Bản chất nhân quả trong đạo Chúa

Thứ ba - 27/09/2011 07:46
Tại hội thảo bàn tròn về “ Tôn giáo và tự do” nhà thần học giải phóng Leonardo Boff hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma = Thưa ngài tôn giáo nào tốt nhất và đã được trả lời “ Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”

BẢN CHẤT NHÂN QUẢ TRONG ĐẠO CHÚA


Tại hội thảo bàn tròn về “ Tôn giáo và tự do” nhà thần học giải phóng Leonardo Boff hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma = Thưa ngài tôn giáo nào tốt nhất và đã được trả lời “ Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn” ( Nguồn Thegioivohinh.com ).

Nếu chúng ta dừng lại và thỏa mãn với câu trả lời này thì tất nhiên sẽ không sao tránh khỏi những bấtđồng sâu xa về chính bản chất của tôn giáo cũng tức là về Đấng Tối Cao. Thật vậy, cùng là đối tượng tôn thờ thế nhưng với Hồi Giáo thì người ta gọi Đấng Tối Cao ấy là Thánh Allah. Do Thái giáo là Đức Giehova, Ấn Độ giáo là Brahman. Công Giáo là Thiên Chúa. Nho giáo gọi là Thiên Chủ. Còn dân gian Việt Nam là Ông Trời, là Ngọc Hoàng Thượng Đế v.v…Mỗi tôn giáo, mỗi dân tộc đều có cho mình những…Đấng Tối Cao” khác biệt và điều này chẳng những đưa đến bất đồng sâu xa về mặt tư tưởng mà như đã và đang thấy đó là những cuộc chiến tranh tương tàn khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại. Mặt khác chẳng những các tôn giáo gây ra các cuộc chiến với nhau mà ngay trong cùng một tôn giáo cũng bị phân hóa đánh giết nhau không thương tiếc. Người Hồi giáo Shiai giết người Hồi giáo Sunny. Người Công giáo chiến tranh với người Tin Lành v.v..Tất nhiên tôn giáo nào cũng cho là mình nắm được chân lý tối thượng. Phải có như thế thì người ta mới thóa mạ, đánh giết nhau chứ nếu biết nhìn nhận người khác thì đâu thể như vậy ?

Cho chỉ có mình đúng, còn người khác sai đó là tất cả nguyên nhân đưa đến mọi xung đột, bất đồng. Sự xung đột diễn ra trong khắp mọi lãnh vực từ chính trị cho đến tôn giáo, thế nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được nó nếu chỉ phân tích trên khía cạnh hiện tượng mà không đi sâu vào bản chất. Có thể nói sự bất đồng là bản chất của con người bởi vì sự bất đồng ấy chính là ý thức phân biệt. Bao lâu còn khởi ý thức phân biệt thì con người còn bất đồng. Ý thức phân biệt này Kinh Thánh gọi đích danh nó là tội phân biệt mà Giehova Thiên Chúa đã cấm “ Một mai ngươi ăn thì ắt phải chết” ( St 2, 17 ). Phân biệt là tội mà nguyên tổ đã phạm để rồi lưu truyền cho cháu con muôn đời là chúng ta đây. Tội này bởi không nhận biết thế nên phạm mà không biết mình phạm. Các nhà thần học giải phóng như Boff nói riêng và mọi thứ duy lý nói chung đều vướng phải tội này nhưng tuyệt nhiên không hề hay biết. Bị huyền chức vì chống lại Huấn Quyền để rồi từ đó Boff quay ra chống phá bêu riếu giáo hội “ Kinh nghiệm cá nhân tôi có vẻ quyền bính trong lãnh vực giáo thuyết ( Huấn Quyền ) trong hai mươi năm qua tôi có thể tóm tắt lại như sau = nó độc ác và không thương xót. Nó chẳng quên gì cả, chẳng tha thứ gì cả” ( Tb Cg&Dt số…8…)Rất đáng tiếc nhưng cũng chẳng có gì ngạc nhiên vào năm 1984 khi bị triệu qua Roma, ông ta đã được tháp tùng bởi hai hồng y Brazin cùng dòng ( Phanxico) là Paulo Arns Tgm Sao Paulo và Aloiso Lorscheider Tgm Fortaleza mang theo năm mươi ngàn lá thư ủng hộ ( Nguồn Lời giới thiệu của Lm N.H. Giáo Tb Cg&Dt đã dẫn ).

Cũng trong lời giới thiệu hết sức trân trọng này, Leonardo Boff còn được trích lại lời tuyên bố “ Tôi đổi đường chứ không đổi hướng đi. Tôi không rời trận chiến, tôi đổi chiến hào” Nên nhớ Giáo Hội là Dân Riêng Thiên Chúa, là Hiền Thê Đức Kito chứ không phải chiến hào chiến lũy gì cả. Cái gọi là chiến hào của Boffr cũng như của Thần học giải phóng là gì, chính ông ta cho biết nó thế này =” Những động cơ đã biến đổi cuộc đời tôi vẫn không lay chuyển = đó là chiến đấu cho Nước Chúa đang bắt đầu giữa người nghèo, niềm cảm thông với những nỗi đau khổ của thế giới này, sự dấn thân cho cuộc giải phóng những người bị áp bức và tình âu yếm đối với mỗi tạo vật đã được dựng nên..” ( Nguồn Tb Cg&Dt đã dẫn ).

Những danh từ như cảm thông với nỗi đau khổ của thế giới, dấn thân cho cuộc giải phóng người bị áp bức….nghe rõ thật là kêu nhưng hoàn toàn rỗng tuếch…nếu biết rằng sau khi hoàn tục ông ta đã ..vớ ngay lấy cô thư ký riêng làm vợ và sống một cuộc sống chỉ toàn là cay đắng, ra công ra sức chống phá giáo hội bấy lâu đã cưu mang. Có lẽ chỉ có một lời khiến ông ta có vẻ..tâm đắc khi nói rằng mình …âu yếm với mỗi tạo vật đã được Tạo Hóa sinh ra. Tuy nhiên, rất tiếc là Boff đã chỉ âu yếm duy chỉ một tạo vật..nữ thư ký ?Đang khi đó chỉ có một đối tượng cần phải yêu thương trên hết đó là Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng nên mình “ Có luật sĩ kia muốn thử Chúa Giesu bằng cách nêu câu hỏi = thưa Thầy tôi phải làm chi để có được sự sống đời đời ? Ngài hỏi lại người ấy rằng = Trong Sách Luật có chép điều gì, ngươi đọc thấy gì ? Người ấy thưa = ngươi hãy hết lòng hết linh hồn, hết sức hết ý chí mà thương yêu Chúa là Đức Chúa ngươi và thương yêu kẻ lân cận như mình. Chúa đáp = ngươi nói đúng, hãy thực hiện điều đó thì sẽ sống” ( Lc 10, 25 -28 ).Vị luật sĩ kia tỏ ra cũng thông hiểu Kinh Thánh, điều ấy chính Chúa Giesu công nhận là tốt. Thế nhưng ngay liền đó Ngài nói với ông ta “ Hãy thực hành điều đó để được sống”. Thông thạo Kinh Thánh là cần thế nhưng điều được gọi là..thông ấy chẳng có chi là..thông nếu không thực hành giới răn yêu thương. Tại sao ? Bởi vì bất cứ cái gì cũng phải có nhân thì mới có quả, mặt khác nhân nào thì quả đó. Cát sỏi không bao giờ có thể nấu thành cơm, có tạo nhân lành thì mới được quả lành. Không tạo nhân lành mà lại muốn có quả lành thì không đời nào có. Chúa khen vị luật sĩ nhưng bảo phải thực hiện giới răn yêu thương có nghĩa phải tạo lấy cho mình một cái nhân thiện lành tối hảo thì mới có được sự sống đời đời.

Tôn giáo không phải triết học nhưng hoàn toàn cũng không phải con đường đấu tranh chính trị. Sự lựa chọn sai lầm của Boff cũng như của thần học giải phóng chính là ở chỗ đã chọn con đường đấu tranh thay cho giới răn yêu thương. Với khẳng định “ Tôi đổi đường nhưng không đổi hướng đi. Tôi không rời trận chiến, tôi đổi chiến hào” ( Thư ngỏ ) đã cho chúng ta thấy cả cái gọi là đường cũng như hướng của ông ta đều không phải con đường của Giáo Hội cũng như của Đức Kito và thực chất đó chỉ là cái việc từ bỏ con đường tạo lập nhân yêu thương để bước vào con đường đối kháng hận thù. Nhân nào thì quả ấy “ Cứ xem bông trái họ mà các ngươi nhận biết họ, nào có ai hái trái nho nơi bụi gai hay trái vả nơi đám găng bao giờ không ?” ( Mt 7, 16 ). Gây nhân lành để hưởng quả lành, con đường Đạo Chúa đã có ngay từ thuở ban sơ.

I/- CON ĐƯỜNG TẠO LẬP NHÂN LÀNH

Câu trả lời của đức Đạt Lai Lạt Ma dường như có hai phần = tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa ta đến gần Đấng Tối Cao, mặt khác là biến ta thành con người tốt hơn. Nhưng suy cho cùng thì chỉ còn một, có nghĩa bất cứ tôn giáo nào có thể đưa đến gần Đấng Tối Cao thì cũng làm cho con người trở nên tốt, nên hoàn thiện. Dẫu vậy vấn đề quan trọng ở chỗ cần phân biệt Đấng Tối Cao ấy là Đấng nào ? nếu đó là thứ Thần linh ngoại tại dù ẩn dưới bất cứ một danh xưng nào như Giehova, Thượng đế Thiên Chúa, Brahman hay Thánh Allah v.v…thì chẳng bao giờ con người có thể đến gần được. Tại sao ? Bởi chưng tất cả đó chỉ là sự cố chấp của con người cho một khái niệm mà khái niệm thì hoàn toàn không phải thực tại. Có khái niệm về Nước Mỹ không phải là đã biết Nước Mỹ. Chỉ khi nào sống ở nước ấy mới có thể biết được Nước Mỹ như thực tại nó là. Không biết mà lại cứ nghĩ, cứ cho, cứ tưởng rằng ( que je pense ) mình biết để rồi ra sức bảo vệ đấu tranh cho cái sự biết ấy thực chất đó chỉ là sự cố chấp. Sự cố chấp ấy diễn ra trong khắp mọi lãnh vực. Với chính trị đó là cố chấp vào ý thức hệ, cũng vì ý thức hệ đó mà đưa đến độc tài độc đảng v.v…Chủ nghĩa CS là một ý hệ, thần học giải phóng mang danh tôn giáo cũng là ý hệ…Cố chấp trong tôn giáo đưa đến cuồng tín, hệ quả của cuồng tín là chiến tranh tôn giáo, là khủng bố, là đánh bom liều chết để được lên …Thiên đường v.v.. và v.v…Cố chấp trong chính trị thì còn có cơ thay đổi như là đòi hỏi của thực tế, cònđối với tôn giáo thì vô phương bởi vì nó núp dưới danh nghĩa của lòng tin.

Lòng tin thì không thể áp đặt, trái lại nó là một sự ưng thuận nhưng ưng thuận ấy không phải là vô điều kiện. Tin mà không có kèm theo điều kiện đó là mù quáng là mê tín. Lòng tin trong đạo Chúa là có điều kiện = Apraham tổ phụ của những kẻ tin nhưng luôn đòi điều kiện. Thiên Chúa hứa ban đất Canaan và lập tức ông đặt câu hỏi = Lạy Chúa Giehova , bởi cớ chi tôi biết rằng tôi sẽ được xứ này làm cơ nghiệp” ( St 15, 8 ). Đức Maria chỉ Xin Vâng sau khi nghe sứ thần Gabriel giải thích và đưa ra chứng cớ cụ thể ( lc 1, 26 -38).

Đức tin chỉ khởi phát và triển nở để trở thành chánh tín khi nào con người thực hiện những điều kiện kèm theo nó và chính Thiên Chúa đã chủ động đưa ra điều kiện bằng cách ký kết giao ước với con người “ vậy nên phải nhận biết rằng Đức Chúa là ĐCT thành tín giữ sự giao ước nhân từ đến muôn ngàn đời cho những ai yêu mến Ngài, vâng giữ các giới răn của Ngài và Ngài báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ghét Ngài mà hủy diệt chúng nó đi” ( Đnl 7, 9 -10). Giao Ước hay giao kèo, đó là những cam kết cần thực hiện giữa hai bên. Sự thực hiện hay không thực hiện cũng đều là những cái nhân. Gây tạo nhân nào thì sẽ có quả đó. Những ai yêu mến và vâng giữ giới răn thì sẽ nhận được sự nhân từ vô song của Thiên Chúa. Trái lại nếu ghét bỏ, từ chối Ngài thì sẽ bị hủy diệt. Nhân quả là một định luật xảy ra cho khắp cả thiên nhiên vạn vật nhưng đặc biệt với con người bởi vì là loài có ý thức nên nó có tự do trong việc làm lành lánh dữ. Nói tự do nhưng tự do ấy con người chỉ có được khi biết sống tuân theo luật trời ( Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong) Tuân luật trời thì sống, trái lại thì chết, định luật này là bất di bất dịch trong bất cứ không gian thời gian nào nhưng thực tế cho thấy con người luôn vi phạm tức không sống theo luật trời. Muốn sống luật trời thì trước hết cần phải ..tin có Trời. Không tin Trời thì làm sao sống luật Trời ? Vấn đề có Trời hay không có Trời hiểu như một tác nhân liên hệ với con người từ lâu đã được đặt ra cho cả Đông lẫn Tây. Bên Đông chúng ta thấy có Tuân Tử, một đại Nho đã phủ nhận sự liên hệ ấy “ Thiên hành hữu thường, bất vị Nghiêu tồn, bất vị kiệt vong. Ứng chi dĩ trị tắc cát, ứng chi dĩ loạn tắc hung” ( Việc làm của Trời có đạo thường, không vì vua Nghiêu mà Đạo ấy còn. Không vì vua Kiệt mà Đạo ấy mất. Lấy sự trị mà đối phó với Đạo ấy thì lành. Lấy sự loạn mà đối phó với Đạo ấy thì dữ - T.T. Kim Nho Giáo quyển thượng ).

Tuân Tử bác bỏ liên hệ giữa Trời và người không phải không tin có Trời, nhưng là ông phủ nhận Trời như Đấng Thần linh hữu ngã có thể tự tung tự tác ban ơn giáng họa. Sự phủ nhận Đấng Tối Cao dù được hiểu như đấng thần linh hay nguyên lý triết học cũng khiến cho niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa bị sụpđổ. Trả lời câu hỏi của báo Paris Match = Kỷ nguyên hậu Kito giáo có nghĩa là Kito giáo Công Giáo phải chăng đã chấm dứt cùng lúc với loan báo của cách đây vài chục năm = Thiên Chúa đã chết ? Emil Poulat cho biết = cái chết của Thiên Chúa hãy dành cho Nietzsche ( 1844 – 1900) hình ảnh ấn tượng này. Tôi thích nói rằng chúng ta ít nhất là các nước gọi là phát triển của chúng ta đã bước từ một thế giới đầy Thiên Chúa sang một thế giới ra khỏi Thiên Chúa. Trước đây Thiên Chúa có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội cũng như trong đời sống thường nhật. Còn nay thì trong các nước của chúng ta không còn như thế nữa” ( ns Cg&Dt số 0 tháng 12/1994 ). Không như thế nữa có nghĩa không còn tin có Thiên Chúa. Âu châu ngày nay chẳng những không tin mà còn căm ghét Thiên Chúa đến cùng cực. Họ đã và đang làm tất cả những gì có thể để nói lên sự thù ghét ấy bằng cách cổ võ cho việc phá thai, ly dị, ra luật công nhận hôn nhân đồng tính v.v…

Gây nhân thì phải lãnh quả, việc ấy đã đành nhưng điều tệ hại không phải ở việc làm những điều tội lỗi xấu xa đó nhưng ở chỗ người ta không biết rằng thù nghịch với Thiên Chúa chính là thù nghịch với mình, bởi chưng Thiên Chúa Đấng tự hữu Hằng Hữu ấy chẳng ở đâu xa ngoài tâm hồn của mỗi người “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là đạo đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu ngươi nhận Giẽsu là Cứu Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Cv 10, 8 -9 ).

Yêu hay ghét là hai cái nhân đưa đến hai kết quả hoàn toàn khác nhau nhưng có cùng đối tượng duy nhất là Đấng Chúa ở nơi mình. Nói cách khác việc yêu ghét ấy tất cả đều do Tâm, yêu do Tâm mà ghét cũng do Tâm. Bản chất của Đạo Chúa được xây dựng dựa trên nền tảng nhân quả nhưng để tạo lập được cái nhân tối hảo là lòng yêu mến Thiên Chúa Đấng ở nơi mình ấy thì không có một con đường nào khác là tín thác vào Chúa Giesu như chính Ngài đã xác nhận “ Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( ga 14, 6 ).

II/- CON ĐƯỜNG GIESU

 

Ngay từ thuở ban sơ Đạo Chúa, giới răn yêu thương đã được nhắc nhở như là điều ghi xương khắc cốt “ Ngươi phải hết lòng hết ý hết sức kính mến Giehova ĐCT ngươi. Các lời Ta truyền cho ngươi hôm nay sẽ ở lại trong lòng ngươi. Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cháu ngươi và phải nói đến hoặc lúc ngươi nằm hay ngồi trong nhà hoặc khi đi ngoài đường hoặc lúc ngươi nằm hay khi chỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí. Cũng phải viết các lời đó trên cột, trên cửa nhà ngươi. Khi Giehova ĐCT ngươi đã dẫn ngươi vào XỨ mà Ngài đã thề cùng tổ phụ ngươi là Apraham Ysaac và Giacop đặng ban cho ngươi khiến ngươi lấy được những thành lớn và tốt mà ngươi không có xây cất. Những nhà đầy đủ các thứ của mà ngươi không có sắm. Cây nho và cây ô liu mà ngươi không có trồng. Khi ngươi ăn và được no nê khá giữ lấy mình kẻo ngươi quên Đức Giehova là đấng đã đem ngươi ra khỏi đất Ai Cập tức ra khỏi nhà nô lệ” ( Đnl 6, 5 -12 ).

Làm bất cứ công việc gì, dù là đạo hay đời nhất thiết cũng cần phải nhận ra cái mục đích của nó. Yêu thương là giới răn quan trọng bậc nhất, chính Đức Kito cũng đã trưng dẫn Kinh Thánh để trả lời cho người Pharisieu về giới luật yêu thương này “ Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý chí mà thương yêu Chúa là ĐCT ngươi. Ấy là điều răn lớn và đầu nhất” ( Mt 22, 34 -40).Giới răn đòi buộc phải yêu thương Thiên Chúa hết lòng, thế nhưng tại sao lại phải yêu và yêu như thế để làm gì ? Nếu hiểu Thiên Chúa Đấng Tối Cao ấy như là một thứ Thần linh ngoại tại hay một nguyên lý triết học thì giới răn yêu thương của Đạo Chúa trở thành vô nghĩa, làm sao và cần gì chúng ta phải yêu thương một thứ khái niệm ? Thiên Chúa tuyệt nhiên không phải khái niệm nhưng là một thực tại sống động “ Ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).Sự sống ở đây là Sự Sống Đời Đời, đồng thời cũng là XỨ, là Chốn Nghỉ Ngơi Đời Đời mà Thiên Chúa đã hứa cho các tổ phụ, là Nước Trời mầu nhiệm mà Đức Kito rao giảng. Nước Trời ấy “ Không phải bởi tay con người làm ra nghĩa là không thuộc cõi thọ tạo này” ( Dt 9, 11 -12 ). Bất cứ cái chi do con người làm ra cũng phải có lúc tan rã, chỉ có ngì do bởi Thiên Chúa thì mới vững bền đời đời. Tính chất vững bền của Nước hằng Sống ấy cũng được sách ĐNL vừa trích dẫn nói đến một cách đầy hình tượng khi ta vào được XỨ đã hứa “ Khiến ngươi lấy được những thành lớn mà ngươi không xây cất. Những nhà đầy đủ các thứ của mà ngươi không sắm sửa. Các giếng mà ngươi không có đào. Những cây ô liu, cây nho mà ngươi không có trồng v..v..

Để có thể vào được Xứ sở không do tay con người làm ra ấy thì cần phải nhờ vào công nghiệp của Đức Kito để gây tạo cho mình một cái nhân tuyệt đối tức là yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết ý chí…Con người do nơi ảnh hưởng của tội nguyên tổ là tội phân biệt thế nên tâm nó luôn hướng chiều về tạo vật để cầu tìm hạnh phúc cho mình. Đang khi đó Thiên Chúa là một Thực Tại Tâm Ngài như một Người Cha nhân lành lúc nào cũng mong mỏi chờ đón những đứa con lưu lạc trở về ( Lc 15, 11 -32). Đức Kito xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời, tất cả cũng không ngoài mục đích để cho chúng ta biết đàng trở về với Thiên Chúa Bản Thể Tình yêu ở nơi mình ( TC là Tình Yêu 1Ga 4, 8) ở nơi mình. Làm cho trở về với Thiên Chúa Tình yêu ở nơi mình, điều ấy duy chỉ có Đức Giesu Kito mới có thể, ngoài ra dù có là triết gia, đạo gia, Thiền sư này nọ, tất cả đều không thể, hơn nữa có thể chỉ đem đến tác hại “ Ta là người chăn tốt. Người chăn tốt vì chiên mình mà bỏ mạng sống mình. Kẻ làm thuê chẳng phải là người chăn vì đàn chiên không thuộc về nó, nó thấy muông sói đến thì bỏ chiên chạy trốn ( thỏa hiệp ) muông sói vồ lấy chiên là làm cho tan tác” ( Ga 10, 11 -12).

Chúa là Đấng đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên bởi vậy Ngài cũng đòi buộc ta phải tin yêu phó thác nơi Ngài. Đức Kito đòi buộc phải yêu thương nhưng không phải vì Ngài nhưng là vì phần rỗi của con người tức được có Thiên Chúa Ở Cùng “ Ai thương yêu Ta thì giữ đạo Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người ấy và chúng ta đều đến và lập cư với người” ( Ga 14, 23). Yêu mến tin tưởng phó thác nơi Chúa Giesu, đó là một nhân lành tuyệt hảo để vào được Nước Chúa, hưởng phúc vinh với Chúa. Thế nhưng để làm được điều này là điều rất khó nếu không biết cậy dựa vào ba cơ sở này đó là Giáo Hội, Bí Tích Thánh Thể và Đức Maria. Hãy thử xét xem nếu không ở trong giáo hội thì làm gì ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, được học giáo lý,được nghe Tin Mừng. Mà đã không được Rửa tội thì cũng chẳng được nhận các Bí Tích khác, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Không lãnh nhận BT Thánh Thể cách xứng đang thì không thể được cứu rỗi, bởi như Chúa nói “ Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có Sự Sống Đời Đời. Vì Thịt Ta thật là Của Ăn và Máu Ta thật là Của Uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu ta thì ở trong ta và Ta ở trong kẻ ấy” ( Ga 6, 55 -56)

Chúa ngự thật trong Phép Thánh Thể là tín điều buộc phải tin. Thế nhưng tin được điều này cũng lại là một điều vô cùng khó, đến nỗi mà ngay cả một số môn đệ nghe Chúa nói đã lẩm bẩm và bỏ đi “ Lời này khó, ai mà nghe lọt lỗ tai được” ( Ga 6, 60 ). Tin Chúa Giesu ngự thật trong Phép Thánh Thể là sự khó trong mọi sự khó bởi vì sự khó ấy còn do sự phá hoại của Satan, đứa lừa dối cả và thiên hạ. Lý lẽ của nó đã hoàn toàn chinh phục đức tin Công Giáo nơi Bí Tích Cực Thánh này nhất là kể từ ngày phái Duy Lý nổi lên ở Âu Châu thế kỷ 17 với nhóm Bách Khoa ( Encyclopedie ). Thời này là thời mà các thứ Duy hoành hành nào là Duy vật, Duy Tâm, Duy Lý duy đời ( Tục Hóa )nó làm cho đức tin của Giáo Hội chao đảo hòng như muốn đổ sụp. Thế nhưng chúng ta hay nói đúng hơn những người còn có đức tin chân thật, xin hãy vững lòng vì còn có Đức Maria Đấng Thông Ơn Thiên Chúa đồng thời cũng là Người Nữ đạp giập đầu rắn ( St 3, 15 ). Đức Mẹ là Đấng Thiên Chúa quan phòng đã ban cho nhân loại, Ngài sẽ chiến đấu với quỷ dữ để làm cho chúng ta biết cách Xin vâng với Giáo Hội, với đức Thánh cha và cũng hai tiếng Xin Vâng đó Ngôi Hai đã giáng trần trong lòng Đức Nữ trinh Maria thế nào thì Ngài cũng Ở Cùng chúng ta như vậy./.

Tổng số điểm của bài viết là: 59 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 4.9 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây