Là một người đã gắn bó với công tác dạy Giáo Lý cho các em bản thân con đã cảm nhận được rất nhiều những niềm vui và cũng không ít nỗi buồn
Là một người đã gắn bó với công tác dạy Giáo Lý cho các em bản thân con đã cảm nhận được rất nhiều những niềm vui và cũng không ít nỗi buồn, nỗi bức xúc trong suốt chặng đường phục vụ của mình. Khi Sr lên chương trình cho buổi chuyên đề và giao việc cho các bạn trong lớp KNS làm về đề tài: “Để nhà thờ hấp dẫn giới trẻ” và đặc biệt là mảng: “Làm thế nào để các lớp Giáo lý thu hút người trẻ?” Bên cạnh những thao thức, mong muốn của người trẻ đối với các Cha, với Giáo Hội thì con mong những người trẻ cũng nên nhìn nhận lại vai trò của mình. Nếu nghiệm lại chặng đường đã qua, mỗi người sẽ nhận ra được rằng cái mình mất đi sẽ ít hơn những gì mình nhận được.Con vui trong mỗi công việc phục vụ con làm và Nhà thờ là nơi cho con dừng chân lại mỗi khi con mệt mỏi, chồn chân trên bước hành trình sống của mình. Trong mắt bạn bè và nhiều người thì GLV chúng con là những người “khùng” vì “ăn cơm nhà rồi chuyên đi lo chuyện bao đồng”. Là một GLV chúng con “mất” nhiều lắm chứ! Mất thời gian: Chúa Nhật là ngày nghỉ ngơi, người ta có thể ngủ, có thể đi chơi, … còn GLV thì ở lì trên nhà thờ dạy Giáo lý cho thiếu nhi và làm các công tác khác. Mất tiền bạc: Giáo viên đi dạy thì có lương nhưng GLV thì không nhận được một đồng thù lao nào trái lại còn phải bỏ tiền túi ra mua quà cho các em, mua dụng cụ học tập, dẫn các em đi uống nước, …
Mất chất xám: Nếu ngoài xã hội người ta bỏ tiền ra mua chất xám thì ở đây chúng con mang cho không chất xám của mình. Chúng con phải học hỏi, trau dồi kiến thức cho mình rồi lại đem kiến thức ấy truyền đạt lại cho các em, động não suy nghĩ ra các chương trình cho các em vui chơi.
Mất tự do: Phải cố gắng sửa chữa những mặt chưa tốt của mình, vì trước khi dạy các em điều gì thì chính GLV phải sống điều đó đã. Tác phong phải chững trạc và phải từ bỏ một số sở thích của mình.
Mất đi cái tôi của mình: Bị Cha, các anh chị GLV cấp trên hay các bậc phụ huynh hiểu lầm, la mắng, trách móc, hay những mâu thuẫn nội bộ giữa các anh chị với nhau, … Chúng con phải ném bỏ cái tôi của mình đi, phải nhẫn nhịn, tha thứ và vượt qua để tiếp tục thực thi sứ mạng GLV của mình. Nếu nói “mất” nhiều thì cái “được” lại là rất rất nhiều.
Là một GLV con nhận được sự tôn trọng, yêu mến, tin tưởng của các em và của phụ huynh. Nhận được rất nhiều niềm vui và sự bình an từ các em thiếu nhi và từ những công việc phục vụ của mình. Học hỏi được rất nhiều kiến thức từ công việc, từ các em thiếu nhi và những người khác. Đối với con, nhờ các em thiếu nhi và công việc phục vụ của mình mà con đã vượt qua được những đớn đau mà tưởng chừng như có thể quật ngã mình. Và nếu TIN thì tất cả những ơn lành bạn nhận được trong cuộc sống đều xuất phát từ Tình yêu của Thiên Chúa thì những gì bạn bỏ ra để phục vụ cho Người chẳng thấm vào đâu đâu. Chính vì vậy, theo con nghĩ việc quan trọng của các Cha, các anh chị GLV đi trước là làm thế nào để giúp cho giới trẻ - các em tân GLV có được một cái tâm GLV hay nói khác đi là một niềm hăng say yêu mến phục vụ. Khi các em có được niềm yêu mến đó thì chẳng cần ai nói gì hay đòi hỏi gì, các em sẽ tự mình trau dồi và hoàn thiện bản thân mỗi ngày để trở thành một GLV chứng nhân đem Tình yêu của Chúa đến với các em thiếu nhi và các bạn trẻ.
Một vài chia sẻ của con với mọi người, đặc biệt là những bạn GLV khác. Mình hy vọng mỗi người trẻ chúng ta cùng nhau góp sức để xây dựng Giáo Hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy cùng chung tay làm giàu hơn với những nén vàng Chúa trao nhé! Tạ ơn Chúa vì đã cho chúng con diễm phúc được tham gia lớp KNS và được thay mặt các bạn trẻ nói lên tiếng nói của chúng con với Giáo Hội. Chúng con cũng cám ơn cho Hai Sư Phụ của con rất nhiều. Xin Chúa thương ban nhiều hồng ân cho những người hướng dẫn chúng con. Amen!