Cuộc sống có nhiều thay đổi từ vật chất đến tinh thần, vì thế con người cũng có nhiều thay đổi, nhất là cách sống và cách quan niệm về những giá trị cuộc sống. Giới trẻ ngày nay, không phải họ không biết quý những giá trị cao đẹp, nhưng sống trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường, họ khó đứng vững được trước những thay đổi chóng mặt đó. Họ đang chạy theo những giá trị vật chất, những thứ đảm bảo cho một cuộc sống thoải mái hơn về tiện nghi. Vì xu thế đó, nên họ không có thời gian để thưởng thức những giá trị tinh thần cao đẹp như những liều thuốc an thần. Thay vào đó, họ cứ lao đầu vào dòng đời ngược xuôi tốc độ, cạnh tranh. Trong thời đại này, ai bình chân người đó sẽ chết đói, có người ta thường cho rằng “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”; nếu cứ sống một cách lương thiện thì áo chẳng có mà mặc ấm, cơm chẳng có mà ăn cho no, phương chi là ăn sung mặc sướng. Sống trong nhịp độ của âm thanh sống động, tốc độ nhanh chóng, yêu cuồng sống vội, mì ăn liền thì con người dễ rơi vào tình trạng “khủng hoảng về tinh thần” hay stress. Sự xuất hiện của nhiều trung tâm tư vấn, nhiều trang tư vấn trên các báo chí, nhiều chương trình tư vấn trên các sóng truyền thanh truyền hình, cho thấy nhu cầu xả những khúc mắc trong tâm hồn là rất lớn. Cuộc sống càng văn minh hiện đại bao nhiều thì hình như con người càng làm nô lệ cho nhiều thứ chán nản, thất vọng. Chán nản thì tìm đến với rượu bia, xì ke ma tuý, thuốc lắc, ăn chơi trác táng…
Giới trẻ ngày nay, không phải là họ không muốn sống cho ra người; hơn bao giờ hết, cơn khát làm một người lương thiện cháy âm ỉ trong tâm khảm của họ. Điều này được thể hiện trong việc họ say mê học tập: học ngoại ngữ, học vi tính, học các môn nghệ thuật; trong việc họ say mê với công việc. Suốt ngày họ phải lo để có kiến thức, để có tiền tiêu xài, để có phương tiện sử dụng, để cho bằng bạn bè. Nhịp sống hiện đại đã biến họ thành những con người máy, chỉ biết làm theo một trình tự đã được lập sẵn. Con người mất hết cảm thức về cái đẹp, về cách thưởng thức những nét đẹp nghệ thuật cũng như những nét đẹp nơi thiên nhiên.
4.1. Tự do cá nhân
Thế giới đã đi vào một giai đoạn được đánh giá là tự do hơn, dân chủ hơn và nhân quyền hơn, Việt Nam đất nước chúng ta trong xu thế hội nhập, cũng không thể tránh khỏi được quy luật biến đổi đó được. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuất hiện những cụm từ “Hội nhập chứ không hoà tan”, “Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, nắm bắt những tinh hoa văn hoá và văn minh nhân loại có chọn lựa”. Khi thực hiện chính sách mở cửa, thì nhà nước ta vẫn chưa ý thức được những yếu tố quan trọng. Vì thế, sau gần 20 năm đất nước mở cửa, tuy đã có nhiều thay đổi: người dân có mức sống cao hơn, dân trí được nâng lên… nhưng vẫn còn nhiều vẫn đề chưa được giải quyết đúng múc; hơn nữa, sự mở cửa đã kéo theo nhiều hiện tượng xã hội đáng lo ngại. “Sự tự do là một trong những con đường rắc rối mà thanh niên lẫn lộn như là chuyện bịa đặt ra”.[8]
Tự do là một điều quý đối với con người. Đọc lịch sử nhân loại, ta thấy con người mọi thời đấu tranh vì cái tự do đó. Đấu tranh để được sống một cách tự do. Cá nhân đấu tranh vì một cuộc sống có tương quan chủ thể với nhân loại. Tổ quốc đấu tranh để có nền độc lập, tự chủ. Xưa con người đấu tranh để được cái quyền sống, còn ngày nay, con người đấu tranh để có quyền được học hành, đi lại, quyền được sống với những giá trị mà mình thích. Nhưng hình như con người ngày nay, đặc biệt là giới trẻ hơi lạm dụng tự do để làm những chuyện phi đạo đức. Và họ đã hiểu sai cái tự do đó, tự do không phải là làm những gì mình thích, tự do phải là tự do như một giá trị để đảm bảo hạnh phúc của mình và của người khác. Nói như Jean Cocteau: “Cái thảm kịch của thanh niên, chính là thanh niên bị đặt vào tình trạng không thể không vâng lời vì sự tự do quá đáng”.[9]
Không phải ngày nay thanh niên mới chống đối kỷ luật. Trong mọi thời đại, người trưởng thành đều đua nhau phàn nàn điều đó. Socrate đã nói rõ ràng thanh niên trong thời đại của ông khinh chê quyền bính và thiếu kính trọng đối với người trên.
Nhưng mà ta nên biết rằng, ngày nay tinh thần độc lập xuất hiện sớm hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hơi cấm đoán là đã thấy thanh niên phẫn nộ. Hết mọi quy tắc đều làm họ bực tức như là chạm đến quyền tự quyết của họ.
Họ ham thích được độc lập một cách thái quá: Bằng chứng là những câu trả lời trong những cuộc điều tra.
“Một lý tưởng phải không? Phần tôi, tôi có một lý tưởng là được độc lập và thực hiện hết mọi ý muốn của tôi” (Nữ sinh viên). “Tôi tìm một sự độc lập tuyệt đối, tôi muốn tôi là thầy tôi” (Nữ sinh viên).[10]
4.2. Thích sống tự lập hơn về kinh tế
Xã hội nông nghiệp nông thôn ngày xưa, tất cả tài sản của một gia đình là mấy sào ruộng và con trâu kéo cày, mọi người đều lao động và để thóc lúa làm của chung. Cuộc sống đó, mọi thành viên đều phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Nền kinh tế đó chủ yếu là tự cung tự cấp, nên nhu cầu dành tiền riêng là rất ít, có thể nói là không có. Nhưng ngày nay thì không còn như thế nữa. Mọi thành viên trong gia đình, mỗi người đều phải thủ sẵn ít tiền khi đi đường hay cho những chuyện riêng tư. Con người ngày nay, nhất là giới trẻ, nhu cầu kiếm tiền là một nhu cầu cấp thiết. Khi họ đã học xong hết chương trình phổ thông rồi, hoặc nếu có điều kiện thì học tiếp, hoặc là đi làm, chứ họ không thể ngồi đó ăn bám cha mẹ mãi được và cha mẹ cũng không thể chu cấp tiếp cho các nhu cầu của con cái. Vì thế, nhu cầu kiếm việc làm và trau dồi nghề nghiệp đã nảy sinh nơi giới trẻ ngay khi họ đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi họ đã đi làm thì cũng đồng nghĩa với việc họ thích sống độc lập về kinh tế. Họ tự kiếm tiền và tự trang trải lấy những chi tiêu. Đó là một tình hình rất thực tế ngày nay.
4.3. Thích “hơn người”
Giới trẻ hôm nay thích “hơn người” nhiều cái như trong tình yêu, trong công việc, đặc biệt nhất là trong cách thể hiện “life style”. Đua đòi hình như là một cái mốt không thể thiếu được đối với họ. Không bằng bạn bằng người là cảm thấy khó chịu rồi, “thua trời một vạn không bằng thua bạn một li”. Người ta vẫn thường nói lớp trẻ ngày nay sống rất công tử, lúc nào cũng muốn thể hiện mình là “ta đây”, là tay biết “ăn chơi”…
Thích “hơn người” là một điều tự nhiên nơi con người, nhất là nơi những người trẻ. Vì thích “hơn người”, nên họ phải cố gắng nhiều để cho hơn người. Họ say mê học tập, say sưa tập thể dục. Họ chăm chú làm việc để kiếm thật nhiều tiền mà mua sắm. Khi đã mua sắm đủ thứ rồi, thì họ lại tìm cách làm sao cho thiên hạ thấy mình là tay biết ăn chơi: làm sao cho bộ dạng của mình tiều tuỵ như mất ăn mất ngủ, phải suy nghĩ nhiều…
4.4. Thích sống thử
Chưa có thời nào như thời này, kể từ những năm 60 của thế kỷ XX, thanh niên thích sống thử trước hôn nhân. Đây là hiện tượng lan rộng, buổi đầu là ở các nước Âu Mỹ, rồi lan rộng ra khắp thế giới. Hiện tượng này có thực sự ảnh hưởng đến tiến trình phát triển xã hội không? Điều này thật khó trả lời, nhưng trước mắt nó có ảnh hưởng đến nhân cách con người và sự bền vững của gia đình. Sống thử là hiện tượng thanh niên nam nữ, chưa có giao ước hôn nhân, mà đã sống với nhau như vợ chồng. Trong quá trình sống với nhau, nếu hai người am hợp nhau thì sẽ tiến đến hôn nhân, bằng không thì đường ai người nấy đi. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì nền đạo đức con người sẽ bị tha hóa trầm trọng và tương lai của nhân loại không biết sẽ như thế nào!
Như chúng ta đều biết, gia đình là nền tảng của xã hội, nhưng nếu một khi nền tảng đó mà lung lay thì xã hội làm sao đứng vững được. Mà nền tảng gia đình lại được xây dựng trên những giá trị, trước hết là yêu thương và tôn trọng nhau giữa hai người yêu nhau, sau là đến các thành viên trong gia đình. Hai người là cột trụ của gia đình mà không ý thức được vai trò của mình thì làm sao mà ý thức được gánh nặng của gia đình. Ngày nay, có nhiều gia đình sụp đổ cũng chỉ bắt nguồn từ quan điểm của hai người nam nữ. Họ cứ nghĩ rằng sống thử là một điều đảm bảo cho hạnh phúc tương lai lâu dài. Nhưng thực tế thì lại ngược lại, những cặp nào mà có quan niệm như thế thì đời sống đó chẳng bao lâu sau sẽ rơi vào tình trạng đổ vỡ. III. NHỮNG CĂN BỆNH CỦA GIỚI TRẺ HÔM NAY
1. Thần tượng hoá Giới trẻ hôm nay sống như chênh vênh bên vực thẳm. Họ dễ thu hút vào những trò chơi điên cuồng. Họ không lấy gì làm lý tưởng cho đời mình, mà cứ sùng bái những nhân vật nổi tiếng thế giới. Hiện tượng thần tượng hoá những nhân vật phim ảnh, thể thao không phải là ít. Giới trẻ tôn ai lên làm thần tượng cho mình không phải vì những nhân đức trổi vượt của người đó, mà có khi chỉ vì thần tượng đó sống khác người. Điều này chúng ta sẽ rất dễ thấy nơi người trẻ hôm nay khi thấy họ ăn mặc, đi đứng, thể hiện giống như những nhân vật mà họ sùng mộ.
Trong một bài hát của danh ca Jahonny Halliday, một thời được lớp trẻ xem như là thần tượng sáng chói, có những lời ca như sau: Người ta gọi tôi là thần tượng của tuổi trẻ, và có nhiều người ước mơ địa vị của tôi. Nhưng họ không hiểu rằng trong cuộc đời tôi đã nhiều khi cảm thấy cô đơn. [1]
Do đâu lại có hiện tượng thần tượng những nhân vật như thế nơi người trẻ? Có lẽ nguyên nhân là vì họ luôn sống trong khát vọng được nổi tiếng, được khác người; nhưng nguyên nhân sâu nhất là vì sự thiếu lý tưởng sống, thiếu mục đích sống nơi họ. Họ luôn sống trong cô đơn và chán chường, trong khi đó, những nhân vật mà họ sùng mộ thì được nhiều người ngưỡng mộ, ca tụng. Họ tìm một thần tượng nào đó là nhằm để bù đắp những trống vắng, những cái thiếu nơi cuộc sống của mình.
Sự kiện là những thần minh mới đã thay thế cho những vị thần chết. Một thanh niên Pháp đã ghi lại một cách chua cay: “Dân chúng tìm thần tượng, họ tìm được những thần tượng, họ cần phải có, như là Brigitte Bardot, Anquetil, Francois Sagan”. [2]
2. Stress Cuộc sống hiện đại đã lấy đi khỏi đời sống người ta sự thư thái và an bình, thay vào đó là những lo âu, những dằn vặt, những chán chường, những mệt mỏi, nói chung là stress. “Stress” trở thành căn bệnh trầm trọng của xã hội. Có nhiều nguyên nhân đưa đến stress, theo Giáo sư Đặng Phương Kiệt thì có 3 nguyên nhân chính: khủng hoảng tài chính, bùng nổ dân cư đô thị và tình trạng kinh tế xã hội thấp kém. [3] Lứa tuổi dễ stress nhất là thanh thiếu niên. Họ dễ bị stress như khi đứng trước những khó khăn gặp phải trong cuộc sống gia đình, học tập, nghề nghiệp, yêu đương. Stress là nguyên nhân làm cho thanh thiếu niên rơi vào tình trạng phạm pháp. Thực tế cho ta thấy rằng tỉ lệ thanh thiếu niên phạm pháp ngày càng gia tăng: “Stress tâm lý xã hội có liên quan đến tội phạm thanh thiếu niên theo nhiều cách, chứ không phải do bản chất như ta nghĩ trước đây. Stress đang diễn ra trong tuổi thanh thiếu niên dễ thúc đẩy hành động phạm tội”. [4]
Stress là căn bệnh tâm lý rất nguy hiểm đối với cuộc sống của giới thanh thiếu niên. Tình trạng sống trong stress dẫn đưa người trẻ tới:
Tâm trạng buồn chán, sợ hãi, cô đơn, cảm thức về sự bỏ rời, về sự yếu hèn, về một cuộc sống đầy những ganh ghét tị hiềm, về một nhu cầu thoát ly thường trực, đó là tất cả tâm trạng nổi bật ở trong một tầng lớp trẻ ngày nay. Vì thế, người ta không mấy ngạc nhiên về cuộc sống thụ động của lớp trẻ này. Họ đã kéo lê ngày giờ trong quán cà phê, say mê âm nhạc, thuốc hút, rượu mạnh, tình ái tạm bợ, tất cả điều này cho họ ảo tưởng về một cuộc sống có những cảm thông để mà tạm thời lãng quên thực trạng âu lo của tâm hồn mình. [5]
3. Thiếu thời gian Giới trẻ ngày nay hầu như luôn sống trong tình trạng thiếu thời gian. Họ luôn sống trong sự vội vàng. Vội vàng ăn uống, vội vàng học tập, vội vàng trong công việc, vội vàng trong cách đi đứng, vội vàng trong yêu đương và vội vàng trong cách kiếm tiền. Lúc nào họ cũng phải sống cho nhanh, kiểu “fast food”. Sống thiếu thời gian cũng có nghĩa là sống một cách không ý thức những giá trị mà mình đang theo đuổi. Tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời. Nhưng lứa tuổi này đang sống như những người tuổi đà xế bóng – đang vội vã sắp xếp cho những công việc cuối cùng của đời mình.
4. Không có khoảng trống để hồi tâm Để sống được trong xã hội hôm nay, con người đòi hỏi phải nỗ lực nhiều mới có chỗ đứng trong xã hội. Cuộc sống hôm nay có nhiều nhu cầu tiêu thụ. Có những nhu cầu quan trọng như nhu cầu kiếm tiền. Kiếm tiền là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hôm nay, như người ta thường nói “có tiền mua tiên cũng được”, “tiền là sức bật của tuổi trẻ”. Bên cạnh đó, đời sống con người cũng bị chi phối bởi nhiều hoàn cảnh. Người ta kiếm nhiều tiền để làm gì? Phải chăng là để gửi ngân hàng? Không phải. Khi đã có tiền rồi thì lại nảy sinh nhiều vấn đề khác. Tiêu khiển như xem phim ảnh, du hí như đi du lịch đây đó… Hầu như con người ngày nay đặc biệt là giới trẻ không có thời gian để hồi tâm suy nghĩ. Vì thế, cuộc sống của họ cho dù có nhiều tiền, nhiều thứ để chơi, nhiều thứ để hưởng nhưng lại không biết thưởng thức cho đúng. Họ chỉ biết hưởng mà không biết giá trị của nó. Có thể nói, cuộc sống của họ thiếu chiều sâu. THAY LỜI KẾT
Để phát triển xã hội bền vững, những nhà giáo dục, những người có trách nhiệm phải có một hướng đi đúng đắn cho thế hệ trẻ hôm nay. Trong giá trị đạo đức, cần định hướng cho họ để họ có một lý tưởng sống, để họ biết xây dựng cuộc sống trên những giá trị cao đẹp.
Trong tâm thức của con người già – trẻ, đang tồn tại những sai lệch cần điều chỉnh. Thứ nhất, những người già cả cần có cái nhìn đúng và thông cảm hơn đối với người trẻ, cần đồng hành với giới trẻ trong những khó khăn của họ. Thứ hai, những người có trách nhiệm cần đi sát với thực tế của cuộc sống hiện tại của giới trẻ để có một hướng dẫn rõ ràng và cụ thể hơn. Chúng ta cần nhìn vào tình hình thực tế để cảnh giác hơn đối với những cạm bẫy đang cám dỗ giới trẻ lao vào, như nhà báo Lưu Đình Triều, khi đọc xong cuốn sách “Sài Gòn by night, những hồi chuông cảnh báo” đã phát biểu: “Là một sự nhắc nhở. Nhắc cha, nhắc mẹ, nhắc anh chị, nhắc nhà trường, nhắc đoàn thể đừng lơ là, mất đi sự cảnh giác đối với những cạm bẫy đang giăng chờ con em, học sinh mình… Hãy ngăn chặn cái xấu từ xa, trước khi nó hình thành và phát triển”. (Cù Mai Công, Sài Gòn by night, tr. 120).
Tất cả toàn xã hội cần làm nhiều hơn nữa để giáo dục một thế hệ trẻ có nhân cách, có lý tưởng sống để tự học có thể đứng vững được trước mọi thách thức của thời cuộc.
Thanh niên là một lứa tuổi thật đẹp đẽ với một nhân cách bắt đầu định hình nhưng vẫn còn mong manh, chưa thật sự trưởng thành. Vì chưa trải đời, thiếu kinh nghiệm sống nên bạn trẻ thường nóng vội trong những phán đoán và quyết định, trong đó có cả những vấn đề của tình yêu đôi lứa. Họ thật sự cần được giúp đỡ để không sa vào những hành động dại dột. [6]
Cuối cùng, để phát triển một xã hội bền vững thì cần phải quan tâm đến những giá trị đạo đức, nhất là cần áp dụng những giá trị mới vào việc đào tạo thế hệ trẻ, vì họ là rường cột của xã hội trong tương lai. Chúng tôi xin được mượn lời của Đức Gioan Phaolô II để kết thúc bài tiểu luận này:
“Thách đố của chúng ta là làm sao đưa ra những giá trị mới và những phương thức hữu hiệu hơn để ‘đảm bảo một toàn cầu hoá mà không có tình trạng loại trừ. Đây đích thực là một trách nhiệm của công bằng, bao hàm những liên hệ đạo đức rõ rệt trong tổ chức đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá và chính trị của các quốc gia” (Gioan Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày Hoà bình Thế giới, 1998, số 3).