Ngày càng có nhiều người tìm đến với Thiền bất kể có hay không có tôn giáo- già hay trẻ- đàn ông hay đàn bà- trí thức hay dân dã bình thường. Có nhiều lí do khiến người ta tập Thiền nhưng trên hết phải kể đến là cái nhu cầu chữa bệnh và điều này hoàn toàn chính đáng nếu không muốn nói là hết sức cần thiết trong thời Công Nghiệp Hoá cao độ này- Thời mà con người hầu như không ai lại không bị nó chi phối tác động. Vừa mới đây ngày 10/10/2007 báo Tuổi Trẻ có đăng phóng sự của Dương Thế Hùng nói về kinh nghiệm của chính anh và vài ba người khác về Thiền. Cả mấy trường hợp được nêu thoạt đầu người ta chỉ nhắm đến chữa trị một thứ bệnh hoạn xác thân nào đó nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã khám phá ra điều bất ngờ. Một trong số họ đó là bà Trần Thị Hương 65 tuổi nhà ở P.12. Q. Gò Vấp, bà nói: “ Trước đây tôi hay cáu gắt, ai góp ý gì với tôi đều không được bởi tôi không thích nghe, chỉ thích nói theo ý mình. Tôi bị con cháu xa lánh hồi nào không hay. Vào học Thiền các thầy hướng dẫn phải “Soi rọi chính mình” Tôi bỗng giật mình vì từ trước tới giờ cứ tự mình làm khổ mình chứ nào phải ai đâu”
Không muốn nghe người khác mà chỉ thích nói theo ý mình- thế nên đến nỗi ngay cả cháu con cũng dần xa lánh và rồi bà ta đi đến kết luận “Rút cục chỉ tự mình làm khổ mình” Nhận thức được rằng chỉ mình làm khổ cho mình chứ chẳng phải ai khác là một bước đầu quan trọng trong việc thoát khổ. Nên nhớ tất cả mọi hành vi cử chỉ nói năng v.v đều do tư tưởng điều khiển có ý nói mới nói, có ý ăn mới ăn, đi đứng nằm ngồi viết lách…cũng vậy. Toàn bộ tư tưởng đều thông qua hai hệ thống thần kinh hữu tâm và vô tâm biểu hiện ra bên ngoài – những cảm xúc tức thời truyền ra các bắp thịt để gây ra các cử động, vui thì cười, buồn thì khóc, tức giận thì nhăn mặt nhíu mày hoặc la hét. Gặp nguy khốn thì sợ hãi co chân chạy v.v. Ngược lại khi tinh thần bị xúc cảm mà không phát lộ ra bên ngoài nó sẽ dồn nén gây nên áp lực trên các bộ phận tương ứng trong cơ thể sầu hận tức bực buồn thương sẽ luỵ vào tim và gan- lúc bình thường tim đập 70- 75 nhịp khi giận dữ tim có thể đập nhanh gấp đôi làm tăng áp lực huyết dồn máu lên bộ não quá nhiều làm cho động mạch não không chịu đựng nỗi phải bứt. Thế là tai biến, tê liệt, cấm khẩu hoặc lăn quay ra chết. Lại nữa, sự hung ác tàn bạo gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến bộ máy tiêu hoá và là nguyên nhân của những chứng bệnh bất trị về bao tử về đường ruột- ăn thịt cá tức là giết hại sinh mạng mà giết hại để lấy đó làm một thứ khoái khẩu sướng vui thì cũng chẳng khác nào nuốt oán cừu vào mình. Làm sao mà có thể thoát khỏi được những cơn đau đớn kinh hoàng của bệnh ung thư thống phong- gút này nọ? Tóm lại hễ gây nhân nào thì sẽ phải lãnh chịu quả đó, không cách gì tránh khỏi. Đức KiTô nói “Cây nào sanh trái ấy- cây tốt sanh trái tốt- cây xấu sanh trái xấu- cây tốt không thể sanh trái xấu- cây xấu cũng không thể sanh trái tốt” Mt- 7- 17- 18.
Mọi vui buồn sướng khổ cho đến chiến tranh hoà bình của từng mỗi cá nhân hay tập thể quốc gia xã hội đều tuỳ thuộc vào định luật nhân quả này. Gây ra nhân nào tất sẽ có quả đó. Gây nhân thiện lành sẽ có hạnh phúc an vui, gây nhân xấu ác sẽ gặp quả bất hạnh sầu đau. Mục đích của các tôn giáo chân chính được lập ra cốt thiết cũng là gây tạo nhân tốt cho con người- tuy nhiên lẽ nhân quả lại quá ư sâu kín mịt mờ bởi thế cho nên thật khó để mà nhận ra. Có những người cả đời làm ác mà người ta vẫn thấy họ sống trong giàu sang phú quý. Trái lại có những người hiền lành tử tế thì lại vẫn đầu tắt mặt tối- nghèo túng bệnh tật nọ kia
Nhân quả là một định luật mà đã gọi là định luật thì không bao giờ có thể sai- chạy dù một hào ly cả trong thiên nhiên vạn vật cho đến con người. Nước bị lửa đốt đến một trăm độ mới sôi. Bị lạnh tới không độ mới đông. Hạt cam chỉ sanh ra cây cam. Hạt lúa chỉ sanh ra cây lúa v.v. Mặc dầu vậy để cho nhân trở thành quả thì phải có thời gian và điều kiện. Hạt giống gieo xuống mà không đủ độ ẩm thì hạt không nứt mộng. Mộng nứt rồi mà không có ánh sáng không khí thì cũng chẳng đâm chồi, nảy lộc v.v…. Trên phương diện tinh thần thì người nào cứ mãi ấp ủ nuôi dưỡng tư tưởng tham lam, dâm dục, kiêu căng phách lối thì rồi sẽ có ngày trở thành kẻ cướp- giật- đánh chửi- chém, giết người.
Luật nhân quả sở dĩ vô cùng khó nhận biết là bởi cái nhân của nó tức là các chủng tử vô hình nằm sâu trong tiềm thức. Hay nói cách khác chính các chủng tử mới là cái quyết định cho toàn bộ hành vi của con người. Một trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đã biết khóc oa oa là bởi trong tâm của nó đã có chứa cái nhân (chủng tử) biết khóc. Thế rồi sau đó biết bú, biết cười, biết đi đứng v. v đều là do các chủng tử biết…….. ấy đã nhiều, đã trưởng thành. Chính là cái nhân biết (chủng tử) ở bên trong quyết định cho những hành vi phát lộ ra bên ngoài thế nên cái việc huân tập do việc thấy nghe cảm nhận hiểu biết (kiến văn giác tri) là hết sức quan trọng. Trong sách Tam Tự Kinh của Nho Giáo có câu “Tánh tương cận – tập tương viễn” có nghĩa tánh con người ta thì gần nhau- do tập luyện mà xa nhau. Hoàn cảnh sinh sống, giáo dục, bạn bè v.v là những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến mỗi một con người. Cái nghệ thuật quảng cáo từ lâu đã có một vai trò mang tính quyết định việc thành bại cho các doanh nghiệp chẳng qua chỉ là sự lặp đi lặp lại để in cho sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng mà người ta gọi mỉa mai là các Thượng Đế. Ví việc đọc Kinh Mân Côi với nghệ thuật quảng cáo có lẽ là điều không phải, thế nhưng xét về tính chất huân tập thì nó cũng chẳng khác gì. Chung quy tất cả cũng không ngoài triết lý “Vạn pháp duy tâm tạo” mà ra.
Vấn đề huân tập quyết định tất cả. Cứ “ huân” cái gì thì sẽ “ tập” (khởi) ra cái đó. Tuy nhiên điều quan trọng đó là phải “huân” cái chi để cho ta được hạnh phúc tối thượng? Duy Thức Học ví tâm trí ta giống như một cái kho chứa (tạng tâm) có thể chứa cả ba loại chủng tử (hạt giống) lành- ác- không lành không ác (vô ký). Hạt giống hoàn toàn thiện lành gọi là chủng tử vô lậu. Hạt giống ác và không lành không ác gọi là hữu lậu. Nhân nào thì quả ấy, như vậy chúng ta phải hết sức lưu tâm đến việc tạo nhân. Một mặt tạo nhân thì quan hệ như thế- mặt khác lại phải biết loại nhân nào cần tạo và tạo bằng cách nào. Đạo Chúa là đạo cứu rỗi đồng thời cũng là đạo trọn lành “Vậy thì các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng Trọn Lành” MT-5- 48 – Đạo Chúa là đạo trọn lành bởi vậy con đường chúng ta đi là đường xuất thế gian khác hẳn với đường lối thế gian cao tuyệt nhất cũng chỉ có thể đạt tới giới hạn đạo đức luân lý. Trái lại đường xuất thế đòi hỏi phải siêu việt luân lý- có hiểu như thế mới nhận biết được lời Chúa “Ta nói cùng các người rằng, nếu sự công chính của các người chẳng trổi vượt hơn sự công chính của các văn sĩ và người Pharisiêu thì hẳn các ngươi không thể vào được Nước Trời” MT- 5- 20- Chúa nói văn sĩ tức án chỉ các triết gia Hylạp đủ loại- còn Pharisiêu là giới trí thức Do Thái. Công chính của hai loại người này là công chính được tạo lập bởi những công việc này nọ như học hành- nghiên cứu- suy tư- lao động- tuân giữ luật lệ cũng như những tập tục luân lý truyền thống do cha ông hoặc xã hội truyền lại. Người theo đạo Chúa cần phải vượt trội hơn thứ công chính của các triết gia và trí thức Do Thái Giáo, như thế mới vào được Nước Trời bởi vì Nước Trời mà Đức Ki Tô rao giảng là nước tuy không thuộc thế gian nhưng cũng không xa khỏi thế gian. Nước ấy có mặt ngay ở đây lúc này và đó chính là TÂM VÔ PHÂN BIỆT. Khi tâm đi vào phân biệt có lớn có nhỏ- có trong có ngoài- trai gái- thiện ác- sang hèn……..thì xa khỏi Nước Trời. Trái lại khi tâm không phân biệt lúc nào thì Nước Trời hiện hữu khi ấy.
Nước Trời có ở đây ngay lúc này khi tâm ta không còn phân biệt và đây cũng chính là ý nghĩa lời Chúa khi Ngài rao giảng “Thời đã mãn. Nước Trời đã gần đến- các ngươi hãy sám hối và tin vào tin mừng” Mc 1- 15 . Sám hối là tin vào Tin Mừng của Đức Kitô là hai điều kiện tiên quyết và tối ưu quan trọng hầu cho ta có thể vào (ngộ nhập) được Nước Trời. Sám tức là ăn năn về những tội lỗi trước đã phạm = mê muội, độc ác, ganh ghét, kiêu mạn v.v đều dốc lòng chừa không dám tái phạm. Còn hối là hối hận những lỗi về sau. Từ nay về sau những khi trong tâm khởi lên những tội như là ganh tỵ, lười nhác, dâm ô, tham lam, giận hờn thì cũng phải dứt trừ ngay từ trong tâm tưởng. Phần khác phải hết lòng tin rằng lời Chúa là lời chân thật- lời Hằng sống chẳng bao giờ hư dối- Chúa đã nói “Nước Trời ở trong lòng các ngươi” Lc 17 -20 – 21 thì hãy một mực tin cùng với lòng ăn năn Sám hối và rồi nước ấy sẽ hiện tiền ngay trong cuộc sống này.
Đức tin làm nên tôn giáo, không có đức tin thì đời sống tôn giáo sẽ trở thành một thứ đạo hình thức nghèo nàn vô bổ chẳng giúp ích gì cho mình cũng như cho đời. Thế nhưng để đức tin ấy có thể sống động thì nó phải được chứng tỏ bằng việc làm “đức tin nếu không có việc làm thì nó sẽ chết” Gc 2 -17
Có ba việc thiết yếu cần làm để nuôi dưỡng và làm cho đức tin tăng trưởng đó là yêu thương phục vụ và cầu nguyện- Cả ba việc ấy cần phải thực hiện với tâm vô ngã có nghĩa không còn thấy có ta- có người trong mọi tư tưởng lời nói việc làm. Trước hết Chúa dạy về việc yêu người “Các người đã nghe phán rằng hãy yêu người thân cận và ghét kẻ thù ngịch – nhưng TA nói cùng các ngươi hãy yêu kẻ thù nghịch cùng mình và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi hầu cho các ngươi được làm con của CHA các ngươi trên Trời bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện cho người công chính cùng kẽ bất chính” Mt 5-43-45- Chúa nói “hãy yêu kẻ thù nghịch” cũng có nghĩa đừng phân biệt có ta- có người- ta là người mà người cũng là ta bởi cả hai đều là con cùng một CHA- đấng vô phân biệt. Cũng một nhẽ ấy khi ta làm việc bố thí cũng phải được thực hiện trong tinh thần không có người cho không có người nhận và cũng không có cả của để cho “Còn ngươi khi bố thí thì đừng có cho tay tả biết việc tay hữu làm hầu cho việc bố thí của ngươi được ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chổ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” Mt -6-3-4
Người thế gian nói việc gì làm việc gì cho đến cả việc cầu nguyện cũng vì mình- vì “Cái tôi” của mình và cầu- như thế sẽ không khỏi bị Chúa trách cứ là đạo đức giả hình “Khi ngươi cầu nguyện đừng như bọn giả hình vì họ ưa đứng cầu nguyện trong nhà hội và tại góc đường để cho người ta thấy- quả thật ta nói cùng các ngươi họ đã được phần thưởng của họ rồi- còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện- Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” Mt 6- 5-6.
Cầu nguyện mà đứng tại góc tường để cho người ta thấy thì chẳng thể ơn ích- Muốn cầu cho nên thì phải xoay cái tâm trở vào bên trong và Chúa ở nơi ẩn mật đó mới báo đáp cho nghĩa là có kết quả. Với việc cầu nguyện đã vậy thì yêu thương phục vụ cũng thế. Yêu thương phục vụ chỉ có thể là yêu thương phục vụ ngay với Đấng Chúa ở nơi mình. Đấng Chúa vốn ở nơi mình mà mình không yêu thương phục vụ thì không thể nói đến yêu thương phục vụ ai được.
Lý do khiến phải yêu thương phục vụ Chúa ở nơi mình bởi vì Chúa đã được sản sinh ở trong ta. Thánh Benado luận về chữ “người ấy” là MẸ TA ( Mt- 12- 50) của Đức Ki Tô như sau “bởi đức tin “người ấy” thụ thai Đấng Lời- cách thiêng liêng sinh ngài ra- nuôi ngài bằng thực hành việc thiện trong lòng mình và trong anh em. Đó là phận sự cao cả của người tín hữu = sinh hạ Thiên Chúa” (M.V Bernadot O.P- Mẹ trong đời tôi).
Cũng như xưa kia Đức Maria với tiếng XIN VÂNG ngài đã cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa thế nào thì nay chúng ta qua bí tích rửa tội cũng hoài thai con Thiên Chúa như vậy. Thiên Chúa cư ngụ ở trong ta giống như một cái mầm sống vô cùng mong manh yếu ớt và như vậy rất cần được yêu thương phục vụ. Sự yêu thương phục mà ta làm cho Chúa cũng phải được thực hiện giống như Đức Maria khi xưa đối với Chúa Giêsu bằng tất cả đức tin và lòng mến yêu chân thật. Phần khác một mầm sống cần đâm chồi nảy lộc thế nào thì Chúa Giêsu cũng phải được lớn lên trong ta như vậy.
Chăm sóc cách sao để Chúa được lớn lên mạnh mẻ trong tâm hồn mình đó phải là toàn bộ công việc sống đạo của người tín hữu. Thế nhưng làm sao mà Chúa có thể lớn mạnh được nếu chẳng có Đức Maria? Nói cách khác chỉ có Mẹ Hiền Maria mới có thể chăm sóc nuôi dưỡng Chúa Giêsu ở trong ta thôi. Mẹ dẫn đưa ta đến với các bí tích- Ngài cùng với ta lên rước lễ và cũng có thể nói Ngài vô cùng hoan hỉ gặp lại Người Con Chí Thánh của Mẹ mỗi lần ta lên rước lễ cách xứng đáng. Những khi ta âu lo phiền muộn vì xa lạc Chúa thì chính Mẹ lại nôn nã kiếm tìm Chúa cho ta.
Chúa phải được yêu thương dưỡng nuôi mới có thể lớn lên. Dẫu vậy Chúa lớn càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan ( Lc 2- 52), không phải để sống một cuộc sống bình dị hay thành đạt gì gì đó trên cỏi đời này nhưng là để đau khổ để chết cho nhân loại. Chúa biết thế và không những biết mà còn ước ao như vậy “Có một phép rửa mà mà ta phải chịu. Ta khắc khoải biết bao cho đến khi thành tựu” Lc 12 – 49 – 50. Chúa biết mà Đức Mẹ cũng biết ắt phải là như thế ngay từ khi thốt lên tiếng XIN VÂNG- Mẹ nhận lời cưu mang Chúa không phải để giữ lấy cho mình nhưng là để trao ban. Ngay khi Chúa Nhập Thể Mẹ đã vội vã lên đường tới thăm bà chị họ Isave và Gioan đã nhảy mừng ( Lc 1- 41) Chúa vừa sinh ra được mấy ngày Mẹ đã rất khiêm hạ theo luật dâng con vào đền thờ mặc dầu biết rõ rồi đây “Một thanh gươm đâm thấu tâm hồn” (Lc 2 -35)
Cũng như khi xưa Mẹ đã trao ban Chúa để nhân loại được cứu độ thế nào thì ngày nay với mỗi một người trong chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng phải trao ban Chúa đi nghĩa là thực hiện công việc cứu nhân độ thế của Người = Yêu Thương Phục Vụ./.