Lời cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và ốc đảo hòa bình
Thứ bảy - 16/06/2012 01:03
Lời cầu nguyện không chỉ là hơi thở của linh hồn, nhưng cũng còn là ốc đảo hòa bình, nơi chúng ta có thể kín múc nước dưỡng nuôi cuộc sống thiêng liêng và biến đổi sự hiện hữu của chúng ta. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 13-6-2012 trong đại thánh đường Phaolo VI.
Mở đầu bài huấn dụ về đề tài lời cầu nguyện trong các thư của thánh Phaolô, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa và việc lãnh các Bí Tích cho phép rộng mở tâm trí chúng ta cho sự hiện diện, các lời nói và hành động của Chúa. Lời cầu nguyện không chỉ là hơi thở của linh hồn, nhưng để dùng một hình ảnh, nó cũng còn là ốc đảo hòa bình, nơi chúng ta có thể kín múc nước dưỡng nuôi cuộc sống thiêng liêng và biến đổi sự hiện hữu của chúng ta. Và Thiên Chúa lôi kéo chúng ta tới với Người và làm cho chúng ta leo lên núi của sự thánh thiện, để cho chúng ta luôn luôn gần gũi Người hơn, bằng cách cống hiến cho chúng ta các ánh sáng và ủi an trên đường đời. Đây đã là kinh nghiệm sống mà thánh Phaolô kể lại trong chương 12 thư thứ II gửi tín hữu Côrintô. Trước những người phản đối sự hợp pháp trong công tác tông đồ của người thánh nhân không kể tên các cộng đoàn người đã thành lập, hay các cây số người đã rong ruổi, cũng không hạn hẹp trong việc nhắc lại các khó khăn và các chống đối người đã phải đương đầu để loan báo Tin Mừng, nhưng chỉ cho thấy tương quan của Người với Chúa, một tương quan mạnh mẽ đến mang cả đặc thái của những lúc xuất thần, chiêm ngưỡng sâu xa nữa (x. 2 Cr 12,1). Như thế thánh Phaolô không khoe khoang những điều người đã làm, sức mạnh, các hoạt động và thành công của mình, mà khoe khoang hành động, mà Thiên Chúa đã làm nơi thánh nhân và qua thánh nhân.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: thật vậy, với sự e thẹn lớn thánh Phaolô kể lại kinh nghiệm mà loài người không thể kể lại được: đó là lúc người được sống kinh nghiệm xuất thần, được đưa lên tầng trời thứ ba, bị bắt cóc vào "vườn" của Thiên Chúa trên thiên đàng. Thánh nhân không nhớ các nội dung của sự mạc khải, nhưng nhớ ngày tháng và các khung cảnh trong đó Chúa đã nắm bắt lấy thánh nhân một cách hoàn toàn, kéo thánh nhân đến với Chúa như đã làm trên đường đến thành Damasco, khi thánh nhân được ơn hoán cải (x. Pl 3,12).
Thánh Phaolô cho biết để không kiêu ngạo về sự cao cả của các mạc khải nhận lãnh, người mang trong mình "một cái gai" (2 Cr 12,7), một nỗi khổ đau và người khẩn nài Chúa Phục Sinh giải thoát người khỏi cái gai đau đớn trong xác thịt, khỏi tên được Kẻ Dữ sai đến ấy. Ba lần thánh nhân đã xin Chúa cho thử thách đó xa mình, nhưng chính trong tình trạng này, khi chiêm ngưỡng sâu xa Thiên Chúa, trong đó thánh nhân nghe được "những lời không thể nói được và không được phép nói" (c. 4), thì người nhận được câu trả lời rõ ràng của Chúa Phục Sinh: "Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ tràn đầy trong sự yếu đuối" (c. 9).
Thánh Phaolô đã hiểu là tông đồ của Tin Mừng có nghĩa là gì, vì thế người mới kêu lên: "Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh" (9b-10). Nghĩa là thánh nhân không khoe khoang các hành động của mình, mà khoe khoang sinh hoạt của Chúa Kitô hành động trong sự yếu đuối của thánh nhân... Thái độ khiêm tốn và tin tưởng sâu xa ấy trước sự biểu lộ của Thiên Chúa cũng là nền tảng đối với lời cầu nguyện và cuộc sống của chúng ta, đối với tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với các yếu đuối của chúng ta.
Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta không biết "cái gai" mà thánh Phaolô nói đến là gì, nhưng thái độ của thánh nhân làm cho chúng ta hiểu rằng mọi khó khăn trong việc theo Chúa Kitô và làm chứng cho Tin Mừng có thể được thắng vượt, khi tin tưởng rộng mở cho hoạt động của Chúa. Thánh Phaolô ý thức được người là một "đầy tớ vô dụng" (Lc 17,10). - không phải người đã làm các điều trọng đại mà là Chúa - một "chiếc bình bằng đất" (2 Cr 4,7), mà Chúa đặt để trong đó sự phong phú và quyền năng Thánh Sủng của Ngài. Đề cập tới thái độ của thánh nhân biết sống mọi biến cố, nhất là sự khổ đau, khó khăn và bách hại như thế nào, Đức Thánh Cha nói:
Trong lúc sống kinh nghiệm sự yếu đuối của mình, thì quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ. Thiên Chúa không bỏ rơi, không để một mình, nhưng trở thành sự đỡ nâng và sức mạnh... Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Chúa không giải thoát chúng ta khỏi các sự dữ, nhưng trợ giúp chúng ta trưởng thành trong các khổ đau, trong các khốn khó, trong các bách hại. Như thế đức tin nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta ở trong Thiên Chúa, "cả khi con người bên ngoài của chúng ta có suy sụp, vì có biết bao nhiêu khó khăn, nhưng con người bên trong, trái lại, được canh tân, trưởng thành từng ngày chính trong thử thách" (c.16). Thánh tông đồ thông báo cho tín hữu Côrintô và chúng ta rằng "gánh nặng mau qua nhẹ nhàng của khốn khó đem lại cho chúng ta biết bao nhiêu vinh quang. Thật thế, một cách nhân loại mà nói gánh nặng của các khó khăn không nhẹ nhưng vô cùng nặng nề; nhưng đối với tình yêu của Thiên Chúa, đối với sự cao cả được Chúa yêu, thì nó nhẹ nhàng, vì biết bao vinh quang được hưởng. Như thế, trong mức độ sự kết hiệp của chúng ta với Chúa gia tăng và lời cầu mạnh mẽ của chúng ta cũng đi vào điều nòng cốt và hiểu rằng không phải sức mạnh của các phương tiện, các nhân đức, các khả năng của chúng ta thực hiện Nước Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa làm những điều kỳ diệu qua sự yếu đuối, qua sự không thích hợp với nhiệm vụ của chúng ta...
Chỉ đức tin, việc tín thác nơi hành động của Thiên Chúa, nơi lòng lành của Thiên Chúa là Đấng không bỏ rơi chúng ta, là bảo đảm để chúng ta không làm việc uổng công. Như thế, Thánh Sủng của Chúa đã là sức mạnh đồng hành với thánh Phaolô trong các mệt nhọc lớn lao của việc loan báo Tin Mừng, và con tim của thánh nhân đã đi vào con tim của Chúa Kitô, và có khả năng dẫn người khác đến với Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Như vậy, trong lời cầu nguyện chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa để Người đến ở trong sự yếu đuối của chúng ta và biến đổi nó thành sức mạnh cho Tin Mừng. Động từ hy lạp "episkenoo" cắm lều, mà thánh Phaolô dùng để miêu tả việc Chúa ở trong sự yếu đuối của chúng ta, có ý nghĩa rất mạnh mẽ. Chúa tiếp tục cắm lều ở trong chúng ta, ở giữa chúng ta: đó là Mầu nhiệm của sự Nhập Thể.
Đề cập tới kinh nghiệm chiêm ngưỡng Thiên Chúa của thánh Phaolô cũng như của ba môn đệ trên núi Tabor Đức Thánh Cha nói:
Chiêm ngưỡng Chúa vừa hấp dẫn vừa kinh khủng: hấp dẫn bởi vì Chúa lôi kéo chúng ta đến với Ngài, và bắt cóc con tim của chúng ta lên cao, đem nó tới nơi cao, nơi chúng ta kinh nghiệm sự bình an và vẻ đẹp của tình yêu; nhưng kinh khủng vì nó phơi trần sự yếu đuối nhân loại và sự không thích hợp của chúng ta, cái khó khăn chiến thắng Kẻ Dữ quấy phá cuộc sống chúng ta, cái gai cắm vào thịt xác chúng ta. Nhưng trong việc chiêm ngưỡng Chúa hằng ngày chúng ta nhận đựơc sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa và cảm nghiệm được lời thánh Phaolô nói với tín hữu giáo đoàn Roma: "Tôi tin chắc rằng cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lái, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta" (Rm 8,38-39).
Trong một thế giới trong đó chúng ta có nguy cơ chỉ tin tưởng nơi sự hữu hiệu và sức mạnh của các phương thế nhân loại, trong thế giới này chúng ta được mời gọi tái khám phá ra và làm chứng cho quyền năng của Thiên Chúa được thông chuyền qua lời cầu nguyện; với nó chúng ta lớn lên mỗi ngày trong việc biến cuộc sống chúng ta đồng hình dạng với cuộc sống của Chúa Kitô...
Trong thế kỷ trước ông Albert Schweitzer, giải Nobel Hòa Bình, đã khẳng định rằng: "Thánh Phaolô là một nhà thần bí và không gì khác hơn là một nhà thần bí", nghĩa là một người si mê Chúa Kitô và kết hiệp với Chúa đến độ có thể nói rằng "Chúa Kitô sống trong tôi". Nhưng thánh Phaolô cũng là con người sống cuộc sống cụ thể mỗi ngày. Thần bí không làm cho thánh nhân xa rời thực tại, trái lại đã cho thánh nhân sức mạnh sống mỗi ngày cho Chúa Kitô và xây dựng Giáo Hội cho tới tận cùng của thế giới thời gian. Sự kết hiệp với Thiên Chúa không làm cho xa thế giới, nhưng trao ban cho chúng ta sức mạnh thực sự ở trong thế giới, và làm tất cả những gì phải làm cho thế giới.
Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tchèques, Slovac và Ý. Đức Thánh Cha đặc biệt chào một nhóm linh mục Slovac mừng Ngân Khánh chịu chức. Ngài cũng chào một nhóm Linh Mục thuộc giáo phận Treviso và Tortona mừng 40 năm chịu chức. Đức Thánh Cha cầu chúc các vị được nhiều ơn thánh Chúa để trung thành với những cam kết ngày thụ phong.
Chào các bạn trẻ Đức Thánh Cha nói nhiều bạn trẻ đã bắt đầu nghỉ hè, các người khác còn đang phải thi cử. Ngài xin Chúa giúp họ sống thời gian này trong sự thanh thản và được Chúa chở che. Đức Thánh Cha khích lệ các anh chị em đau yếu tin tưởng vì Thiên Chúa tiếp tục công trình cứu độ của Người nhờ các khổ đau của họ. Ngài cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới khám phá ra mầu nhiệm của Thiên Chúa Đấng ban ơn cứu rỗi cho mọi người, để tình yêu của họ luôn ngày càng đích thực, lâu bền và tiếp đón rộng mở hơn.
Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.