tại Pháp chỉ còn 3% giáo dân còn đi lễ ngày Chủ Nhật. Con số sẽ còn thuyên giảm trong những năm tới…

 

Tuổi trẻ luôn luôn có nhu cầu thần tượng. Họ thường si mê tài tử điện ảnh, danh ca quốc tế hay người hùng sân cỏ. Đang khi đó, tình trạng khan hiếm linh mục tại Âu Mỹ xem ra mỗi lúc một nghiêm trọng càng khiến cho giới trẻ “hụt hẫng” ở nhà thờ và trong cộng đoàn Giáo Hội. Tuổi thọ bình quân của linh mục Pháp hiện nay là trên 70. Linh mục trẻ thì hiếm hoi, linh mục già thì vốn lại đã quá tuổi năng nổ linh hoạt, làm sao có thể thu hút được giới trẻ? Nói một cách mộc mạc, họ cho rằng “Đạo nhà thờ” không có gì hấp dẫn thì đến đó cũng chẳng hứng thú gì.

 

Có lẽ Giới trẻ Việt Nam không đến nỗi dửng dưng như thế, nhưng họ cũng đang bị cuốn hút vào những luồng gió thời đại đầy quyến rũ nhưng cũng đầy áp đảo y như ở phương Tây. Bóng đá, ca nhạc, internet, games...là những thứ giải trí mê hoặc giới trẻ đến nỗi họ đang trên đà nguội lạnh dần với những vấn đề tâm linh và tôn giáo. Điều đó có nghĩa là sự hiện diện của họ trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội cũng đang trên đà sút giảm dần.

 

2. GIỚI TRẺ VIỆT NAM THAY ĐỔI QUÁ NHANH

 

Thời thế thay đổi kéo theo con người thay đổi. Báo Tuổi Trẻ ngày 17-01-2010 có đăng bài phát biểu của ông Ohara May, trưởng văn phòng đại diện Onlink Japan với tựa đề : Giới trẻ VN thay đổi quá nhanh. Thay đổi đầu tiên là họ coi nhẹ việc định hướng cuộc đời. Đối với họ, điều quan trọng nhất là làm thế nào để theo kịp thời đại như mọi người.

 

Bằng chứng cụ thể nhất là cách ăn mặc và trang điểm. Ông Ohara May nhận xét rằng năm 2000 cách ăn mặc còn rất giản dị. Để rồi chỉ mấy năm sau (lúc ông phát biểu là năm 2009), giới trẻ ăn mặc y như bên Nhật với những chiếc xe đắt đỏ nhất, những bộ quần áo mà ông gọi là “gây sốc” nhất. Điều khiến ông ngạc nhiên hơn cả là mức sống ở VN rất thấp so với Nhật, thế mà không hiểu tại sao giới trẻ VN lại có thể mua sắm tiện nghi tối tân hiện đại như thế. Và ông kết luận rằng chỉ vì họ quá chạy theo những cái hào nhoáng mà không hề suy nghĩ sâu xa về ý nghĩa cuộc đời.

 

Sự phát triển đó theo ông là quá nhanh so với sự phát triển kinh tế. Cuối cùng ông đã phát biểu một câu rất đáng suy nghĩ : “Mười năm trước, giới trẻ VN ngoan và hiền lắm. Tôi mong sao điều đó sẽ được giữ lại mãi mãi, nhưng có vẻ như đây chỉ là điều viễn vông”.

 

dai_hoi_gioi_tre_mien_bacMột người ngoại quốc khác là Conor Lauesen, 25 tuổi, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Dù học bổng đã hết cách đây một năm, Conor vẫn cố bám trụ lại Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu. Anh được ví là ma xó của Hà Nội vì thông thạo mọi thứ ở vùng đất này hơn cả nhiều người bản địa. Anh cho rằng thế hệ trẻ tại Việt Nam hiện nay “trò chuyện qua máy tính nhiều hơn, nhắn tin với nhau bằng điện thoại còn nhiều hơn gặp gỡ trực tiếp”. Theo ông đó là tình trạng chung trên khắp thế giới. Tuy nhiên, vi Việt Nam là một nước đang phát triển, nên đáng lo ngại hơn.

 

Những thay đổi đó, cũng lây nhiễm vào giới trẻ công giáo Việt Nam. Tuy họ chưa đến nỗi chê chán nhà thờ hoặc Giáo Hội, nhưng có xu hướng chạy theo thời trang và tiện nghi mỗi lúc một cuồng nhiệt hơn, khiến họ càng lúc càng sao nhãng việc sinh hoạt mục vụ giáo xứ. Bận tâm chính của họ là kiếm được nhiều tiền để mua sắm và tiêu xài. Họ vẫn còn yêu mến Giáo Hội nhưng có xu hướng xem chuyện nhà thờ là của các cha, của giới nhà tu, của Hội Đồng Giáo xứ.

 

3. CÔNG NGHIỆP HOÁ VÀ ĐÔ THỊ HOÁ

 

Đó là hiện tượng chung tại các quốc gia đang phát triển. Thu nhập từ nông nghiệp quá thấp so với thu nhập từ nông nghiệp. Nền nông nghiệp của Việt Nam, tuy dã cơ giới hoá ít nhiều nhưng một cách tổng thể, vẫn còn là một nền nông nghiệp thủ công lạc hậu, thu nhập không đủ sống cho người dân. Hơn nữa, diện tích đất canh tác thì chật mà lao động mỗi lúc lại một đông khiến cho mức thu nhập của nông dân càng xuống thấp. Đang khi đó, đi làm công nhân xí nghiệp tuy đồng lương chỉ giới hạn nhưng bảo đảm được đều đặn nhu cầu hằng ngày cho cuộc sống. Đó là lý do tại sao giới trẻ nông thôn mỗi lúc một đổ về thành phố, vì các nhà máy thường ở gần đô thị. Đức Hông Y GB Phạm minh Mẫn cho biết chỉ trong thành phố Hồ chí Minh mà thôi, có đến trên dưới 20.000 người trẻ công giáo từ miền Bắc vào miền Nam tìm công ăn việc làm.

 

Không phải chỉ có giới trẻ lao động. Giới trẻ sinh viên học sinh cũng phải tỉm về thành phố để ăn học. Ở nông thôn không có trường đại học nổi tiếng, không có trường chuyên, trường huấn nghệ. Muốn bảo đảm tương lai, cần phải học. Học thì phải về thành phố. Thư chung 2009 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 9, cũng nhận thấy rằng “Về phía người Công giáo, sự hiện diện của giới trẻ trong môi trường giáo dục xã hội đã phần nào được bình thường hóa : lý lịch Thiên Chúa Giáo không còn bị kỳ thị và phân loại như trước đây. Nhờ đó, số sinh viên Công giáo bậc đại học đã tăng lên đáng kể, ngay cả tại những miền thôn quê”. Nhưng cũng vì họ được bình thường hoá nên nhiều con em vì muốn theo đuổi đường học vấn nên vắng mặt thường xuyên trong các giáo xứ.

 

Hậu quả là người trẻ rời nông thôn mỗi lúc một đông. Đa số các giáo xứ Việt nam đều ở nông thôn nên nạn chảy máu giới trẻ càng nghiêm trọng hơn. Nhiều giáo xứ, giới trẻ ồ ạt kéo đi thành phố, để lại sau lưng toàn người già và trẻ con.

 

 

 

B. MỘT VÀI ĐỀ XUẤT MỤC VỤ

 

Dựa vào phân tích trên đây, chúng ta có thể kết luận rằng hai nguyên nhân chính tạo ra sự sút giảm người trẻ trong các sinh hoạt mục vụ, trước hết là xã hội và con người Việt Nam, cách riêng là giới trẻ, thay đổi quá nhanh; thứ đến là giới trẻ ồ ạt tiến về thành phố và các khu công nghiệp mỗi lúc một đông. Vì thế, đặt câu hỏi “cần phải làm gì để giới trẻ tham gia nhiều hơn” có nghĩa là làm thế nào để đối phó với hai hiện tượng trên đây.

 

1. TÂM LÝ MỤC VỤ PHÙ HỢP VỚI GIỚI TRẺ

 

Giới trẻ thay đổi, mục vụ cũng phải thay đổi cho phù hợp. Do tình trạng thiếu nhân sự và thiếu chuyên môn, mục vụ nhiều giáo xứ chưa thích nghi kịp với giới trẻ thời đại. Điều đầu tiên cần phải quan tâm là tâm lý lứa tuổi. Tuổi trẻ cần sôi động, mục vụ giới trẻ cũng phải linh hoạt. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị có lần đã cầm gậy mục tủ múa trước mặt giới trẻ. Cử hành lễ, giảng dạy cho thiếu nhi và giới trẻ cũng y như cho cụ ông cụ bà thì chắc chắn là không lôi cuốn được giới trẻ. Điều đó không những đúng trong cử hành mà còn đúng trong cách tổ chức các sinh hoạt dành cho giới trẻ.

 

Vì thế, để giới trẻ tham gia các sinh hoạt mục vụ nhiều hơn, điều tiên quyết là phải tạo được hấp lực. Môi trường Giáo Hội tuy không thể là nơi ồn ào huyên náo như sàn nhạc hay phim trường, nhưng phải là nơi thể hiện sức sống tươi trẻ của Đấng Phục Sinh. Người trẻ phải tìm thấy trong Giáo Hội một cái gì đó không thể tìm thấy trong đời thường ngoài xã hội. Mục tiêu đó phải được đề cao trong cách tổ chức mục vụ của cộng đoàn giáo xứ. Các vị mục tử và giới hữu trách phải ý thức và phải dành cho mục vụ giới trẻ một chỗ đứng quan trọng mang tính mũi nhọn chiến lược. Phải vừa cấu tạo được một cơ chế nhân sự chuyên lo cho giới trẻ, vừa đầu tư đúng mức về tài lực và phương tiện vật chất cho mảng mục vụ này.

 

Không những chỉ là những sinh hoạt ở nhà thờ nhà xứ. Lòng hăng say nhiệt thành của giới trẻ còn đòi hỏi giới hữu trách phải tạo cơ hội thuận lợi để họ thể hiện khao khát của họ về xã hội, tha nhân và tương lai. Họ cần phải được sai vào môi trường của người nghèo, người hẩm hiu xấu số…để họ cảm thấy mình là người trẻ có khả năng cống hiến và phục vụ.

 

Giới trẻ vốn còn lại ít oi trong giáo xứ, lại không thấy cha xứ và giáo xứ quan tâm, không tìm được khuôn mặt lãnh tụ nào có khả năng đồng hành với họ thì điểu đương nhiên sẽ đến là họ càng lúc càng xa lạ đối với những sinh hoạt trong giáo xứ.

 

2. LINH ĐẠO CHO GIỚI TRẺ

 

Hai khát vọng căn bản nhất của con người là khẳng định được nhân vị của mình và tìm được tình yêu đích thực. Hai khát vọng này thể hiện cách mãnh liệt nhất nơi người tuổi trẻ. Đối lại những chuyện bề ngoài hào nhoáng thoáng qua, mục vụ giới trẻ phải đáp ứng được hai nhu cầu chiều sâu này. Điều cần phải lưu ý là tuy tuổi trẻ muốn khẳng định chính mình, đặc tính của người trẻ là họ rất muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hướng dẫn của người khác. Chúng ta thấy rõ nét điều đó trong các cộng đoàn, nhất là trong quân đội. Họ tuân lệnh cách dễ dàng.

 

Tuổi trẻ luôn có thần tượng. Bằng chứng là họ thích in hình thần tượng trên áo; họ xin chữ ký và cuồng nhiệt đón tiếp người họ hâm mộ. Qua thái độ đó, cùng một lúc họ vừa đi tìm căn cước cho riêng mình vừa muốn được yêu thương. Nói cách khác họ muốn là thần tượng và muốn được mọi người ngưỡng mộ như thần tượng của họ.

 

duc_giao_hoang_benedicto_xivĐiều chắc chắn là một lúc nào đó, họ sẽ thất vọng vì họ không tìm thấy thần tượng, không tìm thấy chính mình và tình yêu đích thật trong cuộc sống. Đức Giáo Hoàng Benêđitô XVI, trong cuộc gặp gỡ giới trẻ giáo phận Sulmona-Valva chiều Chúa nhật 4-7-2010, gọi đó là “bóng tối che mờ chân trời cuộc sống của họ: đó là các vấn đề cụ thể ngăn cản họ nhìn tương lai với sự lạc quan thanh thản; nhưng cũng có các giá tri giả tạo và các mô thức ảo tưởng hứa hẹn làm đầy cuộc sống, nhưng lại khiến cho cuộc sống trở thành trống rỗng”.

 

Vì thê Giáo Hội cần phải có những người hướng dẫn họ. Giáo Hội phải là thành trì để bảo vệ họ khỏi bóng tối của thế gian (x. Gc 1, 27). Sứ mệnh của Giáo Hội là làm thế nào để giới trẻ có thể xác tín rằng Chúa Giêsu là thần tượng duy nhất và trên hết, Đấng mà “muôn vật phải bái quỳ” (Phil 2, 10), và từ đó họ ý thức trách nhiệm làm chứng cho Chúa giữa lòng đời (CV 2, 46-47). Một trong điều cốt yếu của mục vụ giới trẻ là làm sao hướng họ về những mục tiêu cao thượng, giúp họ ý thức rằng họ là “niềm hy vọng của Giáo Hội và của thế giới” (trích diễn từ ra mắt của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị XVI ngày 22-10-1978).

 

Chúng ta thường có thói quen đồng hoá Giáo Hội với Giáo sĩ và nam nữ tu sĩ. Đúng ra phải nghĩ Giáo Hội là chính chúng ta. Nghĩa vụ của Giáo Hội đối với giới trẻ cũng là sứ mệnh của mỗi người và của tất cả mỗi người chúng ta.

 

3. THÍCH NGHI MÔI TRƯỜNG

 

Phải có tâm lý mục vụ, phải đáp ứng được khát vọng sâu xa của người trẻ. Nhưng nếu giáo xứ vắng bóng người trẻ như chúng ta đã nêu ra trong phần nói về đô thị hoá và nông nghiệp hoá trên đây thì sao ?

 

Thật ra đây là một thực tế chúng ta phải nhìn nhận : rất nhiều người trẻ di dân sau khi ổn định công ăn việc làm, thường tìm cách định cư trên quê hương mới. Nếu họ có trở lại xứ quê, cũng chỉ là để thăm viếng người thân. Cũng có những người trở lại làng cũ. Nhưng thường khi trở lại, họ phải lo toan chuyện gia đình con cái, không còn thì giờ để tham gia việc mục vụ nữa.

 

Còn giới trẻ sinh viên học sinh đi học xa nhà, họ cũng ít khi trở lại giáo xứ quê hương. Học hành đỗ đạt rồi, họ tìm công ăn việc làm tại đô thị. Rốt cuộc quê hương càng thêm vắng người trẻ.

 

Trong tình hình đó, mục vụ cho giới trẻ không thể là mục vụ đối địa mà phải là mục vụ đối nhân. Nếu hiện tượng di dân mỗi lúc một rộng lớn, giải pháp tối ưu là trang bị cho người trẻ những món hành trang cần thiết để họ lên đường. Nhiều cha xứ than phiền rằng huấn luyện giáo lý viên và ca trưởng là những hoạt động tốn kém nhưng lại không hiệu quả, vì sau khi thụ huấn, họ bỏ xứ đi làm ăn xa, không còn phục vụ giáo xứ được nữa.

 

Quan niệm đó xem ra thực tế nhưng có phần chật hẹp. Khi không thể giữ người trẻ được nữa, vấn đề không phải ngồi nguyền rủa bóng tối, nhưng là chuẩn bị hành trang cho họ vào đời. Phải huấn luyện họ thế nào để dù đi bất kỳ đâu, họ vẫn phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân và tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ nơi họ hiện diện. Đó cũng chính là điều mà Hội đồng Giám mục Việt nam đã kêu gọi trong thư chung 2007 về “Gia đình, Giáo dục và Đức Tin”, theo đó, người di dân cần xem giáo xứ tạm cư như giáo xứ của mình và mục tử cũng như đồng đạo địa phương phải hết lòng giúp đỡ di dân để họ hội nhập (số 23).

 

KẾT LUẬN

Thế giới này phải thay đổi. Sứ mệnh đó thuộc về giới trẻ”. Đó là lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Sydney năm 2008. Giới trẻ chỉ có thể thực hiện được điều đó khi mọi người chúng ta biết tạo điều kiện thuận lợi cho họ.

Nguồn tin: internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây