Hai mặt của một vấn đề luôn là mối ưu tư của các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ và toàn xã hội khi phải đối mặt với những phương tiện truyền thông hiện đại mới nổi lên trong vài thập kỷ qua. Internet, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động… nếu biết sử dụng đúng cách sẽ giúp ích con người rất nhiều trong việc học tập, nghiên cứu và loan truyền thông tin, ngược lại, nó sẽ sẽ là công cụ phá hoại môi trường xã hội bằng tính cách nặc danh và nhanh chóng khó có thể kiểm soát.
Với internet, một trong những ứng dụng được các nhà kinh doanh khai thác để kiếm những khoản lợi nhuận kếch sù chính là game online. Thoạt nhìn, người ta cứ tưởng đó chỉ là những trò chơi trực tuyến giải trí cho khuây khỏa sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi, một công cụ để xả stress có ích cho cuộc sống bon chen. Nhưng sự thật không đơn giản như thế, với công nghệ tân tiến, bằng những giao diện hấp dẫn, các nhà làm game đã đánh vào thị hiếu người chơi bằng những trò chơi nhập vai với cảnh vật như thật, những hoạt động bạo lực, tự do, phóng khoáng làm cho người chơi được thỏa mãn tính tò mò, cũng như được tự do muốn làm gì thì làm nhằm khẳng định địa vị, đẳng cấp trong không gian ảo. Từ đó, các “game thủ” bị cuốn hút vào vòng xoáy của những ảo ảnh mà không màng đến thực tại, một thứ nghiện ngập làm thay đổi nhân cách, đời sống con người gây tác hạn đến gia đình, xã hội.
Làm sao để có thể “cắt cơn” và giúp các bạn trẻ đang nghiện game online thoát khỏi thế giới ảo, trở về với cuộc sống hiện thực? Làm thế nào để hướng con em sử dụng Internet vào mục đích hiệu quả hơn trong học tập, công việc cũng như cho cuộc sống? Làm gì có thể giúp họ tìm lại giá trị bản thân, xác định mục đích và niềm vui lớn hơn game online? Hôm thứ Bảy 04/12/2010, Chương Trình Chuyên Đề Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã giải đáp những câu hỏi trên qua thuyết trình của cha FX. Nguyễn Minh Thiệu, Dòng Don Bosco với đề tài: “CAI NGHIỆN GAME ONLINE”. Cha là người đã được đào tạo tại Rôma về đạo đức truyền thông và đã dấn thân đồng hành cùng giới trẻ trong các khóa đào tạo huấn nghệ của Dòng Don Bosco. Bằng nhiệt tình của mình, qua những buổi thuyết trình về các đề tài truyền thông nơi các giáo xứ, các tổ chức của Giáo Hội, ngài muốn cùng Giáo Hội đóng góp những giải pháp hữu hiệu, thiết thực, hợp với Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội trước những vấn đề nảy sinh từ thời đại kỹ thuật số.
Nghiện game online là một vấn đề đang được xã hội Việt Nam quan tâm trong những năm gần đây khi những hậu quả của nó nảy sinh như trốn học, trộm cắp, cướp của, giết người… Người nghiện game thay đổi nhân cách, đời sống và có những nguy hiểm cho gia đình, cho cộng đồng xã hội. Trong thực tế, báo chí viết nhiều về game online như là một hiện tượng xã hội, cả trên diễn đàn Quốc Hội cũng đặt vấn đề rất mạnh mẽ nhưng hoàn toàn chưa có nghiên cứu nghiêm chỉnh về mức độ tác hại của nó. Hiện nay, người ta chỉ phản ánh hiện tượng, còn ảnh hưởng, tác động đến người nghiện game chưa được phân tích và đưa ra giải pháp hữu hiệu, triệt để. Vào tháng Mười vừa qua, cuộc khảo sát xã hội về dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online) của Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam lại do một doanh nghiệp về Game Online tài trợ nên kết quả nghiên cứu đưa ra không thuyết phục, bị công chúng và các nhà giáo dục phản đối. Theo kết quả, 90.4% thanh thiếu niên chơi game online (10-15 tuổi chiếm 26,3%; 16-20 tuổi chiếm 42,1%; 21-25 tuổi chiếm 22%) trong số 27,3 triệu người đang sử dụng Internet tại Việt Nam (số liệu cuối tháng 11/2010).
Nếu chỉ tính 5,2% có từ 3 biểu hiện nghiện trở lên trong số những người chơi game online, thì đây cũng là con số kinh khủng. Để cai nghiện game online, hiện nay chưa có bất kỳ định hướng rõ ràng, cả trên thế giới chuyện cai nghiện cũng còn hiếm, thông tin về cai nghiện chỉ có ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh. Hồi tháng 11 vừa qua, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam đã phải mở lại lớp cai nghiện game online sau hai năm tạm ngưng do lượng phụ huynh gọi điện thoại đến yêu cầu trung tâm mở lại lớp quá nhiều. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, cắt cơn nghiện về thể lý, tâm lý chứ chưa triệt để trong vấn đề nhận thức.
Trong vô vàn sách của nhiều lĩnh vực, hiếm hoi chỉ mới có hai cuốn sách nói về nghiện Internet do các bác sĩ viết đã lâu, còn những người khác trong lĩnh vực giáo dục sao vẫn chưa nói gì về vấn đề nghiện game? Giáo Hội có đề cập đến điều này không? Sứ điệp Đại Hội Dân Chúa vừa qua không đề cập về vấn đề truyền thông, xem ra truyền thông không ảnh hưởng đến Giáo Hội? Trong chương trình dạy giáo lý hiện nay, vấn đề nhân bản đã được đề cập và nhấn mạnh rất nhiều, thì việc giáo dục sử dụng các phương tiện truyền thông có cần thiết để bảo vệ nhân bản của các em thiếu nhi hay không? Khi đặt ra những câu hỏi như thế là để biết nghiện game đang ở mức độ nào của tầm nhìn giáo dục, vì khi nói đến cai nghiện game nghĩa là cần cai nghiện từ trong nhận thức chứ không chỉ là cắt cơn, theo nghĩa nhân bản người nghiện đã thay đổi nhận thức hoàn toàn về đời sống xung quanh.
Căn nguyên sâu xa của nghiện game online có thể kể đến bối cảnh của thời đại @, nơi đó phương tiện truyền thông đang ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống con người thời đại. Ngày nay, truyền thông xã hội là rất cần thiết của cuộc sống, nó không chỉ giản lược vào việc dùng các phương tiện, thực vậy, nó đã trở thành một tác nhân rất mạnh mẽ cổ xuý và truyền bá những lối sống và thái độ cá nhân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, cần biết rằng phương tiện truyền thông không chỉ là những sản phẩm của do trí tuệ con người nhưng còn là những hồng ân lớn lao của Thiên Chúa ban cho con người. Vì vậy, cần trang bị cho mình những tiêu chuẩn để sử dụng đúng và chọn lựa đúng các phương tiện truyền thông để nó được sử dụng phục vụ con người và thăng tiến phẩm giá con người.
Một trong những phương tiện truyền thông đại chúng và hiện đại là Internet. Internet là một thứ truyền thông đa phương tiện kết hợp cả ba ngành truyền thông đã có: báo chí, tivi, radio và hơn thế nữa, nó không bị giới hạn bởi địa lý, hoàn cảnh phát triển, chiến tranh, chính trị, xã hội. Internet đã hình thành một thực tại ảo của mối tương quan con người hay còn gọi là một xã hội ảo.
Những phương tiện truyền thông xã hội tạo nên một nền văn hóa kỹ thuật số, được diễn tả qua những giá trị, những lối suy nghĩ, những phong cách sống riêng biệt. Đó là nền văn hóa cao tốc với phương pháp giao diện là phương thế hành động giữa con người và chiếc máy, nó đang tạo nên những thái độ và não trạng mới. Nền văn hóa mới trình bày một nhãn quan rộng mở về thực tại, nó là văn hóa của giác quan chứ không phải là tư duy và nhận thức. Người ta bị ngập chìm trong đại dương của mọi thứ chân lý được tuyên bố là tuyệt đối mà hậu quả là dễ dàng dẫn tới chủ nghĩa tương đối, thậm chí những giá trị về phẩm giá con người, của tình yêu bị chà đạp, xem rẻ. Nó là một văn hóa giả định mọi người đều trưởng thành, nó không kính trọng sự phát triển tiến hóa của nhân vị, và để cho cá nhân trách nhiệm đối với những chọn lựa của họ.
Trong thời đại @, có nhiều hấp lực về vật chất, quyền lực và cả cám dỗ muốn loại trừ Thiên Chúa, trong đời sống con người. Về vật chất, lợi nhuận là tiêu chuẩn hàng đầu của các nhà kinh doanh truyền thông xã hội. Tại Việt Nam, hiện đang có 40 triệu người trẻ là đối tượng khai thác kinh tế của ngành công nghệ thông tin. Cám dỗ kinh tế ấy đã khiến cho các nhà đầu tư lao vào làm ăn mà bất chấp thủ đoạn, gây tác hại trên đời sống đạo đức của con người. Người trẻ cùng bị lôi cuốn vào thế giới đề cao vật chất hay thoả mãn những nhu cầu xác thịt. Với 76 game online đang lưu hành, 18 công ty kinh doanh game online, doanh thu của các công ty sẽ lớn cỡ nào?
Một trong những hấp lực trong game online là được khẳng định chính mình qua những thành tích, thăng cấp, chiến lợi phẩm từ những cuộc chém giết đối thủ, nơi mà người ta không còn phân biệt tội lỗi của chuyện giết người. Người chơi hóa thân hay nhập vai trong hình ảnh của “một siêu nhân” trong cuộc chơi. Chính nhờ tính cách và khả năng mà người chơi tự tạo ảo ảnh của mình trong trò chơi đã khiến “người chơi thành đồ chơi”, biến “cuộc chơi thành cuộc sống”. Vì thế, người nghiện game online hầu như bị lôi cuốn bởi giác quan, không còn thời gian để suy nghĩ điều tốt, điều xấu, điều hay, điều dở. Các game online luôn tạo ra sự hấp dẫn, kích thích sự tò mò, để thỏa mãn nhu cầu cá nhân là sự tự do, khẳng định bản thân của người chơi. Do sự hấp dẫn mà người chơi quên cả ăn, quên cả ngủ, quên hết tất cả mọi sự, mọi nhu cầu của bản thân nên chuyện học, chuyện làm bị bỏ bê, mọi tương quan với con người bị lãng quên. Nói về truyền thông xã hội, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cảnh báo: “Thật đáng buồn biết bao nếu ước muốn nâng đỡ và phát triển tình bạn on-line (qua internet) MÀ ĐÁNH MẤT TÌNH YÊU GIA ĐÌNH”, và người nghiện game đã đánh mất tất cả quanh mình.
Trong không gian ảo mọi sự đều được san bằng, không phân biệt tuổi tác, không gian, thời gian, bằng cấp... Các giá trị của đời sống con người được đặt ngang nhau nên người ta không còn nhận thức phẩm giá thiêng liêng của con người. Mọi cái đều tương đối, kể cả Lời Chúa hay Thiên Chúa. Họ cũng có thể tuyệt đối hóa chính mình và thần tượng hóa những hình ảnh mà mình tạo ra, chẳng hạn họ có thể cưới nhau trên mạng, họ có thể cùng sống chung trên mạng...
Đi tìm nguyên do nghiện game online có thể kể đến là sự thiếu giáo dục từ gia đình, từ đó bậc thang giá trị đạo đức không có, người chơi game không phân biệt được phải trái, tốt xấu, hay dở. Khả năng tự giáo dục, tự quản, tự chế của họ không được huấn luyện khi không có mặt cha mẹ. Kiến thức cơ bản trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, khả năng đánh giá, phê bình và chọn lựa thông tin của họ cũng khiếm khuyết.
Người nghiện game có nhiều thời gian rảnh, nhưng không biết cách sử dụng thời gian cho đúng với những đòi hỏi khác nhau của những bổn phận làm người và vì thế khi vào mạng thật khó định mức cho thời gian.
Thiếu không gian lành mạnh cũng là một nguyên nhân làm người trẻ nghiện game, cha mẹ bận bịu với công ăn việc làm, không quan tâm đến nhà cửa làm cho gia đình trống vắng, ở nhà không có người lớn tạo thuận lợi cho người trẻ tìm đến game. Giới trẻ thiếu sân chơi, thiếu nơi giải trí lành mạnh, thiếu người đồng hành và tổ chức giải trí cũng đẩy họ vào con đường nghiện game.
Áp lực học hành, gặp thất bại mà không biết giải quyết hoặc không có người để chia sẻ, muốn tìm nơi an toàn, muốn giải quyết nỗi cô đơn, muốn có một mối tương quan, muốn khẳng định mình là ai cũng là những con đường để người trẻ tìm đến game. Bên cạnh đó, hấp lực của đồng tiền do chơi game thắng bằng tiền đã kích thích người chơi muốn làm giàu mà không cần vốn, làm giàu mà không cần bằng cấp, làm giàu trong tích tắc, tìm kiếm được nhiều thứ, nhanh, rẻ.
Người chơi cũng bị thu hút vào game khi họ muốn tìm kiếm cái mới về tài liệu, kỹ thuật hay hấp lực của hình ảnh, nhất là hình ảnh và các dịch vụ khiêu dâm để thoả mãn tính tò mò mà không bị dòm ngó hay phát hiện. Người nghiện game còn bị cảm giác tự do ảo, muốn tìm cái gì cũng có và tìm thật dễ mà không bị ai giám sát, muốn nói gì, cho gì mà không sợ trách nhiệm, muốn mình thế nào cũng được. Với tương quan bình đẳng rộng mở dường như vô tận được tìm kiếm dễ dàng và lựa chọn tùy ý, người chơi game đã hóa thân và nhập vai vào các nhân vật trong game để ban phát tình cảm một cách vô trách nhiệm theo kiểu tình cho không biếu không.
Với những nguyên nhân như nêu trên, tác hại của game online trong đời sống con người đã ảnh hưởng đến tâm lý, thể lý, đến nhận thức các giá trị đạo đức, nhân cách con người làm cho tương quan con người và tâm linh hoàn toàn mất đi, làm xáo trộn sâu xa về bản chất con người. Các bạn trẻ, nhất là trẻ em một khi vô tình đã nghiện game online, khí chất các em sẽ dễ trở nên hung hăng hơn, thường tỏ ra dễ dàng xung đột với người lớn và học hành giảm sút. Họ luôn bị ám ảnh bởi game, mất khả năng thực hiện những nhiệm vụ bình thường hằng ngày, mất khả năng tự kiểm soát, mọi sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn, cảm thấy bồn chồn sốt ruột khi không được lên mạng, chơi game…
Theo các bác sĩ và các nhà tâm lý, người nghiện game còn bị lệch lạc trong nhận thức về sinh lý, nhận thức lệch lạc về không gian tính dục và có thể dẫn đến sai lệch về hành vi tính dục. Về thể lý, có thể rối loạn thị giác vì chơi game, có thể tử vong do suy tim mạch hoặc vỡ mạch máu não. Về tâm lý, càng nghiện game càng stress do quá tập trung vào trò chơi. Do cuộc sống bị xáo trộn, họ càng ít giao tiếp với bên ngoài sẽ càng trở nên cô độc, và vì vậy dẫn đến trầm cảm, có thể hủy hoại bản thân, thậm chí tự tử. Khi nghiện game, họ có thể bị dẫn đến kiểu hành xử nhầm lẫn giữa đời sống thực tại và những tình huống ảo, xa rời thực tế khiến họ bỏ nhà đi bụi, kết thân với những "anh hùng hảo hán" như trong game.
Suy đồi đạo đức là hậu quả tất yếu của nghiện game khi tần suất phạm tội giống như trong các games bạo lực ngày càng gia tăng trong xã hội hôm nay, đó là những hành vi giết người chỉ vì kiếm tiền chơi game hay phản ứng thái quá khi bị người thân ngăn cản không cho tiếp xúc với game.
Trước thực trạng nhức nhối nơi mặt trái của thời đại kỹ thuật số, cần có những giải pháp mang tính toàn diện để đáp lại lời kêu gọi “Hãy cứu lấy hàng triệu người trẻ trước khi quá muộn” tại Việt Nam. Trước tiên, các bậc cha mẹ, các nhà giáo cần chung tay góp sức để đề phòng, phòng tránh những môi trường dễ đưa đến việc nghiện game. Cần tạo môi trường an toàn cho người trẻ, đó là gia đình, bạn bè, nhà trường, môi trường giải trí, trong đó bầu khí gia đình rất quan trọng. Trong gia đình, nên lưu ý vị trí đặt máy tính nối mạng, sao cho có thể thường xuyên giám sát việc sử dụng internet của con trẻ. Cha mẹ phải trang bị thông tin và kiến thức về việc sử dụng các phương tiện truyềng thông xã hội để có thể cài đặt các chương trình ngăn chặn web xấu và kiểm tra những địa chỉ con em truy cập.
Quan tâm đến con cái là điều hết sức cần thiết qua việc kiểm tra Thời khóa biểu và hiện diện thân tình, liên tục với con cái. Xác định rõ ràng về lý tưởng sống, trang bị cho con em những kiến thức đạo đức hầu phân biệt đâu là tốt lành ngay chính, đâu là xấu xa để chúng có chọn lựa đúng đắn. Cũng chính vì sự quan tâm mà cha mẹ có thể phát hiện kịp thời những biểu hiện khác lạ nơi con em trong việc sử dụng tiền bạc, thời gian, tính khí thay đổi, kết quả học tập sút kém.
Với những người đã sa vào nghiện ngập game online, cần nhận thức rõ đó là căn bệnh thời đại, để cảm thông với họ và có phương pháp chữa lành mang tính toàn diện, chứ không phải đe nẹt, quát mắng hay buông xuôi. Để tránh được cơn nghiện game, cần cách ly khỏi môi trường nguy hiểm nhưng không phải là môi trường đóng kín và lạnh lùng như nhà tù. Đừng gây cho chúng tâm lý như là tội phạm vì thực sự chúng chỉ bị trục trặc về nhận thức. Ngược lại, môi trường đó phải mang tính gia đình, chẳng hạn như môi trường nội trú để học văn hóa, nghề nghiệp là tốt nhất.
Cần có một chương trình sống hài hoà giữa học hành, làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ và giải trí đối với trẻ, nơi đó có sự đồng hành liên tục và thân tình của các nhà giáo dục như cha mẹ, thầy cô và các chuyên viên tâm lý, hướng nghiệp, bạn tốt là điều hết sức quan trọng. Vì đây là sự chữa trị về mặt nhận thức của người nghiện game nên chìa khóa của sự biến đổi tâm hồn con người chính là: tình thương mến, kiên nhẫn, tín nhiệm, biết lắng nghe con trẻ. Đối với người Công Giáo, đừng quên các phương thế chữa lành nội tâm là hướng dẫn thiêng liêng, cầu nguyện, các Bí Tích, nhất là Bí Tích Hoà Giải và Thánh Thể.
Để tránh sốc cho người nghiện, nên giảm dần thời gian tiếp xúc với game với sự trao đổi và phân tích cái tốt, cái xấu của game bằng sự nhẫn nại của người đồng hành. Bên cạnh đó, cần gia tăng các hình thức giải trí có tính cộng đồng, chơi trò chơi tập thể để giáo dục tương tác. Cuối cùng, cần hướng trẻ đến một lý tưởng cao đẹp, chính điều này mới cứu giữ được lâu bền tránh việc tái nghiện.
Trung tâm cai nghiện cũng cần thiết nhưng không phải tất cả mọi người nghiện đều chấp nhận đến đó và nếu không thay đổi trong gia đình nơi cách sống, cách nhận thức, cách giáo dục con cái, tình yêu đối với con cái thì vẫn không cai được. Quan trọng nhất vẫn là môi trường gia đình, và đây là một tiến trình dài để giúp trẻ trở lại với môi trường sống bình thường trong bầu khí yêu thương, tôn trọng.
Qua vấn nạn nghiện game online, một câu hỏi được đặt ra như là lời nhắc nhở đối với các bậc cha mẹ: “Nếu bạn không muốn cho con bạn đến trường một mình thì tại sao bạn lại liều lĩnh để con một mình đi vào thế giới ảo của Internet?”.