Phép lạ Đức Giêsu làm cho bánh hoá ra nhiều cho đám đông đang đói được ăn no nê, - với số người ăn là khoảng 5.000 đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em - , được tất cả bốn sách Tin Mừng thuật lại khá chi tiết (Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17 và Ga 6,1-14). Điều đó chứng tỏ rằng phép lạ này có một ý nghĩa đặc biệt trong sứ vụ của Chúa Giêsu.
Riêng tôi, đọc lại các bài tường thuật này trong bối cảnh những cuộc nổi dậy liên tục của quần chúng chống lại nhà cầm quyền tại một số quốc gia xưa nay có vẻ ổn định như Ai Cập, Lybi, Marốc, Giócđani, Yêmen, Syria, tôi nghĩ tới cách đối xử của Chúa Giêsu với đám đông dân chúng, rất khác với cách cư xử thường thấy nơi các chính khách và chính quyền.
Phúc Âm kể lại nhiều lần Chúa động lòng thương những con người cùng khổ và đám đông dân chúng đói khát, bệnh tật, dốt nát, bị khinh dể, bỏ rơi, bơ vơ “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34). Đám quần chúng này, chính quyền Rôma không coi họ ra gì đã đành mà ngay các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ cũng thế. Trong lúc dư luận còn chia rẽ về nguồn gốc của Đức Giêsu, thì các thượng tế và người Pharisêu sai vệ binh đi bắt Người, nhưng những người này không dám ra tay vì, họ nói, “xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy”. Bấy giờ người Pharisêu trả lời toán vệ binh một cách đầy khinh miệt: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” (Ga 7, 47-49). Nhưng chính đám dân đen đó là những kẻ đầu tiên tin vào Người, và được Người hứa cho hưởng Nước Trời. Dân chúng rần rần kéo nhau đi theo Chúa Giêsu; họ biết Người yêu thương họ, quan tâm tới họ, khác hẳn các lãnh tụ đạo đời của họ; họ ngạc nhiên và thán phục về những lời Người giảng dạy và những việc tốt lành Người làm cho họ (x. Mt 13,54 và 22,23).
Yêu mến họ, nhưng Đức Giêsu không ảo tưởng về họ, không lý tưởng hoá họ như một số nhà cách mạng và lý thuyết gia chính trị, - chẳng hạn Các Mác, Ăng-ghen và đồ đệ của hai ông. Người biết họ có nhiều tính tốt tự nhiên, nhưng họ cũng thường hời hợt, hay thay đổi, dễ bị tác động.
Được chứng kiến và hưởng thụ thoả thuê không biết cơ man nào là bánh và cá từ năm chiếc bánh và hai con cá sẵn có mà Đức Giêsu làm phép cho ra nhiều, dân chúng vô cùng phấn khích đến độ họ toan bắt Người để tôn làm vua, làm nhà lãnh đạo của họ. Nếu là một người có tham vọng chính trị thì không còn cơ hội nào thuận lợi hơn nữa để lên nắm chính quyền. Phép lạ này xảy ra ngay trước lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái (x. Ga 6,4); nếu muốn, chắc chắn Đức Giêsu đã dễ dàng dấy lên được một phong trào người ủng hộ tràn ngập thủ đô Giêrusalem. Nhưng Người đã làm gì? Ngược với sự chờ đợi của quần chúng và cả của các Tông Đồ, Người đã bỏ họ và lánh đi lên núi một mình. Người từ chối các yêu cầu của quần chúng vì muốn dẫn họ tới một vương quốc vượt xa tầm nhìn của họ và khác với vương quốc họ mơ tưởng …Người biết, rồi đây họ sẽ “thất vọng” về Người. Nhưng Đức Giêsu không hề tìm kiếm sự ủng hộ của họ như các chính khách thường làm. Khi Người chữa lành họ, viếng thăm an ủi họ hay dạy dỗ họ, Người không nhằm tạo ảnh hưởng, lôi kéo họ theo mình. Điều quan trọng nhất đối với Người là thi hành sứ mạng Chúa Cha giao phó “trong sự thật” chứ không phải là lấy lòng dân chúng. Người biết, chỉ bằng cách đó Người mới phục vụ lợi ích đích thật của họ, cho dù họ không hiểu, chưa hiểu hay không muốn …
Sau khi Đức Giêsu lẫn tránh đi lên núi một mình, dân chúng lại đi tìm, và ngay hôm sau, họ đã gặp được Người. Người nói thẳng thắn: “Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6 26-27). Với câu mở đầu này, Người dẫn họ vào một cuộc tranh luận căng thẳng chung quanh đề tài “Bánh bởi trời”, mà kết thúc là những lời xì xầm, những lời phản đối, và hơn hết là “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,66).
Đối với những nhà làm chính trị, quần chúng trước tiên không phải là một tập thể những con ngườiđể yêu mến và phục vụ, nhưng là một sức mạnh, một sức mạnh cần phải tranh thủ hay đối đầu. Chúa Giêsu đã từng dạy các môn đệ: “Anh em biết, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tới anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 25-28). Có lẽ ngày nay, ít nhà cầm quyền nào còn muốn bị coi là nắm quyền để “thống trị” dân, “cai quản” dân, nhưng trong thực chất, lời nói của Chúa vẫn đúng. Quyền bính vẫn đem lại cho họ những quyền trên nhân dân, (tính hợp pháp của những quyền đó chẳng thay đổi gì), quan hệ giữa người nắm quyền và người dân vẫn là một quan hệ trên-dưới, và đặc biệt quyền bính mang đến cho kẻ có chức có quyền những lợi thế to lớn để tha hồ khai thác làm giàu cho mình, cho gia đình và phe nhóm mình. Điều này đúng nhất trong những nước mà dân trí thấp, dân chủ kém, luật pháp không phân minh … Thực tế lịch sử cho thấy có nhiều chính khách, chính đảng hay phong trào chính trị từng tỏ ra thương dân, gần gũi dân, hy sinh lo lắng cho dân bao lâu họ chưa dành được chính quyền, nhưng sau đó, sớm muộn một hố cách biệt giữa họ và dân cũng sẽ hình thành và gia tăng với thời gian, đưa tới một thế đối lập quyền lợi ngấm ngầm hay công khai giữa đôi bên, mà nhiều khi đã kết thúc bằng đối đầu đẫm máu. Người dân cảm thấy bị lừa dối hay bị phản bội. Những cuộc nổi dậy của dân chúng ở châu Phi và châu Á gần đây đều nhằm chống lại những nhà lãnh đạo độc tài, bất công, thối nát, xa rời nhân dân, chỉ biết thu tích cho mình những tài sản kết xù… Trong những trường hợp như thế, rõ ràng quần chúng nhân dân đã bị bỏ rơi “như đoàn chiên không người chăn dắt”. Và cũng rõ ràng, nhân dân là một sức mạnh mà không nhà cầm quyền nào có thể coi thường.
Khi đưa ra mấy nhận định nói trên về quyền bính chính trị, Đức Giêsu không có ý phê phán các chính thể mà chỉ muốn bảo các môn đệ không được lấy đó làm mẫu mực. “Giữa anh em không được như thế.” Mẫu mực họ phải noi theo là chính Chúa Kitô: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Quyền bính, mọi quyền bính phải là một dịch vụ, một sự phục vụ, như người tôi tớ “hầu hạ” ông chủ mình. Mà người tôi tớ cũng chưa hẳn là mẫu mực của sự phục vụ mà Chúa muốn nói đến, vì không đầy tớ nào tự nguyện phục vụ đến hy sinh cả mạng sống cho ông chủ mình. Còn Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa đã làm người, trở nên tôi tớ của mọi người và hy sinh tính mạng cho mọi người.
Lý tưởng phục vụ như thế không thể có trong lãnh vực chính trị, nơi mà tương quan giữa người với người là một tương quan quyền lực và nơi đó chẳng ai thích làm người yếu thế. Lý tưởng phục vụ chỉ có được trong lãnh vực tình yêu và tôn giáo (khi tôn giáo lấy tình yêu làm giá trị hiện sinh tối cao). Nhưng ngay ở đó, nó vẫn chỉ là một mục tiêu để vươn tới và có thể đạt được phần nào theo những mức độ khác nhau, chứ chưa phải là một hiện thực bền vững và phổ biến như Chúa muốn.
Hơn bất cứ lãnh vực nào, quyền bính trong Giáo Hội ở mọi cấp, đều phải luôn luôn nỗ lực hướng về sự phục vụ. Các linh mục là những “nhân viên” của Giáo Hội gần với dân chúng nhất. Và họ đã được huấn luyện kỹ càng cho nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên Chúa. Nhưng thật đáng buồn là bên cạnh nhiều chủ chăn rất cởi mở, gần dân, thương dân, dễ thông cảm và sẵn sàng phục vụ dân, vẫn còn không ít những vị cư xử với giáo dân thuộc quyền như “quan” với “dân”. Khi có việc phải đến với các vị ấy, người giáo dân cảm thấy ngại ngùng, thậm chí lo sợ: sợ bị la rầy, hạch hỏi, làm khó dễ… Các vị hành xử cứng cỏi, lạnh lùng, “nguyên tắc” như những công chức hơn là những chủ chăn, hách dịch như những kẻ ban phát hơn là người phục vụ. Đó là cách cư xử của “thủ lãnh các dân” và của “người làm lớn” trong xã hội, không phải của người thay mặt Chúa đứng đầu các cộng đoàn Dân Chúa. “Giữa anh em, không được như thế!”
Nguồn tin: internet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn